Xuất bản thông tin

null Xuất khẩu gạo 3 tháng đầu năm 2020

Chi tiết bài viết Bản tin thị trường

Xuất khẩu gạo 3 tháng đầu năm 2020

Vào ngày 25/3/2020, Thủ tướng chính phủ đã quyết định tạm ngưng xuất khẩu gạo theo đề xuất của Bộ Công Thương. Sau đó Ấn Độ hạn chế xuất khẩu gạo do lệnh phong tỏa toàn quốc trước dịch viêm đường hô hấp do virus COVID-19 vào ngày 03/4/2020. Myanmar hạn chế xuất khẩu gạo vào ngày 03/4/2020 do Trung Quốc phong tỏa biên giới. Ngày 05/4/2020, Thủ tướng Campuchia Husen cũng đã quyết định ngưng xuất khẩu gạo thường, chỉ cho xuất khẩu gạo thơm đặc sản. Ngoài 4 nước trên, còn có Kazakhtan và Kyrgystan cấm xuất khẩu lúa mỳ.

Quyết định cấm xuất khẩu gạo của Thủ Tướng Chính phủ ngày 25/3/2020 hiện có 2 quan điểm

  • Ngưng xuất khẩu gạo do tình hình hạn mặn xảy ra khốc liệt ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên và Duyên Hải Miền Trung cùng với dịch COVID-19 kéo dài. “Không thể dùng tiền thay gạo để nấu cơm được” là quan điểm chủ đạo của trường phái này.
  • Lợi dụng thời cơ giá gạo tăng, tiếp tục xuất khẩu để cải thiện thu nhập người trồng lúa. Sau Việt Nam, Campuchia, Ấn Độ và Myanmar thông báo ngưng xuất khẩu gạo, nên giá gạo tăng vọt. Không thể bỏ lỡ cơ hội này vì những mặt hàng khác như rau quả, thủy sản xuất khẩu gạo khó khăn.

Quan điểm thứ hai được nhiều người ủng hộ, theo phân tích của Thời báo Kinh tế Sài Gòn, sản lượng lúa của Việt Nam ước 43,5 triệu tấn, trong đó vụ Đông Xuân 20,2 triệu tấn; Hè thu 11 triệu tấn và vụ mùa 8,2 triệu tấn. Tiêu thụ trong nước (ăn, chế biến, chăn nuôi, dự  trữ và làm giống) hết 29,96 triệu tấn, còn lại 13,54 triệu tấn lúa xuất khẩu. Như vậy xuất khẩu gạo Việt Nam không ảnh hưởng đến an ninh lương thực.

Hình 1: Tổng hợp phân tích về tình hình sản xuất, tiêu dùng và xuất khẩu gạo của Thời báo kinh tế Sài gòn  

Theo Tổng cục Hải quan, xuất khẩu gạo đến hết tháng 3 đạt 1.517.387 tấn, kim ngạch 701 triệu USD, tăng 11,2%  về lượng và 14,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019. Giá gạo xuất khẩu bình quân đạt 463,5 USD/tấn, tăng 5,8% so với cùng kì năm 2019. Trong đó tháng 01 xuất khẩu được 393.144 tấn, giảm 9,39% so với cùng kỳ năm 2019, giá trị 191 triệu USD; tháng 02 xuất khẩu được 532.836 tấn, tăng 123,04% so với cùng kỳ năm 2019, giá trị 238 triệu USD; tháng 3 xuất khẩu được 591.407 tấn gạo, giảm 14,5%% so với cùng kỳ năm 2019, giá trị 272 triệu USD. Thị trường gạo trong quí I/2020 vẫn là Philippines (594.234 tấn, 39%), Malaysia (174.818 tấn, 11%), Trung Quốc (162.040 tấn, 11%), Ghana (106.869 tấn, 7%), Singapore (39.709 tấn, 3%), Bờ biển Ngà (39.709 tấn, 3%), Honkong (21.822 tấn, 2%) và các nước khác (378.186 tấn, 22%).

 

Ngưng xuất khẩu gạo đột xuất đã ảnh hưởng tiêu cực đến các doanh nghiệp và nông dân. Lượng gạo đã ký hợp đồng của 90 doanh nghiệp thành viên VFA trước chỉ thị của Thủ tướng là 1,574 triệu tấn gạo. Trong đó có lượng gạo cần giao gấp cho Philippines và Malaysia. Ngoài ra tại Long An, diện tích trồng nếp chiếm khoảng 30-32% (riêng vụ Đông Xuân 2019-2020 có khoảng 65.000ha).

Các hợp đồng đã ký kết chưa giao hàng từ nay đến cuối năm 2020 của các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Long An hơn 204.000 tấn gạo, trong đó thị trường Trung Quốc là hơn 44.000 tấn (chủ yếu là nếp), tồn kho nếp của các doanh nghiệp hiện gần 56.000 tấn.

