Xuất bản thông tin

null Một số bài học từ việc tham gia các phiên tòa dân sự rút kinh nghiệm nội bộ

Chi tiết bài viết VKS_HOATDONGNGANH

Một số bài học từ việc tham gia các phiên tòa dân sự rút kinh nghiệm nội bộ

Việc tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm có thể nói là công tác đào tạo, tự đào tạo, giúp Kiểm sát viên nâng cao bản lĩnh, tích lũy kinh nghiệm trong quá trình công tác...

= = =

Việc tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm dân sự nhằm để Kiểm sát viên, Kiểm tra viên và công chức ngành Kiểm sát tích lũy kiến thức, kinh nghiệm, học hỏi, thông qua đó tự đào tạo nâng cao về kỹ năng trong công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án dân sự, hôn nhân gia đình,…Bên cạnh đó, đây được coi là việc thực hiện chỉ tiêu của ngành do cấp trên đề ra theo Chỉ thị công tác hàng năm. Vì thế, công tác chuẩn bị, tham gia phiên tòa rút kinh nghiệm của Kiểm sát viên là hết sức quan trọng, qua công tác chuẩn bị, tham gia phiên tòa, Kiểm sát viên sẽ rút ra nhiều bài học cho bản thân để nâng cao chất lượng công tác kiểm sát xét xử trong thời gian tới. Trong phạm vi bài viết, xin chia sẻ những kinh nghiệm bản thân đã học được qua việc tham gia các phiên tòa này.

Hình ảnh một phiên tòa dân sự rút kinh nghiệm

Kiểm sát viên tham gia kiểm sát việc tuân theo pháp luật và kiểm sát xét xử tại phiên tòa dân sự cần thể hiện được bản lĩnh của người cán bộ kiểm sát, thể hiện tốt vai trò của Viện kiểm sát trong công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ, việc dân sự theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự nhất là trong kiểm sát việc tuân theo pháp luật của Thẩm phán, Hội đồng xét xử và những người tham gia tố tụng khác trong suốt quá trình giải quyết vụ án, từ khi thụ lý đến trước thời điểm nghị án; đảm bảo được quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự. Để đạt được yêu cầu này, cần lưu ý:

- Thứ nhất, Kiểm sát viên cần chủ động đề xuất việc lựa chọn các phiên tòa để rút kinh nghiệm nội bộ. Việc dự kiến này sẽ giúp Kiểm sát viên chủ động, nghiên cứu hồ sơ ngay từ đầu, kịp thời trao đổi Thẩm phán thu thập chứng cứ để giải quyết tòa diện vụ án, xây dựng báo cáo án sớm để lãnh đạo Viện có thời gian xem xét, đồng thời kịp thời trao đổi với Tòa án trong công tác chuẩn bị. Điều này sẽ tránh trường hợp khi lãnh đạo chỉ định tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm, Kiểm sát viên bị động do thời gian chuẩn bị ngắn.

- Thứ hai việc lựa chọn phiên tòa đưa ra xét xử rút kinh nghiệm cần đảm bảo một trong các tiêu chí: Những vụ án phức tạp, có tính chất điển hình. Những vụ án tranh chấp xảy ra phổ biến ở địa phương. Những vụ án đa dạng người tham gia tố tụng hoặc người bảo vệ quyền và lợi ích của các đương sự. Tránh trường hợp chạy theo chỉ tiêu mà tổ chức phiên tòa không đảm bảo tiêu chí vừa nêu, dẫn đến trường hợp không đạt được mục đích của phiên tòa rút kinh nghiệm.

- Thứ ba, đối với những phiên tòa rút kinh nghiệm, Kiểm sát viên nên thực hiện việc số hóa hồ sơ, chủ động lựa chọn những tài liệu đã số hóa cần công bố để nâng cao tính thuyết phục của Kiểm sát viên khi tham gia xét hỏi cũng như phần phát biểu tại phiên tòa. Kiểm sát viên cần tham mưu với lãnh đạo cử cán bộ có kiến thức về công nghệ thông tin để số hóa hồ sơ và công bố hồ sơ đã được số hóa tại phiên tòa. Đồng thời, tận dụng các thiết bị công nghệ thông tin đã được trang bị để những người tham dự phiên tòa trực tuyến tại hội trường Viện kiểm sát, qua đó góp phần vào công tác phòng chống dịch bệnh Covid trong tình hình mới hiện nay. Trường hợp tham dự trực tiếp tại phiên tòa, công chức ngành Kiểm sát cần đến dự trước khi Hội đồng xét xử vào phòng xét xử, hạn chế ra vào, sử dụng điện thoại trong phòng xét xử để thể hiện tính trang nghiêm của phiên tòa, hình ảnh của cán bộ ngành Kiểm sát.

- Thứ tư, Kiểm sát viên cần chuẩn bị đề cương hỏi, dự kiến được những tình huống phát sinh tại phiên tòa để kịp thời xử lý; Sau khi Lãnh đạo đơn vị cho ý kiến, Kiểm sát viên xem xét để bổ sung, hoàn thiện lại tài liệu cần thiết chuẩn bị tham gia phiên tòa và gửi cho các thành phần tham gia nghiên cứu trước theo đúng quy định.

- Thứ năm, Kiểm sát viên cần chủ động tham mưu để lãnh đạo viện cử người trao đổi, phối hợp với Tòa án huyện trong việc chuẩn Hội trường xét xử, âm thanh, ánh sáng, công bố tài liệu đã được số hóa (nếu có) thật tốt. Đồng thời, cử người thực hiện việc ghi âm, ghi hình diễn biến phiên tòa để làm cơ sở xem xét, đánh giá khi cần thiết hoặc là tài liệu minh chứng cho việc tổ chức phiên tòa khi cấp trên kiểm tra.

- Thứ sáu, ngoài những vấn đề nêu trên, Kiểm sát viên cần nghiên cứu kỹ Hướng dẫn số 32/HD-VKSTC ngày 30/11/2018 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao hướng dẫn việc tham gia, tham dự phiên tòa dân sự, hôn nhân và gia đình, hành chính, kinh doanh thương mại, lao động rút kinh nghiệm để tham mưu tổ chức tốt phiên tòa. Đồng thời thực hiện đúng quy tắc ứng xử của Kiểm sát viên khi kiểm sát hoạt động tư pháp tại phiên tòa, phiên họp của Tòa án, ban hành kèm theo Quyết định số 46/QĐ-VKSTC ngày 20 tháng 02 năm 2017 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

Việc tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm có thể nói là công tác đào tạo, tự đào tạo, giúp Kiểm sát viên nâng cao bản lĩnh, tích lũy kinh nghiệm trong quá trình công tác, Bản thân xin nêu lên một số vấn đề để quý đồng nghiệp cùng nghiên cứu, chia sẻ kinh nghiệm để việc tổ chức các phiên tòa ngày càng đạt hiệu quả cao./.

Hoàng Yến – Viện KSND huyện Tháp Mười