Xuất bản thông tin

null Việc hạn chế quyền khởi kiện lại của đương sự trong vụ án dân sự

Chi tiết bài viết VKS_HOATDONGNGANH

Việc hạn chế quyền khởi kiện lại của đương sự trong vụ án dân sự

Việc hạn chế quyền khởi kiện lại của đương sự cũng có một số ngoại lệ. Tuy nhiên, quy định về khởi kiện lại trong BLTTDS có những điểm còn chưa thật sự phù hợp, cần sửa đổi, bổ sung...

= = =

     Trong xã hội khi phát sinh mâu thuẫn, tranh chấp mà các bên không thể tự thương lượng, hòa giải thì việc khởi kiện ra Tòa án là một trong những cách thức phổ biến mà các bên lựa chọn để giải quyết tranh chấp, và đây cũng là cơ sở để Tòa án khởi động quy trình tố tụng dân sự. Bằng bản án, quyết định của mình, Tòa án giải quyết nội dung tranh chấp, xác định rõ quyền, nghĩa vụ của các bên trong tranh chấp. Về nguyên tắc, Bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật phải được thi hành và phải được cơ quan, tổ chức, cá nhân tôn trọng và nghiêm chỉnh chấp hành mà không được yêu cầu giải quyết lại.

Ảnh: Một phiên tòa xét xử vụ án Dân sự

 

I. Cơ sở của quyền khởi kiện và hạn chế quyền khởi kiện lại của đương sự

Điều 14 Hiến pháp 2013 quy định  “Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam,  các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật”. Khi quyền dân sự của cá nhân, pháp nhân bị xâm phạm thì chủ thể có quyền tự bảo vệ hoặc yêu cầu cơ quan tổ chức có thẩm quyền bảo vệ quyền cho mình. Trong đó việc khởi kiện vụ án ra Tòa án nhân dân là một hình thức người dân yêu cầu cơ quan nhà nước bảo vệ quyền dân sự của mình. Đây là cơ sở của quyền khởi kiện vụ án dân sự của đương sự

Tuy nhiên nhằm ổn định các quan hệ xã hội, tránh việc lạm dụng quyền khởi kiện để xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của người khác, pháp luật quốc tế áp dụng nguyên tắc tư pháp có tên “res judicata” có nghĩa là “vấn đề đã được giải quyết”. Theo nguyên tắc này “một vụ án không thể được khởi kiện lại, cho dù tại chính Tòa án đã giải quyết hoặc Tòa án khác”[1]; “bên thua kiện không thể khởi kiện lại vụ án đó với mong muốn sẽ được xử lại thắng kiện” và “bên thắng kiện cũng không được khởi kiện lại vụ án đó với mong muốn sẽ được bên thua kiện bồi thường nhiều hơn”[2] và “một yêu cầu bồi thường sẽ không được giải quyết nếu nó đã được/đáng ra nên được giải quyết bằng một vụ án đã có trước đó”[3].

Nguyên tắc này đặt ra nhằm “tránh lãng phí nguồn lực tư pháp cũng như ngăn cản việc một bên sử dụng việc khởi kiện để quấy rối hoặc trì hoãn việc thi hành đối với bên còn lại”[4]. Ngoài ra nguyên tắc này còn được sử dụng để xác định thẩm quyền của Tòa án Việt Nam trong trường hợp vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài đã được một Tòa án Việt Nam thụ lý giải quyết theo quy định về thẩm quyền của Bộ luật tố tụng dân sự (BLTTDS) nhưng trong quá trình giải quyết có sự thay đổi quốc tịch, nơi cư trú, địa chỉ của các đương sự hoặc có tình tiết mới làm cho vụ việc dân sự đó thuộc thẩm quyền của Tòa án khác của Việt Nam hoặc của Tòa án nước ngoài quy định tại Điều 471 BLTTDS.

BLTTDS nước ta cũng áp dụng nguyên tắc res judicata, cụ thể khoản 1 Điều 192 quy định một trong những căn cứ để Tòa án trả lại đơn khởi kiện “Sự việc đã được giải quyết bằng bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án hoặc quyết định đã có hiệu lực của cơ quan nhà nước có thẩm quyền”. Quy định này của BLTTDS ngoài mục đích nhằm ổn định các quan hệ xã hội, tránh việc lạm dụng quyền khởi kiện, cũng để tuân thủ nguyên tắc bảo đảm hiệu lực của bản án, quyết định của Tòa án, theo đó Bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật phải được thi hành và phải được cơ quan, tổ chức, cá nhân tôn trọng; cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải nghiêm chỉnh chấp hành.[5]

Tuy nhiên việc hạn chế quyền khởi kiện lại của đương sự cũng có một số ngoại lệ quy định tại khoản 1 Điều 192 và khoản 1 Điều 218 BLTTDS như trường hợp Tòa án đình chỉ giải quyết vụ án do người khởi kiện rút yêu cầu, nguyên đơn triệu lập lần thứ hai mà vẫn vắng mặt, vụ án chưa có đủ điều kiện khởi kiện, hoặc các tranh chấp mà theo quy định của pháp luật mà trước đó Tòa án chưa chấp nhận yêu cầu mà theo quy định của pháp luật được quyền khởi kiện lại[6], các trường hợp khác theo quy định của pháp luật[7].

