Xuất bản thông tin

null Suy nghĩ về đạo đức nghề nghiệp người làm báo trong giai đoạn hiện nay

Chi tiết bài viết Tin tức - Sự kiện

Suy nghĩ về đạo đức nghề nghiệp người làm báo trong giai đoạn hiện nay

                          Phan Thị Minh Hiền

                                                                          Khoa Xây dựng Đảng

Chúng ta biết rằng bất cứ nghề nghiệp nào cũng cần phải có đạo đức. Mỗi nghề nghiệp sẽ cần có những chuẩn mực đạo đức riêng. Trong giai đoạn hiện nay, do ảnh hưởng của cơ chế thị trường và sự cạnh tranh mạnh mẽ của các phương tiện truyền thông thì vấn đề đạo đức nghề nghiệp của người làm báo càng được xem trọng, đây là vấn đề cốt lõi, có tính định hướng trong hoạt động báo chí nói chung. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sỹ cách mạng. Cây bút và trang giấy là vũ khí sắc bén của họ. Để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của mình, cán bộ báo chí cần phải tu dưỡng đạo đức cách mạng...”[1]

Đạo đức nghề nghiệp của người làm báo có thể hiểu là những nguyên tắc, những quy định về hành vi đạo đức của nhà báo. Những quy định này mặc dù không được ghi trong luật nhưng được chấp nhận trong giới báo chí và được duy trì bởi sức mạnh của dư luận xã hội. Đạo đức nghề nghiệp của nhà báo được gọi bằng nhiều tên khác nhau với ý nghĩa đồng nhất đó là: đạo đức nghề báo, đạo đức báo chí, đạo đức nghề nghiệp của người làm báo, đạo đức nhà báo…

Thời gian qua, báo chí đã thể hiện tốt vai trò của mình trong công tác tuyên truyền thông qua các sự kiện lớn của đất nước như Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, kỷ niệm 131 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh…. Hay khi đại dịch Covid-19 xảy ra thì người làm báo là lực lượng xung kích trên mặt trận thông tin chống dịch với việc phát huy sức mạnh nhiều loại hình, nhiều phương tiện trong tuyên truyền phòng chống dịch, định hướng dư luận xã hội, mang đến thông tin đầy đủ, chính thống để người dân bình tĩnh, không hoang mang trước tình hình dịch bệnh.

Trong sự nghiệp cách mạng hiện nay, khi mà hội nhập quốc tế sâu rộng, bùng nổ thông tin, những thành tựu về kinh tế - khoa học kỹ thuật, sự chống phá của các lực lượng thù địch trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận, văn học, nghệ thuật và trên không gian mạng,… là những yếu tố tác động đến ngòi bút của người làm báo cả về mặt tích cực lẫn tiêu cực. Nhiều nhà báo đã vượt qua được những cám dỗ vật chất đời thường, lao động cần cù, sẵn sàng hi sinh, cống hiến vì lợi ích của nhân dân, của đất nước. Đó là hàng ngày, hàng giờ các nhà báo phải bám sát thực tiễn, phải tác nghiệp ngay cả trong điều kiện khó khăn, nguy hiểm nhất để viết nên những bài báo hay, có ý nghĩa thời sự, đáp ứng nhu cầu cung cấp thông tin, định hướng tuyên truyền đến mọi tầng lớp nhân dân. Rõ ràng, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, tình huống nào, tinh thần sẵn sàng cống hiến, hy sinh của những người làm báo luôn  được phát huy cao độ.

Tuy nhiên, trong thực tế còn không ít nhà báo vi phạm đạo đức nghề nghiệp, tình trạng lợi dụng danh nghĩa nhà báo dọa dẫm, sách nhiễu để vụ lợi, vun vén lợi ích cá nhân, vi phạm đạo đức nghề nghiệp vẫn chưa được ngăn chặn và xử lý triệt để. Không ít người làm báo bị “bẻ cong” ngòi bút, sa ngã, thậm chí rơi vào vòng lao lý…. 

