Xuất bản thông tin

null Những sự kiện nổi bật của xuất khẩu thủy sản Việt Nam trong năm 2019 có ảnh hưởng đến hoạt động ngành hàng cá tra của Việt Nam

Chi tiết bài viết Bản tin thị trường

Những sự kiện nổi bật của xuất khẩu thủy sản Việt Nam trong năm 2019 có ảnh hưởng đến hoạt động ngành hàng cá tra của Việt Nam

         Trong năm 2019, riêng hoạt động xuất khẩu thủy sản của Việt Nam nói chung và ngành hàng cá tra nói riêng đã đón nhận được khá nhiều cơ hội từ môi trường kinh doanh bên ngoài. Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội đó đã nảy sinh không ít những thách thức, khiến cho các tác nhân tham gia trong ngành hàng cá tra không hoặc chưa thể tận dụng được tối đa những cơ hội này để thúc đẩy hoạt động kinh doanh của họ một cách có hiệu quả hơn. Để giúp cho những tác nhân tham gia trong chuỗi giá trị ngành hàng cá tra ở ĐBSCL nói chung và ở tỉnh Đồng Tháp nói riêng, đồng thời để cung cấp thêm thông tin đến những nhà hoạch định chính sách có liên quan đến phát triển ngành hàng này ở vùng ĐBSCL, cũng như ở tỉnh Đồng Tháp có thêm những cơ sở để đưa ra những chính sách hoặc giải pháp nhằm giúp cho ngành hàng cá tra tận dụng được những cơ hội sẵn có nhằm khắc phục những yếu kém của ngành, đồng thời cộng hưởng với những lợi thế sẵn có của ngành để nâng cao hiệu quả hoạt động của ngành, bài viết này sẽ tập trung phân tích những sự kiện nổi bật trong hoạt động xuất khẩu thủy sản để chỉ ra được những cơ hội và thách thức mang lại từ các sự kiện này, thông qua những vấn đề được đặt ra sau đây:

Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP-Comprehensive and Progressive Agreement for Transpacific Partnership) và 16 hiệp định thương mại (FTA-Free Trade Agreement) tự do khác trong 2019 mang lại những cơ hội và thách thức gì cho ngành hàng cá tra của ĐBSCL? Như ta đã biết, ngày 14/01/2019, CPTPP, là một hiệp định thương mại tự do đa phương thế hệ mới) chính thức có hiệu lực với Việt Nam và Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và các nước thuộc thành viên cộng đồng chung châu Âu (EVFTA- Euro-Vietnam Free Trade Agreement) đã được ký kết vào ngày 30/06/2019 và những FTA khác sẽ mang lại cho ngành hàng những lợi thế cạnh tranh do giảm được thuế hải quan; sử dụng các dịch vụ hỗ trợ sản xuất giá rẻ hơn; và do vậy có cơ hội mở rộng được nhiều thị trường hơn. Tuy nhiên, đi cùng với những cơ hội như vừa nêu, ngành hàng cá tra phải đối mặt với những thách thức sau: rào cản kỹ thuật và bảo hộ thương mại tại các thị trường xuất khẩu gia tăng; thiếu thốn lao động (kể cả lao động phổ thông do đô thị hóa và lao động có tay nghề do chất lượng đào tạo chưa đáp ứng kịp thời cho thị trường); nguồn nguyên liệu không ổn định; và giá thành sản xuất cao.

            Bất ổn định giá cả cá tra nguyên liệu đã dẫn đến hệ lụy gì? Theo số liệu của VASEP “Cách đây 3 năm, vào năm 2016, giá cá tra nguyên liệu tại ĐBSCL rớt thê thảm xuống mức thấp lịch sử (trong vòng 5 năm) và có thời điểm loạn giá, thấp dưới mức giá thành từ 18.500 - 20.500 đồng/kg. Tới năm 2018, nguồn cá khan hiếm khiến cho giá cá tra lại tăng lên mức 36.500 đồng/kg. Nhưng bước sang năm 2019, niềm vui giá cao đã nhanh chóng chuyển sang nỗi lo của người nuôi cá. Từ 34.000 đồng/kg (tháng 2/2019) đã rơi xuống mức từ 19.000 - 21.000 đồng/kg (tháng 12/2019)”. Rõ ràng, sự bất ổn định này đã làm ảnh hưởng đến thu nhập của người nuôi và cũng là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến hiện tượng “treo ao”, rồi lại mất cân đối theo hướng vượt cầu (giá cả cá tra nguyên liệu “leo thang”), kế đến dẫn đến tình trạng vượt cung do người nuôi mở rộng diện tích, như thế là dẫn đến tình trạng giá cả cá tra nguyên liệu lại “xuống dốc”. Đúng là một vòng lẩn quẩn không lối thoát nếu tiếp tục thiếu vắng một sự điều tiết vĩ mô từ cấp bộ, ngành Trung ương. Tính bất ổn định này, đứng về mặt hiệu quả tài chính thì không có ảnh hưởng trước mắt đến các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản do lợi nhuận biên của họ không giảm (giá cả cá tra nguyên liệu giảm làm cho giá xuất khẩu giảm theo). Tuy nhiên, nó có ảnh hưởng trực tiếp đến kim ngạch xuất khẩu chung của ngành và do vậy của quốc gia. Điều này một lần nữa cho thấy đã đến lúc cần phải có sự can thiệp và điều phối chung của các bộ, ngành cấp Trung ương.