II. Những điểm còn chưa thật sự phù hợp của BLTTDS

2.1. Về quy định tại khoản 1 Điều 218 BLTTDS

Khoản 1 Điều 218 quy định khi có quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự, đương sự sẽ không thể khởi kiện lại vụ án đó nếu không có gì khác biệt về nguyên đơn, bị đơn, quan hệ pháp luật có tranh chấp. Từ “đương sự” được hiểu là đương sự trong vụ án đã bị đình chỉ. Tuy nhiên do vụ án sau chỉ không được thụ lý nếu giống nhau với vụ án trước về nguyên đơn, bị đơn và quan hệ pháp luật nên mặc dù Điều 218 quy định là “đương sự” nhưng thực tế chỉ có thể là nguyên đơn trong vụ án trước, bởi lẽ nếu đương sự khác không phải là nguyên đơn khởi kiện lại vụ án đó thì rõ ràng yếu tố giống nhau về nguyên đơn, bị đơn đã không được bảo đảm. Ví dụ A khởi kiện B tranh chấp ranh đất giữa hai nhà, A cho rằng B lấn ranh sang đất nhà mình, vụ án bị đình chỉ do A không nộp tạm ứng chi phí xem xét thẩm định tại chỗ, sau đó B khởi kiện lại A cũng tranh chấp ranh ngay tại vị trí đó thì vụ án thứ hai do B khởi kiện vẫn sẽ được Tòa án thụ lý.

2.2. Trường hợp nguyên đơn không nộp tạm ứng chi phí định giá, chi phí tố tụng khác dẫn đến vụ án bị đình chỉ thì nguyên đơn sẽ mất quyền khởi kiện lại vụ án đó

Khi so sánh việc nguyên đơn không nộp tạm ứng chi phí tố tụng vói việc người khởi kiện không nộp tạm ứng án phí, tác giả nhận thấy cùng một dạng hành vi là không nộp tiền tạm ứng nhưng hậu quả pháp lý khác nhau. Cụ thể nếu người khởi kiện không nộp tạm ứng án phí thì vụ án không được thụ lý và người khởi kiện vẫn có thể khởi kiện lại vụ án đó, nhưng nếu nguyên đơn không nộp tạm ứng chi phí định giá và chi phí tố tụng khác thì vụ án sẽ bị đình chỉ và không có quyền khởi kiện lại. Theo tác giả mặc dù đây là hai quy  định khác nhau, xuất phát từ căn cứ khác nhau nhưng về bản chất là như nhau. Đây đều là hình thức Tòa án từ chối giải quyết yêu cầu bảo vệ quyền của cá nhân do không đảm bảo các điều kiện nhất định về mặt chi phí. Cả hai hình thức này Tòa án đều không xác định, thừa nhận quyền, nghĩa vụ của bất kỳ bên nào trong quan hệ tranh chấp. Do đó, nếu được xuất phát từ các căn cứ giống nhau thì cần được đối xử như nhau (cụ thể ở đây là việc người khởi kiện/nguyên đơn không nộp tạm ứng án phí/tạm ứng chi phí tố tụng cho tòa án), nên cho phép nguyên đơn khởi kiện lại vụ án trong trường hợp vụ án đó đã bị Tòa án đình chỉ giải quyết với lý do nguyên đơn không nộp tạm ứng chi phí định giá, chi phí tố tụng khác.

Có ý kiến cho rằng so với việc không nộp tạm ứng án phí thì việc không nộp tạm ứng chi phí tố tụng xảy ra sau khi Tòa án đã thụ lý và vụ án đang trong giai đoạn chuẩn bị xét xử. Do đó hạn chế quyền khởi kiện lại của đương sự nhằm tránh việc lãng phí nguồn lực của Tòa án vì tại giai đoạn này, Tòa án đã tiến hành một số biện pháp thu thập chứng cứ, nếu vụ án bị đình chỉ và khởi kiện lại thì Tòa án phải thu thập lại các chứng cứ đó, không thể sử dụng các chứng cứ cũ. Tác giả cho rằng đây không phải là căn cứ hợp lý. Bởi lẽ nếu xem xét việc đình chỉ giải quyết vụ án do nguyên đơn rút yêu cầu khởi kiện, ta có thể dễ dàng thấy được trường hợp này còn có khả năng gây lãng phí nguồn lực hơn cả việc đình chỉ do nguyên đơn không nộp tạm ứng chi phí tố tụng, bởi vì nguyên đơn có thể rút yêu cầu khởi kiện muộn nhất là tại phiên tòa sơ thẩm, cụ thể là trong phần thủ tục bắt đầu phiên tòa, còn việc đình chỉ do không nộp tạm ứng chi phí tố tụng chỉ có thể xảy ra tại giai đoạn chuẩn bị xét xử. Mà căn cứ theo Điều 218 BLTTDS thì việc đình chỉ vụ án do nguyên đơn rút đơn khởi kiện tại phiên tòa, nguyên đơn vẫn có thể khởi kiện lại.

