Xuất bản thông tin

null Quan điểm của Hồ Chí Minh về “hạnh phúc” và sự vận dụng của Đảng ta hiện nay

Chi tiết bài viết Tin tức - Sự kiện

Quan điểm của Hồ Chí Minh về “hạnh phúc” và sự vận dụng của Đảng ta hiện nay

Lê Thị Thanh Kiều

Khoa lý luận cơ sở

Trong tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội thì giá trị Độc lập - Tự do - Hạnh phúc là nội dung cốt lõi. Trong đó, giá trị về hạnh phúc luôn được Người đánh giá cao - đó là tiêu chí, thước đo về sự tiến bộ của nhân dân và là mục tiêu của chủ nghĩa xã hội. Vận dụng quan điểm của Người về hạnh phúc, với vai trò lãnh đạo cách mạng, gắn với thành quả của công cuộc đổi mới, Đảng ta luôn quan tâm hiện thực mục tiêu hạnh phúc trên thực tế. Chỉ số hạnh phúc cũng là một trong những nội dung được thế giới hiện nay rất quan tâm để đánh giá sự tiến bộ của một quốc gia.

  1. Quan niệm của Hồ Chí Minh về hạnh phúc thể hiện ở các nội dung sau:

Mưu cầu hạnh phúc cho con người là giá trị cơ bản trong học thuyết của các nhà tư tưởng: trên cơ sở nêu ra những điểm tiến bộ của Nho giáo và quan điểm về sự bình đẳng giữa lao động và hưởng thụ, Hồ Chí Minh kết luận: “Việc thủ tiêu bất bình đẳng về hưởng thụ, hạnh phúc không phải cho một số đông mà cho tất cả mọi người, đấy là đường lối kinh tế của vị hiền triết” [1]. Người khẳng định và tiếp thu những giá trị cốt lõi tinh hoa của văn hóa nhân loại là mưu cầu hạnh phúc cho loài người. Trích dẫn Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của Mỹ, Người viết: “Tất cả mọi người đều sinh ra bình đẳng. Tạo hoá cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”[2] và Người kết luận: Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được. Như vậy, mưu cầu hạnh phúc cho con người là yếu tố chân lý làm thành giá trị của các học thuyết, các giá trị tư tưởng tiêu biểu trong lịch sử nhân loại.

Hồ Chí Minh phê phán hạnh phúc giả dối của thực dân Pháp khi thực hiện chính sách cai trị đối với nước ta và các nước thuộc địa. Trong thư gửi toàn quyền Đông Dương Anbe Xaro, Người viết: “Dưới quyền cai trị của ngài, dân An Nam đã được hưởng phồn vinh thật sự và hạnh phúc thật sự, hạnh phúc được thấy nhan nhản khắp trong nước, những ty rượu và ty thuốc phiện, những thứ đó song song với những sự bắn giết hàng loạt, nhà tù, nền dân chủ…”[3]. Người lên án đanh thép những chính sách giả dối, đem lại hạnh phúc giả dối và sự khoe khoang của thực dân Pháp trong chính sách cai trị đối với các nước thuộc địa.

Hồ Chí Minh khẳng định mưu cầu hạnh phúc là con đường, là mục tiêu của chủ nghĩa cộng sản. Theo Người, mưu cầu hạnh phúc cho con người phải là con người số đông, đó là con người hiểu theo nghĩa hẹp: gia đình, anh em, họ hàng, bầu bạn; nghĩa rộng là cả nước, rộng hơn nữa là cả loài người. Người khẳng định: “Chỉ có chủ nghĩa cộng sản mới cứu nhân loại, đem lại cho mọi người không phân biệt chủng tộc và nguồn gốc sự tự do, bình đẳng, bác ái, đoàn kết, ấm no trên quả đất, việc làm cho mọi người và vì mọi người, niềm vui, hòa bình, hạnh phúc”[4] Trên cơ sở đó, ngay sau khi lãnh đạo nhân dân giành được chính quyền, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập nhằm thực hiện mục tiêu Độc lập – Tự do – Hạnh phúc cho công dân của xã hội mới, cho Nhân dân của Nhà nước dân chủ mới. Khi miền Bắc tiến hành công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, Người khẳng định: “xây dựng chủ nghĩa xã hội tức là xây dựng đời sống no ấm và hạnh phúc cho nhân dân”[5].

