Xuất bản thông tin

null Tháp Mười tăng cường các giải pháp phòng chống bệnh tay chân miệng

Chi tiết bài viết Tin tức

Tháp Mười tăng cường các giải pháp phòng chống bệnh tay chân miệng

Thời điểm này ngoài việc tăng cường thực hiện các biện pháp phòng bệnh sốt xuất huyết, các địa phương trong huyện Tháp Mười cũng tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân về phòng bệnh tay chân miệng nhằm bảo vệ sức khỏe cho trẻ em và hạn chế số ca bệnh tay chân miệng xảy ra trên địa bàn huyện.

Theo Trung tâm Y tế huyện Tháp Mười, đến đầu tháng 6/2022, trên địa bàn huyện Tháp Mười đã xảy ra trên 20 trường hợp trẻ em mắc bệnh tay chân miệng, tuy số ca mắc bệnh giảm nhiều so với cùng kỳ năm 2021 nhưng ngành y tế khuyến cáo người dân có con nhỏ không nên chủ quan, vì hiện nay bệnh tay chân miệng vẫn chưa có vacxin phòng ngừa và chưa có thuốc đặc trị, bệnh có thể lây qua đường tiêu hóa, truyền nhiễm từ người sang người, dễ gây thành dịch do virut đường ruột gây ra. Nguồn lây chính từ nước bọt, phỏng nước và phân của trẻ bị nhiễm bệnh, đối tượng mắc bệnh chủ yếu là trẻ em dưới 5 tuổi. Bệnh có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm não, màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp, dẫn đến tử vong nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Bác sĩ CKII - Hồ Duy Tân - Trưởng phòng Kế hoạch Tài chính, Trung tâm Y tế huyện Tháp Mười cho biết:

“Tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm cấp tính, chủ yếu xảy ra ở trẻ dưới 5 tuổi, chưa có vaccine dự phòng. Bệnh tay chân miệng biến chứng nặng thường xảy ra đối với những bệnh nhi dưới 5 tuổi, đặc biệt trẻ dưới 3 tuổi thường bị rất nặng. Có những bệnh nhi bị tổn thương phổi, có em tổn thương tim, tổn thương não, liệt chi. Những trẻ bị bệnh tay chân miệng nặng thường có dấu hiệu khá kín đáo, không nổi bóng nước, loét miệng nhiều như trẻ bị bệnh tay chân miệng thông thường nên rất khó phát hiện. Bệnh tay chân miệng biến chứng nặng diễn biến rất nhanh. Do đó, khi thấy trẻ sốt cao liên tục, quấy khóc nhiều, giật mình hoặc đi đứng chới với, run tay… cha mẹ cần đưa trẻ đi khám càng sớm càng tốt để bác sĩ xác định mức độ bệnh và đưa ra phác đồ điều trị phù hợp nhất” 

Để ngăn chặn không để bệnh tay chân miệng lây lan thành dịch trên diện rộng, các địa phương trong huyện Tháp Mười đã tập trung thực hiện nhiều giải pháp phòng chống bệnh tay chân miệng, nhắc nhở gia đình thực hiện tốt các biện pháp phòng ngừa bệnh tay chân miệng cho trẻ em, do bệnh tay chân miệng chủ yếu là xảy ra ở trẻ nhỏ nên đối tượng tuyên truyền được ngành y tế và các tổ chức chính trị xã hội ở địa phương hướng tới nhiều là những gia đình có con cháu trong diện tuổi này. Qua đó đã giúp cho các bậc phụ huynh thấy được tác hại của bệnh tay chân miệng cũng như biết cách phòng chống hiệu quả. Chị  Lê Thị XoànẤp 5  Đốc Binh Kiều có con nhỏ cho biết:

“Để chủ động phòng bệnh cho bé, trước tiên phải đảm bảo ăn uống và vệ sinh cho bé hàng ngày như ăn uống thì cho bé ăn những thức ăn dễ tiêu, ăn chín, uống sôi, vệ sinh hàng ngày cho bé, tắm rửa, khi bé đi ra ngoài về vệ sinh tay chân cho bé bằng xà phòng sát khuẩn”

Bà Nguyễn Thị Ánh, ở Ấp 5 xã Thạnh Lợi cũng thấy được tác hại của bệnh tay chân miệng nên rất kỹ lưỡng khi chăm sóc cho cháu của mình. Bà Ánh nói:

“Thấy người ta con bệnh tay chân miệng nằm bệnh viện sợ lắm, thứ nhất là mình nghèo, thứ 2 đi nuôi vậy con mình học hành, nhà đơn chiếc nữa, mình sợ phải ngừa trước, đồ chơi em phải rửa cho sạch sẽ, nước khử khuẩn để trên bàn phải xịt thường thường, mỗi lần ăn kêu cháu con đi rửa tay đi rồi hãy vô ăn, phải nhắc nó vì nó nhỏ mà, nước rửa tay, xà phong có đầy đủ hết, mình phải phòng ngừa tránh bệnh tay chân miệng”

Ngoài ra, người dân cũng chú trọng đến chế độ ăn đảm bảo chất dinh dưỡng để tăng sức đề kháng, nâng cao sức khỏe cho con em mình, hạn chế dịch bệnh xâm nhập. Chị Lê Thị Xoàn Ấp 5  Đốc Binh Kiều cho biết:

“Trong chế biến thức ăn cho bé, yêu cầu đầu tiên là phần dinh dưỡng trong thức ăn, thứ 2 là phải đảm bảo vệ sinh từ khâu chế biến, rửa nguyên liệu đến những dụng cụ chế biến, phụ gia trong chế biến, lúc mình mua cũng chú ý đến hạn sử dụng, bảo quản của thực phẩm, thêm nữa đảm bảo chế độ ăn dinh dưỡng hàng ngày cho bé tăng sức đề kháng”

Để phòng bệnh tay chân miệng đạt hiệu quả, bác sĩ khuyến cáo các bậc phụ huynh và gia đình cần thực hiện tốt các biện pháp phòng chống bệnh theo khuyến cáo của ngành y tế để bảo vệ sức khỏe cho con em mình và góp phần hạn chế đến mức thấp nhất số trẻ mắc bệnh tay chân miệng xảy ra trên địa bàn huyện. Về vấn đề này, Bác sĩ Nguyễn Thanh Vũ - Trưởng Trạm Y tế xã Thạnh Lợi cho biết:

“Ngành y tế khuyến cáo bà con chủ động phòng thực hiện các hướng dẫn của Bộ Y tế về phòng chống dịch bệnh, thứ nhất rửa tay thường xuyên bằng xà phòng với nước sạch nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em), đặc biệt là trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn, cho trẻ ăn, trước khi bế ẳm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ, thực hiện tốt vệ sinh ăn uống như ăn chín, uống sôi, đảm bảo sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày, cần thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường. Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh; sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh. Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh, cần đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được khám và điều trị tốt nhất”.

BT: Nguyễn Thu