Xuất bản thông tin

null Những điều cần thiết đối với giảng viên tập sự

Chi tiết bài viết Tin tức - Sự kiện

Những điều cần thiết đối với giảng viên tập sự

Th.s Nguyễn Thái Vinh

Khoa Nhà nước và Pháp luật

                                                          

Ở Trường Chính trị, giảng viên tập sự là lực lượng chưa có kinh nghiệm trong việc giảng dạy từ việc nghiên cứu tài liệu, giáo trình, soạn giáo án, tác phong sư phạm, phương pháp truyền thụ kiến thức, ứng xử những tình huống trong giảng dạy…nói chung còn non trẻ. Vả lại đối tượng giảng dạy ở Trường Chính trị không phải là học sinh phổ thông, sinh viên…mà là những cán bộ chủ chốt, cán bộ quản lý, cán bộ dự nguồn trong các cấp chính quyền từ cơ sở đến tỉnh, họ đã công tác ở các lĩnh vực, đa số đã được đào tạo về chuyên trên môn ở trình độ cao với những người có học vị sau đại học, có kiến thực thực tiễn, kinh nghiệm phong phú, tuổi đời…Cho nên, với những đối tượng người học như vậy, không chỉ đòi hỏi giảng viên phải có kiến thức chuẩn xác, sâu rộng, đúng chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, mà còn đòi hỏi người giảng viên phải biết xử lý một cách khéo léo những tình huống khi đứng trên  bục giảng và ngay cả khi quan hệ, giao tiếp.

Đối với giảng viên tập sự, vấn đề đặt ra là đòi hỏi họ phải rèn luyện về đạo đức, tác phong của người giảng viên chính trị, thể hiện sự gương mẫu trong quan hệ, trong ăn nói, ứng xử, hình thức trang phục và một yếu tố không thể thiếu đó là trao dồi chuyên môn, nghiệp vụ…để tiếp thu một cách nhanh và tốt nhất, thiết nghĩ không cách nào tốt nhất bằng việc giảng viên tập sự phải thường xuyên dự giờ, nghe giảng.

Việc dự giờ, nghe giảng của giảng viên tập sự được thực hiện với các hình thức sau:

Một là, dự giờ, nghe giảng giảng viên cùng lĩnh vực chuyên môn.

Thực hiện việc này, là điều kiện mà người giảng viện tập sự trực tiếp được tiếp nhận cả nội dung, hình thức trong giảng dạy, bài giảng. Với hình thức này người giảng có thể khắc phục được tình trạng truyền đạt những kiến thức không cần thiết, kiến thức chung chung trong quá trình học, ngay cả khi chuẩn bị giáo án trước khi lên lớp, nội dung nào cũng muốn đưa vào bài giảng, dẫn đến việc truyền đạt không đảm bảo thời gian, không đi vào phần trọng tâm…thực hiện trực tiếp nghe giảng cùng lĩnh vực chuyên môn, người giảng viên tập sự biết cách khai thác nội dung kiến thức từ sách giáo khoa, hiểu qua việc phân tích, chứng minh của người giảng, mang tính trực quan nhất, mang lại hiệu quả cho việc soạn giáo án, kinh nghiệm trong việc giảng bài của bản thân sau này.

Hai là, dự giờ, nghe giảng đối với những giảng viên không cùng lĩnh vực chuyên môn.

Với hình thức này, có một số giảng viên cho rằng tính hiệu quả không cao, vì dự giờ, nghe giảng của người không cùng chuyên môn có thể mất thời gian, không tiếp nhận được kiến thức cần thiết trong lĩnh vực của mình… theo tôi nếu có nhận thức như vậy, cho rằng chưa đúng và nên cần thực hiện hình thức này đối với tất cả giảng viên, mà cần thiết nhất là đối với những người tập sự.