Biện pháp để thực hiện hạnh phúc: Hạnh phúc là giá trị thuộc về quyền con người, có nguồn gốc tự nhiên. Tuy nhiên, theo Hồ Chí Minh, muốn sở hữu và thực hiện hạnh phúc không phải tự nhiên có được, mà phải thông qua “mưu cầu hạnh phúc”. Trong các bài nói, bài viết của mình, Người đề ra những cách thức để có được hạnh phúc như thực hiện đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế “để tranh lại thống nhất và độc lập cho Tổ quốc, tự do và hạnh phúc cho nhân dân” [6], “để đấu tranh cho độc lập, hòa bình, dân chủ và hạnh phúc cho cả loài người trên thế giới” [7]. Người chỉ ra vai trò của Chính phủ, của Đoàn thể, cán bộ, đảng viên trong việc phát huy dân chủ đem lại hạnh phúc cho nhân dân. Đồng thời, mỗi người dân phải không ngừng nỗ lực phát triển kinh tế, không ngừng học tập nâng cao trình độ văn hóa, phát triển bản thân và góp phần xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội vì “Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội phải có con người xã hội chủ nghĩa”[8]. Như vậy, mưu cầu hạnh phúc là vì nhân dân, vì con người và mục tiêu ấy do chính con người thực hiện.

2. Hạnh phúc là mục tiêu phấn đấu chung của nhân loại tiến bộ hiện nay. Bắt đầu từ ngày 20/3/2013 Liên Hợp quốc đã tổ chức ngày quốc tế hạnh phúc đầu tiên với lời kêu gọi “Hãy hành động vì hạnh phúc”. Từ đây, ngày Quốc tế hạnh phúc được tổ chức hàng năm và hiện nay nhận được sự hưởng ứng của 193 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới [9]. Đây là dịp Nhân dân thế giới thể hiện mong muốn, niềm tin và quyết tâm vì một thế giới hòa bình, phát triển thịnh vượng, mọi người được hưởng trọn hạnh phúc.

3. Ở Việt Nam, sau thắng lợi của cách mạng tháng Tám, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Kể từ đây, tiếp sau Quốc hiệu của nước ta (Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) là mục tiêu Độc lập - Tự do - Hạnh phúc. Đến ngày 26/12/2013, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ký ban hành Quyết định số 2589/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Tổ chức các hoạt động nhân Ngày Quốc tế hạnh phúc 20 tháng 3 hàng năm” và tổ chức ngày Quốc tế hạnh phúc đầu tiên ở Việt Nam vào năm 2014 với chủ đề “Yêu thương và chia sẻ”. Hoạt động này tiếp tục được nhân dân ta hưởng ứng và thực hiện hàng năm.

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, hạnh phúc là vấn đề tiếp tục được quan tâm, là một trong những nội dung nổi bật tại Đại hội. Đảng đề ra mục tiêu chiến lược: “khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy sức sáng tạo, ý chí và sức mạnh toàn dân tộc, xây dựng xã hội phồn vinh, dân chủ, công bằng, văn minh, trật tự, kỷ cương, an toàn, bảo đảm cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân; không ngừng nâng cao đời sống mọi mặt của nhân dân”[10]. Để thực hiện mục tiêu chiến lược trên, một mặt đẩy mạnh phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, phát huy sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết dân tộc, của hệ thống chính trị. Mặt khác, Đảng ta “đề cao vai trò chủ thể, vị trí trung tâm của nhân dân trong chiến lược phát triển đất nước, trong toàn bộ quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”[11]. Qua đó, Nhân dân là đối tượng thụ hưởng thành quả của công cuộc đổi mới: “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng”. Đồng thời, nhân dân là chủ thể thực hiện với vai trò động lực: Bản thân mỗi người Việt Nam được “phát triển toàn diện, có sức khỏe, năng lực, trình độ, có ý thức, trách nhiệm cao đối với bản thân, gia đình, xã hội và Tổ quốc”[12]./

Tài liệu tham khảo

1. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021): Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, Tập 1.

2. Hồ Chí Minh (2011): Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, Tập 1,4,8,12,13.

3.Https://dangcongsan.vn/the-gioi/tin-tuc/ngay-quoc-te-hanh-phuc-20-3-2021-hanh-phuc-cho-tat-ca-mai-mai-576799.html


[1] Hồ Chí Minh (2011): Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tập 1, trang 47.

[2] Hồ Chí Minh (2011): Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tập 4, trang 1.

[3] Hồ Chí Minh (2011): Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tập 1, trang 92.

[4] Hồ Chí Minh (2011): Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tập 1, trang 496.

[6] Hồ Chí Minh (2011): Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tập 8, trang 272.

[7] Hồ Chí Minh (2011): Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tập 13, trang 339.

[8] Hồ Chí Minh (2011): Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tập 12, trang 222.

[9] https://dangcongsan.vn/the-gioi/tin-tuc/ngay-quoc-te-hanh-phuc-20-3-2021-hanh-phuc-cho-tat-ca-mai-mai-576799.html

[11] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021): Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, tập 1, trang 173.

[12] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021): Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, tập 1, trang 231.