Xuất bản thông tin

null Bài học về tự phê bình và phê bình

Trang chủ VKS_HOCTAP_TUTUONG_ HCM

Bài học về tự phê bình và phê bình

Công tác tự phê bình và phê bình, là một bài học thật sự mang ý nghĩa, giá trị sâu sắc trong thực tiễn công tác tại đơn vị...

= = =

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đặc biệt tới công tác cán bộ và việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng. Trong đó, việc nhắc nhở mỗi cán bộ, đảng viên và tổ chức đảng phải luôn đề cao việc học tập và nêu gương trong công tác tự phê bình và phê bình, nhất là đối với công tác xây dựng đoàn kết nội bộ hiện nay, điều này càng có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc.

Chính vì vậy, Đảng và Nhà nước ta hết sức quan tâm tới công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức của cán bộ, đảng viên, trong đó có việc nâng cao công tác tự phê bình và phê bình, góp phần giữ vững đoàn kết trong nội bộ đơn vị. Thế hệ thanh niên Việt Nam nói chung, mỗi cán bộ, đảng viên ngành kiểm sát nói riêng đã được nghe nhiều mẫu chuyện về Bác. Trong đó, câu chuyện qua lời kể của đồng chí Vũ Kỳ về công tác tự phê bình và phê bình, là một bài học thật sự mang ý nghĩa, giá trị sâu sắc trong thực tiễn công tác tại đơn vị, được thể hiện từ chính việc nêu cao trách nhiệm nêu gương, thái độ ứng xử, công tác tự phê bình phê bình của mỗi cá nhân đối với đồng chí, đồng đội trong một tổ chức, với tinh thần tương thân, tương ái, bên cạnh việc phát huy những ưu điểm thì tự mình soi rọi lại những hạn chế, khuyết điểm của bản thân để kịp thời khắc phục, sữa chữa. Đồng thời, thực hiện song song với việc giúp đỡ, hỗ trợ đồng chí, đồng đội cùng khắc phục, sửa chữa những khuyết điểm, để cùng nhau tiến bộ, hoàn thành nhiệm vụ được phân công, vì lợi ích và sự phát triển chung của tổ chức. Từ đó, đã đọng lại trong tư tưởng của mỗi người cán bộ, đảng viên sự nhận thức đúng đắn về thái độ ứng xử, giao tiếp, góp ý với đồng chí, đồng nghiệp trong đơn vị, khiến chúng ta phải suy ngẫm và hiểu hơn về giá trị bản thân mỗi con người, về tinh thần tương thân, tương ái, tình đồng chí, đồng đội trong công tác. Câu chuyện có nội dung như sau:[i]

“- Chú thấy chuối tiêu có ngon không?

- Thưa Bác, ngon lắm ạ!

- Thế Bác mời chú ăn cơm, không nói cho chú biết là sẽ có chuối tiêu ăn tráng miệng, cứ để chú ăn no căng bụng, thì lúc ăn chuối tiêu còn ngon nữa không?

- Thưa Bác, lúc đó thì bớt ngon ạ!

Bác lại tiếp tục hỏi:

- Bớt ngon mà Bác cứ bắt chú ăn, liệu chú có khó chịu không?

- Thưa Bác, khó chịu ạ!

Bác cứ dẫn dắt như thế và Bác kết luận:

- Chuối tiêu ngon, nhưng ăn không đúng lúc cũng không ngon, ăn không đúng cách lại càng không ngon. Tự phê bình và phê bình cũng vậy. Phải đúng lúc và đúng cách. Và điều quan trọng là phải biết tôn trọng lẫn nhau…”

