Xuất bản thông tin

null Tập trung thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới

Chung sức xây dựng Nông thôn mới Chung sức xây dựng Nông thôn mới

Tập trung thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới

Với quan điểm xây dựng nông thôn mới (NTM) để nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, Huyện ủy Châu Thành đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát việc triển khai thực hiện mô hình kinh tế theo hướng ứng dụng khoa học công nghệ phù hợp tình hình sản xuất của địa phương. Đây được xem là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt nhằm huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và tạo được sự đồng lòng, quyết tâm, chung sức của người dân trong thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng NTM.

https://www.baodongthap.vn/database/image/2023/02/01/rr.jpg
Xã Tân Nhuận Đông đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2021

Đồng chí Nguyễn Tấn Lực - Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Châu Thành, cho biết: Từ năm 2011 đến nay, toàn hệ thống chính trị của huyện đã tập trung ưu tiên đầu tư, vận động phát huy sức mạnh của toàn dân đóng góp vào công cuộc xây dựng NTM. Đến nay, 11/11 xã trên toàn huyện đã được công nhận đạt chuẩn NTM, trong đó có xã Tân Nhuận Đông đạt chuẩn NTM nâng cao. Đây là bước khởi sắc quan trọng để hướng đến huyện Châu Thành đạt chuẩn NTM trong thời gian tới.

Mục tiêu phát triển nông nghiệp bền vững ở huyện Châu Thành là tập trung theo hướng chuyên canh, cơ giới hóa, từng bước ứng dụng công nghệ cao gắn với sơ chế, bảo quản, chế biến, hình thành các chuỗi giá trị nông sản an toàn, thân thiện với môi trường. Toàn huyện có trên 80% dân số sống chủ yếu dựa vào nông nghiệp, thời gian qua, huyện đã tập trung xây dựng các mô hình sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao giá trị trên đơn vị diện tích nuôi trồng. Năm 2015, huyện đã xây dựng và ban hành kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030; tiếp tục khuyến khích và hỗ trợ phát triển những dự án chuyển đổi cơ cấu trên nền đất lúa và vườn cây ăn trái kém hiệu quả sang trồng cây có hiệu quả kinh tế cao hơn. Đến nay, toàn huyện có 7.408,19ha vườn cây ăn trái, trong đó diện tích trồng nhãn là 3.568,18ha. Ngoài ra, các loại trái cây khác như: thanh long, sầu riêng, vú sữa, mít, ổi... cũng góp phần nâng cao thu nhập của người dân địa phương.

Mô hình kinh tế tập thể, liên kết, hợp tác sản xuất và tiêu thụ sản phẩm ngày càng lan tỏa. Đến cuối năm 2022, toàn huyện có 12 hội quán với 558 hội viên; 18 hợp tác xã với 993 thành viên, vốn điều lệ 6.215 triệu đồng. Ông Nguyễn Văn Ba - Chủ nhiệm Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ xã An Phú Thuận, chia sẻ: “Khi thực hiện mô hình nông nghiệp mang tính ứng dụng khoa học, công nghệ, người nông dân biết nhiều kỹ thuật hơn, chất lượng, tiêu chuẩn được kiểm định, vì thế sẽ tăng lợi thế cạnh tranh. Chưa kể mô hình Hội quán, Hợp tác xã, các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị đã làm tốt vai trò liên kết giữa người nông dân và doanh nghiệp trong tiêu thụ nông sản. Đây là điều mà người nông dân như chúng tôi cần nhất và đang được định hướng thực hiện”.

Hiện nay, huyện Châu Thành tiếp tục xây dựng NTM toàn diện gắn với đô thị hóa và hiện đại hóa, nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM, hướng đến phát triển nông nghiệp bền vững, nông thôn kiểu mẫu; chú trọng triển khai thực hiện Đề án mỗi xã 1 sản phẩm (OCOP). Từ năm 2019 đến nay, huyện có 47 sản phẩm được chứng nhận sản phẩm OCOP đạt từ 3-4 sao. Trong năm 2022, đã đề nghị tỉnh xem xét đánh giá, phân hạng 18 sản phẩm OCOP (có 7 sản phẩm mới, 11 sản phẩm tái chứng nhận).

Hướng phát triển NTM của huyện còn gắn với phát triển các ngành công nghiệp, dịch vụ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn trên địa bàn, khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch sinh thái; phát huy, giữ gìn bản sắc văn hóa và xây dựng, phát triển toàn diện con người Châu Thành có nhân cách, lối sống đẹp, đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới. Huyện đã đẩy mạnh các hoạt động khởi nghiệp trên các lĩnh vực nông nghiệp, du lịch, dịch vụ ở nông thôn; thu hút đầu tư, mở rộng hệ thống giao thông đến các điểm di tích; trùng tu, tôn tạo và tổ chức lễ hội tại 3 di tích cấp Quốc gia (Đình Phú Hựu, ĐìnhTân Phú Trung, Đình Tân Nhuận Đông); 5 khu du lịch sinh thái (Tám Sáng và Thanh Hiền xã Tân Bình, Minh Trí xã Tân Nhuận Đông, Hai Thủy xã An Hiệp, Chín Phương xã Phú Hựu) và 2 điểm du lịch tự phát (khu lò gạch xã An Hiệp; miếu Xóm đồng xã Tân Phú Trung) cùng với chuỗi liên kết “du lịch trải nghiệm” tại làng nghề truyền thống (làng bột, làng gạch ngói, đan lát), thưởng thức văn hóa ẩm thực, lễ hội truyền thống của vùng đất, con người Châu Thành. Bà Lê Thị Ba - người gắn bó với nghề đan lát lục bình, đồng tình và phấn khởi: “Tôi lo lắng đan lát sẽ bị mai một bởi các sản phẩm sử dụng nhiều công nghệ, nhưng tương lai huyện đầu tư phát triển thành làng nghề sẽ mở ra cơ hội giới thiệu đến du khách trong và ngoài nước. Đồng thời, nghề truyền thống cũng được duy trì”.

Trong quá trình xây dựng NTM, tình hình kinh tế - xã hội nông thôn tại huyện đã có bước phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của nông dân được cải thiện và dần được nâng cao. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt 57 triệu đồng/người/năm, hộ nghèo giảm còn 1,03% (năm 2011 là 13%). Cuộc vận động đã tác động mạnh mẽ, huy động cả hệ thống chính trị tham gia, xuất hiện nhiều tấm gương điển hình tiên tiến trong xây dựng NTM.

Thời gian tới, huyện Châu Thành tiếp tục tập trung thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng NTM, nhất là thực hiện tốt các định hướng của giai đoạn 2021- 2025 để phấn đấu đưa huyện Châu Thành đạt chuẩn huyện NTM trong năm 2023. Để thực hiện đạt được mục tiêu đó, đồng chí Nguyễn Tấn Lực cho biết: Huyện Châu Thành xác định phải xây dựng được lòng tin và khơi dậy mạnh mẽ ý chí, khát vọng, sự đồng lòng, chung tay góp sức của Nhân dân trong công cuộc xây dựng NTM. Phải làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, vận động để Nhân dân thấu hiểu sâu sắc hơn chủ trương, ý nghĩa khi thực hiện thành công NTM và những thành quả NTM mang lại mà chính người dân là đối tượng thụ hưởng, từ đó, tạo chuyển biến lớn trong phát triển kinh tế - xã hội ở nông thôn, thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn và thành thị, diện mạo nông thôn được đổi mới khang trang; đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện và nâng cao, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn huyện.

Trúc Linh

Nguồn: baodongthap.vn