Xuất bản thông tin

null Phát huy vai trò HTX trong liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa trong mùa dịch Covid-19

Chi tiết bài viết Tin tức

Phát huy vai trò HTX trong liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa trong mùa dịch Covid-19

Vụ Thu Đông 2021, nông dân huyện Tháp Mười thu hoạch lúa trong thời điểm dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, huyện đang thực hiện giãn cách xã hội nên công tác thu hoạch nông sản nói chung và lúa nói riêng cũng gặp một số khó khăn trong tiêu thụ, máy cắt và giá cả thấp hơn so với các vụ trước, làm giảm lợi nhuận của nông dân. Tuy nhiên đối với nông dân là thành viên HTX dịch vụ nông nghiệp Thạnh Lợi tham gia cánh đồng liên kết sản xuất giống với doanh nghiệp rất yên tâm và thuận lợi thu hoạch trong mùa dịch, do không phải lo đầu ra, việc kêu máy cắt cũng thuận lợi và được doanh nghiệp mua giá cao hơn giá thị trường.

Trong Vụ Thu Đông 2021, HTX dịch vụ nông nghiệp Thạnh Lợi có 148 ha diện tích lúa chất lương cao được ký hợp đồng liên kết sản xuất giống với doanh nghiệp, do thời điểm thu hoạch ngay trong mùa dịch nên giá cả thị trường có sụt giảm hơn so với các vụ trước, ảnh hưởng đến lợi nhuận của nông dân, tuy nhiên so với các diện tích bên ngoài không liên kết sản xuất thì nông dân tham gia mô hình liên kết sản xuất giống trong HTX vẫn thu hoạch thuận lợi và có lợi nhuận cao hơn. Bà Bùi Thị Thông, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX dịch vụ nông nghiệp Thạnh Lợi cho biết thêm:

“Đối với Hợp tác xã trong mùa covid 19 nó cũng có cái thuận lợi và không thuận lợi. Thuận lợi là mình đã liên kết với Công ty chặt chẽ từ đầu vào tới đầu ra ổn định, không có lo chuyện mua đâu bán đâu nữa, thứ 2 là liên kết với Công ty định ngày cắt trước 20 ngày nên mình không bị động máy, còn phần không thuận lợi là do tình hình dịch Covid - 19 không đi liên tỉnh được nên giá thị trường rớt xuống thấp, mình liên kết với Công ty theo giá thị trường, hẹp cho nông dân theo mùa Covid thôi chứ so với bên ngoài vẫn cao hơn 600đ/kg”

Đến thời điểm này, các diện tích liên kết sản xuất giống của HTX dịch vụ nông nghiệp Thạnh Lợi đã thu hoạch xong và được doanh nghiệp thu mua đầy đủ, đúng thời gian đã định nên hạn chế hao hụt cho nông dân. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, giá lúa vụ Thu Đông này không cao như mong muốn nhưng nhờ tham gia liên kết sản xuất giống với doanh nghiệp nên nông dân bán được giá cao hơn thị trường từ 600 đồng đến 900đ /kg tùy vào lúa kéo hàng hay lúa cấy. Chị Võ Thị Cẩm Nhung, ở ấp 4 xã Thạnh Lợi có 15 ha liên kết sản xuất lúa giống chất lượng cao cho Tập đoàn Lộc Trời, áp dụng theo đúng quy trình kỹ thuật sản xuất giống theo hướng dẫn của Công ty, hạt giống làm ra đảm bảo chất lượng và được Công ty thu mua với giá thị trường nhưng hỗ trợ thêm từ 600đ đến 900đ/kg nên sau khi trừ chi phí gia đình có lời  khá các hộ sản xuất bên ngoài. Chị Nhung cho biết:

“Trong mùa dịch này, HTX mình vẫn chủ động được ngày cắt, máy cắt, cái không thuận lợi đó là cái giá lúa không được cao nhưng mà nó vẫn ổn hơn giá lúa ở ngoài thị trường. Mùa này thì em làm 15 mẫu, năng suất bình quân 6 tấn/ha, giá trong giống thì bán hơn ở ngoài từ 600 đến 900 đồng/ kg giống, nó ổn hơn lúa ngang ở bên ngoài nhiều, mình là thành viên của tổ hợp tác thì mình lúc nào cũng đặt tiêu chí đạt hiệu quả trong cái việc sản xuất giống, mình làm sao cho đạt khi đã ký liên kết được với Công ty. Trước tiên đầu vụ mình phải cấy cho đạt năng suất, rồi mình phải khử lẫn cho sạch Công ty mới lấy giống của mình, mình không còn lo gì đâu ra nữa, giá cả hợp lý, ổn so với ngoài thị trường, nhiêu đó đã thấy lúa đạt hơn lúa ngang ở ngoài rồi, mình cũng có lợi nhuận nhiều hơn, đoàn kết để sản xuất giống cho Công ty, từ lúc thành lập HTX tới giờ liên kết với tổ giống rất thuận lợi so với bên ngoài”

