Xuất bản thông tin

null Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) chính thức được thông qua

CHUYỂN ĐỔI SỐ VKS_HOATDONGNGANH

Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) chính thức được thông qua

Thực hiện Chương trình Kỳ họp thứ 3, Quốc hội Khóa XV, chiều ngày 15/06/2022, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi).

= = =

 

Các đại biểu Quốc hội nhấn nút biểu quyết thông qua Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi)

 

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành nội dung làm việc. Sau khi nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi), Quốc hội đã tiến hành biểu quyết thông qua dự thảo Luật.

Kết quả biểu quyết điện tử cho thấy, có 424/437 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 85,14%. Như vậy, với đa số đại biểu tán thành, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi).

Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) quy định mục tiêu của thi đua là nhằm động viên, thu hút, khuyến khích mọi cá nhân, tập thể, hộ gia đình phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết, đổi mới, năng động, sáng tạo vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ, đạt được thành tích tốt nhất trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; mục tiêu của khen thưởng là nhằm khuyến khích, động viên cá nhân, tập thể, hộ gia đình hăng hái thi đua; ghi nhận công lao, thành tích của cá nhân, tập thể, hộ gia đình trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Luật có bố cục gồm 8 Chương, 96 Điều quy định về đối tượng, phạm vi, nguyên tắc, hình thức, tiêu chuẩn, thẩm quyền, trình tự và thủ tục thi đua, khen thưởng; với 08 nhóm điểm mới, cụ thể:

Thứ nhất, thực hiện phân cấp, phân quyền mạnh hơn trong công tác thi đua, khen thưởng: bổ sung quy định Bộ Quốc phòng, Bộ Công an quy định thẩm quyền công nhận danh hiệu “Chiến sĩ tiên tiến”, “Lao động tiên tiến” (Điều 21), “Đơn vị tiên tiến”, “Tập thể lao động tiên tiến” (Điều 25); bổ sung quy định cụ thể thẩm quyền của Bộ trưởng, Thủ trưởng các bộ, ban, ngành tặng danh hiệu “Lao động tiên tiến”, “Tập thể lao động tiên tiến”, “Chiến sĩ thi đua cơ sở” hoặc ủy quyền công nhận danh hiệu “Lao động tiên tiến”, “Tập thể lao động tiên tiến”, “Chiến sĩ thi đua cơ sở” cho cá nhân, tập thể thuộc cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc bộ, ban, ngành không có tư cách pháp nhân (khoản 5 Điều 76); bổ sung quy định về thẩm quyền của người đứng đầu cơ quan được Ủy ban Thường vụ Quốc hội phân công tham mưu, giúp về thi đua, khen thưởng (khoản 3 và khoản 5 Điều 80); bổ sung trách nhiệm Người đứng đầu phát hiện cá nhân, tập thể có thành tích để khen thưởng và đề nghị cấp trên khen thưởng (khoản 1 Điều 11), Cơ quan làm công tác thi đua, khen thưởng (khoản 6 Điều 80); phân cấp cho bộ, ban, ngành, tỉnh theo hướng Luật sẽ quy định tiêu chuẩn chung đối với các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng; đồng thời giao bộ, ban, ngành, tỉnh trên cơ sở quy định chung của Luật, căn cứ đặc điểm, tình hình của từng đối tượng, lĩnh vực, ngành nghề để quy định cụ thể một số nội dung được giao trong Luật, phù hợp với từng vùng miền, ngành nghề lĩnh vực.

Thứ hai, thể hiện rõ nguyên tắc thành tích đến đâu, khen đến đó và đề cao tính kịp thời của hình thức khen thưởng theo công trạng và thành tích đạt được để khắc phục tình trạng khen thưởng “cộng dồn thành tích” trước đây. Cụ thể, bổ sung nguyên tắc “Thành tích đến đâu khen thưởng đến đó” (điểm d khoản 2 Điều 5) và được thể hiện trong các điều, khoản của từng hình thức khen thưởng trong dự thảo Luật về tiêu chuẩn, thành tích đạt được và điều kiện, hoàn cảnh cụ thể lập được thành tích.

