Bài viết

null Mùa xuân năm 1930 – Bác thành lập Đảng

Trang chủ Bài viết

Mùa xuân năm 1930 – Bác thành lập Đảng

 

Lê Thị Thanh Kiều

Khoa Lý luận cơ sở

          Trên hành trình tìm đường cứu nước và đến với chủ nghĩa Mác-Lênin, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chỉ rõ: Trước hết phải có đảng cách mệnh để trong thì vận động và tổ chức dân chúng, ngoài thì liên lạc với công nông và vô sản bị áp bức mọi nơi. Từ đây, Người chuẩn bị đầy đủ điều kiện về tư tưởng, chính trị và tổ chức để tiến tới thành lập ở Việt Nam một chính đảng của giai cấp vô sản xứng tầm đảm nhiệm vai trò lãnh đạo cách mạng ở nước ta. Vì vậy, Người thành lập và chỉ đạo hoạt động của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên với những hoạt động tiêu biểu như đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lênin về nước, nhất là qua thực hiện phong trào vô sản hoá đã thúc đẩy các hoạt động của cách mạng nước ta chuyển biến theo xu hướng cộng sản. Cuối năm 1929, ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam, 3 tổ chức cộng sản thành lập và đảm nhiệm lãnh đạo phong trào đấu tranh của quần chúng. Tuy nhiên, mặc dù cùng theo xu hướng vô sản nhưng việc tổ chức và hoạt động của 3 tổ chức cộng sản chẳng những không thống nhất mà còn gây nguy cơ chia rẽtrong phong trào cách mạng cả nước.

Trước tình hình đó, ngày 27/10/1929 Quốc tế Cộng sản gửi chỉ thị Về việc thành lập một Đảng Cộng sản ở Đông Dương gồm 11 điểm. Chỉ thị ghi rõ: “nhiệm vụ quan trọng nhất và cấp bách nhất của tất cảnhững người cộng sản Đông Dương là thành lập một đảng cách mạng có tính chất giai cấp của giai cấp vô sản, nghĩa là một đảng cộng sản có tính chất quần chúng ở Đông Dương. Đảng đó phải chỉ có một và là tổ chức cộng sản duy nhất ở Đông Dương”[1]. Đến cuối tháng 2/1930, chỉ thị đến được với các đồng chí An Nam Cộng sản Đảng ở Sài Gòn.

Trong lúc này, đang hoạt động ở Xiêm nhưng lãnh tụNguyễn Ái Quốc luôn theo dõi và nắm rõ tình hình trong nước. Người nhiều lần tìm cách về nước nhưng không thành công.Trong Báo cáo gửi Quốc tế cộng sản ngày 18/2/1930, Người viết: “Đã hai lần tôi cố gắng về An Nam, nhưng phải quay trở lại. Bọn mật thám và cảnh sát ở biên giới quá cẩn mật, đặc biệt là từ khi xảy ra vụ An Nam “Quốc Dân Đảng”. Tuy nhiên, trước đòi hỏi cấp thiết của việc hợp nhất, Người quyết định đến Hương Cảng và triệu tập đại biểu của các tổ chức cộng sản. Lúc này tại Hương Cảng đang vào dịp tết cổ truyền nên diễn ra nhiều lễ hội, bọn mật thám cũng nới lỏng cảnh giác. Với tư cách phái viên của Quốc tế Cộng sản, Người chủ trì Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản, thành lập ĐảngCộng sản Việt Nam.

Hội nghị diễn ra từ ngày 06/01/1930, tham dự gồm các đồng chí đại biểu của Đông Dương Cộng sản Đảng, An Nam Cộng sản Đảng cùng các đại biểu của chi bộ Cộng sản Việt Nam ở hải ngoại (đại biểu của Đông Dương Cộng sản Liên đoàn không đến dự kịp, sau hội nghị đã thống nhất và xin gia nhập vào Đảng Cộng sản Việt Nam). Địa điểm diễn ra các cuộc họp bàn không cố định, khi thì tại sân vận động, khi thì trong khách sạn và thời gian kéo dài do phải giữ bí mật. Tuy nhiên vượt qua những khó khăn, các đại biểu đã thảo luận và thống nhất các nội dung xoay quanh hai vấn đề cốt lõi gồm “việc hợp nhất tất cả các nhóm cộng sản thành một tổ chức chung và tổ chức này sẽ là một Đảng Cộng sản chân chính” cùng với “Kế hoạch thành lập tổ chức đó”[2].

Tại các cuộc họp bàn, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc quan tâm lắng nghe ý kiến của các đại biểu, sau đó mới nêu quan điểm của mình. Trước hết, các đại biểu tranh luận về hoạt động của các tổ chức cộng sản trong thời gian qua và đều cho rằng tổ chức mình đúng. Người lắng nghe ý kiến của các đại biểu, sau đó chỉ rõ vì sao có sự khác biệt giữa các tổ chức cộng sản trong hoạt động và trong điều kiện hiện tại. Người chỉ cho các đại biểu nhận thấy rằng việc hợp nhất các tổ chức thành một Đảng Cộng sản thống nhất, vững mạnhvà chiến đấu chung cho lợi ích của cách mạng là cấp thiết nhất.

