Xuất bản thông tin

null Bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật đờn ca tài tử, cải lương

Chi tiết bài viết Văn hóa - Gia đình

Bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật đờn ca tài tử, cải lương

Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ chính thức được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào ngày 5/12/2013. Để tiếp tục giữ gìn và phát huy loại hình độc đáo này, vừa qua, Ủy ban nhân dân huyện Cao Lãnh tổ chức sinh hoạt chuyên để “Bảo tồn và phát huy giá trị Nghệ thuật Đờn ca tài tử, Cải lương bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến đến 18 điểm cầu xã, thị trấn. Bí thư Huyện ủy Huỳnh Thị Hoài Thu và lãnh đạo UBND, các ban ngành huyện Cao Lãnh đến tham dự.

Tại buổi sinh hoạt, Tiến sĩ Lê Hồng Phước - Phó trưởng Khoa Ngữ văn Pháp - Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh đã chia sẻ những câu chuyện về quảng bá Đờn ca tài tử, Cải lương trong và ngoài nước, thông qua sóng Phát thanh Quốc tế Pháp (RFI), ông đã đề xuất với lãnh đạo thành lập Tạp chí chuyên bình luận Cải lương, Tạp chí Lịch sử Việt Nam và giới thiệu văn hóa, lịch sử của đất nước Việt Nam đến với bạn bè quốc tế.

Tiến sĩ Lê Hồng Phước cũng chia sẻ về cốt lõi cấu trúc, sự tinh tế của Nghệ thuật Đờn ca tài tử, cách sáng tác, biểu diễn, truyền cảm hứng; các liên khúc lý, ca ra bộ, ca cổ, trích đoạn cải lương... Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ không ngừng được sáng tạo nhờ tính “ngẫu hứng,” “biến hóa lòng bản” theo cảm xúc, trên cơ sở của 20 bài bản Tổ gồm: 6 bài Bắc, 7 bài Hạ (Lễ), 3 bài Nam và 4 bài Oán. Mỗi loại hình nghệ thuật có không gian trình diễn riêng, Đờn ca tài tử cũng vậy, phải được phổ biến, lưu truyền trong dân gian, lấy “chân phương” để hát, nếu đưa lên sân khấu biểu diễn chuyên nghiệp thì tài tử mất không gian sống, Đờn ca tài tử đang bị “cải lương hóa”, còn Cải lương lại bị “tài tử hóa” là 2 thực trạng đang tồn tại hiện nay.

Tiến sĩ Lê Hồng Phước cho rằng, để tiếp tục bảo tồn và phát huy giá trị di sản này, công việc hiện nay chúng ta cần làm là giới thiệu, lan tỏa đến mọi người, nhất là giới trẻ Đờn ca tài tử và Cải lương là cái gì và hay ở chỗ nào. Khi có hiểu biết thì họ mới có thể yêu thích, đam mê, tham gia lưu truyền, gìn giữ. Bên cạnh đó, khi phát hiện các nhân tố có năng khiếu đàn các nhạc cụ tài tử hoặc tham gia ca hát tài tử, các cấp chính quyền, nhà trường (nếu là học sinh) cần có những chính sách quan tâm, đãi ngộ, bồi dưỡng, tạo điều kiện để các nhân tố này phát huy, tham gia hoạt động để duy trì và phát triển. Việc đưa Đờn ca tài tử  trở thành sản phẩm du lịch cũng cần chú trọng giới thiệu, quảng bá để giúp du khách hiểu “hồn- cốt” cũng như nét văn hóa độc đáo của Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ và Cải lương để thưởng thức, yêu thích, tham gia.

Trong thời gian tới cần có các lớp đào tạo ca tài tử, bài bản; nên nhân rộng, quảng bá Đờn ca tài tử tại các trường học nhằm tạo điều kiện cho các em học sinh hiểu biết, tiếp cận với Nghệ thuật Đờn ca tài tử, qua đó phát hiện bồi dưỡng những em có năng khiếu để kế thừa, phát huy di sản văn hóa của cha ông truyền lại. Ngoài ra, cần tổ chức các buổi giao lưu giữa các địa phương với nhau để khuyến khích các CLB Đờn ca tài tử tham gia hoạt động, sinh hoạt.

Làm tốt việc duy trì các CLB Đờn ca tài tử không chỉ tạo ra sân chơi, phát huy hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa, làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần ở khu dân cư, mà còn là mô hình phục vụ cho phát triển du lịch văn hóa, du lịch sinh thái tại huyện Cao Lãnh. Với mô hình “cây nhà, là vườn”, các buổi biểu diễn phục vụ du khách được đích thân các nghệ nhân biểu diễn sẽ tạo thêm nguồn thu cho những người “giữ lửa” - Tiến sĩ Lê Hồng Phước nhấn mạnh.

Trên địa bàn huyện Cao Lãnh hiện có 43 CLB Đờn ca tài tử duy trì sinh hoạt định kỳ với trên 545 thành viên tham gia. Việc quan tâm, nâng chất các CLB Đờn ca tài tử, Cải lương phát triển nhằm giúp cho các nghệ nhân, nghệ sĩ không chuyên có cơ hội phát huy khả năng của mình, từng bước góp phần bảo vệ, giữ gìn và phát huy Nghệ thuật Đờn ca tài tử, Cải lương trước làn sóng du nhập của nhiều dòng nhạc hiện đại.

Tin, ảnh: Thành Sơn