Xuất bản thông tin

null Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về “nhà ở” của nông dân trong xây dựng nông thôn mới

Chi tiết bài viết Tin tức - Sự kiện

Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về “nhà ở” của nông dân trong xây dựng nông thôn mới

Lê Thị Thanh Kiều

                                                                             Khoa Lý luận cơ sở

Trong thực tiễn cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta luôn khẳng định giai cấp nông dân là động lực của cách mạng, là đồng minh tự nhiên và tin cậy của giai cấp công nhân. Về vai trò của nông dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Nền tảng của vấn đề dân tộc là vấn đề nông dân, vì nông dân là tối đa số trong dân tộc. Nền tảng của cách mạng dân chủ cũng là vấn đề nông dân, vì nông dân là lực lượng cách mạng đông nhất chống đế quốc, chống phong kiến” [1].

Từ việc khẳng định vai trò của nông dân, Hồ Chí Minh luôn quan tâm nâng cao đời sống nông dân, quan điểm này chiếm vị trí cốt lõi trong toàn bộ tư tưởng của Người. Nâng cao đời sống nông dân cũng chính là mục tiêu cao nhất của Đảng với vai trò lãnh đạo cách mạng nước ta. Người khẳng định: “Tất cả đường lối, phương châm, chính sách… của Đảng đều chỉ nhằm nâng cao đời sống của nhân dân nói chung, của nông dân nói riêng”.

Nâng cao đời sống nông dân theo Hồ Chí Minh gồm nâng cao đời sống vật chất và đời sống tinh thần. Trong đó, “về đời sống vật chất, phải làm sao cho ai nấy đều ăn no, mặc ấm, có nhà ở cao ráo, có đường sá sạch sẽ” [2]. Và xây dựng nhà ở là công việc đầu tiên Người yêu cầu Đảng phải giải quyết cho tốt để nông dân an cư lạc nghiệp trong chính ngôi nhà của mình. Trong quan điểm của Người, vấn đề nhà ở khi xây dựng nông thôn mới, xây dựng chủ nghĩa xã hội thể hiện các nội dung:

Thứ nhất, xuất phát từ thực tế nhà ở của nông dân ở nông thôn nước ta khi xây dựng nông thôn mới là “nông thôn của ta, nhà ở của đồng bào phần nhiều đang ọp ẹp, tối tăm, chẳng ra sao, chẳng có hàng lối gì” [3]. Vì vậy, Hồ Chí Minh yêu cầu phải xây dựng lại nhà ở của nông dân. Người nói: “Chúng ta đang chuẩn bị xây dựng nông thôn mới. Việc đầu tiên của nông thôn mới là xây dựng nhà ở cho đàng hoàng” [4]. Người khẳng định: yêu cầu về ở, về nhà ở là một trong những nhu cầu tự nhiên của con người và là mục tiêu của chủ nghĩa xã hội vì “Chủ nghĩa xã hội là mọi người dân được áo ấm cơm no, nhà ở tử tế, được học hành” [5].

Thứ hai, phải có kế hoạch xây dựng nhà ở chu đáo

Hồ Chí Minh khẳng định: Để giải quyết vấn đề nhà ở của nông dân, trước hết “Chính phủ cần phải chuẩn bị kế hoạch xây dựng nông thôn mới và kiểu mẫu xây dựng nhà cho nông dân làm theo” [6]. Người chỉ ra mối quan hệ biện chứng giữa ăn và ở. Về ăn, phải thực hiện tổ đổi công và hợp tác xã. Đây vừa là nhiệm vụ chính trị vừa là nhiệm vụ kinh tế. Về ở, Người yêu cầu từng địa phương phải xây dựng kế hoạch quy hoạch chung về nhà ở cho địa phương mình và hướng dẫn, tổ chức để nhân dân thực hiện đồng loạt, tránh để “mạnh ai nấy làm” nhằm đảm bảo tính đồng bộ trong xây dựng nhà ở nông thôn mới.

