Xuất bản thông tin

null Hôi nghị Tận dụng Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực để thúc đẩy xuất khẩu trong bối cảnh đại dịch Covid-19

Chi tiết bài viết Tin tức

Hôi nghị Tận dụng Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực để thúc đẩy xuất khẩu trong bối cảnh đại dịch Covid-19

 Sáng ngày 30/9, Tại Hội trường UBND Tỉnh, Sở Công Thương phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh tại Cần Thơ (VCCI Cần Thơ) tổ chức Hội nghị trực tuyến Tận dụng Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) để thúc đẩy xuất khẩu trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Hội nghị Do ông Nguyễn Văn Luận, Phó giám đốc Sở Công Thương Chủ trì và được kết nối đến các điểm cầu tại 12 huyện, thành phố và gần 30 doanh nghiệp xuất nhập khẩu của Tỉnh.

 

Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (tiếng Anh: Regional Comprehensive Economic Partnership, viết tắt RCEP) là một hiệp định thương mại tự do (FTA) bao gồm 10 nước thành viên ASEAN và 5 quốc gia đối tác Australia, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand. Dự kiến tại Việt Nam hiệp định sẽ hoàn tất quá trình phê duyệt trước tháng 11 năm nay và nếu đến ngày 31/10/2021 có đủ 6 nước ASEAN cùng với một đối tác trong số 3 nước Hàn Quốc, New Ziland, Australia hoàn thành phê chuẩn thì hiệp định sẽ có hiệu lực từ đầu năm 2022.

RCEP là FTA có quy mô lớn nhất thế giới hiện nay, với quy mô vào khoảng 2,2 tỉ người tiêu dùng, chiếm gần 30% dân số thế giới, với GDP khoảng 27 nghìn tỉ USD, chiếm khoảng 30% GDP toàn cầu. Với RCEP, doanh nghiệp Việt Nam sẽ tham gia vào chuỗi cung ứng giá trị và sản xuất khu vực, đồng thời được hưởng lợi từ việc cắt giảm chi phí giao dịch và môi trường kinh doanh thân hiện hơn nhờ hài hòa các quy định hiện hành và áp dụng chung trong các FTA khác nhau của ASEAN. Quy tắc xuất xứ của RCEP được cho là có lợi thế cho các sản phẩm nông nghiệp Việt Nam với bộ tiêu chuẩn tương đối dễ đáp ứng hơn so với các FTA trước đó đã có hiệu lực như EVFTA và CPTPP. Ở chiều ngược lại, RCEP cũng đặt ra những thách thức cho ngành nông nghiệp. Ðó là việc các mặt hàng tương đồng sẽ chịu sức ép cạnh tranh lớn hơn giữa các quốc gia tham gia RCEP, trong đó một số quốc gia có cùng chủng loại hàng nông sản với nước ta. Riêng đối với Đồng Tháp, thị trường các nước trong khối RCEP năm 2020 đạt 440 triệu USD, chiếm khoảng 40% tổng kim ngạch xuất khẩu của Tỉnh, cao hơn nhiều so với EVFTA và CPTPP. Do đó, hoàn toàn có thể kỳ vọng việc RCEP chính thức có hiệu lực sẽ mang đến chuyển biến lớn cho hoạt động xuất khẩu của Tỉnh.

Tại Hội nghị, bà Hoàng Ngọc Oanh - Chuyên gia kinh tế quốc tế thuộc Trung tâm Tư vấn phát triển kinh tế thương mại Việt Nam/Hiệp hội thông tin, tư vấn kinh tế thương mại Việt Nam đã mang đến các nội dung quan trọng về RCEP như: Các cam kết về thuế quan, lộ trình cắt giảm thuế, xuất xứ hàng hoá, hàng rào kỹ thuật và các thủ tục xuất nhập khẩu; những điểm khác biệt cần lưu ý của Hiệp định RCEP so với các Hiệp định có liên quan; hướng dẫn khai thác thông tin thị trường trọng điểm của RCEP. Ông Nguyễn Anh Dương - Trưởng ban Nghiên cứu Tổng hợp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cũng hướng dẫn các doanh nghiệp về các giải pháp có thể tận dụng Hiệp định RCEP trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, cơ hội và thách thức từ hiệp định này.

Phát biểu bế mạc Hội Nghị, ông Nguyễn Văn Luận Phó giám đốc Sở Công Thương mong muốn các doanh nghiệp có thể tận dụng những kiến thức mà các chuyên gia mang lại về Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực để đưa hoạt động xuất khẩu của đơn vị mình nói riêng và địa phương nói chung ngày càng vươn xa./.

Minh Thư - P.QLTM