Xuất bản thông tin

null Bài dự thi giải Búa Liềm Vàng - Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về nêu cao tinh thần trách nhiệm

CHUYỂN ĐỔI SỐ VKS_HOCTAP_TUTUONG_ HCM

Bài dự thi giải Búa Liềm Vàng - Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về nêu cao tinh thần trách nhiệm

Theo quan điểm của Hồ Chí Minh, cách mạng trước hết phải gắn với vai trò lãnh đạo của Đảng, Đảng là đội tiên phong của giai cấp công nhân và ra đời nhằm mục đích tập hợp, xây dựng, huấn luyện, lãnh đạo dân chúng, liên lạc với quốc tế trong sự nghiệp đấu tranh chung

HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HỒ CHÍ MINH VỀ NÊU CAO TINH THẦN TRÁCH NHIỆM TRONG CÔNG TÁC XÂY DỰNG ĐẢNG TRONG NGÀNH KIỂM SÁT NHÂN DÂN

 

Ngay trong tác phẩm Đường Cách mệnh, Người khẳng định: “Trước hết phải có đảng cách mệnh, để trong thì vận động và tổ chức dân chúng, ngoài thì liên lạc với dân tộc bị áp bức và vô sản giai cấp mọi nơi. Đảng có vững cách mạng mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy”[1].

Có thể nói ngày nay, việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công tác xây dựng Đảng của công chức, viên chức nói chung và cán bộ ngành Kiểm sát nói riêng có ý nghĩa hết sức to lớn không chỉ có tác động tích cực đến công tác xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh mà còn là nền tảng để cán bộ ngành Kiểm sát thực hiện tốt công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm bảo đảm pháp luật được thực thi.

Thực hiện theo lời dạy của Bác về rèn luyện năm đức tính của người cán bộ Kiểm sát "Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn" và cuộc vận động xây dựng đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên "Vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, công tâm và bản lĩnh, kỷ cương và trách nhiệm".

Là người trực tiếp thực thi pháp luật và thực hiện chức năng, nhiệm vụ kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật của cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan; cán bộ Kiểm sát trước hết phải là người chấp hành nghiêm chỉnh chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, kỷ luật của ngành. Một trong những nguyên tắc mà mỗi cán bộ kiểm sát phải nằm lòng đó là phải thực hiện tốt, nhất quán nguyên tắc tập trung dân chủ. Đây là nguyên tắc cơ bản của tổ chức Đảng. Tập trung là thống nhất về tư tưởng, tổ chức, hành động. Thiểu số phục tùng đa số, cấp dưới phục tùng cấp trên, đảng viên chấp hành nghị quyết của tổ chức Đảng. Dân chủ là tất cả mọi người được tự do bày tỏ ý kiến của mình để bàn bạc và đi đến thống nhất trong tư tưởng và hành động của Đảng.

Sự tiếp nối của nguyên tắc tập trung dân chủ đó chính là tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách. Người nói:

“Tập thể lãnh đạo là dân chủ

Cá nhân phụ trách là tập trung.

Tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, tức là dân chủ, tập trung”[2]

Vì sao phải giao cho cá nhân phụ trách? Theo Hồ Chí Minh, việc gì đã được bàn bạc kỹ lưỡng thì phải giao cho một người phụ trách, “nếu không có cá nhân phụ trách thì sẽ sinh ra các tệ người này ủy cho người kia, người kia ủy cho người nọ, kết quả là không ai thi hành”.

Một khi có vấn đề gì sai phạm chủ trương, đường lối của Đảng ở cơ quan hay địa phương, người chịu trách nhiệm trước tiên là bí thư cấp ủy và người phụ trách lĩnh vực công tác đó, kể cả bên chính quyền, vì Đảng lãnh đạo toàn diện, trực tiếp mọi mặt của đơn vị, địa phương.

Hiện nay, trong hệ thống ngành kiểm sát được thực hiện chế độ thủ trưởng, giao quyền cho thủ trưởng được quyết định và chịu trách nhiệm, như vậy sẽ phát huy vai trò cá nhân phụ trách rất cao. Tuy nhiên chúng ta cần nhìn nhận: “Luôn có hai mặt trong việc thực hiện chế độ một thủ trưởng” – tính hai mặt của một vấn đề. Nếu người thủ trưởng có năng lực, trách nhiệm cao, phẩm chất tốt, đặt lợi ích chung lên trên, phát huy được sức mạnh tập thể thì đơn vị đó sẽ mạnh. Ngược lại, nếu người thủ trưởng đơn vị có ý đồ xấu, kém năng lực, lợi dụng chức quyền tham nhũng thì sẽ gây tác hại cho đơn vị đó, làm giảm lòng tin trong quần chúng nhân dân.