            Việc Trung Quốc siết chặt thương mại biên mậu (buộc Việt Nam phải xuất khẩu theo đường chính ngạch) và kiểm soát chất lượng hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam nói chung và sản phẩm cá tra nói riêng là thách thức hay cơ hội? Theo tôi, đây là thách thức tạm thời do nhiều doanh nghiệp nhỏ quen với việc xuất khẩu qua đường tiểu ngạch nên thiếu thông tin về những qui định xuất khẩu qua đường chính ngạch, gây cho họ lúng túng, bất ngờ và thụ động khi phải đối phó với sự kiện này (theo VASEP, tính đến hết quý II/2019, xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc chỉ tăng có 2%, tuy nhiên, trong quý III/2019 xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc tăng đột phá 57%, làm cho tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc tính đến hết quý III/2019 tăng 11,4%). Trái lại, tôi cho rằng đây là một cơ hội lớn mang tính lâu dài cho xuất khẩu cá tra nói riêng và cho các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam nói chung do nó làm thay đổi hành vi sản xuất và chế biến cho các tác nhân tham gia vào chuỗi giá trị cá tra theo hướng chất lượng, an toàn và thay đổi được tư duy kinh doanh theo hướng thị trường, thay cho kiểu kinh doanh mang nặng màu sắc cảm tính mà xưa nay vốn có, đặc biệt là các hộ nuôi.

            Việc Cục kiểm tra An toàn Thực phẩm (FSIS-Food Safety and Inspection Services) thuộc Bộ Nông Nghiệp Hoa Kỳ công nhận Việt Nam là quốc gia đủ điều kiện xuất khẩu sản phẩm cá và cá Siluriformes sang Hoa Kỳ và cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung có phải là những cơ hội cho việc xuất khẩu cá tra của Việt Nam không? Rõ ràng sự kiện đầu là cơ hội cho việc xuất khẩu cá tra do đó là điều kiện cần tối thiểu để Việt Nam tiếp tục duy trì thị phần xuất khẩu cá tra sang Mỹ - thị trường xuất khẩu cá tra lớn thứ 2 của Việt Nam, sau Trung Quốc-Hồng Kông. Tuy nhiên, sự kiện thứ hai đã không phải là cơ hội cho Việt Nam do những rào cản thương mại và kỹ thuật vẫn ngăn cản tăng trưởng xuất khẩu sang thị trường này. Điều này được minh chứng qua số liệu thống kê của VASEP “…Tiếp tục đà sụt giảm từ quý II, sang quý III/2019, xuất khẩu cá tra giảm sâu hơn…… Trong đó, xuất khẩu sang Mỹ giảm mạnh nhất (-61%)”.

            Trong năm 2019, Nhật Bản đã nhích lên vị trí thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam, có phải là cơ hội cho xuất khẩu cá tra của Việt Nam và ĐBSCL không? Dĩ nhiên đây là cơ hội không ngoài sự kỳ vọng của ngành thủy sản nhiều năm nay, do nếu như tiếp cận được thị trường này – là quốc gia có nền kinh tế đứng thứ 3 thế giới – sẽ tạo điều kiện cho Việt Nam gia tăng thị phần xuất khẩu cá tra trên thế giới, do sức mua của thị trường này lớn. Tuy nhiên, giống như những loại sản phẩm thực phẩm khác, Nhật Bản được đánh giá là khách hàng khó tính – đòi hỏi cao về chất lượng và các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm. Đây cũng có thể xem là một thách thức khác cho các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản của Việt Nam và kể cả người nuôi cá tra nguyên liệu.

            Từ 5 sự kiện đã được phân tích ở trên có ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu cá tra của Việt Nam nói chung và của ĐBSCL nói riêng, tôi xin được đề xuất một số khuyến nghị sau đâu đối với các bộ ngành Trung ương và địa phương, cũng như đối với các tác nhân tham gia trong chuỗi giá trị cá tra ở ĐBSCL nói chung và ở tỉnh Đồng Tháp nói riêng:

            Đối với các bộ, ngành Trung ương và địa phương

            - Tăng cường các hoạt động chuyển giao công nghệ và đẩy mạnh công tác khuyến ngư với nhiều hình thức khác nhau để đáp ứng nhu cầu về chất lượng và tiêu chuẩn an toàn thực phẩm của khách hàng từ các nước nhập khẩu cá tra, đặc biệt tại các thị trường lớn như Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, và để cắt giảm được chi phí sản xuất.

