Xuất bản thông tin

null Phùng Thị Tám

Chi tiết bài viết TTGDNN Nhân vật lịch sử huyện

Phùng Thị Tám

Tóm tắt: 
Bà Phùng Thị Tám 
Quê quán: huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp
Năm sinh: 1918

Phùng Thị Tám

Bà Phùng Thị Tám sinh năm 1918, tại xã Phú Hựu, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp; hiện ngụ tại ấp An Lợi, xã An khánh, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp.

Tham gia công tác lúc 40 tuổi (năm 1958), nhiệm vụ được giao trong những năm đầu làm giao liên công khai chuyển thư từ, công văn cho phòng hậu cần thuộc Tỉnh đội Vĩnh Long. Công việc không nặng nhọc nhưng gian nguy, địch thường theo dõi kiểm tra, khám xét gắt gao, song Bà đều tìm cách qua được mắt địch, vận chuyển hàng trăm chuyến thư từ tài liệu an toàn, giữ gìn được bí mật.

Năm 1969, bà cùng chồng chuyển lên công tác hậu cần của Quân khu 9, được giao nhiệm vụ mở đường chuyên chở vũ khí từ Campuchia về các tỉnh thuộc quân khu, nhất là cho 2 tỉnh: Vĩnh Long, Trà Vinh bằng đường công khai trên sông Tiền, sông Hậu. Đây là nhiệm vụ cực kỳ cam go, nguy hiểm, vì địch cho tàu tuần tra chặn xét thường xuyên. Nhưng bà Phùng Thị Tám đã mưu trí nguỵ trang bằng thuyền hai đáy, trên chở trái cây, dưới để vũ khí; có khi phải dùng tiền, rượu, hàng hóa mua chuộc binh lính địch để được đi qua dễ dàng.

Bà chú ý theo dõi nắm quy luật hoạt động của địch để bố trí đi lại, tổ chức các tuyến trạm hợp lý, nhờ đó giữ được bí mật tuyến đường vận tải, bảo đảm vận chuyển hàng hóa, vũ khí ra chiến trường kịp thời, an toàn. Có tháng Bà chở một, hai chuyến trên đoạn đường dài một, hai trăm cây số, từ biên giới xuống Bến Cát, Cầu Kè (Trà Vinh), vượt qua hàng mấy chục đồn bót giặc để vào vùng giải phóng.

Tháng 10/1969, trên đường từ Trà Vinh lên đến Bắc Cần Thơ bị bọn đầu hàng chỉ điểm nhìn mặt, bà cùng chồng bị địch bắt. Chúng tra tấn, dùng nhiều cực hình hết sức dã man, nhiều lần chết đi sống lại. Sau 3 ngày khảo tra không khai thác được gì, bọn địch dẫn chồng bà ra bắn ngay trước mặt bà. Bà nén đau thương trước cái chết của chồng, quyết tâm bảo vệ đường dây, bảo vệ Đảng, không khai báo. Địch chịu thua, kêu án bà 3 năm tù.

Năm 1973, thoát khỏi nhà tù của địch, được Đảng bố trí an dưỡng ở miền Bắc. Năm 1974, bà lại hăng hái trở về chiến trường miền Nam tiếp tục công tác, đến năm 1979 nghỉ hưu.

Sống cô đơn, hoàn cảnh kinh tế khó khăn, song bà luôn chú ý giữ gìn phẩm chất đạo đức của người đảng viên, gắn bó với bà con xóm làng, được nhân dân kính trọng yêu mến.

Bà là một chiến sĩ hậu cần giỏi của Quân khu 9, lập được nhiều chiến công xuất sắc, được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba; Huân chương Giải phóng hạng Ba, hạng Nhì; Huân chương Kháng chiến hạng Nhất và được Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam tuyên dương danh hiệu: Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

BBT