Với vai trò là người đảng viên, cán bộ ngành Kiểm sát, tôi thiết nghĩ việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công việc là rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay vì trong thực tế vẫn còn có không ít những Đảng viên vi phạm điều lệ Đảng, vi phạm những điều đảng viên không được làm, cố ý làm trái quy định của Nhà nước để trục lợi cho cá nhân… vẫn còn có những đảng viên, cán bộ chưa gương mẫu, chưa gắn trách nhiệm của bản thân, trọng trách của ngành với công việc chuyên môn, vẫn có biểu hiện quan liêu, hách dịch, sợ trách nhiệm và vẫn còn những việc làm sai do thiếu thận trọng…Để khắc phục sai phạm do cá nhân gây ra, mỗi cơ quan đơn vị phải thực hiện tốt nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, cá nhân dù được giao quyền theo chế độ thủ trưởng cũng phải ý thức rõ mình là một cá nhân và phải tôn trọng sự lãnh đạo của tập thể, của cấp trên, phải rèn luyện phẩm chất chính trị, bản lĩnh để bản thân luôn biết đặt lợi ích chung lên trên hết.

          Theo quan điểm của Bác để xây dựng và phát triển Đảng ngày càng trong sạch vững mạnh thì không thể nào thiếu nguyên tắc tự phê bình và phê bình.

Đây là nguyên tắc sinh hoạt đảng, là quy luật phát triển Đảng. Tự phê bình để mỗi đảng viên phải tự phát huy ưu điểm, khắc phục nhược điểm. Tự phê bình mà tốt thì mới phê bình người khác được, đó là vũ khí sắc bén để rèn luyện đảng viên. Người viết: “Hiện nay, phong trào tự phê bình và phê bình đang mở rộng ở nhiều nơi. Đó là một bước tiến đáng mừng. Nhưng trong những cuộc kiểm thảo, có một thiếu sót chung và quan trọng là chưa nêu thật rõ tinh thần trách nhiệm”.

Tự phê bình và phê bình nhằm mục đích để giúp nhau tiến bộ nên động cơ phải trong sáng, dựa trên “tình đồng chí yêu thương nhau”, phải biết lắng nghe và chờ đợi đồng chí tiếp thu để tránh việc làm cho người bị phê bình “nản chí, oán ghét”; không vì phê bình mà công kích, áp đặt khuyết điểm cho nhau.

Mỗi cán bộ kiểm sát phải thường xuyên và thực hiện tốt công tác tự phê bình kiểm điểm đấu tranh nghiêm khắc, không dễ dãi với bản thân thì mới tránh được những cám dỗ cuộc sống tác động hàng ngày, giữ mình là một cán bộ công bộc của nhân dân. Mặt khác, công tác kiểm tra, giám sát của Đảng phải được thực hiện thường xuyên, để nhắc nhở mọi người thực hiện đúng nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách cũng như xử lý được chính xác, kịp thời những sai phạm, tránh để sai phạm kéo dài, lan rộng.

Do tính chất của công việc và yêu cầu của nhiệm vụ; cán bộ Kiểm sát phải đối mặt với những khó khăn, thử thách và đối diện với những mặt trái của xã hội; vì vậy, cán bộ Kiểm sát phải nỗ lực phấn đấu, vượt qua khó khăn, thử thách, thường xuyên rèn luyện, tu dưỡng; bền bỉ phấn đấu để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Mỗi một đảng viên trong ngành kiểm sát dù ở cương vị nào, làm bất cứ việc gì cũng phải chấp hành tốt kỷ luật của Đảng, phải nghiêm minh và tự giác.

          Tính nghiêm minh của kỷ luật Đảng đòi hỏi tất cả các cán bộ trong ngành kiểm sát đều phải bình đẳng trước Điều lệ Đảng, trước pháp luật nhà nước, trước mọi nghị quyết của Đảng.

          Tự giác là yêu cầu bắt buộc của mỗi tổ chức Đảng nói chung và cũng là yêu cầu của ngành Kiểm sát nói riêng. Mỗi cán bộ trong ngành Kiểm sát phải có ý thức tự giác, đó là sự gương mẫu trong việc chấp hành các chủ trương, nghị quyết của Đảng, của Nhà nước, của Đoàn thể nhân dân, tuân theo nguyên tắc tổ chức, lãnh đạo và sinh hoạt đảng.