Thấy được lợi ích từ việc liên kết sản xuất với doanh nghiệp, nhiều nông dân ngoài mô hình trước đây cũng mạnh dạn đăng ký tham gia để tạo cho mình làm quen dần với làm ăn tập thể, từng bước đổi mới tư duy sản xuất theo hướng hiện đại, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, tạo được sự tin tưởng lẫn nhau, hợp tác hai bên cùng có lợi. Đặc biệt trong mùa dịch này nông dân tham gia liên kết sản xuất không chỉ có đầu ra ổn định và còn được doanh nghiệp hỗ trợ vốn đầu tư mua vật tư nông nghiệp không tính lãi, đặc biệt là còn được công ty thu mua lúa với giá cao hơn thị trường nên lợi nhuận của nông dân cũng khá hơn so với sản xuất truyền thống. Tuy nhiên do ảnh hưởng của dịch bệnh giá lúa sụt giảm nhưng giá vật tư nông nghiệp vẫn còn cao, khó khăn cho nông dân trong sản xuất, nông dân mong muốn doanh nghiệp tiếp tục hỗ trợ giảm giá vật tư nông nghiệp và kỹ thuật canh tác để nông dân sản xuất thuận lợi, giảm giá thành, tăng lợi nhuận và nâng cao đời sống.  Ông Huỳnh Thanh Giàu, thành viên mới  HTX dịch vụ nông nghiệp Thạnh Lợi cho biết:

“Mình làm trong HTX có nhiều ưu điểm như vào mùa dịch này rất thuận lợi, ngày cắt đúng ngày, đúng giờ chứ không phải như bên ngoài còn phải lệ thuộc thương lái, máy cũng ổn định, giống OM 18 diện tích làm được 3,5 mẫu, năng suất 6 đến 6,5 tấn/ha. Bên ngoài bán 5.300 đ - 5.400đ/kg, mình làm trong HTX này được hỗ trợ được 5.800 - 5.900 cao hơn giá bên ngoài. Mình đang sửa soạn đất chuẩn bị xuống giống vụ Đông Xuân, mình làm trong HTX này không lo ngại về đầu ra. Nói chung năm nay dịch bệnh cuộc sống cũng hơi vất vả, mong muốn doanh nghiệp, nhà nước chung tay hỗ trợ cho nông dân giảm chi phí thuốc, phân để cho nông dân có lợi nhuận kinh tế cao chút cho cuộc sống ổn định hơn”

Để tạo điều kiện cho xã viên HTX tham gia mô hình liên kết thuận lợi và tiếp mở rộng diện tích liên kết sản xuất của HTX trong vụ Đông Xuân 2021-2022. HTX dịch vụ nông nghiệp Thạnh Lợi không chỉ chủ động kết nối với doanh nghiệp đề xuất mở rộng diện tích liên kết sản xuất giống mà còn chủ động lo về máy móc từ khâu làm đất đến thu hoạch để xã viên yên tâm sản xuất. Nói về phương hướng hoạt động của HTX trong thời gian tới. Bà Bùi Thị Thông, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX dịch vụ nông nghiệp Thạnh Lợi cho biết:

“Bây giờ mình đã làm hợp đồng, đã liên kết với Công ty Tập đoàn Lộc trời, vụ Đông Xuân tới này tăng diện tích, vụ Thu đông vừa rồi có 148ha, vụ Đông xuân này được 203ha, đã giao giống, xã viên đang chuẩn bị xuống giống. Nói chung nông dân với xã viên trong HTX tuân thủ tốt, hạt giống mình làm đạt hết, mình liên kết lâu dài, năm nay là năm thứ 11 rồi, bán lúc nào cũng cao hơn bên ngoài, nông dân phấn khời, làm có lợi nhuận hơn cũng yên tâm hơn”

Việc HTX dịch vụ nông nghiệp Thạnh Lợi làm tốt vai trò cầu nối với doanh nghiệp trong liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm trong nhiều năm qua, không chỉ giúp nông dân sản xuất thuận lợi, hiệu quả, không phải lo đầu ra mà còn tạo được uy tín với doanh nghiệp để tiếp tục duy trì và nhân rộng các diện tích liên kết sản xuất  trong các vụ tiếp theo để nông dân yên tâm sản xuất, phát triển kinh tế, nâng cao mức sống của người dân nông thôn, góp phần thực hiện  hiệu quả Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh Đồng Tháp./. 

BT: NGUYỄN THU