Thứ ba, đưa phong trào thi đua thực sự thiết thực, hướng về cơ sở, gắn kết với thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị, gắn với lợi ích của người trực tiếp tham gia thi đua, hạn chế tính hình thức trong thi đua, bảo đảm thực hiện đồng bộ ở 4 khâu (phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân điển hình tiên tiến). Theo đó, bổ sung trách nhiệm của “Người đứng đầu” cơ quan, tổ chức, đơn vị (khoản 1 Điều 11); bổ sung danh hiệu “Xã, phường, thị trấn tiêu biểu” (Điều 26); sửa đổi, bổ sung tiêu chuẩn xét tặng một số danh hiệu thi đua (Điều 18, 19, 20, 22 và khoản 1 Điều 23); bổ sung tiêu chuẩn xét tặng Cờ thi đua của Chính phủ đối với tập thể dẫn đầu cụm, khối thi đua do Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương tổ chức (khoản 2 Điều 22); tập thể dẫn đầu phong trào thi đua chuyên đề ở cấp toàn quốc và cấp bộ, cấp tỉnh khi sơ kết, tổng kết (khoản 3 Điều 23).

Thứ tư, chú trọng khen thưởng tập thể nhỏ, công nhân, nông dân, người lao động trực tiếp, cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang, dân quân tự vệ…; quan tâm khen thưởng cơ sở, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo: bổ sung nguyên tắc tại điểm d khoản 2 Điều 5; bổ sung đối tượng dân quân thường trực, dân quân tự vệ cơ động là đối tượng được xét tặng danh hiệu “Chiến sĩ tiên tiến” (khoản 2 Điều 21); bổ sung đối tượng khen thưởng Huân chương Lao động các hạng (Điều 39, 40, 41), “Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ” (Điều 70), Bằng khen của bộ, ban, ngành, tỉnh (Điều 71) là nông dân, công nhân, người trực tiếp lao động, sản xuất, công tác; doanh nhân, doanh nghiệp, trí thức, nhà khoa học; cho cá nhân, tập thể có đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế, xã hội; ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, công nghệ; công tác xã hội, từ thiện nhân đạo; bổ sung đối tượng xét danh hiệu “Thầy thuốc ưu tú”, “Thầy thuốc nhân dân” cho đối tượng là “hộ sinh/hộ sinh viên” (khoản 1 Điều 62); bổ sung cách tính thời gian làm tiêu chuẩn để xét tặng danh hiệu đối với giáo viên, bác sỹ (khoản 4 các điều 61 và 62).

Thứ năm, giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong khen thưởng ở khu vực ngoài nhà nước và kinh tế tư nhân thông qua việc quy định cụ thể đối tượng khen thưởng Huân chương Lao động các hạng (Điều 39, 40 và Điều 41), “Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ” (Điều 72), Bằng khen của bộ, ban, ngành, tỉnh (Điều 73) cho đối tượng là doanh nhân, doanh nghiệp, trí thức, nhà khoa học; bổ sung quy định nguyên tắc xét tôn vinh và trao tặng giải thưởng cho doanh nhân, doanh nghiệp (Điều 78); bổ sung thẩm quyền trình khen thưởng đối với doanh nghiệp do Chính phủ quy định (khoản 7 Điều 80).

Thứ sáu, mở rộng đối tượng khen thưởng người nước ngoài có nhiều đóng góp cho đất nước Việt Nam trong điều kiện chủ động hội nhập. Cụ thể, bổ sung đối tượng khen thưởng là cá nhân người nước ngoài đối với Huân chương Hồ Chí Minh (Điều 32); cá nhân, tập thể người Việt Nam định cư ở nước ngoài, cá nhân, tập thể người nước ngoài đối với Huân chương Độc lập các hạng (Điều 33, 34 và Điều 35), Huân chương Lao động các hạng (Điều 39, Điều 40 và Điều 41); quy định cụ thể đối tượng, tiêu chuẩn khen thưởng Huy chương Hữu nghị (Điều 55).

Thứ bảy, bổ sung hình thức khen thưởng kháng chiến “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang” (khoản 2 Điều 95).

Thứ tám, thực hiện cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý công tác thi đua, khen thưởng: giảm số lượng hồ sơ đề nghị khen thưởng Nhà nước (khoản 5 Điều 81); bổ sung quy định về hồ sơ, thủ tục khen thưởng theo thủ tục đơn giản (khoản 1 Điều 82); bổ sung quy định “ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác thi đua, khen thưởng và trong hệ thống thi đua, khen thưởng” là một nội dung quản lý nhà nước về thi đua, khen thưởng (điểm e khoản 2 Điều 85).

Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2024.

Theo Cổng thông tin điện tử Quốc hội