Xuất bản thông tin

null Tinh thần ngày 30/4/1975 trong giai đoạn hiện nay

Chi tiết bài viết Tin tức - Sự kiện

Tinh thần ngày 30/4/1975 trong giai đoạn hiện nay

Nguyễn Thị Duyên

     Mùa xuân 1975, bằng cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mạnh mẽ, nhân dân ta đã kết thúc vẻ vang cuộc chiến tranh cách mạng suốt 30 năm, đánh thắng hoàn toàn các cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân, đế quốc, giải phóng hoàn toàn đất nước. Với chiến thắng lịch sử này, nhân dân ta đã vĩnh viễn thoát khỏi ách nô dịch của các nước đế quốc, vĩnh viễn thoát khỏi họa đất nước bị chia cắt, giải phóng miền Nam, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trên cả nước, bảo vệ những thành quả bước đầu của cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, đưa cả nước bước vào kỷ nguyên mới: kỷ nguyên giành độc lập tự do, thống nhất và xây dựng chủ nghĩa xã hội.

     Trong những năm tháng khốc liệt, đau thương của đám mây đen “chiến tranh” bao phủ bầu trời đất Việt, dù ở chiến tuyến nào, vẫn có người nằm xuống, bao nhiêu sinh mệnh và của cải phải hi sinh, oằn mình vì loạn lạc, mất mát, chia ly. Song nhân dân Việt Nam đã ý thức được rõ ràng rằng không có độc lập, tự do thì không thể đứng vững và phát triển đi lên, không thể có cuộc sống đích thực của một dân tộc. Độc lập, tự do và thống nhất đất nước là lẽ sống, là lý tưởng lớn của toàn dân tộc, vì lẽ đó mỗi người dân luôn phát huy tốt tinh thần đấu tranh trong bảo vệ đất nước, giải phóng dân tộc và đi đến mục tiêu cuối cùng là độc lập, là tự do, là hạnh phúc, là phát triển.

     Chính trong bối cảnh lịch sử ấy, chính những con người với ý chí, với quyết tâm, với lòng quả cảm của mình đã làm nên những chiến thắng ghi tạc vào lịch sử như một bản hùng ca bi tráng của một dân tộc anh hùng. Đó là hình ảnh của những chàng sinh viên đang ngồi ghế giảng đường, nhưng tình nguyện đi vào trận địa theo lệnh Tổng động viên và góp mặt trong mùa hè đỏ lửa năm 1972 tại chiến trường Trị - Thiên như liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc, đại diện một thế hệ thanh niên giác ngộ lý tưởng cách mạng của Đảng, sẵn sàng hi sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc “Chúng tôi đã đi không tiếc đời mình (Nhưng tuổi hai mươi làm sao không tiếc)/ Nhưng ai cũng tiếc nuối tuổi hai mươi thì còn chi Tổ quốc”. Tự hào thay những trái tim quả cảm anh hùng “Đò xuôi Thạch Hãn xin chèo nhẹ/ Đáy sông còn đó bạn tôi nằm/ Có tuổi hai mươi thành sóng nước/ Vỗ yên bờ bãi mãi ngàn năm”  và hôm nay 49 năm nhìn lại, cỏ đã lên xanh dưới chân Thành cổ Quảng Trị nhưng chứng tích của chiến tranh, sự tàn khốc, hủy diệt vẫn để lại trong ký ức của những người đang sống.

     Hay hình ảnh của những cô gái xung phong “bắt những nhịp cầu, nối những con đường” “cho xe thẳng tới chiến trường”. Trong những hình ảnh về ý chí quả cảm, nghị lực của những người nữ chiến sĩ trong cuộc đấu tranh cho độc lập dân tộc có dáng vấp của nữ anh hùng Ngô Thị Tuyển, người đã vận chuyển trên 30 tấn đạn, vác cùng một lúc hai hòm đạn dính vào nhau nặng 98kg (gấp đôi trọng lượng cơ thể của chị) góp phần hạ máy bay của Mỹ trong ngày đầu tiên Mỹ mở chiến lược chiến tranh cục bộ. Đúng như nhà thơ Phạm Tiến Duật đã viết: “Đất nước mình nhiều điều giản dị/ Ai chưa tin rồi sẽ phải tin thôi”.

     Đôi nét về một số sự kiện và nhân vật nhưng chúng ta có thể khẳng định rằng “vũ khí tối tân hiện đại là yếu tố cần cho sự thắng lợi trong một cuộc chiến, tuy nhiên sức mạnh của con người, ý chí, nghị lực, sự quyết tâm, đoàn kết dường như lại lại yếu tố quyết định cho sự toàn thắng trọn vẹn trong cuộc chiến ấy”.  

     Lấy lịch sử để nhìn lại hiện tại, kể từ thời điểm dịch bệnh bùng phát đầu tiên tại Trung Quốc, đánh dấu sự bắt đầu của đại dịch toàn cầu, tính đến ngày 27/4/2021 đã lấy đi sinh mạng của hơn 3,1 triệu người. Tại Việt Nam tình hình dịch bệnh trong nước đến nay được kiểm soát tốt, cả nước đã qua 33 ngày không ghi nhận ca mắc mới trong cộng đồng (tính đến ngày 27/4). Thành công đó, bên cạnh vai trò lãnh đạo của Đảng, của Chính phủ, còn có sự quyết tâm, sự nỗ lực, ý chí và sự chấp hành nghiêm các yêu cầu về phòng chống dịch của mỗi người dân, sự xung phong và ngày đêm vững vàng canh giữ biên cương của những người chiến sĩ biên phòng, tâm thế sẵn sàng của những chiến sĩ áo trắng trong tuyến đầu chống dịch.

     Năm tháng đã trôi qua, nhưng thắng lợi trong mùa xuân năm 1975, tinh thần trong cuộc chiến ấy đến ngày nay vẫn là nhân tố giúp nhân dân ta phát huy sức mạnh nội lực của đất nước, chiến thắng dịch bệnh, ổn định đời sống và phát triển đất nước. Và dù trong hoàn cảnh, giai đoạn lịch sử nào thì tinh thần ấy vẫn trường tồn bất diệt, phát huy tối đa giá trị tinh thần để dân tộc mãi hòa bình, thịnh vượng./.