Bài viết

null Những thuận lợi và khó khăn trong công tác nghiên cứu, biên soạn, đưa nội dung lịch sử đảng bộ địa phương vào giảng dạy tại Trường chính trị Tỉnh

Trang chủ Tin tức - Sự kiện

Những thuận lợi và khó khăn trong công tác nghiên cứu, biên soạn, đưa nội dung lịch sử đảng bộ địa phương vào giảng dạy tại Trường chính trị Tỉnh

 

Trường chính trị Tỉnh

Hiện nay, các thế lực thù địch, các phần tử cơ hội chính trị luôn tìm cách chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ trên mọi lĩnh vực, nhất là tư tưởng, lý luận. Phương thức và nội dung chống phá chủ yếu tập trung tuyên truyền các luận điệu sai trái, phản động, xuyên tạc lịch sử với nhiều hình thức, gây tác động không nhỏ đến tư tưởng, tình cảm của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Đặc biệt, một bộ phận giới trẻ ngày nay có biểu hiện sống thiếu lý tưởng, lãng quên quá khứ và không biết trân trọng những truyền thống tốt đẹp, hào hùng, vẻ vang của quê hương đất nước, của dân tộc.

Trước tình hình đó, công tác tư tưởng, lý luận đặt ra yêu cầu cần tăng cường công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng, lịch sử đảng bộ địa phương, lịch sử truyền thống cách mạng, lịch sử ngành,…nhằm làm sáng tỏ các chặng đường lịch sử và vai trò lãnh đạo của Đảng; tổng kết thực tiễn, những vấn đề lý luận của cách mạng Việt Nam, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng trong bối cảnh mới. Thực hiện nhiệm vụ này, thời gian qua, Trường Chính trị Tỉnh luôn quan tâm đến công tác nghiên cứu, biên soạn, đưa nội dung lịch sử đảng bộ địa phương vào giảng dạy tại Trường và đã đạt được những kết quả quan trọng.

1. Những thuận lợi trong công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử đảng bộ địa phương của Trường

Thời gian qua, công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử đảng bộ địa phương của Trường Chính trị Tỉnh nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp từ Thường trực Tỉnh uỷ, sự phối hợp chặt chẽ của Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ và các cơ quan, ban, ngành trong tỉnh, đã giúp cho Trường trong việc biên soạn Tập bài giảng "Tình hình và nhiệm vụ của Tỉnh Đồng Tháp", xuất bản năm 2018 và Tập bài giảng "Thực tiễn và kinh nghiệm xây dựng, phát triển Tỉnh Đồng Tháp", xuất bản năm 2022. Hai tài liệu trên đã góp phần quan trọng đưa nội dung lịch sử đảng bộ địa phương vào công tác đào tạo, bồi dưỡng trong chương trình trung cấp lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ, công chức các cấp trong tỉnh, tạo cơ sở cho việc lan tỏa, tuyên truyền, giáo dục lịch sử, truyền thống của vùng đất, con người Đồng Tháp.

Quá trình thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, Đảng uỷ, Ban giám hiệu nhà trường thường xuyên quan tâm đến công tác nghiên cứu, biên soạn, chỉnh sửa, bổ sung những chủ trương mới, chính sách mới của Tỉnh vào Tập bài giảng "Thực tiễn và kinh nghiệm xây dựng, phát triển Tỉnh Đồng Tháp"; thường xuyên quan tâm nhắc nhở đội ngũ giảng viên cập nhật, lồng ghép những nhân vật lịch sử, con người tiêu biểu, những địa danh lịch sử,…vùng đất, con người Đồng Tháp vào trong bài giảng, góp phần tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa cho cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân.

Học viên của trường là đội ngũ cán bộ, đảng viên các cấp trong tỉnh, có kiến thức và sự am hiểu nhất định về lịch sử Đảng, lịch sử đảng bộ địa phương, do đó, trong quá trình học tập tại trường, các học viên có điều kiện giao lưu, tìm hiểu về lịch sử, văn hoá giữa các địa phương, góp phần không nhỏ trong công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử đảng bộ địa phương.

