Xuất bản thông tin

null Tư tưởng Hồ Chí Minh về phòng, chống những biểu hiện suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên

Học tập làm theo tư tưởng đạo đức phòng cách Hồ Chí Minh Học tập làm theo tư tưởng phong cách đạo đức Hồ Chí Minh

Tư tưởng Hồ Chí Minh về phòng, chống những biểu hiện suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên

Là người sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đặc biệt quan tâm đến công tác xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh trên cả hai phương diện: xác lập những nguyên tắc, quy định, chuẩn mực về tư tưởng, chính trị, tổ chức, đạo đức để thực hiện thống nhất ý chí và hành động trong toàn Đảng; đồng thời chỉ ra những căn bệnh, thói hư, tật xấu mà mỗi cán bộ, đảng viên cần phải phòng chống, nhất là từ khi Đảng trở thành Đảng cầm quyền. Bài viết này đề cập đến những quan điểm của Người về phòng, chống những căn bệnh, thói hư, tật xấu trong cán bộ, đảng viên, với ý nghĩa là phòng, chống những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.

Ảnh tuyên truyền

1. Hồ Chí Minh chỉ ra những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, nhằm ngăn ngừa, phòng chống sự suy thoái trong Đảng, Hồ Chí Minh rất nhiều lần chỉ ra những sai lầm, khuyết điểm biểu hiện sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống mà các cán bộ, đảng viên thường mắc phải và dễ có nguy cơ mắc phải. Ngay từ khi trực tiếp chuẩn bị về tư tưởng, chính trị, tổ chức và đạo đức cho sự ra đời của Đảng, trong tác phẩm Đường Cách mệnh (1927), Hồ Chí Minh đã đặt lên trước hết bài học về tư cách của một người cách mạng, xác định những tiêu chuẩn mà người cách mạng cần phải có, trong đó bao hàm cả những yêu cầu phải phòng chống các biểu hiện tiêu cực, như: không tư (tư lợi, tư tâm, tư ý, tư thù, tư oán ....), không nhút nhát, không hiếu danh, không kiêu ngạo, ít lòng tham muốn về vật chất(1).

Sau ngày Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, chính quyền cách mạng được thành lập, Hồ Chí Minh rất trăn trở trước hiện tượng tha hóa của một số cán bộ, đảng viên khi được Đảng và Chính phủ giao nắm giữ những cương vị quyền lực trong bộ máy chính quyền. Chỉ hai tuần sau ngày đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trong Thư gửi các đồng chí tỉnh nhà (17/9/1945), Hồ Chí Minh đã nhắc nhở các cán bộ, đảng viên phải đề phòng hủ hóa. Người nêu rõ: “Cán bộ ta nhiều người “cúc cung tận tụy”, hết sức trung thành với nhiệm vụ, với Chính phủ, với quốc dân. Nhưng cũng có người hủ hóa, lên mặt làm quan cách mạng, hoặc là độc hành độc đoán, hoặc là dĩ công dinh tư). Thậm chí dùng pháp công để báo thù tư), làm cho dân oán đến Chính phủ và Đoàn thể”(2).

Trong Thư gửi Ủy ban Nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng (17/10/1945), cùng với việc khẳng định phương châm của chế độ mới là phục vụ nhân dân, gắn bó mật thiết với nhân dân và làm cho nhân dân được hưởng hạnh phúc, tự do thực sự, Hồ Chí Minh tiếp tục phê bình nghiêm khắc những lầm lỗi rất nặng nề, mà có nơi, có người mắc phải. Đó là sáu sai lầm, khuyết điểm cơ bản: Một là, trái phép, tư thù tư oán; Hai là, cậy thế, ngang tàng phóng túng, muốn sao được vậy, coi khinh dư luận, không nghĩ đến dân; Ba là, hủ hóa, ăn chơi xa xỉ, lấy của công dùng vào việc tư; Bốn là, tư túng, kéo bè, kéo cánh; Năm là, chia rẽ, không biết làm cho các tầng lớp nhân nhượng lẫn nhau, hòa thuận với nhau; Sáu là, kiêu ngạo, coi khinh nhân dân, huênh hoang, cử chỉ lúc nào cũng vác mặt “quan cách mạng” lên(3).

