Xuất bản thông tin

null Tháp Mười – Tăng cường công tác phòng chống cháy nổ

Chi tiết bài viết Tin tức

Tháp Mười – Tăng cường công tác phòng chống cháy nổ

Toàn huyện Tháp Mười có tổng diện tích rừng trên 3.000ha, chủ yếu là rừng tràm. Hiện tại, cả 03 khu vực rừng của huyện đều có dự báo cháy cấp 05, cấp cực kỳ nguy hiểm. Vì vậy, huyện Tháp Mười đang tích cực triển khai nhiều giải pháp để phòng chống cháy rừng.

Toàn huyện Tháp Mười có 03 khu vực rừng gồm rừng Phòng hộ Môi sinh Bắc Tháp Mười, Nông trường Động Cát và rừng đặc dụng Gò Tháp. Hiện tại, 03 khu vực rừng này có dự báo cháy rừng cấp 05, cấp cực kỳ nguy hiểm. Mặc dù hiện nay đã có vài cơn mưa, tuy nhiên, những cơn mưa này làm trôi các lớp bụi, đất sẽ càng làm tăng nguy cơ cháy rừng. Thực hiện chỉ đạo của UBND huyện phòng là chính, với phương châm 04 tại chổ, các đơn vị Chủ rừng, Hạt Kiểm lâm liên huyện Tháp Mười – Cao Lãnh đã tăng cường tuyên truyền nâng cao ý thức người dân sinh sống xung quanh rừng, các hộ khai thác tràm và chủ rừng. Do rừng Phòng hộ Môi sinh Bắc Tháp Mười là rừng của dân nên người dân có thể tự do vào rừng khai thác, lấy củi, săn bắt, đốt ong, khai thác rừng. Vì vậy, Hạt kiểm lâm liên huyện Tháp Mười – Cao Lãnh đã cho các chủ rừng và các hộ khai thác ký cam kết phòng cháy chữa cháy. Đối với các hộ khai thác rừng phải quản lý công nhân, sau khi khai thác phải xử lý vỏ tràm và các nhánh tràm, không để tăng nguy cơ cháy. Ngoài ra, khi người dân vào rừng thì phải đảm bảo phòng cháy, các hộ sản xuất lúa xung quanh khu vực rừng khi đốt đồng phải báo với Đội bảo vệ rừng để theo dõi tránh tình trạng gió đưa lửa vào rừng. Khó khăn hiện nay trong công tác phòng chống cháy rừng là lực lượng bảo vệ rừng rất ít người, phải thay phiên nhau tuần tra kiểm soát. Vì vậy, các địa phương đã thành lập đội phòng cháy, thành viên là các hộ dân sống ven rừng để kịp thời chủ động khi có tình huống cháy xảy ra. Bên cạnh công tác tuần tra, nhắc nhở, Đội bảo vệ rừng cũng vừa được trang bị thêm các thiết bị phòng cháy chữa cháy như tắc ráng để đi tuần tra, máy chữa cháy, dây chữa cháy…, thường xuyên kiểm tra, vận hành các thiết bị chữa cháy. Ngoài ra, Hạt kiểm lâm cũng tổ chức huấn luyện nghiệp vụ chữa cháy cho đội phòng cháy của địa phương, tuyên truyền phòng chống cháy rừng cho người dân xung quanh, nạo vét các tuyến kênh, vệ sinh cỏ, lục bình ở các đường băng và đóng cống để giữ nước.  

Ngoài công tác phòng chống cháy rừng thì phòng chống cháy nổ ở các chợ, cụm tuyến dân cư, nhà dân cũng cần được quan tâm. Qua kiểm tra, công tác phòng cháy ở các chợ còn nhiều hạn chế như chưa trang bị đầy đủ, thường xuyên vận hành các trang thiết bị chữa cháy; còn tình trạng thờ cúng nơi buôn bán ….

Lãnh đạo UBND huyện cũng đã chỉ đạo ngành chuyên môn tăng cường công tác tuyên truyền, ở các cơ sở sản xuất kinh doanh, trụ sở cơ quan, nhà dân phải thường xuyên kiểm tra hệ thống điện, yêu cầu các doanh nghiệp khai thác chợ phải sắp xếp hợp lý, trang bị đủ các phương tiện chữa cháy, tiếp tục thành lập cụm dân cư an toàn về phòng cháy chữa cháy để chủ động khi có tình huống cháy xảy ra.

Công tác phòng chống cháy đang là vấn đề rất cấp bách. Bên cạnh việc chủ động về lực lượng, trang thiết bị máy móc, công tác tuyên truyền của ngành chức năng thì mọi người dân cần nâng cao ý thức và trách nhiệm trong việc bảo vệ rừng, tích cực hưởng ứng và chủ động phòng ngừa, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất các vụ cháy xảy ra ở các địa phương./.                       

Thúy Ly (TTVH-TT&TT)