Xuất bản thông tin

null Đồng Tháp sẵn sàng hưởng ứng “Liên kết, hợp tác phục hồi và phát triển du lịch ĐBSCL trong trạng thái bình thường mới

Chi tiết bài viết Tin tức

Đồng Tháp sẵn sàng hưởng ứng “Liên kết, hợp tác phục hồi và phát triển du lịch ĐBSCL trong trạng thái bình thường mới

Chiều ngày 28/02, Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã tổ chức Hội nghị “Phục hồi và phát triển du lịch ĐBSCL trong trạng thái bình thường mới”. Tại Hội nghị này, đại diện Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch của 13 tỉnh, thành ĐBSCL đã ký Biên bản thỏa thuận liên kết, hợp tác phục hồi và phát triển du lịch ĐBSCL trong trạng thái bình thường mới.

Các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh ĐBSCL cùng nắm tay nhau quyết tâm phục hồi và phát triển du lịch ĐBSCL

Đại dịch Covid-19 gây thiệt hại nặng nề cho ngành du lịch ĐBSCL

Thông tin từ Hội nghị “Phục hồi và phát triển du lịch ĐBSCL trong trạng thái bình thường mới” cho biết du lịch ĐBSCL thời gian qua có bước phát triển vượt bậc, đạt nhiều kết quả quan trọng, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội, từng bước khẳng định thương hiệu du lịch của vùng đến du khách trong và ngoài nước, góp phần thúc đẩy các ngành, lĩnh vực khác phát triển. Theo kết quả thống kê báo cáo, năm 2019, vùng ĐBSCL đón trên 47 triệu lượt khách, kế hoạch đón trên 50 triệu lượt khách trong năm 2020. Tuy nhiên, đến đầu năm 2020, do đại dịch Covid-19 bùng phát và kéo dài, ngành du lịch đã chịu ảnh hưởng nặng nề, lượt du khách sụt giảm đáng kể chỉ còn hơn 28 triệu lượt và năm 2021 tiếp tục thiệt hại nhiều hơn, chỉ đón được hơn 23 triệu lượt khách. Doanh thu ngành du lịch ĐBSCL liên tục tuột dốc, năm 2019 doanh thu gần 30 nghìn tỷ đồng; năm 2020 giảm xuống còn gần 22 nghìn tỷ và năm 2021 chỉ còn hơn 9,5 nghìn tỷ đồng.

Ông Nguyễn Minh Tuấn, Phó Giám đốc phụ trách Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP. Cần Thơ, Cụm trưởng Cụm liên kết, hợp tác phát triển du lịch phía Tây (Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Hậu Giang)  ĐBSCL năm 2022 cho biết: Năm 2019, tổng lượt khách du lịch Cụm phía Tây ĐBSCL đạt hơn 33 triệu lượt, chiếm 73% tổng lượt khách du lịch của vùng ĐBSCL; doanh thu du lịch đạt hơn 24 nghìn tỷ đồng, chiếm 82% doanh thu du lịch của ĐBSCL. Đến năm 2020, tổng lượt du khách đến Cụm phía Tây chỉ còn gần 22 nghìn lượt và bước sang năm 2021 đại dịch Covid-19 bùng phát chỉ còn gần 12 nghìn lượt khách. Du khách giảm kéo theo doanh thu sụt giảm nặng nề. Năm 2020, dịch bệnh Covid-19 bắt đầu xuất hiện doanh thu đã tụt giảm xuống còn hơn 19 nghìn tỷ đồng và đến năm 2021 khi đại dịch Covid-19 hoành hành khắp nơi thì doanh thu ngành du lịch Cụm phía Tây ĐBSCL chỉ còn hơn 9,3 nghìn tỷ đồng.

Tại Hội nghị, ông Võ Phạm Tân, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tiền Giang, Cụm trưởng Cụm liên kết, hợp tác phát triển du lịch phía Đông (Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh, Đồng Tháp, Long An) ĐBSCL năm 2022, cũng cho biết: “Do đại dịch Covid-19, gần hai năm qua hoạt động du lịch của tỉnh Tiền Giang bị ảnh hưởng vô cùng nặng nề, với gần 1.400 cơ sở kinh doanh du lịch phải tạm dừng hoạt động; các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn về tài chính; khoảng 6.000 lao động trực tiếp trong ngành du lịch mất việc làm hoặc bị giảm  thu nhập; lượng khách và tổng thu giảm sâu so với thời điểm trước dịch. Năm 2021, tổng lượng khách 271.865 lượt, giảm 87% so với năm 2019. Tổng doanh thu trực tiếp từ các doanh nghiệp du lịch đạt 252 tỷ đồng, giảm 78% so với năm 2019…”

Đồng Tháp sẵn sàng phục hồi và phát triển du lịch sau đại dịch

Tại Hội nghị “Phục hồi và Phát triển du lịch ĐBSCL trong trạng thái bình thường mới” đại diện 13 Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch của ĐBSCL đã ký Biên bản thỏa thuận liên kết, hợp tác phục hồi và phát triển du lịch ĐBSCL trong trạng thái bình thường mới.”

