Xuất bản thông tin

null Sống mãi "Người đi tìm hình của nước"

TIN TỨC VKS_HOCTAP_TUTUONG_ HCM

Sống mãi "Người đi tìm hình của nước"

Hướng đến kỷ niệm 132 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2022), toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng...

= = =

 

Đất nước đẹp vô cùng. Nhưng Bác phải ra đi

Cho tôi làm sóng dưới con tàu đưa tiễn Bác

Hiểu sao hết Người đi tìm hình của Nước

Không phải hình một bài thơ đá tạc nên người

Mà hình đất nước hoặc còn hoặc mất

Sắc vàng nghìn xưa, sắc đỏ tương lai

Thế đi đứng của toàn dân tộc

Một cách vinh hoa cho hai mươi lǎm triệu con người.[1]

 Những lời thơ của Chế Lan Viên như nhắc nhở thế hệ trẻ Việt Nam về những cống hiến to lớn của vị Lãnh tụ - Người cha già của dân tộc Việt Nam đối với sự nghiệp cách mạng của toàn Đảng, toàn dân. Ngày 05/6/1911, trên con tàu Latouche Tréville rời bến cảng Nhà Rồng, với một ý chí kiên định, sự quyết tâm và lòng yêu nước sâu sắc, “Người đi tìm hình của Nước” đã bắt đầu cuộc hành trình 30 năm tìm con đường giải phóng dân tộc, giải phóng đất nước, một chặng đường vô cùng khó khăn, gian khổ nhưng với nghị lực và lý tưởng cách mạng, Người đã tìm thấy con đường cứu nước chân chính cho dân tộc, đã tạo nên bước ngoặc lịch sử quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam, để thế hệ hôm nay tiếp tục giữ gìn và phát huy truyền thống lịch sử cách mạng, lòng yêu nước, tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ Việt Nam.

 

Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”, góp phần giáo dục đội ngũ cán bộ, đảng viên về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh là vấn đề mang tính tất yếu. Thế hệ thanh niên Việt Nam nói chung, cán bộ, đảng viên ngành Kiểm sát nói riêng đã được nghe nhiều mẫu chuyện về Bác. Trong đó, bài học từ BÁC CÓ PHẢI LÀ VUA ĐÂU? thật sự mang ý nghĩa, giá trị sâu sắc, được thể hiện từ phong cách sống, học tập và làm việc của mỗi cá nhân trong thực tiễn công tác. Từ đó, đọng lại trong tư tưởng mỗi người sự nhận thức đúng đắn về hình ảnh người cán bộ, đảng viên “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” trong tình hình mới. Câu chuyện có nội dung sau[2]:

“Có một số người có ngôi cao, chức cả, sống trong sự trọng vọng, chiều chuộng của mọi người, thường xuyên được hưởng sự ưu đãi đặc biệt, lâu dần cũng quen đi mà không hề biết rằng mình đã nhiễm phải thói đặc quyền, đặc lợi.

 Suốt đời tâm niệm là người công bộc của nhân dân, lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ, Bác Hồ của chúng ta luôn luôn hòa mình vào cuộc sống chung của đồng bào, đồng chí, không nhận bất cứ một sự ưu tiên nào người khác dành cho mình.

 Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, nhiều nhân sĩ, trí thức cao tuổi theo Bác lên Việt Bắc, đi kháng chiến, đèo cao, suối sâu, đường bùn lầy, nhiều vị phải nằm cáng. Anh em phục vụ lo Bác mệt cũng đề nghị Bác lên cáng, Bác gạt đi: Bác còn khoẻ, còn đi được, các chú có nhiệm vụ đưa Bác đi như thế này là tốt rồi.

 Năm 1950, Bác Hồ đi chiến dịch Biên giới. Chuyến đi dài ngày, gian khổ. Anh em cảnh vệ kiếm được một con ngựa, mời Bác lên. Bác cười: chúng ta có 7 người, ngựa chỉ có một con, Bác cưỡi sao tiện?

 Anh em vừa khẩn khoản: chúng cháu còn trẻ, Bác đã cao tuổi, đường xa, việc nhiều,... Không nỡ từ chối, Bác trả lời:

 - Thôi được, các chú cứ mang ngựa theo để nó đỡ hộ ba lô, gạo nước và thức ăn. Trên đường đi, ai mệt thì cưỡi. Bác mệt, Bác cũng sẽ cưỡi.

