Xuất bản thông tin

null Tháp Mười – khó khăn trong tiêu thụ nông sản mùa dịch và bài học trong sản xuất nông nghiệp

Chi tiết bài viết Tin tức

Tháp Mười – khó khăn trong tiêu thụ nông sản mùa dịch và bài học trong sản xuất nông nghiệp

Là huyện nông nghiệp, thu nhập chính của người dân trong huyện là từ trồng lúa và cây ăn trái. Khi dịch bệnh bùng phát, vận chuyển gặp khó khăn ảnh hưởng đến đầu ra của nông sản trong huyện, nguyên nhân chủ yếu do sản xuất không tập trung và không liên kết.

Toàn huyện Tháp Mười có diện tích sản xuất trên 39.000ha, trong đó, lúa gần 36.000ha, thủy sản, hoa màu và cây ăn trái gần 3.000ha. Thời điểm dịch bệnh bùng phát trong huyện là thời điểm nông dân bắt đầu thu hoạch nông sản. Vận chuyển không được, thương lái không thu mua, nên bên cạnh việc các ngành các cấp phải gồng mình vừa phòng vừa chống dịch thì câu chuyện về giải cứu nông sản là câu chuyện được bàn nhiều nhất. Với trên 36.000ha lúa, sản lượng khoảng 220.000 ngàn tấn, nhưng không có thương lái thu mua, do khó khăn trong lưu thông, chi phí vận chuyển tăng... sẽ tồn động số lượng lớn nông sản gây rất nhiều khó khăn và thiệt hại cho nông dân, vì vậy, Chính quyền địa phương từ huyện đến xã đã tạo mọi  điều kiện cho thương lái đến thu mua như nắm danh sách thương lái, máy cắt, nhân công để tiêm ngừa, quản lý, hỗ trợ. Vì vậy, khi mới bắt đầu thu hoạch, nhiều diện tích gặp khó khăn trong tiêu thụ, nhờ sự nổ lực của cả hệ thống chính trị nên tất cả diện tích lúa đều được tiêu thụ nhưng giá lúa thấp hơn các năm trước. Đang thu mua lúa của nông dân khu vực xã Tân Kiều, Ông Lê Văn Lập, xã Mỹ Hòa, một người chuyên đại diện đứng ra thu mua lúa cho một số thương lái cho chúng tôi biết, do việc vận chuyển khó khăn, nên Ông chỉ thu mua lúa ở những diện tích đã có ký hợp đồng liên kết từ đầu vụ, rất nhiều nông dân không có liên kết, liên hệ với Ông để bán lúa nhưng Ông không thu mua.