            - Chính phủ nên xây dựng hệ thống thông tin thị trường chung cho các tỉnh có nuôi cá tra ở vùng ĐBSCL để kịp thời cung cấp thông tin về giá cả, chính sách thương mại, nhu cầu sản lượng xuất/nhập khẩu, sở thích tiêu dùng, đối thủ cạnh tranh, v.v…để cung cấp kịp thời cho các tác nhân tham gia trong chuỗi giá trị trong việc đưa ra các quyết định về sản xuất và kinh doanh.

            - Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn kiên định chỉ đạo cho UBND các tỉnh và các Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn các tỉnh có nuôi cá tra triển khai Quy hoạch vùng nuôi cá tra nguyên liệu ở ĐBSCL để tránh trường hợp mất cân đối cung - cầu quá sâu và lặp lại thường xuyên như trong thời gian qua.

            - Bộ Lao động Thương binh và Xã hội chỉ đạo cho các Sở Lao động Thương binh và Xã hội nghiên cứu cải thiện chương trình đào tạo nghề theo địa chỉ và nhu cầu của doanh nghiệp chế biến xuất khẩu. Tại đó, có sự tham gia đào tạo của chính các nhân viên kỹ thuật của các doanh nghiệp.

            - Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn phối hợp với Bộ Tài chính ban hành thông tư hướng dẫn triển khai Nghị định số 98/NĐ-CP của Chính phủ để tăng cường mối liên kết giữa các tổ chức kinh tế hợp tác nuôi cá tra với các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cá tra, tạo điều kiện ổn định nguồn nguyên liệu cho doanh nghiệp, đồng thời tạo sự ổn định trong thu nhập cho các hộ nuôi.

            - Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn phối hợp với Bộ Công Thương và VASEP xây dựng chương trình xúc tiến thương mại cho sản phẩm cá tra của Việt Nam và tiến đến việc xây dựng và phát triển thương hiệu cá tra của Việt Nam. Đặc biệt là việc thực hiện các nghiên cứu thị trường để nắm bắt hành vi tiêu dùng và các luật lệ, nghị định có ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh cá tra trên thương trường quốc tế;

            - Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn của các tỉnh nuôi cá tra cần cung cấp thông tin về diện tích và sản lượng nuôi định kỳ hàng tháng cho các đơn vị quản lý thông tin cấp vùng/Trung ương để đáp ứng kịp thời thông tin cho các tác nhân tham gia trong chuỗi giá trị đưa ra những quyết định sản xuất và kinh doanh phù hợp với nhu cầu của thị trường;

            Đối với các tác nhân tham gia trong chuỗi giá trị cá tra

            - Các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cá tra nên đầu tư nguồn kinh phí cho các hoạt động marketing ở các nước xuất khẩu cá tra của ta để nắm bắt nhu cầu và hành vi tiêu dùng của người tiêu dùng;

            - Các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cá tra, trong ngắn hạn nên tiếp tục mở rộng và củng cố vùng nuôi của chính doanh nghiệp để chủ động nguồn nguyên liệu cho chế biến. Tuy nhiên, trong dài hạn nên tăng cường việc liên kết với các tổ chức kinh tế hợp tác nuôi cá tra thông qua mô hình nuôi gia công để chủ động nguồn nguyên liệu kể cả về số lượng và chất lượng.

            - Các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cá tra cũng nên tăng cường việc nghiên cứu, đầu tư chế biến các sản phẩm giá trị gia tăng để thích ứng/đối phó với những rào cản thương mại của các nước nhập khẩu cá tra của Việt Nam.

            - Các hộ/tổ chức kinh tế hợp tác nuôi cá tra nên tuân thủ một cách triệt để các quy trình kỹ thuật nuôi theo các tiêu chuẩn của doanh nghiệp đưa ra để đảm bảo nguồn cung đúng về chất lượng và đủ về số lượng theo đơn đặt hàng.

            - Các hộ nuôi không nên tự phát mở rộng qui mô nuôi dựa vào cảm tính. Thay vào đó nên dựa vào khuyến cáo của các cơ quan chức năng của Trung ương và địa phương, cũng như của doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cá tra.

            - Các hộ nuôi nên thường xuyên cập nhật thông tin thị trường từ các nguồn khác nhau trước khi đưa ra quyết định nuôi (diện tích, con giống, quy trình nuôi v.v…)

Phó Giáo sư, Tiến sĩ. Nguyễn Phú Son

Khoa Kinh tế, Trường Đại học Cần Thơ