Sau khi thống nhất về yêu cầu hợp nhất, các đại biểu tranh luận về tên gọi của Đảng, đại biểu nào cũng muốn tên gọi của Đảng mình sẽ là tên gọi của Đảng mới thành lập. Trước các quan điểm trái chiều, Nguyễn Ái Quốc khẳng định Đảng Cộng sản không chỉ tập họp các tổ chức cộng sản mà còn nhiều tổ chức đảng khác của nhân dân ta trong và ngoài nước. Nên không thể hợp đảng này vào đảng khác mà Đảng phải là một tổ chức hoàn toàn mới, tập hợp trong đó những thành phần ưu tú của tất cả các tổ chức đảng, tự nguyện đấu tranh vì lợi ích của nhân dân. Đảng Cộng sản phải mang tính dân tộc và đại diện cho dân tộc. Vì vậy, Người đề nghị tên gọi của Đảng là Đảng Cộng sản Việt Nam. Ý kiến về tên gọi của Đảng được các đại biểu nhất trí cao.

Thống nhất được tên gọi của Đảng Cộng sản sau khi thành lập, các đại biểu tiếp tục thảo luận về Cương lĩnh, Chương trình, Sách lược và Điều lệ của Đảng, bởi vì đây là linh hồn, là yếu tố cốt lõi giúp Đảng hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích. Theo lời kể của đồng chí Nguyễn Thiệu, đại biểu các đảng chia nhau soạn Chính cương và sách lược vắn tắt, điều lệ và chương trình tóm tắt của Đảng. Ngoài ra, các đại biểu dự Hội nghị khẳng định phải có một văn kiện thay cho Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản Việt Nam, đó là Lời kêu gọi nhân dịp thành lập Đảng, lời kêu gọi phải hiệu triệu được các tầng lớp nhân dân, các đảng phái, tổ chức cách mạng trong nước và ngoài nước. Các đại biểu thống nhất đề nghị đồng chí Nguyễn Ái Quốc đảm nhiệm văn kiện quan trọng này.

Sau khi hoàn thành việc soạn thảo, các văn kiện tiếp tục được đại biểu thảo luận. Việc thống nhất nội dung các văn kiện đã đánh dấu sự thành công của Hội nghị hợp nhất và sự thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong tác phẩm “đồng chí Hồ Chí Minh”, Kô bê lép viết: chiều ngày 05/2/1930, đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã mời đại biểu dự Hội nghị dùng bữa cơm thân mật để mừng Đảng ra đời và chia tay các đại biểu trước khi về nước, Người nói “tôi tin rằng Đảng ta sẽ dẫn dắt nhân dân ta đến thắng lợi trong cuộc đấu tranh giành độc lập và tự do cho Tổ quốc thân yêu”[3]. Đến ngày 18/2/1930, trong báo cáo hoạt động của mình,về việc thành lập Đảngvới Quốc tế Cộng sản, Người viết: “Với tư cách là phái viên Quốc tế Cộng sản có đầy đủ quyền quyết định mọi vấn đề liên quan đến phong trào cách mạng ở Đông Dương, tôi nói cho họ biết những sai lầm và họ phải làm gì. Họ đồng ý thống nhất vào một đảng.

Các đại biểu xác định cương lĩnh và đường lối chiến lược theo đường lối của Quốc tế Cộng sản”[4].

Tóm lại, với tầm nhìn chiến lược, với những hoạt động tích cực trong Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên và sự chỉ đạo, điều hành hợp lý tại Hội nghị thành lập Đảng, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã chuẩn bị đầy đủ điều kiện và trực tiếp thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Không những sáng lập, Người còn quan tâm rèn luyện Đảng, quá trình Đảng lãnh đạo cách mạng, Người luôn chú trọng xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh để đủ sức vóc thực hiện nhiệm vụ chính trị, xứng đáng với niềm tin của nhân dân, với tôn chỉ và mục đích của Đảng ngay từ khi thành lập./

Tài liệu tham khảo

1. Đảng Cộng sản Việt Nam (1997): Văn kiện Đảng Toàn tập, tập 1, Nxb Chính trị Quốc gia- Sự thật, Hà Nội.

2. Hồ Chí Minh (2011): Toàn tập, tập 3,Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

3. E. Kô bê lép (1985): Đồng chí Hồ Chí Minh, Nxb Thanh Niên, Hà Nội.

         


[1] Đảng Cộng sản Việt Nam (1997): Văn kiện Đảng Toàn tập, tập 1, Nxb Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội, trang 618.

[2] Hồ Chí Minh (2011): Toàn tập, tập 3,Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, trang 13.

[3] E.Kô bê lép (1985):Đồng chí Hồ Chí Minh, Nxb Thanh Niên, Hà Nội, trang 158.

[4] Hồ Chí Minh (2011): Toàn tập, tập 3,Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, trang 13.

Xuất bản thông tin

Xuất bản thông tin