 Cuối năm 1961, Bác về thăm xã Vĩnh Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An, một xã có phong trào trồng cây tốt. Tại một ngọn đồi thấp, Bác đứng nói chuyện với nhân dân trong xã. Trời đã gần trưa, tuy đã sang đông mà nắng còn gay gắt. Nhìn Bác đứng giữa nắng trưa, ai cũng băn khoăn. Đồng chí Chủ tịch huyện cho tìm mượn được chiếc ô, định giương lên che nắng cho Bác, thì Bác quay lại hỏi:

 - Thế chú có đủ ô che cho tất cả đồng bào không? Thôi, cất đi, Bác có phải là vua đâu?

 Một lần, trong bữa ăn, đồng chí phục vụ dọn lên cho Bác một đĩa cá anh vũ, một loại cá sông quý hiếm thường chỉ có ở khúc sông Hồng đoạn Bạch Hạc - Việt Trì. Nhìn đĩa cá biết ngay là của hiếm, Bác khen và bảo:

 - Cá ngon quá, thế mà chú Tô (tức đồng chí Phạm Văn Đồng) lại đi vắng. Thôi, các chú để đến chiều đồng chí Tô về cùng thưởng thức.

 Miếng ngon không bao giờ Bác chịu ăn một mình. Chia sẻ ngọt bùi là thế, tưởng chuyện cũng sẽ qua đi. Nhưng đến bữa sau, trong mâm cơm lại có món cá hôm trước. Nhìn đĩa cá, Bác hiểu ngay và tỏ ra không bằng lòng.

 - Bác có phải là vua đâu mà phải cung với tiến!

 Rồi Người kiên quyết bắt mang đi không ăn nữa. Như Bác đã từng nói, ở đời ai chẳng thích ăn ngon, mặc đẹp, nhưng nếu miếng ngon đó lại đánh đổi bằng sự mệt nhọc phiền hà của người khác thì Bác đâu có chấp nhận.

 Những anh em công tác trong Phủ Chủ tịch hàng ngày vẫn thường đi lại bằng xe đạp, thỉnh thoảng có gặp Bác đi bộ. Nhìn thấy Bác, mọi người đều xuống dắt xe chờ Bác đi qua rồi mới lên xe đi tiếp. Thấy vậy, Bác thường khoát tay ra hiệu bảo anh em cứ đi tiếp, không cần xuống xe. Nhưng ai có thể cho phép mình ngồi trên xe khi Bác đi bộ. Một lần, Bác gọi đồng chí vừa xuống dắt xe lại gần và bảo:

 - Các chú có công việc của mình nên cứ tiếp tục đạp xe mà đi. Bác đâu có phải là cái đền có biển “hạ mã” ở trước để ai đi qua cũng phải xuống xe, xuống ngựa?

 Lão Tử có nói: “Trời đất sở dĩ có thể dài và lâu vì không sống cho mình nên mới được trường sinh. Thánh nhân đặt thân mình ở sau mà lại lên trước, đặt thân mình ở ngoài mà lại còn”. Bác Hồ sống quên mình, không nghĩ đến mình mà lại trở thành sống mãi. Lời Lão Tử thật sâu sắc lắm thay!”.

Một câu chuyện nhỏ nhưng mang giá trị giáo dục sâu sắc về sự nhận thức, tư duy, trách nhiệm của mỗi cá nhân trong sinh hoạt và lề lối làm việc, biết sống, học tập, làm việc theo gương Bác. Từ những thói quen, sinh hoạt thường ngày đã phản ánh nhân cách sống của Người - Một lãnh tụ có tư duy, lối sống mộc mạc, giản dị nhưng với lý tưởng cách mạng cao cả, Bác đã sống trọn vẹn cho quê hương, dân tộc, được thể hiện bằng chính cuộc đời hoạt động cách mạng của Người, như Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã viết: “Hồ Chí Minh cao mà không xa, mới mà không lạ, to lớn mà không làm ra vĩ đại, chói sáng mà không làm ai choáng ngợp, mới gặp lần đầu đã cảm thấy thân thiết từ lâu”. Có thể nói, Người chính là tấm gương tiêu biểu nhất về tư tưởng, đạo đức, lối sống để thế hệ hôm nay noi theo, học tập và kế thừa, nhất là cán bộ, đảng viên trẻ ngành Kiểm sát trong quá trình đổi mới, hội nhập để xây dựng và phát triển đất nước, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Thông qua những tác phẩm, những lời dạy của Bác để nhận thức sâu sắc hơn về “đạo đức cách mạng” của người cán bộ, đảng viên, đó không phải là những tư tưởng lớn, những lý luận suông mà được thể hiện từ chính hành động và việc làm thiết thực của mỗi cán bộ, đảng viên trong công tác, sinh hoạt, điều đó phản ánh từ chính tư duy, nhận thức và lối sống của người cán bộ, cách ứng xử trong gia đình, cư xử với đồng chí, đồng nghiệp và nhân dân khi đến liên hệ công tác, “quan” mà không “liêu”, như lời dạy của Người: “Trước mặt quần chúng không phải ta cứ viết lên trán hai chữ “cộng sản” mà ta được mọi người yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”[3].

Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, phong cách ứng xử và lối sống giản dị, gần gũi, thân thiện với quần chúng nhân dân, không phân biệt đối xử, chủng tộc, giai cấp, tôn giáo, giới tính, tấm lòng bình đẳng, bác ái mà vĩ đại của Bác càng được khắc họa rõ nét khi Người đến thăm tượng Nữ Thần Tự Do vào năm 1912, Bác đã ghi: “Ánh sáng trên đầu Thần Tự Do tỏa rộng khắp trời xanh, còn dưới chân Tượng Thần Tự Do thì người da đen đang bị chà đạp. Bao giờ người da đen được bình đẳng với người da trắng? Bao giờ có sự bình đẳng giữa các dân tộc? Và bao giờ người phụ nữ được bình đẳng với nam giới?”. Dù Bác đã đi xa nhưng hình ảnh Người cha già của dân tộc luôn sống mãi trong lòng triệu đồng bào Việt Nam, khiến chúng ta phải suy ngẫm về giá trị con người, không phụ thuộc ở giai cấp, chức vị mà ở nhân cách, đạo đức người cách mạng, được thể hiện từ những việc làm và hành động thiết thực, như Bác từng nói: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”[4]. Tấm gương, tinh thần làm việc trách nhiệm của Bác còn thể hiện ở việc thống nhất giữa lời nói và việc làm. Đó là nói gắn liền với làm, không nói nhiều làm ít, nói mà không làm, làm không như nói, người cán bộ, đảng viên ngoài việc “dám nghĩ, dám làm” thì việc “dám nói, dám chịu trách nhiệm” là điều không thể xem nhẹ, vì chỉ khi “dám nghĩ, dám làm” thì người cán bộ mới đủ bản lĩnh để “dám nói, dám chịu trách nhiệm”, điều này thể hiện tính gương mẫu, nêu gương trong nhận thức và hành động, như lời dạy của Bác: “Người đảng viên - dù công tác to hay nhỏ, địa vị cao hay thấp - ở đâu cũng phải làm gương mẫu cho quần chúng… Mà muốn cho quần chúng hăng hái thi hành, thì người đảng viên ắt phải xung phong làm gương mẫu để quần chúng bắt chước, làm theo”[5]. Từ những câu nói, lời dạy và việc làm thiết thực của Bác tưởng chừng đơn giản, nhưng nội hàm lại ẩn chứa giá trị cao cả mà thế hệ thanh niên, đảng viên trẻ ngày nay phải học tập và thực hiện suốt đời.

Chính vì vậy, thế hệ thanh niên nói chung, cán bộ, đảng viên trẻ ngành kiểm sát nói riêng, thực hiện linh hoạt lời dạy của Bác với phương châm: Đổi mới trong cách nghĩ, mới mẽ trong cách làm, nhịp nhàng trong phối hợp”, trong xử lý và giải quyết công việc luôn chủ động, sáng tạo, linh hoạt nhưng phải xuất phát từ lợi ích chung, trước bất cứ công việc gì, dù ở cương vị, hoàn cảnh nào cũng phải luôn đặt lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân, của Đảng lên trên hết, phải kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, các biểu hiện quan liêu, tư tưởng cục bộ, nêu cao tinh thần trách nhiệm, nêu gương, kiên quyết đấu tranh với những biểu hiện lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm, muốn giữ vững được đạo đức cách mạng, chống lại được mọi thế lực thù địch thì trước hết, phải chiến đấu và chiến thắng kẻ thù bên trong của mỗi con người là chủ nghĩa cá nhân. Bên cạnh trách nhiệm nêu gương, người cán bộ, đảng viên phải giữ vững lập trường, tư tưởng chính trị, “Chớ thấy thất bại mà nản, chớ thấy đắc thắng mà kiêu”[6], điều này càng được khắc họa rõ nét, chân thật nhất qua hình ảnh của một vị Lãnh tụ - Người chiến sĩ cách mạng kiên trung dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào, dù khó khăn, gian khổ nhưng với lý tưởng cách mạng, niềm tin sâu sắc với đường lối của Đảng vẫn giữ tinh thần lạc quan, yêu đời:

