Tin tức

null 30 năm sự kiện bãi Cà Mau

Trang chủ Tin tức - Sự kiện

30 năm sự kiện bãi Cà Mau

 

          TS. Nguyễn Quốc Trung, Khoa Xây dựng Đảng 

 

Bãi Cà Mau nằm án ngữ ở cửa ngõ Vịnh Thái Lan, có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, quốc phòng, an ninh của Việt Nam. Nơi đây 30 năm trước đã diễn ra một cuộc chiến đấu anh dũng của Công an nhân dân vũ trang tỉnh Minh Hải (nay là Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Cà Mau) với tàu chiến của Hải quân Hoàng gia Thái Lan để bảo vệ chủ quyền biển đảo thiên liêng của Tổ quốc.

Bản đồ thể hiện vị trí Bãi Cà Mau – tỉnh Cà Mau – Việt Nam

Trong những năm 1990, tình hình biển Đông cực kỳ phức tạp, sau sự kiện ngày 14/3/1988, Trung Quốc đã dùng vũ lực cưỡng chiếm bất hợp pháp các thực thể ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam trên biển Đông, lợi dụng tình thế đó, các lực lượng nước ngoài cũng tiến hành hàng loạt các hoạt động bất hợp pháp trên vịnh Thái Lan, thường xuyên tấn công, cướp đoạt, bắt bớ ngư dân Việt Nam trong vùng biển Việt Nam.

Nhận thức được tính nghiêm trọng của vấn đề, Đảng, Nhà nước Việt Nam đã chỉ đạo các lực lượng chấp pháp tăng cường các hoạt động nhằm bảo vệ chủ quyền biển đảo, bảo vệ ngư dân.

Ngày 4/3/1993, con tàu gỗ của Công an nhân dân vũ trang tỉnh Minh Hải (nay là Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Cà Mau), đang neo đậu tại bãi cạn Cà Mau làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền vùng biển Tây Nam của Tổ quốc thì bị tàu chiến đấu của Hải quân Hoàng gia Thái Lan bất ngờ tấn công. Do chỉ được trang bị súng tiểu liên AK, hỏa lực mạnh chỉ dừng lại ở khẩu 12,7 ly ở mũi tàu, 2 khẩu ĐKZ và B40 trong khi tàu đối phương phát huy tối đa hỏa lực pháo hạm 40 ly, nên đạn bắn trả không với tới. Theo lệnh chỉ huy, tàu ta cố gắng tiếp cận tàu Thái nhưng càng vào gần họ lại càng lùi ra và tăng tốc độ chạy vòng quanh, tiếp tục bắn vào tàu ta.

Sau khi tàu của Công an nhân dân vũ trang Việt Nam bốc cháy, tàu chiến Thái Lan ngừng bắn. Khoảng 12 giờ trưa tàu Việt Nam chìm, 10 cán bộ chiến sĩ còn khỏe dìu 5 người bị thương bám các vật nổi lênh đênh trên biển và được cano của Thái Lan vớt lên, người bị thương được chăm sóc y tế, xong bị dồn ra mũi tàu, trói giật cánh khủy trước những họng súng AR15[1].

11 lần ra Tòa với “tội danh cướp biển” là 11 lần các chiến sĩ Việt Nam cương quyết khẳng định: “Chính các ông mới là cướp biển xâm phạm vùng biển Việt Nam và tấn công tàu đánh cá chúng tôi!”. Cuối cùng, sau 6 tháng trời giam cầm, tra hỏi và ép nhận tội nhưng không thành, bên cạnh đó là sự can thiệp tích cực của cơ quan ngoại giao Việt Nam, đầu tháng 9/1993, phía Thái Lan phải trao trả toàn bộ 15 cán bộ chiến sĩ Công nhân nhân dân vũ trang Minh Hải cho Đại sứ quán Việt Nam tại Bangkok và các anh trở về Tổ quốc.

Tại nơi diễn ra trận hải chiến ngày 4/3/1993, Việt Nam đã cho lắp đặt tại bãi Cà Mau một nhà giàn DK1, ký hiệu DK1/10. Nhà giàn DK1/10 được xây dựng ngày 7/4/1994, nhà giàn DK1/10 có vai trò rất quan trọng trong việc bảo vệ vùng biển thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc.

30 năm, sự kiện bãi Cà Mau (4/3/1993), một lần nữa khẳng định tinh thần chiến đấu anh dũng bảo vệ sự thiêng liêng của biển đảo Tổ quốc là bất diệt, đồng thời còn góp phần quan trọng việc giáo dục truyền thống cách mạng, lý tưởng sống cho thế hệ trẻ Việt Nam hiện nay.

                                                            

 

[1] Mai Thanh Hải, Trận đánh 22 năm trước với tàu chiến nước ngoài trên biển Việt Nam, Báo Thanh niên, (30/11/2015https://thanhnien.vn/tran-danh-22-nam-truoc-voi-tau-chien-nuoc-ngoai-tren-bien-viet-nam-post521495.html)

Xuất bản thông tin

Xuất bản thông tin