Không riêng  lúa, diện tích cây ăn trái và rau màu, chăn nuôi trong huyện mặckhông lớn nhưng cũng gặp tình trạng tương tự. Trong khi, các ngành chuyên môn gặp gỡ các đơn vị thu mua, cung ứng cho các chuỗi cửa hàng hay siêu thị như bách hóa xanh.....thì nhu cầu thu mua nông sản ở các đơn vị này rất lớn, giá cả tương đối ổn định nhưng hầu như nông sản trong địa phương không đáp ứng được các yêu cầu của doanh nghiệp. Thời điểm dịch bệnh bùng phát, giá chanh ở các siêu thị, cửa hàng cung ứng lương thực thực phẩm khoảng 40.000đ/ký, trong khi đó, mỗi ngày Tháp Mười có trên 08 tấn chanh không tiêu thụ được, phải bán với giá trung bình 2.000đ/ký hoặc chế biến thành nước ra chén hay như ếch, mỗi ngày có gần 15 tấn ếch đến thời gian phải xuất bán cũng không tiêu thụ được, người nuôi phải tiếp tục cho ăn, trong khi giá thức ăn lại tăng liên tục hay như trứng vịt, sản lượng trứng của huyện mỗi ngày gần 7.000 trứng cũng không đáp ứng các tiêu chuẩn để đưa vào siêu thị.  Như vậy, nguyên nhân là ở đâu, nguyên nhân do hộ sản xuất với diện tích nhỏ lẽ, không liên kết, không sản xuất theo tiêu chuẩn nào nên khi thương lái không thu mua thì nông dân không thể tự xoay sở. Phải chăng đã đến lúc cần nhìn nhận thẳng thắn rằng, chính người nông dân đang bị động trong quá trình sản xuất nông nghiệp, để rồi, khi thị trường có biến đổi dù lớn hay nhỏ, người nông dân đều rơi vào tình huống buộc phải “giải cứu”. Qua bài học này, nông dân mới nhận thức rõ tầm quan trọng của rất nhiều vấn đề mà trước đó còn bỏ ngỏ. Hội quán Minh Hòa, xã Thanh Mỹ, có thể nói, là Hội quán có diện tích trồng cây ăn trái sớm nhất của huyện, nên có nhiều thương lái đến thu mua nhưng khi dịch bệnh, các thương lái là cá nhân, nhỏ lẽ không đáp ứng các quy định về di chuyển trong phòng chống dịch thì cây ăn trái trong Hội quán cũng phải kêu cứu. Ông Nguyễn Đức Truyền, Chủ nhiệm Minh Hòa Hội quán, xã Thanh Mỹ, cho biết, do từ trước đến giờ cứ bán cho thương lái, chưa có  ai đặt vấn đề VietGAP hay sản xuất an toàn nên bà con ai cũng chủ quan. Đến khi dịch bệnh xảy ra, cửa hàng, siêu thị thì cần nông sản nhưng nông dân thì không bán được  mới thấy rõ tầm quan trọng của việc sản xuất theo các tiêu chuẩn, đây cũng là con đường tất yếu mà người nông dân phải áp dụng trong sản xuất trong thời gian tới.

Dịch bệnh khiến người dân e ngại khi mua sắm, sức mua giảm, một số nông sản không xuất khẩu được dẫn đến giá cả các mặt hàng nông sản giảm mạnh. Trong khi rất nhiều nông dân và cả chính quyền địa phương lo lắng về tình hình tiêu thụ nông sản trong mùa dịch lại là lúc hiệu quả của mô hình kinh tế tập thể, liên kết trong sản xuất được phát huy rõ rệt khi mọi hoạt động từ khâu tiêu thụ sau thu hoạch đến lưu thông, vận chuyển vẫn được duy trì tốt. Nếu như nhiều nông dân gặp khó khăn khi tiêu thụ lúa, giá lúa giảm thì các thành viên của HTX Thắng Lợi xã Mỹ Đông, huyện Tháp Mười gần như không bị ảnh hưởng, vì tất cả diện tích trong HTX đều đã được ký liên kết với các doanh nghiệp như Công ty giống cây trồng Miền Nam, Tập đoàn Lộc Trời, Công ty Cổ phần giống cây trồng Cửu Long.... ngay từ đầu vụ. Vì vậy, chỉ cần nông dân sản xuất đúng theo quy trình của doanh nghiệp, đáp ứng được các yêu cầu về chất lượng sản phẩm thì tất cả diện tích có ký liên kết đều được thu mua theo những thỏa thuận ban đầu. Ông Mai Văn Đởm, xã viên HTX Thắng Lợi, xã Mỹ Đông phấn khởi cho biết, trong khi nhiều hộ dân không có liên kết gặp khó khăn trong bán lúa thì Ông và các xã viên HTX không phải lo lắng, ngay dịch bệnh công ty xuống chốt giá, hẹn ngày cắt, tới ngày xuống cắt rồi công ty đem ghe xuống cân, giá thị trường của Đài Thơm 08 là 5.600đ, công ty hổ trợ được 400 đ nữa là 6.000đ.