Thực hiện hoạt động giảng dạy, người giảng viên biết lắng nghe, học hỏi kinh nghiệm thông qua đồng nghiệp cùng lĩnh vực hoặc khác lĩnh vực đều có ích cho bản thân. Tuy việc nghe giảng người không cùng chuyên môn có thể không mang lại kết quả trong soạn giáo án, tính hệ thống theo chương, bài…nhưng nó sẽ các tác dụng trong bài giảng sau này của mình khi có những phần liên quan, khi tranh luận một vấn đề nào đó, mà trong chương trình đào tạo Trung cấp lý luận chính trị với nhiều nội dung có sự liên đới và ngay cả đối tượng đào tạo cũng nhiều thành phần khác nhau, vì vậy vấn đề nghe giảng để tiếp nhận càng nhiều thông tin là đều cần thiết, không vô nghĩa.

Hơn nữa việc dự giờ, nghe giảng của giảng khác chuyên môn, mà quan trọng là đối với những giảng viên dạy giỏi, có kinh nghiệm sẽ giúp cho giảng viên tập sự có kinh nghiệm tích lũy về kiến thức thực tiễn, sư phạm, phân bổ thời gian hợp lý…

Do đó, hoạt động dự giờ, nghe giảng giảng viên cùng chuyên môn hoặc khác lĩnh vực chuyên môn không chỉ là để học cái hay, qua đó còn thấy được những hạn chế, không hay của người đi trước, rồi từ đó rút ra kinh nghiệm cho mình cần tránh, nên việc dự giờ, nghe giảng có thể thực hiện ở bất cứ giảng viên nào, học tập những cái hay và rút kinh nghiệm những hạn chế của giảng viên còn khuyếm khuyết, cho nên có thể nói dự giờ, nghe giảng là hoạt động có nhiều bổ ích đối với giảng viên nói chung, giảng viên tập sự nói riêng.

Vì vậy có thể nói việc dự giờ, nghe giảng của giảng viên tập sự là rất cần thiết, tuy nhiên không vì thế mà người giảng viên tập sự chỉ dùng tất cả thời gian của mình cho hoạt động dự giờ, nghe giảng. Để việc dự giờ, nghe giảng đạt hiệu quả cao trong công tác giảng dạy thì người giảng viên tập sự cần phải có kế hoạch cụ thể, rõ ràng, có mục tiêu, phương châm cụ thể, tránh sự tùy tiện, ngẩu hứng, trong hoạt động của mình, phải đặt ra thời gian nào dành cho nghiên cứu chuyên môn, soạn giáo án, lúc nào nên nghe giảng, hoạt động khoa học, hoạt động  Khoa…

Để thực hiện hoạt động dự giờ, nghe giảng đối với giảng viên tập sự có hiệu quả, chúng ta cần quan tâm đến một số vấn đề sau:

Thứ nhất , cần nghiên cứu qua về nội dung bài chuẩn bị nghe giảng theo giáo trình, từ đó giúp cho người nghe dễ theo dõi và hiểu rõ được cách triển khai bài giảng của giảng viên theo giáo trình như thế nào?.

Thứ hai là, khi nghe giảng cần ghi lại đầy đủ nội dung, nhất là dự giờ người cùng chuyên môn, nhằm bổ sung kiến thức cho mình hoặc tham khảo để soạn giáo án.

Thứ ba là, theo dõi và ghi tất cả các ví dụ minh họa cho từng nội dung, cần chú ý những nội dung ví dụ gắn tới chuyên môn, số liệu mới hoặc điều mà mình tâm đắc.

Thứ tư là, theo dõi, quan sát và ghi lại chi tiếc các bước tiến hành những phương pháp, lưu ý các phương pháp mới, nếu sau buổi nghe giảng chưa rõ có thể hỏi lại giảng viên đã trình bày.

Tóm lại, việc dự giờ, nghe giảng là một trong những điều cần thiết đồi với giảng viên tập sự, nếu trong hoạt động dự giờ, nghe giảng họ biết kết hợp một cách khoa học thì giảng viên tập sự sẽ tự rút ra những kinh nghiệm cho mình, họ sẽ sớm thành công trên bục giảng, là đội ngũ kế thừa, ổn định, phục vụ lâu dài, góp phần thực hiện tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức của Trường Chính trị./.