Xuất bản thông tin

null Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Phát triển công nghiệp sinh học ngành Công Thương đến năm 2030”

Chi tiết bài viết Tin tức

Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Phát triển công nghiệp sinh học ngành Công Thương đến năm 2030”

Ngày 22 tháng 9 năm 2021, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã ký Quyết định 1600/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển công nghiệp sinh học ngành Công Thương đến năm 2030 (Đề án). Theo đó, Đề án đã nêu ra những mục tiêu cụ thể như sau:

Mục tiêu cụ thể của Đề án là đến năm 2025, triển khai các nghiên cứu phát triển công nghệ sinh học (CNSH) trong lĩnh vực công nghiệp chế biến theo hướng hiện đại hóa thiết bị, đổi mới công nghệ và nâng cấp về quy mô, trong đó tập trung phát triển các công nghệ đạt trình độ quốc tế phục vụ sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ công nghệ từ các nguồn nguyên liệu chủ lực của Việt Nam. Qua đó giúp giảm giá thành sản xuất sản phẩm tối thiểu 25% so với công nghệ đang được ứng dụng tại các doanh nghiệp.

 

Nâng cao năng lực nghiên cứu, ứng dụng và tiếp nhận, chuyển giao công nghệ; cung cấp các giải pháp chính sách, kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất và kinh doanh theo chuỗi giá trị, bền vững, tuần hoàn, thân thiện với môi trường tiếp cận nền tảng công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trong đó chú trọng đào tạo chuyên gia trình độ cao (tiến sĩ, sau tiến sĩ) theo nhóm chuyên ngành phục vụ phát triển CNSH ngành Công Thương.

Từng bước phát triển đồng bộ thị trường cho các sản phẩm CNSH ngành Công Thương, chú trọng hệ thống quản lý chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm, kiểm tra, kiểm định, truy xuất nguồn gốc gắn liền với hệ thống phân phối nội địa và xuất khẩu bằng CNSH.

Kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia nghiên cứu, tiếp nhận ứng dụng và chuyển giao công nghệ quy mô công nghiệp nhằm tăng số lượng, giá trị sản xuất công nghiệp của doanh nghiệp từ các công nghệ được tạo ra của Đề án. Phát triển, tăng tối thiểu 10% số lượng doanh nghiệp CNSH trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, tiến tới hình thành ngành CNSH ngành Công Thương.

Đến năm 2030, làm chủ được một số CNSH thế hệ mới, tạo ra sản phẩm quy mô công nghiệp ứng dụng thực tiễn sản xuất.

Tiếp tục tổ chức đào tạo nguồn nhân lực đủ trình độ làm chủ công nghệ, tiếp nhận, ứng dụng và chuyển giao công nghệ mới, công nghệ tiên tiến ở quy mô công nghiệp đáp ứng yêu cầu thực tiễn và hội nhập quốc tế.

 Cung cấp các giải pháp chính sách, kỹ thuật sản xuất tiên tiến mang tầm quốc tế trong nghiên cứu hoàn thiện sản phẩm, mẫu mã công nghiệp, sản xuất và kinh doanh, hình thành hệ thống các doanh nghiệp CNSH theo chuỗi giá trị, bền vững, tuần hoàn, thân thiện với môi trường tiếp cận nền tảng công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Tiếp tục nâng cao năng lực nghiên cứu, tiếp nhận, ứng dụng, chuyển giao công nghệ tiên tiến tiếp cận nền tảng công nghệ hiện đại thế giới, có khả năng ứng dụng sản xuất quy mô công nghiệp, thúc đẩy ngành CNSH ngành Công Thương phát triển mạnh mẽ. Hình thành và phát triển số lượng doanh nghiệp công CNSH Công Thương tăng thêm tối thiểu 50% so với giai đoạn 2021 - 2025.

Để đạt được các mục tiêu kể trên, Đề án cần triển khai 05 nhiệm vụ chính. Một trong số đó là phát triển khoa học và công nghệ phục vụ CNSH ngành Công Thương. Cụ thể, tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện, nâng cấp quy mô các công nghệ đã hình thành trong giai đoạn đến năm 2020; chủ động triển khai nghiên cứu, tiếp nhận, giải mã công nghệ mới từ các nước có nền CNSH tiên tiến trên thế giới để làm chủ, ứng dụng và phát triển các công nghệ sinh học trong lĩnh vực ngành Công Thương ở quy mô công nghiệp, tập trung vào các công nghệ theo chuỗi công nghệ khép kín, sản xuất tuần hoàn đối với từng nhóm nguyên liệu chủ yếu trong nước (các sản phẩm nông sản; thủy sản; nấm ăn, nấm dược liệu, cây dược liệu, cây chè; thịt, sữa,...) tạo ra các sản phẩm có giá trị gia tăng cao vừa giảm thiểu ô nhiễm môi trường vào các ngành, lĩnh vực gồm công nghiệp nhẹ, năng lượng, công nghiệp năng khác, thương mại.

Bên cạnh đó, xây dựng, phát triển tiềm lực công nghệ sinh học ngành Công Thương; xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển CNSH ngành Công Thương. Các nhiệm vụ khác bao gồm hợp tác quốc tế trong lĩnh vực CNSH ngành Công Thương; xây dựng, phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia và tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức về công nghiệp sinh học ngành Công Thương.

Thủ tướng Chính phủ giao các Bộ, Ngành, địa phương nhanh chóng triển khai thực hiện Đề án. Riêng đối với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, căn cứ nội dung Đề án, nghiên cứu, triển khai các hoạt động cụ thể hỗ trợ, phát triển các nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học, doanh nghiệp công nghiệp sinh học phù hợp điều kiện của từng địa phương trong giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2030.

Xem chi tiết Quyết định số 1600/QĐ-TTg tại đây./.

Văn Mứt - P.KHTCTH