Tinh thần phê bình nghiêm khắc, thẳng thắn trên tiếp tục được Hồ Chí Minh nêu trong Thư gửi các đồng chí Bắc Bộ (1/3/1947), Thư gửi các đồng chí Trung Bộ (1947), khi Người chỉ ra những khuyết điểm: Địa phương chủ nghĩa; Óc bè phái; Óc quân phiệt quan liêu; Óc hẹp hòi; Ham chuộng hình thức; Làm việc lối bàn giấy; Vô kỷ luật, kỷ luật không nghiêm; Ích kỷ, hủ hóa.

Trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc (tháng 10/1947), Hồ Chí Minh đã thẳng thắn chỉ ra ba chứng bệnh rất nguy hiểm là bệnh chủ quan, bệnh hẹp hòi và thói ba hoa. Bằng những phân tích sâu sắc từ thực tiễn, Người nêu rõ ba chứng bệnh này lại là kết quả từ nhiều khuyết điểm, hoặc dẫn đến những khuyết điểm khác. Liên quan đến lĩnh vực tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, Người phân tích rõ những căn bệnh, khuyết điểm như: kém lý luận, hoặc khinh lý luận, hoặc lý luận suông, chủ nghĩa địa phương, chủ nghĩa bản vị, chủ nghĩa cá nhân, khuynh hướng tham danh vọng, tham địa vị, dìm người giỏi, bệnh hủ hóa,...

Đặc biệt, Hồ Chí Minh chỉ ra căn bệnh chủ nghĩa cá nhân: “Chủ nghĩa cá nhân là như một thứ vi trùng rất độc, do nó mà sinh ra các thứ bệnh rất nguy hiểm”(4). Những biến chứng điển hình của chủ nghĩa cá nhân là các bệnh tham lam, bệnh lười biếng, bệnh kiêu ngạo, bệnh hiếu danh, thiếu kỷ luật, óc hẹp hòi, óc địa phương, óc lãnh tụ... Người cũng phân tích, nhắc nhở phải phòng chống các bệnh hữu danh vô thực, kéo bè kéo cánh, bệnh cận thị, bệnh cá nhân, bệnh lười biếng, bệnh tị nạnh, bệnh xu nịnh, a dua, ngoài ra là các bệnh quan liêu, xa dân, bệnh bàn giấy, bệnh nóng tính, bệnh lụp chụp, công thần cách mạng, nói suông.

Trong tác phẩm Đạo đức cách mạng (tháng 12/1958), cùng với việc khẳng định sự cần thiết phải tu dưỡng đạo đức cách mạng, nội dung những chuẩn mực đạo đức cách mạng, nguyên tắc rèn luyện đạo đức cách mạng, Hồ Chí Minh cũng đồng thời yêu cầu phải đấu tranh chống căn bệnh chủ nghĩa cá nhân. Người nêu rõ, chủ nghĩa cá nhân trái ngược với đạo đức cách mạng, là vết tích xấu nhất và nguy hiểm nhất của xã hội cũ, là một thứ rất gian giảo, xảo quyệt; nó khéo dỗ dành người ta đi xuống dốc. Mà ai cũng biết rằng xuống dốc thì dễ hơn lên dốc. Vì thế mà càng nguy hiểm.

Hồ Chí Minh chỉ ra những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, trước hết là hiện tượng: “yêu cầu hưởng thụ, yêu cầu nghỉ ngơi, họ muốn lựa chọn công tác theo ý thích của cá nhân mình, không muốn làm công tác mà đoàn thể giao phó cho họ. Họ muốn địa vị cao, nhưng lại sợ trách nhiệm nặng. Dần dần tinh thần đấu tranh và tính tích cực của họ bị kém sút, chí khí anh dũng và phẩm chất tốt đẹp của người cách mạng cũng kém sút; họ quên rằng tiêu chuẩn số một của người cách mạng là quyết tâm suốt đời đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng”(5).

