Xuất bản thông tin

null Nông dân Tháp Mười sẵn sàng với nền nông nghiệp 4.0

Chi tiết bài viết Tin tức

Nông dân Tháp Mười sẵn sàng với nền nông nghiệp 4.0

Nhằm giảm công lao động, hạ giá thành sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu, đồng thời bảo vệ sức khỏe người sản xuất và tiêu dùng, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Tại xã Mỹ Đông, huyện Tháp Mười, các nông dân của Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Mỹ Đông 2 đã được triển khai thực hiện Mô hình sản xuất lúa tiên tiến, tiết kiệm nước - Ứng dụng các giải pháp công nghệ 4.0. Mô hình bước đầu đã mang lại những tín hiệu tích cực và sự hài lòng của nông dân.

Mô hình sản xuất lúa tiên tiến, tiết kiệm nước - Ứng dụng các giải pháp công nghệ 4.0 giúp nâng cao giá trị và hiệu quả lợi nhuận cho người sản xuất lúa, góp phần thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp của huyện Tháp Mười theo hướng giá trị tăng cao và bền vững. Cánh đồng canh tác lúa lý tưởng của HTX DVNN Mỹ Đông 2, huyện Tháp Mười được Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp – Nước sạch nông thôn tỉnh chọn triển khai mô hình trên diện tích 66 hecta với 56 hộ nông dân tham gia. Nói về ứng dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất, ông Nguyễn Văn Đồng ở Ấp 4, xã Mỹ Đông cho biết:

“Thì 4.0 mình phải có sự quyết tâm để làm cho hạn chế nước, rồi hạn chế phân bón, các thứ, ... mà ngược lại bây giờ cái thời tiết nó khó khăn, nông dân mình phải cố gắng để mà làm ra cho nó có hiệu quả”

Việc áp dụng cơ giới hóa đồng bộ từ khâu gieo cấy đến thu hoạch, mô hình bước đầu mang lại hiệu quả vượt trội về kinh tế và được nhiều nông dân đánh giá cao. Trong mô hình này, nông dân sử dụng phân bón thông minh, sử dụng loại máy cấy hiện đại để cấy lúa và phun xịt thuốc bằng máy bay nên tiết kiệm được nhiều khoản chi phí về phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và nhân công. Ông Nguyễn Thanh Phong ở Ấp 4, xã Mỹ Đông, cũng lần đầu tiên thực hiện mô hình này, ông cảm nhận:

“Cái mô hình này lần đầu tiên luôn. Làm vầy thấy rất đạt theo yêu cầu tiếp cận công nghệ mới bây giờ. Theo cái mô hình triển khai nông dân đang làm thì bước đầu thấy ngon rồi đó, thấy khỏe hơn nhiều, khỏe gấp nhiều lần lắm. Chi phí bây giờ coi như nó giảm hơn mọi lần, công mình không có bỏ ra như mọi lần nữa, thời gian mình làm nhiều chuyện khác lắm”.

Nói về sự đổi mới khi thực hiện mô hình, ông Lê Văn Siêng ở Ấp 4, xã Mỹ Đông cho biết:

“Nó thay đổi mới là mình xịt thì mình phải kêu người, rồi kêu nhân công, khi kêu không có. Thì bây giờ nó khỏe đủ kiểu hết, giảm nhân công dữ lắm”.

Nhờ mang lại hiệu quả cao trong quá trình canh tác, hiện nay cánh đồng canh tác lúa lý tưởng của HTX DVNN Mỹ Đông 2 vẫn được duy trì và diện tích tăng dần qua các mùa vụ sau. Đặc biệt, mô hình có sự tham gia liên kết sản xuất và tiêu thụ theo chuỗi giá trị từ đầu vào đến đầu ra, giúp nông dân an tâm sản xuất. Ông Ngô Phước Dũng, Giám đốc HTX DVNN Mỹ Đông 2 cho biết về mô hình:

“Thực hiện mô hình này trước mắt bà con hết sức phấn khởi, mô hình này để thực hiện theo cơ giới hóa đồng bộ từ khâu gieo, cấy và phun xịt thuốc bằng máy bay, kết hợp sau khi thu hoạch là bằng máy. Nó làm giảm được thứ nhất là lượng giống, thứ hai là giảm lượng sâu rầy, phân bón, thứ ba là năng suất tăng, giảm những chi phí và tăng lợi nhuận cho bằng con nông dân”.

Nông nghiệp công nghệ 4.0 là sự phát triển của nền nông nghiệp mang tính bền vững. Với mục tiêu đạt năng suất cao hơn, chất lượng tốt hơn và bảo vệ được môi trường trên cơ sở dựa vào sự tiến bộ của công nghệ kỹ thuật số. Sự phát triển của nông nghiệp công nghệ 4.0 là đòi hỏi tất yếu trong điều kiện biến đổi khí hậu cũng như nhu cầu lương thực, thực phẩm tăng lên cả về chất và lượng./.

Hoàng Kha