Đồng Tháp tích cực hội nhập kinh tế quốc tế để phát triển bền vững
Nhằm trang bị thêm kiến thức về hội nhập kinh tế quốc tế cho lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh, các huyện, thành phố và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, đáp ứng cơ bản yêu cầu hội nhập quốc tế trong thời gian tới, ngày 04/12, Uỷ ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị trực tuyến phổ biến kiến thức về hội nhập kinh tế quốc tế đối với cán bộ, lãnh đạo, quản lý các cấp trên địa bàn tỉnh.
Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Phạm Thiện Nghĩa:
Chủ động, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế để phát triển nhanh, bền vững
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Phạm Thiện Nghĩa nhấn mạnh, hội nhập kinh tế quốc tế là một xu thế tất yếu của thời đại. Chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, thời gian qua, Đồng Tháp đã rất quan tâm và thường xuyên tổ chức các hội nghị phổ biến kiến thức nhằm giúp doanh nghiệp, các ngành, địa phương nắm bắt thông tin và làm tốt công tác dự báo thị trường để hạn chế tối đa những ảnh hưởng bất lợi từ những biến động của thị trường khu vực và quốc tế.
Kết quả phấn khởi là tỉnh ngày càng có nhiều doanh nghiệp phát triển nhanh, bền vững, tạo thương hiệu mạnh trên thị trường quốc tế; hoạt động xuất khẩu được đẩy mạnh, phát triển thị trường tiêu thụ hàng hóa. Năm 2019, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 1,2 tỷ USD và có khoảng 60 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu với các mặt hàng gạo, thuỷ sản, trái cây, bánh phồng tôm, dệt may v.v..
Ông Phạm Thiện Nghĩa mong muốn, các đại biểu, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu của tỉnh cập nhật những thông tin một cách chính thống, tận dụng cơ hội FTA mang lại để hoạch định chiến lược xuất khẩu cho doanh nghiệp mình trong thời gian tới; góp phần đưa hoạt động xuất khẩu của tỉnh nói riêng và cả nước nói chung phát triển bền vững.
Ông Trần Quốc Khánh - Thứ trưởng Bộ Công Thương, Trưởng Đoàn đàm phán Chính phủ
về kinh tế và thương mại quốc tế cung cấp nhiều thông tin hữu ích tại Hội nghị
Chia sẻ chuyên đề “Những xu thế mới của hội nhập kinh tế quốc tế, đánh giá tác động và các khuyến nghị về chính sách hội nhập kinh tế quốc tế trong thời gian tới”, ông Trần Quốc Khánh - Thứ trưởng Bộ Công Thương, Trưởng Đoàn đàm phán Chính phủ về kinh tế và thương mại quốc tế cho biết, đến nay nước ta đã ký kết 15 Hiệp định thương mại tự do (FTA) khu vực và song phương (trong đó đang thực thi 13 FTA) và đang đàm phán 3 Hiệp định với các đối tác khác. Trong số các FTA này có 2 FTA thế hệ mới.
Việc thực thi các FTA nói trên đã góp phần mang lại những tác động tích cực cho sự phát triển kinh tế và quá trình hiện đại hóa đất nước, đồng thời góp phần cho việc hiện thực hóa các mục tiêu phát triển của nước ta.
Cũng theo Thứ trưởng Bộ Công Thương, bên cạnh những yêu cầu mới, xu thế và diễn biến mới của hội nhập kinh tế quốc tế cũng đặt ra những thách thức không nhỏ. Đó là hệ thống thương mại đa phương đang đối mặt với xu thế bảo hộ ngày càng mạnh mẽ; xung đột thương mại, cạnh tranh chiến lược, kinh tế giữa các nền kinh tế chủ chốt có xu hướng gia tăng, đặc biệt, căng thẳng thương mại giữa các cường quốc cùng với đại dịch Covid-19 bùng phát từ đầu năm 2020 đã khiến cho nhiều quốc gia phải thực hiện chính sách giãn cách xã hội, chấp nhận “đóng băng một số lĩnh vực kinh tế”, gây ra sự đứt gãy của các chuỗi cung ứng trên phạm vi toàn cầu.
Để tiếp tục đạt được những thành tựu to lớn trong công tác hội nhập, ông Trần Quốc Khánh khuyến nghị các địa phương, trong bối cảnh quốc tế tiếp tục phức tạp, cần tập trung thúc đẩy xuất khẩu ở các nước mới mở được thị trường thông qua các FTA đã có. Đặc biệt, cần chú trọng và nghiêm túc thực thi đầy đủ và hiệu quả các FTA thế hệ mới mà Việt Nam là thành viên, cần tiếp tục hoàn thiện thể chế pháp lý, hướng tới hài hòa hóa chính sách với các cam kết quốc tế; hình thành các chiến lược lớn về hội nhập quốc tế, tham gia FTA.
Cuối cùng và đóng vai trò then chốt là việc nâng cao năng lực thực thi hội nhập quốc tế; tăng cường xây dựng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, có tri thức, kiến thức, kỹ năng hội nhập và kỹ năng nghề, đồng thời các cơ quan, hiệp hội cần đẩy mạnh đổi mới quản lý phù hợp tình hình, nhất là trong tình hình có nhiều yếu tố bất ổn, bất định - Thứ trưởng Bộ Công Thương lưu ý.
Tại Hội nghị này, đại diện một số Vụ, Cục của Bộ Công Thương cũng đã thông tin chuyên đề: Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (CPTPP, EVFTA); Khai thác cơ hội và giảm thiểu thách thức, các khuyến nghị đối với tỉnh Đồng Tháp; Quy tắc xuất xứ trong Hiệp định CPTPP và EVFTA: Những vấn đề địa phương và doanh nghiệp cần lưu ý.
khuongvan07@gmail.com
Ý kiến bạn đọc (0)