Một câu chuyện nhỏ nhưng mang giá trị giáo dục sâu sắc trong công tác tự phê bình và phê bình, về cách ứng xử, giao tiếp, góp ý của mình đối với đồng chí, đồng nghiệp trong đơn vị, nhằm tạo sự đoàn kết trong nội bộ, để xây dựng một tổ chức Đảng trong sạch, vững mạnh, với những cán bộ, đảng viên gương mẫu, nhiệt huyết trong công tác, hỗ trợ nhau trên tinh thần tương thân, tương ái, cùng nhau vượt qua mọi khó khăn, thử thách, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Muốn được như thế, thì đoàn kết chính là sức mạnh, trong đó công tác tự phê bình và phê bình có vai trò không thể xem nhẹ, đây là tiền đề để mỗi người cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên trẻ ngành kiểm sát tự soi rọi lại chính bản thân mình, ý thức được tinh thần trách nhiệm trong việc tự phê bình, khắc phục, sữa chữa sai lầm, khuyết điểm. Bên cạnh đó, thông qua công tác tự phê bình và phê bình để kịp thời phát hiện những hạn chế, khuyết điểm của đồng nghiệp để giúp đỡ đồng chí mình khắc phục, sữa chữa. Đồng thời, mỗi cá nhân phải có trách nhiệm với lời phê bình, góp ý của mình, phải xuất phát từ tình đồng chí, đồng đội, yêu thương lẫn nhau, thẳng thắng, trung thực, tránh chủ nghĩa cá nhân, tư tưởng chủ quan, duy ý chí, phải dựa vào thực tiễn khách quan trong nhận xét và đánh giá để góp ý, phê bình đồng nghiệp, dựa trên tinh thần xây dựng và cầu thị, bên cạnh việc thực hiện tốt công tác tự phê bình để không ngừng hoàn thiện bản thân, thì việc thực hiện tốt công tác phê bình chính là đang giúp đỡ đồng chí mình, để cùng nhau tiến bộ, chứ không phải lợi dụng việc phê bình để “vạch lá tìm sâu”, nhằm công kích, cường điệu hóa khuyết điểm để hạ bệ, xúc phạm danh dự, uy tín lẫn nhau bởi tư tưởng hơn thua, tính toán, đố kỵ hoặc vì động cơ khác để “giậu đổ bìm leo”, vô hình chung làm cho việc phê bình không khách quan, trung thực vì những định kiến cá nhân, có thể gây mất đoàn kết nội bộ. 

Mặt khác, vẫn còn tình trạng phê bình, góp ý chiếu lệ để “Dĩ hòa, vi quý”, lấy lòng lẫn nhau nhằm mục đích lợi anh, lợi tôi, lợi cả chúng ta, đặc biệt là trong thực tiễn việc cán bộ cấp dưới phê bình cán bộ cấp trên với tâm lý dè dặt, né tránh, lo sợ vì ngại va chạm, không dám thẳng thắng phê bình trực diện, điều này dẫn đến tình trạng “đoàn kết xuôi chiều, dân chủ hình thức” khi việc phê bình không phản ánh sự minh bạch và khách quan, không thực sự xuất phát từ sự trung thực để góp ý, phê bình, giúp đồng nghiệp mình khắc phục khuyết điểm, có thể nói đây là một trong những nguyên nhân lớn nhất gây ra tình trạng “bằng mặt không bằng lòng” hoặc “trước mặt không nói, soi mói sau lưng”, dễ dẫn đến những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị: nói một đằng, làm một nẻo; nói trong hội nghị khác, nói ngoài hội nghị khác”, về lâu dài có thể dẫn đến các biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống:“gây mất đoàn kết nội bộ; đoàn kết xuôi chiều, dân chủ hình thức; cục bộ, bè phái”. Chính vì vậy, Bác hết sức quan tâm đến công tác tự phê bình và phê bình, Người từng nói: “có hai cách để thực hiện thống nhất tư tưởng, đoàn kết nội bộ là: Phê bình và tự phê bình. Từ trên xuống dưới, ai nấy đều phải dùng nó để ngày càng đoàn kết, tiến bộ”[ii], với tinh thần “Xây đi đôi với chống”, điều này đã được thể hiện rõ trong bản Di chúc lịch sử của Người: “Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng. Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”[iii].

