Xuất bản thông tin

null Tam Nguyên: Giáo Dục Là Cốt Lõi

Thư giãn - Đảng đoàn Âm nhạc

Tam Nguyên: Giáo Dục Là Cốt Lõi

Cái gốc của trồng người chính là giáo dục. Vạn nghề trong thiên hạ cũng từ giáo dục mà ra, từ ông quan đến ăn mày cũng đều là kết quả của hệ thống giáo dục. Vậy cốt lõi nền tảng của mỗi quốc gia, xã hội chính là giáo dục, một xã hội muốn phát triển thì phải lấy giáo dục làm gốc. Giáo dục từ cách ứng xử, đạo đức, lễ nghĩa, hành xử, văn hóa, truyền thống, nghề nghiệp...

Vậy làm thế nào để phát triển giáo dục? Giáo dục muốn phát triển cho chuẩn, khoa học, tiến bộ thì nhất thiết phải có đạo lý. Đạo lý ở đây rất rộng, nó phù thuộc vào trình độ nhận thức nền tảng của quốc gia đó, văn hóa, truyền thống, niềm tin của số đông người dân. Ví dụ bạn đang biết 0,1,2,3 thì tiếp theo phải dạy bạn biết về 4,5,6...

Não người suy nghĩ theo cách thức logic tuần tự, bạn không thể từ A suy ra C mà không thông qua B. Bạn cũng không thể đùng một cái mà có thể đu xà 20 cái một lần, bạn cần nâng dần sức bền của mình qua thời gian tập luyện và chế độ ăn ngủ hợp lý, khoa học. Muốn làm được như vậy nhất thiết phải đưa khoa học và ĐẠO vào giáo dục mới có thể xây dựng một nền tảng giáo dục vững chắc, tiến xa, xa mãi và không bao giờ có điểm dừng.

Vậy ĐẠO là gì? Đạo chính là con đường, là đường đi ngắn nhất, tốt nhất từ điểm A đến B trong hàng tỉ con đường đi khác nhau. Muốn thế thì phải hiểu ĐẠO, phải nắm được cốt lõi của ĐẠO và lấy đó làm gốc để diễn sinh mãi mãi về sau mà không sợ toàn bộ hệ thống sụp đổ. Cũng giống như bạn trồng cây vậy, nếu cái gốc không chắc thì cành lá không thể vươn lên cao được. Cành lá dù tốt đến mấy mà cái gốc sâu mọt thì cành lá ấy cũng phải bỏ. Nhưng nếu cái gốc mà chắc thì cành lá có hỏng cũng vẫn có thể nảy lên mầm mới.

Vậy gốc của ĐẠO là gì? Trước tiên chúng ta cần tìm hiểu về cái gốc của vũ trụ này. Tại sao lại tồn tại một cái vũ trụ siêu to khổng lồ, hoạt động một cách tinh vi, phức tạp mà không chồng chéo, không bị hoại diệt? Gốc của vũ trụ này là gì? Vâng gốc của vũ trụ này chính là tình yêu và trí tuệ, 2 cái này tuy 2 mà một. Trí tuệ chỉ có thể phát triển đúng đắn nếu nó được nuôi dưỡng bởi tình yêu thuần khiết, tình yêu chỉ có thể thăng hoa nếu nó được nuôi dưỡng bởi một trí tuệ minh triết.

Tuyệt đối hai cái này phải song hành. Nếu tình yêu mà không có trí tuệ sẽ chỉ tạo ra những đứa trẻ hư đòi gì được nấy. Trí tuệ mà không có tình yêu chỉ có thể tạo ra vũ khí và bom nguyên tử có tính hủy diệt. Vậy nên trí tuệ càng lớn thì tình yêu phải càng lớn và ngược lại. Hai thứ này phải luôn cân bằng với nhau thì cái gốc mới chắc và bền vững vĩnh cửu.

Cái gốc của con người chính là nhân cách, là đạo đức, tình thương. Vậy giáo dục con người cũng phải đi từ cái gốc đi lên, nếu chưa có nhân cách tốt thì sẽ không thể tạo ra những sản phẩm tốt phục vụ xã hội được. Hãy nhìn vào nền giáo dục của Nhật Bản, tiểu học chỉ dạy làm người và các môn nghệ thuật, năng khiếu. Trẻ đi học mà như đi chơi, chúng vô cùng phấn khích và hứng thú.