Trong những năm qua, Trường đã đào tạo được một đội ngũ giảng viên, viên chức có trình độ chuyên môn lịch sử, lịch sử Đảng (hiện nay trường có 01 Tiến sĩ sử học; 01 đang học nghiên cứu sinh lịch sử Đảng; 01 Thạc sĩ lịch sử Đảng; 02 Thạc sĩ lịch sử Việt Nam), nên công tác nghiên cứu, biên soạn đưa nội dung lịch sử đảng bộ địa phương vào bải giảng, công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử cũng có những thuận lợi cơ bản. Bên cạnh việc biên soạn Tập bài giảng phục vụ cho công tác giảng dạy, đội ngũ giảng viên của trường còn thường xuyên nghiên cứu viết bài có nội dung lịch sử, tuyên truyền lịch sử, tuyên truyền những chủ trương, chính sách của Đảng bộ và chính quyền tỉnh Đồng Tháp,…đăng trên Website của Trường, các ấn phẩm về thông tin lý luận và thực tiễn, kỷ yếu hội thảo khoa học do Trường và các trường chính trị, các học viện (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị  Khu vực II, Học viện Chính trị  Khu vực IV) tổ chức; đăng bài trên các tạp chí có chỉ số ISSN,…đã góp phần thiết thực cho công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử.

Đảng uỷ, Ban giám hiệu nhà trường rất quan tâm và dành một phần kinh phí cho việc nghiên cứu, biên soạn các công trình lịch sử phục vụ công tác giảng dạy; tạo điều kiện thuận lợi cho đội ngũ sưu tầm tài liệu, nghiên cứu, biên soạn, viết bài và tập huấn nâng cao trình độ về công tác biên soạn, giảng dạy, tuyên truyền lịch sử,…

2. Những khó khăn trong công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử đảng bộ địa phương của Trường

Thời gian qua, mặc dù công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng, lịch sử đảng bộ địa phương được thực hiện đồng bộ và đạt được kết quả đáng khích lệ, có sự chuyển biến sâu sắc cả trong công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục và trong việc tiếp nhận, lan tỏa giá trị lịch sử rộng rãi trong thế hệ trẻ và quần chúng nhân dân. Tuy nhiên, trong thực tế vẫn có rất nhiều nhân vật lịch sử, các địa danh lịch sử, sự kiện lịch sử,…nhiều sự kiện trong quá trình lãnh đạo sự nghiệp cách mạng của Đảng bộ Tỉnh do sự hạn chế về tài liệu nên chưa được nghiên cứu và biên soạn một cách tổng thể, hoàn chỉnh. Điều này dẫn đến những khó khăn nhất định trong công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử, truyền thống văn hóa của con người, vùng đất Đồng Tháp.

Một bộ phận giảng viên của Trường, mặc dù có kiến thức và sự hiểu biết về lịch sử Đảng, lịch sử đảng bộ địa phương, nhưng phương pháp tiếp cận, cách thức tuyên truyền,…còn nhiều hạn chế, do đó, thường ít lồng ghép nội dung, kiến thức, sự kiện, nhân vật lịch sử,…địa phương vào bài giảng, hoặc lồng ghép mang tính gán ghép cơ học nên chưa tạo được hiệu quả cao, thậm chí, còn rất nhiều địa danh, kiến thức, nhân vật lịch sử,…trong Tỉnh nhưng chưa được một số giảng viên nghiên cứu, tìm hiểu. Điều này ảnh hưởng nhất định đến công tác nghiên cứu, biên soạn, đưa nội dung lịch sử đảng bộ địa phương vào giảng dạy tại Trường.

Trong một thời gian dài và kể cả hiện nay, do lỗi hệ thống trong công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử nói chung đã dẫn đến tâm lý không muốn học lịch sử, sợ học lịch sử, chán học lịch sử, kể cả trong đội ngũ cán bộ, đảng viên. Thực tế công tác giảng dạy ở Trường cho thấy, có nhiều cán bộ, đảng viên là học viên các lớp trung cấp chính trị biết rất ít hoặc thậm chí không biết về các sự kiện lịch sử, địa danh lịch sử, nhân vật lịch sử cơ bản trong Tỉnh, điều này là khó khăn lớn trong công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử hiện nay.