Thực hiện lời dạy của Người, Đảng và Nhà nước ta hết sức quan tâm đến công tác tự phê bình và phê bình, Người viết: “…Cán bộ nào không dám công khai thừa nhận khuyết điểm của mình, sợ lời phê bình của đồng sự và của nhân dân, không có can đảm sửa chữa khuyết điểm thì những người đó không xứng đáng là cán bộ…”[iv]. Điều này đã được thể hiện rất rõ, một trong những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị của cán bộ, đảng viên mà Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII của Đảng chỉ ra là: Trong tự phê bình còn giấu giếm, không dám nhận khuyết điểm; khi có khuyết điểm thì thiếu thành khẩn, không tự giác nhận kỷ luật. Trong phê bình thì nể nang, né tránh, ngại va chạm, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh; lợi dụng phê bình để nịnh bợ, lấy lòng nhau hoặc vu khống, bôi nhọ, chỉ trích, phê phán người khác với động cơ cá nhân không trong sáng”. Đây là hiện tượng khá phổ biến, không phát huy được tinh thần trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, sức chiến đấu của tổ chức đảng, nhất là trong công tác xây dựng Đảng cũng như hoạt động tại tổ chức, đơn vị của cán bộ, đảng viên. Từ việc không thực hiện tốt công tác tự phê bình và phê bình, chính là đang dung túng cho cái sai, che lấp dần những cái đúng, cái tốt. Có thể nói, đây là một trong nguyên nhân có thể dẫn đến các biểu hiện “tự diễn biến, tự chuyển hóa” trong nội bộ, gián tiếp gây ảnh hưởng đến nhiệm vụ chung của đơn vị. Chính vì vậy, công tác tự phê bình và phê bình phải được làm thường xuyên, kịp thời, đúng người, đúng thời điểm, nếu không sẽ làm cho những khuyết điểm, hạn chế mà không được kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, sữa chữa, ngăn chặn và đẩy lùi ngày càng lớn, có thể dẫn dến những sai lầm lớn hơn, như lời Bác đã nói: “Nếu để sai lầm, khuyết điểm trở nên to tát rồi mới đem ra “chỉnh” một lần, thế là “đập” cán bộ. Cán bộ bị “đập”, mất cả lòng tự tin, người hăng hái cũng hoá thành nản chí, từ nản chí đi đến vô dụng”[v].

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “… Có một số ít đảng viên bị chủ nghĩa cá nhân trói buộc mà trở nên kiêu ngạo, công thần, tự cao tự đại. Họ phê bình người khác mà không muốn người khác phê bình họ; không tự phê bình hoặc tự phê bình một cách không thật thà, nghiêm chỉnh. Họ sợ tự phê bình thì sẽ mất thể diện, mất uy tín. Họ không lắng nghe ý kiến của quần chúng. Họ xem khinh những cán bộ ngoài Đảng. Họ không biết rằng: có hoạt động thì khó mà hoàn toàn tránh khỏi sai lầm. Chúng ta không sợ sai lầm, chỉ sợ phạm sai lầm mà không quyết tâm sửa chữa. Muốn sửa chữa cho tốt thì phải sẵn sàng nghe quần chúng phê bình và thật thà tự phê bình. Không chịu nghe phê bình và không tự phê bình thì nhất định lạc hậu, thoái bộ. Lạc hậu và thoái bộ thì sẽ bị quần chúng bỏ rơi. Đó là kết quả tất nhiên của chủ nghĩa cá nhân”[vi]. Do đó, Người chỉ rõ: Mỗi con người đều có thiện và ác ở trong lòng. Ta phải biết làm cho phần tốt trong mỗi con người nảy nở như hoa mùa xuân và phần xấu bị mất dần đi, đó là thái độ của người cách mạng. Đối với những người có thói hư tật xấu, trừ hạng người phản lại Tổ quốc và nhân dân, ta cũng phải giúp họ tiến bộ bằng cách làm cho cái phần thiện trong con người nảy nở để đẩy lùi phần ác, chứ không phải đạp cho tơi bời[vii]. Có thể thấy, Người nhắc nhở trong công tác tự phê bình và phê bình phải luôn giữ thái độ tôn trọng, bao dung, độ lượng. Mục đích của công tác này là giúp cho bản thân chúng ta tự soi rọi để khắc phục khuyết điểm của bản thân, như lời dạy của Người: “Bài trước nói về tự phê bình. Bài này nói về phê bình. Vì chúng ta phải “Tiên trách kỷ, hậu trách nhân”. Thuốc đắng thì dã tật, nói thật thì được việc. Khuyết điểm cũng như một chứng bệnh. Phê bình là dùng thuốc để chữa các bệnh khuyết điểm. Thí dụ: Tôi có vết nhọ ở trán, tự tôi không trông thấy. Đồng chí bảo cho tôi biết. Thế là đồng chí phê bình tôi. Mục đích của đồng chí là muốn giúp cho mặt tôi sạch sẽ, chứ không phải để mỉa mai tôi. Vì vậy đồng chí phải nói cho rõ ràng, thiết thực... và khi nói nên có thái độ đúng mực. Về phần tôi khi đã biết có vết nhọ thì phải rửa sạch...”[viii].  