Khi bạn đã tạo ra một con người với nhân cách tốt, đạo đức tốt và tràn ngập tình yêu thương thì dù chúng ra đời có làm cái gì, học cái gì đi chăng nữa thì cũng đều tốt đẹp cả. Bởi vì chúng có cái gốc chắc chắn, có gốc chắc thì cây đời sẽ nở hoa, sẽ vươn cao bay xa mãi mãi không có điểm dừng. Giáo dục cũng theo đó mà tiến hóa đến vô cùng, vô tận.

Vũ trụ của chúng ta là vũ trụ nhị nguyên, tức là mọi vấn đề đều có 2 mặt của nó như 2 mặt đồng xu vậy. Có tốt thì có xấu, có đúng có sai, có thiện có ác, có vui có buồn... Nếu bạn sinh ra trong một gia đình giàu có bạn sẽ không biết khổ là gì vì bạn không được trải khổ, nghĩa là muốn biết cái này thì phải trải nghiệm cái kia, muốn biết bạn cao hay thấp thì phải có đối tượng để so sánh với chính bạn mới được.

Nghĩa là giáo dục phải dạy cho trẻ hiểu sâu sắc về tính 2 mặt của mọi vấn đề. Khổ cũng có khổ ít, khổ nhiều, sướng cũng có sướng ít sướng nhiều. Nếu ngay lập tức trải nghiệm cái khổ nhiều thì cơ thể sẽ không chịu được mà phản ứng. Vậy nên cho trẻ học cũng phải có tính tuần tự từ dễ đến khó, từ ít đến nhiều. Như vậy chúng mới có thể chấp nhận và thích nghi.

Người ta vẫn nói người từng trải là người đã kinh qua muôn vàn cảm xúc thế gian, họ luôn vững vàng trước mọi tình huống và thực sự đáng tin cậy. Lũ trẻ cũng vậy, nếu có thể cho chúng va vấp thật nhiều trong môi trường giáo dục thì ra đời chúng đều là những cây đại thụ. Sóng gió cuộc đời có thể quật ngã chúng sao? Không không thể, vì chúng là những chiến binh với sức mạnh nội tại to lớn, ý chí kiên gan bền bỉ và nhân cách, đạo đức, tình yêu thương vô bờ bến.

Hãy thử tưởng tượng một thế giới mà toàn người hiền tài, đức độ, khả năng xuất chúng, chí lớn ngang trời. Đó là một cuộc sống đáng mơ ước vì không ai là không biết nghĩ cho người khác, không ai là không vì một cuộc sống tốt đẹp hơn, tất cả chung tay xây dựng một thiên đường trong mơ. Cuộc sống sẽ chỉ còn hạnh phúc và hạnh phúc ngập tràn, thế gian không còn sự ác, người với người sống để yêu nhau.

Mỗi cá nhân trong xã hội này đều không giống nhau về mọi mặt, từ cái vân tay, hình dáng, tính cách, tài năng... Nếu biết khai thác tài năng của mỗi cá nhân, vun trồng nó lên để mỗi cá nhân là một thiên tài xuất chúng trong lĩnh vực của mình. Được như vậy thế giới này sẽ muôn màu muôn vẻ, mỗi cá nhân đều sẽ cống hiến hết mình bởi tài năng của họ được xã hội công nhận, họ cảm thấy mình có giá trị sống, họ vui vì được phục vụ nhân loại.

Giáo dục đúng cách thì đừng bắt cá leo cây, vũ trụ này công bằng lắm. Ông trời không cho ai tất cả nhưng cũng không lấy đi của ai tất cả. Người yếu chỗ này sẽ mạnh chỗ khác, chỉ là nền giáo dục của chúng ta có đủ khả năng để phát hiện và khai thác điểm mạnh của từng cá nhân hay không mà thôi. Để làm như vậy thì giáo dục không thể có chung một phương pháp lề lối cố định.

Hãy thả bọn trẻ ra, tạo môi trường cho nó chơi, quan sát cách nó chơi, theo dõi sở thích của nó, phát hiện ra thiên phú của nó, chăm sóc, bồi dưỡng khả năng của nó để nó trở nên xuất chúng. Khi nó đã có niềm đam mê thì bạn không cần phải dạy chúng nữa, hãy để chúng tự bơi, hãy để chúng được tự làm chủ cuộc đời, hãy để chúng được tỏa sáng theo cách mà chúng muốn. Giáo dục mà đóng trong một cái khung là giáo dục hạn chế sự sáng tạo. Chúng ta chỉ cần cho chúng một nền tảng đạo đức vững chắc, chúng sẽ tự biết phải làm gì. Chỉ cần điều chỉnh khi phát hiện chúng đang đi xa cái gốc đạo đức mà thôi.

Các cụ xưa kia đã dạy rằng:

- Có Đức mặc sức mà ăn.