Trường chính trị là nơi nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền và giáo dục lịch sử cho đội ngũ cán bộ, đảng viên các cấp trong Tỉnh. Tuy nhiên, mặc dù đã có một số công trình, tập bài giảng, bài viết về lịch sử đã được xã hội hóa, nhưng nhìn chung còn rất ít và chất lượng chưa cao, chưa có nhiều bài viết có tính phân tích chuyên sâu về quá trình lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh, chưa có những bài phân tích đánh giá có chiều sâu về những chuyển biến mang tính đột phá của Đảng bộ, của nhiều đồng chí lãnh đạo,…trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, mà trên thực tế trong quá trình lãnh đạo, Đảng bộ và các đồng chí lãnh đạo đã có những quyết định đột phá, mang tính mở đường cho sự phát triển của Tỉnh.

Trong công tác nghiên cứu, biên soạn các công trình lịch sử, mặc dù đã có sự quan tâm của lãnh đạo các cấp, nhưng kinh phí và các điều kiện cần thiết cho việc nghiên cứu, biên soạn, viết bài,…chưa thật sự tạo được động lực, chưa tạo ra được sự thống nhất trong nhận thức chung về sự cần thiết phải xây dựng ý thức và trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên các cấp trong công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử. Chưa có nhiều sự trao đổi giữa các cơ quan, ban ngành trong Tỉnh về công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử địa phương.

3. Những giải pháp nhằm thực hiện tốt hơn việc đưa nội dung lịch sử địa phương vào giảng dạy tại Trường Chính trị Tỉnh trong thời gian tới

Thứ nhất, Đảng uỷ, Ban giám hiệu nhà trường thống nhất về nhận thức và quyết liệt trong chỉ đạo nhằm không ngừng nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền và giáo dục lịch sử Đảng, lịch sử Đảng bộ Tỉnh trong thực hiện nhiệm vụ công tác đào tạo, bồi dưỡng của Trường, coi đây là một nội dung quan trọng để giáo dục lý tưởng, đạo đức cách mạng, nâng cao ý thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức trong thực thi nhiệm vụ công; chỉ đạo Tổ biên soạn lịch sử trường Chính trị Tỉnh tiếp tục công tác nghiên cứu, sưu tầm, lưu giữ tư liệu phục vụ biên soạn Lịch sử trường chính trị tỉnh Đồng Tháp - 70 năm hình thành và phát triển.

Thứ hai, nhà trường tiếp tục quan tâm đến công tác đào tạo, đào tạo chuyên sâu, tích cực bồi dưỡng về kiến thức chuyên môn, kỹ năng biên soạn và viết bài cho đội ngũ giảng viên giảng dạy chương trình lịch sử. Thường xuyên quan tâm nhắc nhở đội ngũ giảng viên tích cực nghiên cứu cập nhật, lồng ghép kiến thức lịch sử vào bài giảng chương trình trung cấp lý luận chính trị. Quan tâm, động viên đội ngũ giảng viên, nhất là đội ngũ giảng viên giảng dạy lịch sử tích cực nghiên cứu viết bài về các sự kiện lịch sử, nhân vật lịch sử,...của địa phương; đảm bảo cơ sở vật chất - kỹ thuật, kinh phí phục vụ công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền và giáo dục lịch sử.

Thứ ba, đội ngũ giảng viên phải có ý thức trách nhiệm cao trong việc học tập, nâng cao trình độ kiến thức lịch sử và  nghiên cứu vận dụng linh hoạt các phương pháp để tuyên truyền, giáo dục lịch sử hiệu quả, hạn chế tình trạng phản tác dụng trong tuyên truyền, giáo dục lịch sử.

Xuất bản thông tin

Xuất bản thông tin