Tỉnh An Giang ngoài xuất khẩu nếp còn các giống lúa Japonica (hạt tròn). Diện tích gieo trồng nếp hàng năm của An Giang khoảng 115.000ha (tương đương 747.500 tấn nếp chưa bóc vỏ) và khoảng 10.000ha lúa Japonica (hạt tròn) sản lượng 75.000 tấn lúa/năm. Tỉnh An Giang kiến nghị cho phép tiếp tục xuất khẩu gạo, trong đó ưu tiên cho xuất khẩu sớm số lượng gạo đã và đang làm thủ tục khai báo hải quan, tồn đọng tại cảng và số gạo đã ký hợp đồng đến hết năm 2020, nhằm giúp các doanh nghiệp hạn chế thiệt hại do vi phạm hợp đồng và giữ ổn định được giá lúa trên thị trường. Cụ thể, đến hết tháng 4/2020 toàn tỉnh có gần 48.500 tấn gạo không giao hàng theo hợp đồng đã ký, tương đương trên 23,6 triệu USD của 16/18 DN. Nếu tạm dừng đến hết tháng 5/2020 thì tiếp tục có khoảng 33.800 tấn gạo không xuất được, khi đó toàn tỉnh sẽ có 82.275 tấn gạo không giao hàng theo hợp đồng đã ký.

Ngày 10/4/2020, Văn phòng chính phủ đã có công văn số 2827/VPCP-KTTH đồng ý theo phương án của Bộ Công thương xuất khẩu 400.000 tấn gạo trong tháng 4/2020, tháng 5 đánh giá lại rồi sẽ cho xuất khẩu tiếp.

Khuynh hướng giá gạo thế giới:

Tính đến ngày 02/4/2020, theo số liệu của Cục Trồng trọt – Bộ Nông nghiệp & PTNT, các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL vụ Đông Xuân 2019 – 2020 xuống giống được 1,541 triệu ha, thu hoạch được khoảng 1,400 triệu ha với năng suất khoảng 7 tấn/ha; vụ Hè Thu 2020 đã xuống giống được 550 ngàn ha/1,54 triệu ha diện tích kế hoạch.

- Dịch viêm đường hô hấp do virus COVID-19 trong nước và trên thế giới diễn biến phức tạp. Dịch bệnh tiếp tục gây bất ổn kinh tế xã hội nhiều nước làm giá gạo trên thị trường toàn cầu tăng.

- Thị trường gạo tại Thái Lan chững lại do các nhà xuất khẩu tạm ngưng chào giá, làm giá bán tăng 20 – 30 USD/tấn. Các nhà xuất khẩu Thái Lan đang chờ quyết định mới của Việt Nam trước khi cam kết bán hàng mới. Từ tháng 01 đến 31/3/2020 Thái Lan xuất khẩu được 1,625 triệu tấn gạo (giảm 32,39% so với cùng kỳ năm 2019), Ấn Độ 2.582 triệu tấn gạo (giảm 24,84%), Pakistan 998 nghìn tấn (giảm 20,76%), Mỹ 742 nghìn tấn (tăng 9,85%) và Campuchia xuất được 231 nghìn tấn (tăng 36,83%).

 

- Giá gạo Ấn Độ tăng do người dân tích trữ mua gạo trước lệnh phong tỏa 21 ngày. Họ cũng quan tâm tin từ Việt Nam.

- Giá gạo Pakistan ổn định và giống như các nước khác, các nhà xuất khẩu thận trọng với xu hướng thương mại toàn cầu.

- Giá gạo Miến Điện (Myanmar) ổn định, nhưng rất ít chào giá vì cạn nguồn dự  trữ  cho đến khi thu hoạch vào cuối tháng 4.

Quan điểm của ông Đào Thế Anh - Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam cho rằng: “"Chúng ta cấm toàn bộ thị trường như hiện nay là đã đánh thẳng vào nguồn thu nhập của bà con nông dân, họ sẽ rất khó khăn. Khi không bán được gạo vụ này thì họ không thể có tiền đầu tư tiếp vụ sau. Theo khuyến cáo của một số tổ chức quốc tế thì chúng ta cần thực hiện thường xuyên hoạt động xuất khẩu để duy trì mối quan hệ với bạn hàng, trong trường hợp nếu khó khăn thì có thể kiểm soát ít hơn".

Giá gạo trên thế giới tăng vọt do nhu cầu tăng mà nguồn cung ít. Gạo thơm Jasmine xuất khẩu của Thái Lan giá 820 USD/tấn, gạo 5% tấm 579 USD/tấn và gạo 25% tấm giá 547 USD/tấn, cao nhất từ trước đến nay. Giá lúa của Việt Nam cũng tăng, nhưng trong dân không còn lúa do đã cuối vụ. Giá lúa nếp khô hiện tăng lại do nhu cầu Trung Quốc tìm mua sau khi có đề nghị cho xuất khẩu  không tính vào hạn ngạch. Tại Long An giá chào từ 8.600 đồng/kg, An Giang  từ 7.900 đồng/kg