“Sáng ra bờ suối, tối vào hang

Cháo bẹ rau măng vẫn sẵn sàng

Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng

Cuộc đời cách mạng thật là sang.”[7]

Đặc biệt, nhằm tổ chức các hoạt động chào mừng các ngày lễ lớn trong năm, Viện kểm sát nhân dân tỉnh Đồng Tháp đã xây dựng Kế hoạch số 27/KH-VKS ngày 28/3/2022 và tổ chức Hội thi “Tìm hiểu quy chế nghiệp vụ và pháp luật hình sự” năm 2022 vào ngày 22/4/2022 cho tất cả cán bộ, công chức ngành kiểm sát Đồng Tháp, đây là buổi sinh hoạt chính trị có ý nghĩa thực tiễn hết sức sâu sắc. Qua đó, góp phần giáo dục truyền thống đạo đức cách mạng, tư tưởng, chính trị, lối sống của người cán bộ, đảng viên ngành Kiểm sát trong tình hình mới, khuyến khích, động viên kịp thời và tạo điều kiện để cán bộ, công chức ngành kiểm sát nhận thức đầy đủ và sâu sắc về trách nhiệm của mình trong học tập và làm việc, trong đó có việc học tập và làm theo tấm gương, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nhất là việc triển khai thực hiện các Quy định và Quy chế nghiệp vụ trong ngành Kiểm sát nhân dân: Quy định về cơ cấu bộ máy làm việc, cơ cấu lãnh đạo, quản lý và công chức, viên chức của Viện kiểm sát nhân dân các cấp (Ban hành kèm theo Quyết định số 189/QĐ-VKSTC ngày 01/6/2020 của Viện trưởng VKSND tối cao); Quy định về việc chuyển đổi vị trí công tác trong ngành kiểm sát nhân dân (Kèm theo Quyết định số 161/QĐ-VKSTC ngày 28/4/2021 của Viện trưởng VKSND tối cao); Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ngành kiểm sát nhân dân (Ban hành kèm theo Quyết định số 08/QĐ-VKSTC ngày 16/01/2020 của Viện trưởng VKSND tối cao); Quy định về xử lý kỷ luật trong ngành kiểm sát nhân dân (Ban hành kèm theo Quyết định số 183/QĐ-VKSTC-T1 ngày 04/4/2016 của Viện trưởng VKSND tối cao); Quy chế về chế độ thông tin, báo cáo và quản lý công tác trong ngành Kiểm sát nhân dân theo quyết định số 279/QĐ-VKSTC ngày 01/8/2017 và Thông tư số 01/2015/TT-VKSTC quy định về quản lý, sử dụng trang phục, Giấy chứng minh Kiểm sát viên, Giấy chứng nhận Điều tra viên, Kiểm tra viên trong ngành Kiểm sát nhân dân... Nhằm đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tham nhũng và bảo đảm hiệu quả công tác của Viện kiểm sát nhân dân, bảo đảm sự bình đẳng, khách quan, phù hợp với trình độ, năng lực, sở trường về chuyên môn, nghiệp vụ, khuyến khích, động viên kịp thời và tạo điều kiện để người cán bộ kiểm sát phát huy tính năng động, sáng tạo và năng lực sở trường. Đặc biệt, công tác giữ gìn đoàn kết nội bộ được Lãnh đạo đặc biệt quan tâm và quán triệt sâu sắc, nhằm phát huy tính dân chủ, nâng cao năng lực sức chiến đấu của Đảng, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, như những lời thơ “Bác ơi” của Tố Hữu (6-9-1969):

“Nhớ đôi dép cũ nặng công ơn

Yêu Bác, lòng ta trong sáng hơn

Xin nguyện cùng Người vươn tới mãi

Vững như muôn ngọn dải Trường Sơn”

                                                                Lê Kiều, Viện KSND huyện Tân Hồng


[1] Trích bài thơ: “Người đi tìm hình của Nước” của Chế Lan Viên.

[2] Những mẫu chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, Tập II, Nxb. Chính trị Quốc gia, tháng 7/2019.

[3] Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H. 2011, t.1, tr.284.

[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2011, t.1, tr.284.

[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H. 2011,  t.6, tr.16.

[6]  Hồ Chí Minh: Toàn tập, Tập 5, Nxb Chính trị quốc gia, H. 2011, tr. 244.

[7] Hồ Chí Minh: Toàn tập, trích bài thơ với tiêu đề: “Tức cảnh Pác Bó”, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.3, tr.228.