Đồng thời, cần xác định việc góp ý để giúp đồng chí mình hoàn thiện hơn, sữa chữa những điểm mà mình thấy họ còn hạn chế, thiếu sót cần phải khắc phục, trên cơ sở phân tích, đánh giá, chỉ rõ cả ưu điểm, khuyết điểm, thấu tình, đạt lý, chứ không phải chỉ “bới lông tìm vết”, nhằm khuyến khích, giúp đỡ đồng nghiệp tiếp thu phê bình, sửa chữa lỗi lầm, khuyết điểm, tạo niềm tin và động lực để họ phấn đấu vì một lý tưởng chung, đây cũng là cách thể hiện tình đồng chí, đồng đội, lòng yêu thương, tôn trọng con người, với phương châm “nhìn người, nhìn việc” chứ không phải “nhìn người, không nhìn việc”, lợi dụng việc phê bình để soi mói hoặc “dụng công chế tư”. Người chỉ rõ, tránh tình trạng: “Khi phê bình ai, không phải vì Đảng, không phải vì tiến bộ, không phải vì công việc, mà chỉ công kích cá nhân, cãi bướng, trả thù, tiểu khí”[ix].

Chính vì vậy, cần phải thực hiện đúng lời dạy của Bác: Mục đích phê bình cốt để giúp nhau sửa chữa, giúp nhau tiến bộ. Cốt để sửa đổi cách làm việc cho tốt hơn, đúng hơn. Cốt đoàn kết và thống nhất nội bộ. Vì vậy, phê bình mình cũng như phê bình người phải ráo riết, triệt để, thật thà, không nể nang, không thêm bớt. Phải vạch rõ cả ưu điểm và khuyết điểm. Đồng thời, không dùng những lời mỉa mai, đâm thọc. Phê bình việc làm, chứ không phải phê bình người. Những người bị phê bình thì phải vui lòng nhận xét để sửa đổi, không nên vì bị phê bình mà nản chí, hoặc thù ghét.[x]. Có thể thấy, “Thuốc đắng thì dã tật, nói thật mất lòng”[xi], nếu công tác tự phê bình và phê bình được làm thường xuyên, minh bạch, khách quan, dân chủ sẽ phát huy những hiệu quả thiết thực trên mặt trận tư tưởng, hành động, kiên quyết đấu tranh, đẩy lùi những biểu hiện tiêu cực, ngăn chặn các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, góp phần củng cố và phát triển sự đoàn kết nội bộ, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, như lời dạy của Người:

“Dao có mài, mới sắc.

Vàng có thui, mới trong.

Nước có lọc, mới sạch.

Người có tự phê bình, mới tiến bộ. Đảng cũng thế”[xii].

Học tập theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh từ chính cách ứng xử và cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác. Người nhấn mạnh: Tự phê bình là “nêu ưu điểm và vạch ra khuyết điểm của mình”, là thật thà nhận, công khai nhận trước mặt mọi người những khuyết điểm của mình để tìm cách sửa chữa. Đó là cách mỗi người tự đánh giá để mỗi người vừa thấy được “cái hay”, “cái dở” của mình, vừa tạo điều kiện để những người xung quanh đóng góp ý kiến, giúp bản thân sửa chữa khuyết điểm, phát huy ưu điểm. Còn phê bình là “nêu ưu điểm, vạch ra khuyết điểm của đồng chí mình”; là tham gia góp ý kiến và nêu cách thức để sửa chữa khuyết điểm. Từ đó, vừa cổ vũ đồng chí mình phát huy những ưu điểm, những cách làm hay, những việc làm tốt, vừa nhằm tìm ra biện pháp khắc phục khuyết điểm, hạn chế, sai lầm để cùng nhau ngày càng tiến bộ. Cũng theo Hồ Chí Minh, tự phê bình và phê bình chỉ có ý nghĩa, phát huy được tác dụng khi được thực hiện nghiêm túc, với tinh thần “phê bình mình cũng như phê bình người khác phải ráo riết, triệt để, thật thà, không nể nang, không thêm bớt. Phải vạch rõ cả ưu điểm lẫn khuyết điểm. Đồng thời chớ dùng những lời mỉa mai, chua cay, đâm thọc. Phê  bình việc làm, chứ không phê bình người””[xiii]. Chính vì vậy, Bác luôn tỏ lòng khoan dung, độ lượng, thái độ yêu thương, tôn trọng con người, bài học đó đã được Hồ Chí Minh đúc kết ở những câu thơ: 