Những biểu hiện tiêu cực diễn ra do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan. Trong đó, nguyên nhân chủ quan là cốt lõi nhất, đó là sự hạn chế về trình độ chuyên môn nghiệp vụ, thiếu bản lĩnh chính trị, thiếu tu dưỡng và sự rèn luyện đạo đức nghề nghiệp của một bộ phận người làm báo. Để báo chí thật sự là nơi tin cậy và có sức thuyết phục cao nhất là thời đại kỹ thuật số như hiện nay, cần thực hiện một số biện pháp để xây dựng đội ngũ những người làm báo vững vàng về lập trường, quan điểm; trong sáng về đạo đức, lối sống; sắc bén về chuyên môn, nghiệp vụ cần thực hiện một số giải pháp cơ bản sau:

Thứ nhất, phát huy vai trò, trách nhiệm của cơ quan báo chí, các ngành, các cấp Hội Nhà báo trong nâng cao đạo đức nghề nghiệp cho người làm báo. Bản thân nhà báo phải tu dưỡng, rèn luyện đạo đức nghề nghiệp, giữ gìn phẩm giá của người làm báo trước sự tác động, mua chuộc, lôi kéo và cám dỗ của những lợi ích vật chất tầm thường, mục đích vụ lợi không trong sáng. Chỉ có đạo đức nghề nghiệp, người làm báo mới có thể thực hiện đúng nhiệm vụ, sứ mệnh thiêng liêng của mình đối với cộng đồng và xã hội, có đủ sức mạnh và nghị lực  để vượt qua khó khăn, chống lại những thói xấu, bảo vệ những giá trị tốt đẹp, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong giai đoạn hiện nay. 

 Thứ hai, thực hiện tốt mười điều quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo do Hội Nhà báo Việt Nam ban hành. Thực hiện tốt những quy định trên xem như là bổn phận, trách nhiệm, nguyên tắc hành nghề và là lương tâm của người làm báo. Ngoài ra, người làm báo cần phát huy lòng yêu nước, luôn trung thực, tôn trọng sự thật, đề cao trách nhiệm công dân là nội dung cốt lõi của đạo đức nghề nghiệp người làm báo. Hồ Chí Minh đã chỉ ra rằng: “Viết phải đúng sự thật, không được bịa ra”; “không nên nói ẩu”; “không biết rõ, hiểu rõ, chớ nói, chớ viết… chưa điều tra, chưa nghiên cứu, chưa biết rõ, chớ nói, chớ viết” [2]

Thứ ba, nâng cao bản lĩnh chính trị, đào tạo, quan tâm bồi dưỡng về lý luận chính trị, nghiệp vụ báo chí cho người làm báo, đặc biệt là nêu cao tính tiền phong gương mẫu của đội ngũ cán bộ lãnh đạo các cơ quan báo chí nói chung. Bên cạnh đó, mỗi nhà báo phải không ngừng học hỏi, nâng cao trình độ tiếp cận các loại hình báo chí hiện đại, đa phương tiện, kiến thức sâu rộng trên các lĩnh vực,… đề ngày càng có nhiều sản phẩm báo chí hay, cung cấp thông tin nhanh chóng, chính xác, kịp thời đến mọi tầng lớp nhân dân.

Thứ tư, bản thân mỗi nhà báo phải xác định rõ trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân của bản thân mình. Đây là hai phạm trù có mối quan hệ mật thiết với nhau, là nội dung cơ bản của phẩm chất chính trị của người làm báo. Mỗi khi cầm bút người làm báo phải tự đặt cho mình câu hỏi: Viết cho ai? Viết để làm gì? Viết cái gì? Viết như thế nào? Khi trả lời được đầy đủ, đúng đắn các câu hỏi ấy là  người làm báo đã thực hiện được trách nhiệm xã hội của mình.

Thứ năm, tăng cường vai trò giám sát của nhân dân đối với những người làm báo để thông qua đó có thể phát hiện hành vi vi phạm đạo đức của nhà báo. Ngoài ra, cần có chế tài, biện pháp xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp người làm báo tùy theo mức độ và đúng quy định của pháp luật …

Nghề báo và người làm báo luôn được Đảng, Nhà nước và toàn xã hội tôn vinh. Ngày 21/6 hàng năm là ngày kỷ niệm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam. Để xứng đáng với sự tôn vinh của xã hội, người làm báo cần xây dựng cái tâm, cái đức của mình. Từ cái tâm, cái đức đó sẽ định hướng cho người làm báo học tập suốt đời, rèn luyện tính trung thực, dũng cảm, cống hiến và hy sinh. Việc mỗi nhà báo thường xuyên học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, học tập theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là góp phần trau dồi bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ, sứ mệnh thiêng liêng của mình để thật sự là “chiến sĩ cách mạng” trên mặt trận văn hóa – tư tưởng trong giai đoạn hiện nay./.                                                


[1] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội 2000, tập 10, tr.616

[2] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội 2000, tập 5, tr.306