- Người khôn cầu đạo mà kẻ khờ cầu danh.

- Đức năng thắng số, nhân định thắng thiên.

- Có đức, có tài là bậc thánh nhân.

- Có đức, bất tài là bậc quân tử.

- Vô đức, có tài là kẻ tiểu nhân.

- Vô đức, bất tài là kẻ vô dụng.

- Giáo dục là nghệ thuật biến con người thành có đạo đức, tình thương.

- Con người có tổ có tông, như cây có cội như sông có nguồn".

- Bác hồ có câu: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, Vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”

- Cái cây tán lá muốn vươn lên đến thiên đường thì rễ của nó phải bám sâu xuống địa ngục.

Bất kỳ nền văn minh nào dù phát triển rực rỡ, huy hoàng đến đâu mà không được nuôi dưỡng bởi tình yêu thương thì sớm muộn rồi nó cũng sụp đổ. Vì sao vậy? Vì nền văn minh dù có thế nào đi nữa mà vẫn còn tồn tại các tư tưởng hẹp hòi, bảo thủ, tranh chấp, so sánh, đố kị thì nó vẫn tạo tác ra khổ đau. Càng văn minh tính hủy diệt càng cao khi nảy sinh tranh chấp, bất đồng. Vậy chúng ta muốn xây dựng một xã hội trường tồn, lâu dài cần phải lấy tình yêu thương làm gốc. Mọi suy nghĩ, lời nói, hành động đều phải bắt nguồn từ tình yêu minh triết, tình yêu đại đồng, có vậy mới có thể phát triển đi lên vô cùng, vô tận.

Trong bối cảnh đất nước hội nhập quốc tế và cải cách giáo dục, ngày càng nhiều phụ huynh chú ý hơn đến việc giáo dục con cái bằng tình yêu thương vô điều kiện và yêu thương trong minh triết (Xem thêm tại đây: khoahoctamlinh.vn/1862.html), mang lại sự phát triển tốt nhất, toàn diện nhất cho con em mình. Với mong muốn góp phần thực hiện mục tiêu giáo dục phát triển cho thế hệ trẻ Việt Nam, bộ sách TINH HOA GIÁO DỤC dành cho phụ huynh được ra đời dựa trên sự nghiên cứu các quy luật vận hành của trời đất, giáo dục kĩ năng sống do các tổ chức giáo dục trên thế giới đề nghị.

Khác với các sách riêng lẻ về giáo dục, bộ sách TINH HOA GIÁO DỤC được kết tinh từ tri thức cốt lõi nhất để các bậc phụ huynh, ông bà có thể tự giáo dục con cái tại nhà, cũng là kim chỉ nam cho cải cách giáo dục chính quy hay bất kỳ hệ thống giáo dục nào. Hiện nay với cuộc sống bộn bề mưu sinh, nhiều bậc phụ huynh vẫn đang gửi gắm con em mình cho nhà trường, xã hội mà quên đi giáo dục nền tảng cho con cái. Tuy rằng cuốn sách chưa hoàn hảo nhưng tôi tin rằng nó phù hợp với tầm nhận thức số đông tại thời điểm này.

Trẻ em như búp trên cành, uốn sao cho thẳng nên cành hoa thơm. Gốc cây có tốt, thân có thẳng thì mới có thể khỏe mạnh, vươn cao. Cũng vậy, trong công cuộc trồng người nhân cách của trẻ có đẹp, có sáng, có ước mơ, sáng tạo, dám sống, dám thể hiện, dám chịu trách nhiệm mới là trẻ em thế kỷ 21, là con ngoan trò giỏi, là công dân tốt giúp ích được cho gia đình, xã hội. Hi vọng cuốn sách này sẽ giúp ích cho các gia đình Việt Nam, thay đổi tư duy giáo dục để ươm mầm xanh cho đất nước. Rất mong được sự chia sẻ, góp ý của bạn đọc gần xa để có thể hoàn thiện cuốn sách này hơn nữa trước khi In và xuất bản sách ra ngoài thị trường.

Mong rằng bài viết này có thể đến được với những người có phận sự đang làm trong nghành giáo dục, bởi vì đây chắc chắn là cái gốc của sự tiến hóa con người, xã hội, vật chất đi lên tốt đẹp và tốt đẹp đến cùng cực. Thực sự là không có giới hạn nào hết. Các bạn hữu tùy duyên chia sẻ để trao đi những giá trị tốt đẹp nhất cho con em chúng ta, cho cộng đồng và cho toàn thể nhân loại.

Xin chân thành cám ơn!

Hoàng Nhật Minh