Đó còn là việc tư tưởng và hành động, lời nói và việc làm của đảng viên không thống nhất với nhau, “tự do hành động”, làm trái với tổ chức và kỷ luật của Đảng.

Đó cũng là hiện tượng “có đảng viên còn “kể công” với Đảng. Có ít nhiều thành tích, thì họ muốn Đảng “cảm ơn” họ. Họ đòi ưu đãi, họ đòi danh dự và địa vị. Họ đòi hưởng thụ. Nếu không thỏa mãn yêu cầu của họ thì họ oán trách Đảng, cho rằng họ “không có tiền đồ”, họ “bị hy sinh”. Rồi dần dần họ xa rời Đảng, thậm chí phá hoại chính sách và kỷ luật của Đảng”(6). Cũng có những người “trở nên kiêu ngạo, công thần, tự cao tự đại. Họ phê bình người khác mà không muốn người khác phê bình họ; không tự phê bình hoặc tự phê bình một cách không thật thà, nghiêm chỉnh. Họ sợ tự phê bình thì sẽ mất thể diện, mất uy tín. Họ không lắng nghe ý kiến của quần chúng. Họ xem khinh những cán bộ ngoài Đảng”(7).

Một biểu hiện khác của chủ nghĩa cá nhân được Hồ Chí Minh chỉ ra là đánh mất mối liên hệ mật thiết với quần chúng nhân dân, “tự cho mình cái gì cũng giỏi, họ xa rời quần chúng, không muốn học hỏi quần chúng mà chỉ muốn làm thầy quần chúng. Họ ngại làm việc tổ chức, tuyên truyền và giáo dục quần chúng. Họ mắc bệnh quan liêu, mệnh lệnh”(8).

Đó cũng còn là hiện tượng: “có đồng chí học thuộc lòng một số sách vở về chủ nghĩa Mác - Lênin. Họ tự cho mình là hiểu biết chủ nghĩa Mác - Lênin hơn ai hết. Song khi gặp việc thực tế, thì họ hoặc là máy móc, hoặc là lúng túng. Lời nói và việc làm của họ không nhất trí. Họ học sách vở Mác - Lênin, nhưng không học tinh thần Mác - Lênin. Học để trang sức, chứ không phải để vận dụng vào công việc cách mạng”(9).

Hồ Chí Minh xác định rõ: “Chủ nghĩa cá nhân đẻ ra trăm thứ bệnh nguy hiểm: quan liêu, mệnh lệnh, bè phái, chủ quan, tham ô, lãng phí... Nó trói buộc, nó bịt mắt những nạn nhân của nó, những người này bất kỳ việc gì cũng xuất phát từ lòng tham muốn danh lợi, địa vị cho cá nhân mình, chứ không nghĩ đến lợi ích của giai cấp, của nhân dân. 

Chủ nghĩa cá nhân là một kẻ địch hung ác của chủ nghĩa xã hội. Người cách mạng phải tiêu diệt nó”(10).

Trong bài viết Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nhân kỷ niệm 39 năm Ngày thành lập Đảng (3-2-1969), dù chỉ chưa đầy 700 từ, nhưng hàm chứa những nội dung hết sức sâu sắc, Hồ Chí Minh chỉ ra những biểu hiện của một số cán bộ, đảng viên về đạo đức, phẩm chất còn thấp kém. Đó là mang nặng chủ nghĩa cá nhân, việc gì cũng nghĩ đến lợi ích riêng của mình trước hết. Họ không lo “mình vì mọi người” mà chỉ muốn “mọi người vì mình”. Tác hại của những sai lầm, khuyết điểm, thói hư, tật xấu đó sẽ làm giảm sút uy tín, làm mất đi sự tín nhiệm, tin yêu, cảm phục của quần chúng nhân dân đối với cán bộ, đảng viên. Những sai lầm, khuyết điểm đó là những kẻ địch ẩn nấp trong mỗi con người - giặc nội xâm, phá hoại sự nghiệp cách mạng, nếu không được sửa chữa kịp thời, sẽ dần dẫn đến tình trạng bất mãn, oán trách, xa rời Đảng, thậm chí phá hoại chính sách và kỷ luật của Đảng(11), phản bội Đảng, phản bội cách mạng. Đó chính là biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