Bên cạnh đó, theo Hồ Chí Minh để xây dựng nhà ở thì Ủy ban hành chính và chi bộ phải xây dựng kế hoạch để đảm bảo thực hiện tốt yêu cầu trồng cây làm nhà. Người đặt câu hỏi và trả lời: “Muốn làm nhà ở phải có cái gì? Gỗ. Muốn có gỗ thì phải trồng cây” [7]. Vì vậy, trong xây dựng đời sống mới nói chung và nông thôn mới nói riêng, Hồ Chí Minh đặc biệt phát động Tết trồng cây. Trồng cây là giải pháp đầu tiên để có vật liệu xây nhà. Trồng cây là công việc của nông dân, do nông dân tự làm lấy dưới sự hướng dẫn và tuyên truyền của cán bộ trong các Ủy ban, các chi bộ. Người kêu gọi:

“Muốn làm nhà cửa tốt, 

Phải ra sức trồng cây. 

Chúng ta chuẩn bị từ rày, 

Dăm năm sau, sẽ bắt tay dựng nhà” [8].

          Hồ Chí Minh đặt ra mục tiêu về nhà ở trong xây dựng nông thôn mới không chỉ là những mái lá đơn sơ mà nhà ở phải được lớp ngói. Ngày 7/10/1961, nói chuyện với đồng bào và cán bộ xã Đại Nghĩa (Hà Đông – nay thuộc Hà Nội), Người yêu cầu địa phương cần phấn đấu 2/3 nhà xã viên lợp ngói, có như vậy thì sẽ  góp phần xây dựng nông thôn khang trang hơn, đẹp hơn.

          Thứ ba, gắn với xây dựng nhà ở trong nông thôn mới, Hồ Chí Minh yêu cầu phải xây dựng nhà mới – đó là đời sống mới trong một nhà – ý thức của công dân trong đời sống mới. Người yêu cầu xây dựng kế hoạch ăn mặc, công việc, chi tiêu phải ngăn nắp; sắp xếp trong nhà, ngoài vườn sạch sẽ, gọn gàng để “làm cho nhà mình thành một nhà kiểu mẫu trong làng” [9]. Qua đó, góp phần xây dựng nông dân thành những chủ nhân của nông thôn mới, có ý thức làm chủ, ý thức tập thể hướng đến xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa.

Hiện nay, thực hiện mục tiêu hiện đại hóa nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành và thực hiện các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội. Trong đó, tiêu biểu là Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Nhà ở là một trong những tiêu chí quan trọng. Tiêu chí nhà ở cũng dần được nâng chất qua các giai đoạn thực hiện Chương trình. Nhà ở nông thôn hiện nay đã được xây dựng khang trang hơn, bộ mặt nông thôn nước ta từng bước thay đổi theo hướng hiện đại.

Mục tiêu nâng cao đời sống nông dân và phát huy vai trò chủ thể của nông dân trong xây dựng nông thôn mới được Đảng quan tâm, tạo điều kiện hiện thực hóa. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Đảng ta khẳng định: “phát huy vai trò chủ thể của nông dân trong quá trình phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới. Gắn xây dựng giai cấp nông dân với phát triển nông nghiệp và quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa nông thôn…” [10]./.

Tài liệu tham khảo:

  1. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021): Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội , tập 1.
  2. Hồ Chí Minh (2011): Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tập 5,8, 12, 13,14.


[1]Hồ Chí Minh (2011): Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tập 8, trang 31.

[2]Hồ Chí Minh (2011): Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tập 13, trang 218.

[3]Hồ Chí Minh (2011): Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tập 13, trang 255.

[4] Hồ Chí Minh (2011): Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tập 14, trang 446.

[5]Hồ Chí Minh (2011): Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tập 12, trang 490.

[6]Hồ Chí Minh (2011): Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tập 12, trang 226.

[7]Hồ Chí Minh (2011): Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tập 13, trang 255.

[8]Hồ Chí Minh (2011): Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tập 12, trang 227.

[9]Hồ Chí Minh (2011): Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tập 5, trang 118.

[10] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021): Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội , tập 1, trang 166 - 167.