2.3. Căn cứ nào để Tòa án trả lại đơn khởi kiện khi rơi vào các trường hợp Tòa án đình chỉ giải quyết vụ án mà đương sự không được quyền khởi kiện lại

Điểm c khoản 1 Điều 192 BLTTDS quy định sự việc đã được giải quyết bằng bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án thì Tòa án phải trả lại đơn khởi kiện, ”trừ trường hợp vụ án mà Tòa án bác đơn yêu cầu ly hôn, yêu cầu thay đổi nuôi con, thay đổi mức cấp dưỡng, mức bồi thường thiệt hại, yêu cầu thay đổi người quản lý tài sản, thay đổi người quản lý di sản, thay đổi người giám hộ hoặc vụ án đòi tài sản, đòi tài sản cho thuê, cho mượn, đòi nhà, đòi quyền sử dụng đất cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ mà Tòa án chưa chấp nhận yêu cầu và theo quy định của pháp luật được quyền khởi kiện lại”. Khi phân tích đoạn in nghiêng của điều luật, tác giả nhận thấy cụm từ “giải quyết” tại điểm c khoản 1 Điều 192 cần được hiểu là việc Tòa án giải quyết về nội dung yêu cầu của nguyên đơn, yêu cầu phản tố của bị đơn (nếu có) bằng bản án hoặc quyết định (quyết định công nhận sự thỏa thuận của các bên đương sự)[8]. Việc trước đó, Tòa án đã giải quyết vụ án nhưng chỉ về hình thức, chưa giải quyết về nội dung như việc ban hành quyết định đình chỉ giải quyết vụ án không phải là căn cứ để Tòa án trả lại đơn khởi kiện. Và ngoài ra Điều 192 không quy định “các trường hợp khác theo quy định của bộ luật này” là cơ sở của việc trả lại đơn khởi kiện. Từ đó dễ dàng nhận thấy Điều 192 BLTTDS đang thiếu căn cứ pháp lý để Tòa án trả lại đơn khởi kiện nếu vụ án trước đó đã bị đình chỉ thuộc trường hợp không được khởi kiện lại như quy định tại khoản 1 Điều 218 BLTTDS.

III. Đề xuất

Thứ nhất, cần thay đổi cụm từ “đương sự” tại khoản 1 Điều 218 BLTTDS thành cụm từ “nguyên đơn”.

Thứ hai, đối với trường hợp vụ án bị đình chỉ do nguyên đơn không nộp tạm ứng chi phí định giá, chi phí tố tụng khác, BLTTDS cần cho phép nguyên đơn khởi kiện lại vụ án nhằm tạo điều kiện cho các bên giải quyết triệt để tranh chấp, ổn định quan hệ xã hội

Thứ ba, bổ sung vào khoản 1 Điều 192 BLTTDS căn cứ để Tòa án trả lại đơn khởi kiện như sau:

“Điều 192. Trả lại đơn khởi kiện, hậu quả của việc trả lại đơn khởi kiện

1.Thẩm phán trả lại đơn khởi kiện trong các trường hợp sau đây: …. Các trường hợp vụ án tòa án đã ra quyết định đình chỉ giải quyết mà đương sự không có quyền khởi kiện lại theo quy định tại khoản 1 Điều 218 Bộ luật này”

Kết luận

Quyền khởi kiện của đương sự là một trong những quyền quan trọng của cá nhân, pháp nhân nhằm yêu cầu nhà nước bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của mình khi bị chủ thể khác xâm phạm. Tòa án dựa trên nguyên tắc tranh tụng, xem xét đầy đủ, toàn diện chứng cứ có trong hồ sơ vụ án sẽ có chức năng ra bản án, quyết định giải quyết toàn diện, triệt để tranh chấp, xác định rõ quyền, nghĩa vụ để các bên thi hành, từ đó ổn định các quan hệ xã hội. Khi vụ án đã được giải quyết thì đương sự không được quyền yêu cầu Tòa án giải quyết lại vụ án đó. Trên cơ sở nghiên cứu các quy định của BLTTDS về việc hạn chế quyền khởi kiện lại của đương sự trong vụ án dân sự, tác giả nhận thấy BLTTDS đã quy định khá toàn diện, đầy đủ về chế định này tuy nhiên vẫn còn một vài điểm chưa thật sự hợp lý. Những đề xuất của tác giả nhằm mục đích hoàn thiện BLTTDS, phát huy vai trò quan trọng trong việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các bên tranh chấp trong vụ án mà các bên yêu cầu Tòa án giải quyết.

NGUYỄN QUANG TRÍ - VKSND huyện Cao Lãnh

Bài viết được đăng trên tạp chí TAND điện tử

Link: https://tapchitoaan.vn/viec-han-che-quyen-khoi-kien-lai-cua-duong-su-trong-vu-an-dan-su7969.html