2. Quan điểm của Hồ Chí Minh về biện pháp phòng chống những biểu hiện suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên

Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Hồ Chí Minh luôn xuất phát từ thực tiễn đất nước để nắm bắt, phát hiện vấn đề và tìm cách thức, rồi hành động để cải biến hiện thực, thúc đẩy sự nghiệp cách mạng ngày càng phát triển. Do đó, khi phân tích, chỉ ra những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, Người không dừng lại ở việc mô tả và lý giải hiện tượng, mà quan trọng hơn là đề ra những biện pháp, cách thức để khắc phục những sai lầm, khuyết điểm đó. Những biện pháp, cách thức này được Hồ Chí Minh đề cập trong nhiều trường hợp, hoàn cảnh cụ thể, nhưng bao quát lại thì được thể hiện rõ nét trên hai phương diện: vai trò của tổ chức Đảng và vai trò của mỗi cán bộ, đảng viên.

Về phương diện tổ chức Đảng, Hồ Chí Minh yêu cầu trước hết phải ra sức tăng cường giáo dục trong toàn Đảng về lý tưởng cộng sản chủ nghĩa, về đường lối, chính sách của Đảng, về nhiệm vụ và đạo đức của người đảng viên. Việc giáo dục lý tưởng này phải xuất phát từ những đối tượng cụ thể, đặc biệt là trình độ nhận thức, chức trách đảm nhiệm, độ tuổi, ngành nghề, vùng miền, mà có những nội dung, biện pháp cụ thể phù hợp. Trong giáo dục lý tưởng cách mạng phải gắn chặt giữa lý luận và thực tiễn, lý thuyết và thực hành. Đặc biệt, Hồ Chí Minh luôn hết sức coi trọng biện pháp giáo dục nêu gương, theo tinh thần: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”(12).

Đồng thời, Hồ Chí Minh yêu cầu tổ chức Đảng các cấp phải tổ chức thực hiện nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình trong Đảng. Người coi tự phê bình và phê bình là thang thuốc hay nhất, cách sửa chữa tốt nhất và quý nhất những sai lầm, khuyết điểm, là phương pháp thần diệu, là vũ khí sắc bén nhất của người cách mạng trong cuộc đấu tranh với những thói hư, tật xấu, với “kẻ địch trong con người mình”. Tự phê bình và phê bình được Hồ Chí Minh xác định là một nguyên tắc tổ chức sinh hoạt Đảng và là một tiêu chí bản chất của một đảng chân chính cách mạng. Người cũng chỉ ra rằng, việc thực hiện tự phê bình và phê bình phải làm thường xuyên hằng ngày, giống như việc rửa mặt của mọi người; phải được thực hiện thật thà, nghiêm chỉnh và dân chủ; phải có lý, có tình, dựa trên tình đồng chí thương yêu lẫn nhau; phải hoan nghênh và khuyến khích quần chúng thật thà phê bình cán bộ, đảng viên. Kết quả của tự phê bình và phê bình phải là đơn vị, tổ chức đoàn kết hơn, công việc hiệu quả hơn.

Để phát huy vai trò của tổ chức Đảng trong việc phòng chống những thói hư, tật xấu, những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, Hồ Chí Minh còn yêu cầu chế độ sinh hoạt của chi bộ phải nghiêm túc; kỷ luật của Đảng phải nghiêm minh; công tác kiểm tra của Đảng phải chặt chẽ. Người nhấn mạnh kỷ luật Đảng là kỷ luật sắt và thẳng thắn nêu rõ: “Không có kỷ luật sắt không có Đảng. Đã vào Đảng thì phải theo tư tưởng của Đảng. Đảng đã chỉ thị nghị quyết là phải làm. Không làm thì đuổi ra ngoài Đảng”(13).