“Gạo đem vào giã bao đau đớn

Gạo giã xong rồi trắng tựa bông

Sống ở trên đời người cũng vậy

Gian lao rèn luyện mới thành công”[xiv]

Từ câu chuyện nhỏ về việc thực hiện lời dạy của Bác trong công tác tự phê bình và phê bình, gắn việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”, góp phần giáo dục đội ngũ cán bộ, đảng viên về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh là vấn đề mang tính tất yếu, như lời dạy của Bác: “Đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống, nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hàng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong. Có gì sung sướng vẻ vang hơn là trau dồi đạo đức cách mạng để góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng xã hội chủ nghĩa và giải phóng loài người”[xv]. Chính vì vậy, mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ, đảng viên trẻ ngành kiểm sát phải thường xuyên rèn luyện phẩm chất, đạo đức cách mạng, trung thực, trách nhiệm, đoàn kết với đồng chí, đồng đội trong công tác, gắn bó mật thiết với nhân dân, phải thể hiện tinh thần trách nhiệm, nâng cao việc nêu gương, gương mẫu thực hiện tự phê bình và phê bình, phát huy tính dân chủ, đảm bảo kịp thời phát hiện, phòng ngừa và ngăn chặn những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, lấy nguyên cớ thành nguyên nhân, gây mất đoàn kết trong nội bộ, thông qua việc thể hiện tinh thần trách nhiệm của cán bộ, đảng viên bằng chính lời nói và hành động của mình trong công tác tự phê bình và phê bình, góp phần xây dựng đoàn kết nội bộ. Muốn thực hiện được điều đó, rất cần những đảng viên gương mẫu, trách nhiệm, thể hiện tình đồng chí, đồng đội trong việc tự nhìn nhận, đánh giá khuyết điểm của bản thân và đồng chí của mình trong tổ chức, như lời dạy của Bác: phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”. Đây là một trong những giải pháp thiết thực, hiệu quả, góp phần củng cố và nâng cao sự đoàn kết trong nội bộ, kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, lợi ích nhóm, với tinh thần tương thân, tương ái, tương trợ, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ, hoàn thành nhiệm vụ chung mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, với phương châm: “Đoàn kết, đổi mới - Trách nhiệm, kỷ cương - Thực chất, hiệu quả”./.

                                                       Lê Kiều, Viện KSND huyện Tân Hồng


[i] Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử, Nxb Chính trị Quốc gia, 2006, tập 4, tr. 195

[ii] Trích Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t.6, tr. 16-17

[iii] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 15, tr. 611

[iv] Trích bài viết “Thuốc đắng dã tật, nói thật mất lòng” của tác giả L.T (bút danh của Bác) trên Báo Sự thật số 109 ngày 15/4/1949

[v] Trích Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t. 5, tr. 322

[vi] Trích tác phẩm “Đạo đức cách mạng” của Hồ Chí Minh dưới bút danh Trần Lực, Nxb. Sự thật, tháng 12/1958

[vii] Trích Hồ Chí Minh: Toàn tập, Tập. 12, Nxb. Chính trị Quốc gia, H, 2000, tr.558

[viii] Trích trong tác phẩm của Bác viết bàì “Phê bình” ngày 12-7-1951 trên Báo Nhân Dân số 16

[ix] Trích Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t. 5, tr. 298

[x] Trích trong tác phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về “Sửa đổi lề lối làm việc” năm 1947

[xi] Trích bài viết “Thuốc đắng dã tật, nói thật mất lòng” của tác giả L.T (bút danh của Người) trên Báo Sự thật số 109, ra ngày 15/4/1949

[xii] Trích trong tác phẩm “Tự phê bình” của Bác trên Báo Nhân Dân số 9 ngày 20-5-1951

[xiii] Trích Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, xuất bản lần thứ 3, 2011, t.5, tr. 232

[xiv] Trích Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, 2000, t. 3, tr. 350

[xv] Trích tác phẩm “Đạo đức cách mạng” của Hồ Chí Minh dưới bút danh Trần Lực, Nxb. Sự thật, tháng 12/1958