Hàng nghìn tấn nông sản các loại thu hoạch đồng thời với thời điểm thực hiện giãn cách xã hội, các ngành các cấp từ tỉnh đến huyện, xã đã vào cuộc tích cực để tìm đầu ra cho nông sản, nông sản không thể xuất khẩu trong thời điểm này, vì vậy, thị trường tiêu thụ lớn nhất trong thời điểm này là thị trường nội địa. Tuy nhiên khi đưa thông tin để tìm đầu ra cho nông sản trên các kênh phân phối bán lẻ hay Trung tâm xúc tiến thương mại... thì vướng phải nhiều khó khăn mà ngành chuyên môn, người nông dân đều biết nhưng chưa thật sự quan tâm.Theo đó, để sản phẩm vào được chuỗi siêu thị, yếu tố quan trọng là phải đảm bảo được các tiêu chuẩn về chất lượng, số lượng ổn định, mẫu mã, nhãn mác đạt yêu cầu. Bởi, cái mà người tiêu dùng hiện nay cần là sản phẩm phải đáp ứng cả 03 yếu tố: “Ngon - đẹp - an toàn”. Nhưng hầu như sản phẩm nông sản trong huyện chưa đáp ứng được các yêu cầu này. Mặc dù, huyện Tháp Mười đã thành lập tổ hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho nông dân, để nắm số lượng nông sản cần tiêu thụ từng ngày để tìm đơn vị thu mua, từng nông dân đã đăng thông tin lên trang facebook, zalo để bán lẻ. Đây là cách làm hay và chủ động trong thời đại công nghệ thông tin cần được phát huy, nhưng khi những người nông tự cạnh tranh về giá, với mục đích chỉ cần bán được nông sản thì giá trị của nông sản cả về nghĩa đen và nghĩa bóng sẽ dần bị mất đi. Nói về nguyên nhân cũng như giải pháp cho nông sản của huyện trong thời gian tới, Ông Lê Văn Ngọt, Phó Chủ tịch UBND huyện Tháp Mười cho biết, thực tế trong thời điểm dịch bệnh là nông sản không bán được, giá r, không vào được các kênh tiêu thụ. Khó khăn này chủ yếu là do vấn đề sản xuất của người nông dân chưa đảm bảo theo quy trình, yêu cầu của các doanh nghiệp, các tổ chức thu mua để phân phối. Trong thời gian tới, trước tiên thì vận động người nông dân tiếp tục sản xuất theo các quy trình như VietGAP, đăng ký các mã vùng, canh tác hữu cơ, làm sao sản phẩm phải đủ điều kiện đưa vào các kênh tiêu thụ, phân phối, phải giải quyết được bài toán đơn vị thu mua cần nhưng sản phẩm không đáp ứng.

Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp PTNT huyện Tháp Mười, toàn huyện có 19 HTX, 129 THT và 09 Hội quán. Mỗi năm có khoảng 110.000ha sản xuất lúa nhưng chỉ có 22.000 ha liên kết với các doanh nghiệp, riêng cây ăn trái, rau màu, thủy sản trên 5.000ha phần lớn không có liên kết. Mặc dù, huyện rất chú trọng đến việc phát triển mô hình kinh tế tập thể, triển khai nhiều mô hình để vận động nông dân thay đổi từ canh tác truyền thống sang tiêu chuẩn sản xuất đáp ứng nhu cầu thị trường, nhưng số lượng hợp tác xã, tổ hợp tác cũng như diện tích canh tác VietGAP, hữu cơ vẫn còn khá khiêm tốn so với thế mạnh đang có của huyện. Có lẽ, chính nông dân là người “xót” nhất khi thành quả lao động của mình không bán được, phải “giải cứu”. Đã đến lúc người nông dân cần có sự thay đổi sản xuất nông nghiệp sang làm kinh tế nông nghiệp bằng việc chủ động tham vào hợp tác xã, tổ hợp tác. Bởi khi tham gia vào sản xuất tập thể, nông dân sẽ có điều kiện tiếp cận được với các phương thức canh tác khoa học, an toàn, sản xuất gắn với liên kết, tiêu thụ, có thể chủ động về giá cho sản phẩm của mình làm ra. Như Bộ trưởng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đã từng xúc động lên tiếng: “Nông sản không phải để giải cứu mà là sản phẩm để nâng niu”. 

Bt: Thúy Ly