Hồ Chí Minh cũng nhiều lần nhắc nhở phải hết sức chú trọng công tác kiểm tra, coi đây là một trong những nội dung của phương thức lãnh đạo của Đảng. Người cho rằng lãnh đạo mà không kiểm tra, thì cũng như là không lãnh đạo. Có kiểm tra mới biết được chất lượng của đường lối, chủ trương, chính sách để có sự bổ sung, sửa đổi kịp thời, phù hợp với thực tiễn; có kiểm tra mới biết chất lượng cán bộ để đôn đốc, góp ý và cần thiết thì thay thế cán bộ mới để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ.

Về phương diện cá nhân mỗi cán bộ, đảng viên, để phòng chống những những sai lầm, khuyết điểm, biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, Hồ Chí Minh trước hết yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên phải đặt lợi ích của cách mạng, của Đảng, của nhân dân lên trên hết, trước hết. Phải kiên quyết quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng, bồi dưỡng tư tưởng tập thể, tinh thần đoàn kết, tính tổ chức và tính kỷ luật. Người chỉ ra rằng cách thức tốt nhất để mỗi người tự mình rèn luyện, trưởng thành là phải tích cực tham gia các hoạt động thực tiễn, trường đào tạo lớn nhất của mỗi cán bộ, đảng viên là thực tiễn. Mỗi người phải tự ý thức, tự giáo dục mình trong cuộc sống hằng ngày theo tinh thần “ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”.

Đồng thời, Hồ Chí Minh cũng nhắc nhở mỗi cán bộ, đảng viên, muốn phòng chống các tật bệnh, những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, thì phải đi sâu, đi sát thực tế, gần gũi quần chúng, thật sự tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Bởi lẽ, trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân, trong thế giới, không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân; dựa chắc vào dân, có dân là có tất cả; phải tôn trọng nhân dân, yêu quý nhân dân, phấn đấu vì lợi ích của nhân dân, thì mới được nhân dân yêu mến, tin tưởng.

Hồ Chí Minh cũng chỉ ra rằng để sửa chữa, khắc phục những hạn chế, sai lầm, mỗi cán bộ, đảng viên còn phải không ngừng cố gắng học tập, rèn luyện, nâng cao trình độ hiểu biết để làm tốt mọi nhiệm vụ. Cách mạng không ngừng phát triển lên, do đó nhiệm vụ cách mạng cũng đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên phải không ngừng nâng cao trình độ mọi mặt. Không chỉ là học tập chuyên môn, mà còn học tập lý luận chính trị, bồi dưỡng thế giới quan và nhân sinh quan đúng đắn để giữ vững lập trường, lý tưởng cách mạng dù trong những lúc cách mạng phát triển thuận lợi, hay khi cách mạng gặp khó khăn.

Sự nghiệp cách mạng là của toàn dân tộc, trong đó, các cán bộ, đảng viên phải xứng đáng là những người gương mẫu, đi tiên phong, dẫn dắt phong trào cách mạng. Nhưng thực tiễn cách mạng cũng cho thấy vẫn còn những “con sâu làm rầu nồi canh”, vẫn còn những người rơi vào suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Nhận thức được và có biện pháp, cách thức đúng đắn khắc phục sẽ giúp mỗi người tiến bộ, để xứng đáng với danh hiệu đảng viên; ngược lại, không nhận thức được và không có biện pháp, cách thức sửa chữa thì sẽ đánh mất danh hiệu đảng viên, thậm chí bị truy tố trước pháp luật. Những chỉ dẫn của Hồ Chí Minh là kim chỉ nam giúp chúng ta hiểu rõ thêm những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong điều kiện hiện nay và xây dựng những biện pháp, cách thức hữu hiệu để hạn chế, tiến tới khắc phục những biểu hiện đó. Đó cũng là một cách thiết thực để học tập và thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, các nghị quyết Trung ương về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ./.

An Khánh (nguồn: lyluanchinhtri.vn)