Theo đó, các tỉnh, thành vùng ĐBSCL sẽ lựa chọn những sản phẩm du lịch đặc thù giới thiệu nhằm đưa vào chương trình liên kết, hợp tác phát triển du lịch của vùng. Thỏa thuận liên kết, hợp tác thường xuyên trao đổi về kinh nghiệm phát triển sản phẩm du lịch gắn với đặc trưng của từng địa phương. Xây dựng mối liên kết, hợp tác chặt chẽ giữa các doanh nghiệp lữ hành, vận chuyển, lưu trú, điểm đến của các tour du lịch ở các địa phương trong một tuyến du lịch.

Phối hợp thực hiện các hoạt động xúc tiến điểm đến với các thị trường mục tiêu đã được lựa chọn; đưa các sản phẩm du lịch, chương trình, tuyến, điểm du lịch kết nối giữa các thành viên liên kết, hợp tác vào nội dung các hoạt động xúc tiến của tất cả các địa phương trong vùng. Các tỉnh, thành trong vùng thường xuyên liên kết, hợp tác quảng bá và xúc tiến tại sự kiện trong nước nhất là các sự kiện cấp quốc gia; từng bước cùng thực hiện quảng bá, xúc tiến du lịch ra phạm vi quốc tế.

Ông Ngô Quang Tuyên, Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Tháp (hàng thứ 5 bên phải qua) cùng đại diện các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh, thành ĐBSCL ký kết liên kết, hợp khôi phục và phát triển du lịch ĐBSCL.

Giới thiệu, quảng bá điểm đến, sản phẩm, trải nghiệm du lịch đa dạng, hấp dẫn, bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid-19, khôi phục niềm tin của thị trường về du lịch nội địa an toàn, hấp dẫn. Kết nối các địa phương tổ chức hoạt động, sự kiện tái khởi động du lịch nội địa liên tỉnh, liên vùng an toàn, linh hoạt. Liên kết, hợp tác xây dựng, giới thiệu các gói liên kết kích cầu du lịch nội địa có ưu đãi, cam kết về chất lượng, phát triển các sản phẩm, dịch vụ du lịch mới, các chương trình du lịch tới các điểm đến mới. Liên kết, hợp tác toàn vùng từng bước phục hồi ngành du lịch ĐBSCL thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, đáp ứng nhu cầu tham quan, du lịch, nghỉ dưỡng của người dân ngay trong năm 2022.

Tại Hội nghị “Phục hồi và Phát triển du lịch ĐBSCL trong trạng thái bình thường mới”, ông Đặng Minh Việt, Trưởng đại diện Vietnam Airlines tại Cần Thơ, thông tin cho biết Vietnam Airlines đã chuẩn bị sẵn sàng khôi phục lại các đường bay phục vụ du khách. Thời cao điểm Tết Nhâm Dần 2022 vừa qua (từ 16/01-15/02/2022) đã thực hiện hơn 10.000 chuyến bay (bình quân 320 chuyến bay/ngày, tăng hơn 39% so với cùng kỳ). Tỷ lệ sử dụng chỗ trên 80%. Trong đó, nhiều chuyến đạt 95%-100% như TP. Hồ Chí Minh -Vinh, Đà Lạt, Buôn Ma Thuột, Phú Quốc. Hiện nay, các đường bay quốc nội đã mở hầu hết toàn bộ các tuyến như trước dịch. Các đường bay quốc tế đã khôi phục các đường bay quốc tế thường lệ đến và đi từ 15 quốc gia, vùng lãnh thổ, gồm: Mỹ, Úc, Nga, Anh, Pháp, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan, Campuchia, Malaysia… Dự kiến toàn bộ mạng bay quốc tế của hãng sẽ được phục hồi hoàn toàn trong tháng 3/2022 ngay khi nhà chức trách cho phép.

Hiện nay, Vietnam Airlines và các tỉnh, thành ĐBSCL (TP. Cần Thơ, Kiên Giang, Cà Mau, Trà Vinh) đã ký kết thỏa thuận hợp tác toàn diện. Dự kiến sắp tới sẽ ký kết với các tỉnh còn lại. Theo đó, phối hợp đẩy mạnh xúc tiến quảng bá du lịch, đầu tư thương mại, hàng không, quảng bá điểm đến và khôi phục ngành dịch vụ hàng không nói riêng, ngành du lịch nói chung sau ảnh hưởng dịch Covid-19. Xây dựng chính sách hỗ trợ sản phẩm, dịch vụ và ưu tiên sử dụng sản phẩm dịch vụ của nhau một cách hiệu quả.

Bà Võ Thị Tuyết Ngoa, Trưởng phòng Quản lý du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Tháp, cho biết: “Ngành Du lịch Đồng Tháp đang tích cực triển khai thực hiện tổ chức lại các hoạt động đón tiếp và phục vụ khách du lịch, đảm bảo các điều kiện an toàn phòng, chống dịch Covid - 19 theo quy định, với phương châm “An toàn mới mở cửa - Mở cửa phải an toàn”. Huy động sự tham gia, hưởng ứng tích cực của các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh du lịch nhằm xây dựng các chương trình du lịch đặc sắc, hấp dẫn thu hút được du khách.  Phát huy liên kết giữa TP. Hồ Chí Minh và 13 tỉnh thành ĐBSCL với phương châm “Liên kết - Hành động - Phát triển”.

Thúc đẩy nhu cầu du lịch nội địa nhân dịp các kỳ nghỉ, ngày lễ lớn của dân tộc và các sự kiện, lễ hội văn hóa, du lịch thường niên được tổ chức tại Đồng Tháp như: Lễ vía Bà Chúa Xứ ở Gò Tháp (rằm tháng 3 âm lịch), Lễ hội Sen Đồng Tháp tại TP. Cao Lãnh (dự kiến tháng 5/2022), Lễ giỗ ông, bà Đỗ Công Tường ( mùng 9-10 tháng 6 âm lịch) Lễ giỗ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc (26-27/10 âm lịch) tại TP. Cao Lãnh, Lễ giỗ Thiên hộ Võ Duy Dương và Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều tại Gò Tháp (rằm tháng 11 âm lịch), và các hoạt động của Diễn đàn kết nối du lịch giữa TP. Hồ Chí Minh và 13 tỉnh thành ĐBSCL, …

Đồng thời, phát huy các nguồn tài nguyên văn hóa, du lịch của địa phương, phát triển mạnh loại hình du lịch nông nghiệp, nông thôn có giá trị gia tăng cao và tăng cường trải nghiệm cho khách du lịch, gắn với sản phẩm OCOP. Mở rộng không gian du lịch về nông thôn ở tất cả các huyện, thành phố, khai thác các giá trị văn hoá bản địa trong sản phẩm dịch vụ du lịch, gắn với giới thiệu, tiêu thụ các sản phẩm OCOP, quà lưu niệm từ các doanh nghiệp khởi nghiệp. Ngành du lịch Đồng Tháp sẵn sàng cùng với các tỉnh, thành ĐBSCL liên kết, hợp tác phục hồi và phát triển du lịch ĐBSCL trong trạng thái bình thường mới…”

 

Ông Trần Việt Phường, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch ĐBSCL phát biểu với Hội nghị

Đến dự và phát biểu với Hội nghị, ông Trần Việt Phường, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch ĐBSCL, cho rằng: “Vấn đề ưu tiên hàng đầu là cố gắng bảo đảm an toàn cho các điểm đến du lịch và an toàn cho khách du lịch (đây là điều kiện tiên quyết, mở đến đâu an toàn đến đó và đã an toàn rồi thì phải quản lý cho tốt). Tiếp tục thực hiện tốt Hướng dẫn tạm thời số 3862/HD-BVHTTDL, của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, về việc thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ, “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, trong hoạt động Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Giới thiệu rộng rãi và động viên, khuyến khích các doanh nghiệp và khách du lịch sử dụng “Du lịch Việt Nam an toàn”.

Tiếp tục thực hiện tốt Kế hoạch số 3228/KH-BVHTTDL của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, về việc triển khai chính sách kích cầu, phục hồi hoạt động du lịch và lữ hành (tập trung thúc đẩy du lịch nội địa; du lịch nội địa là nội lực, là nền tảng căn bản để phát triển du lịch bền vững). Thực hiện tốt chương trình phát động du lịch nội địa “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, ngày 16/12/2021, của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, với chủ đề: “Du lịch an toàn – trải nghiệm trọn vẹn”.

Tập trung nghiên cứu đổi nới sản phẩm du lịch nhằm đáp ứng nhu cầu mới của khách du lịch (Phát triển các sản phẩm du lịch mới và làm mới các sản phẩm du lịch hiện có). Quan tâm phát triển sản phẩm du lịch theo chủ đề, trên cơ sở thế mạnh, tiềm năng sẵn có mang tính khác biệt (đặc thù), tạo thành mạng lưới các sản phẩm du lịch đa dạng, hỗ trợ cho nhau. Thực hiện Quyết định 194, ngày 23/01/2015, của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc phê duyệt đề án “Xây dựng sản phẩm du lịch ĐBSCL”

Liên kết, hợp tác trong lĩnh vực thông tin về tình hình phát triển du lịch; hợp tác trong xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch, quảng bá, xúc tiến du lịch; phát triển nguồn nhân lực du lịch; liên kết, hợp tác trong phục hồi, phát triển du lịch trong trạng thái bình thường mới…”

Huỳnh Biển