Trong giai đoạn hiện nay, để thực hiện tốt trọng trách mà Đảng, Nhà nước, nhân dân đã giao phó, ngành Kiểm sát đang đứng trước những yêu cầu mới về công tác xây dựng cán bộ, xây dựng ngành. Cán bộ ngành Kiểm sát cần phải nghiêm túc học tập, rèn luyện nêu cao tinh thần tự giác theo gương chủ tịch Hồ Chí Minh. Người cán bộ Kiểm sát càng có nhận thức cao về trách nhiệm của mình thì càng nâng cao chất lượng công tác kiểm sát, bảo vệ công lý, hạn chế việc bỏ lọt tội phạm, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân, đồng thời chính họ trở thành tấm gương sáng cho thế hệ trẻ học hỏi, noi theo.

Là cán bộ trong ngành kiểm sát không nên suy bì xem công việc của mình có quan trọng hay không. Công việc nào cũng cần thiết đối với cách mạng. Vấn đề là ở chỗ khi đã làm việc gì dù gặp khó khăn, trở ngại cũng phải quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ. Vì vậy, Người luôn nhắc nhở: “Đã phụ trách việc gì thì quyết làm cho kỳ được, cho đến nơi đến chốn, không sợ khó nhọc, không sợ nguy hiểm”.

Toàn ngành Kiểm sát thực hiện phương châm “Đoàn kết, đổi mới – Trách nhiệm, kỷ cương – Thực chất, hiệu quả”. Một tổ chức – cơ quan có vững mạnh hay không thì tổ chức Đảng của cơ quan đơn vị đó phải đoàn kết, thống nhất, nói phải đi đôi với làm, tránh trường hợp nói một đàng làm một nẻo.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh đây là cơ sở làm nên sức mạnh của Đảng, cơ sở để đoàn kết nhất trí trong Đảng chính là đường lối, quan điểm của Đảng, điều lệ của Đảng. Muốn thực hiện đoàn kết thống nhất trong Đảng, phải thực hành dân chủ rộng rãi; thường xuyên thực hiện tự phê bình và phê bình, tu dưỡng đạo đức cách mạng, chống mọi biểu hiện tiêu cực của cán bộ, đảng viên.

Mỗi cán bộ, Kiểm sát viên cần có ý thức đúng đắn, chuyên tâm với nhiệm vụ của mình trên mọi cương vị, vị trí công tác, nhận thức được rằng ở mỗi một khâu công tác, mỗi vị trí việc làm đều có ý nghĩa, tầm quan trọng như nhau  hướng về một mục tiêu chung góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước, nhân dân giao cho Ngành, cho cơ quan, đơn vị.

Từ nhận thức đó làm cho việc thực hiện công việc được giao dù lớn hay nhỏ phải tích cực, tự giác thực hiện cho đến nơi đến chốn, vượt qua mọi khó khăn, dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm, chủ động sáng tạo để có kết quả cao nhất.

Với xu thế hội nhập và phát triển, ngành Kiểm sát nói chung và cán bộ trong ngành kiểm sát nói riêng cần phải nắm vững các quy định của pháp luật là một yêu cầu cấp thiết trong thực hiện chức năng nhiệm vụ của Ngành. Vì vậy, chúng ta - mỗi cán bộ kiểm sát phải thường xuyên trao dồi kiến thức pháp luật, kỹ năng nghiệp vụ, cập nhật các văn bản mới để vận dụng vào nhiệm vụ công tác được phân công xứng đáng với truyền thống “Nghiêm chỉnh tuân thủ pháp luật, kiên quyết tấn công tội phạm, bản lĩnh thực thi công lý, tận tâm bảo vệ nhân dân”.

“Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất chú trọng đến việc xây dựng bộ máy các cơ quan tư pháp, xác định đây là cơ quan trọng yếu của chế độ ta và coi phát triển tư pháp là cơ sở để xã hội phát triển. Người nói: "Tư pháp có tốt thì xã hội mới tốt; xã hội tốt thì người dân mới có được hệ thống pháp luật bảo vệ". Ngành kiểm sát chúng ta rất vinh dự và tự hào được Bác Hồ trực tiếp chỉ đạo sâu sát, toàn diện từ việc hoàn thiện mô hình tổ chức, cử nhân sự lãnh đạo đến việc đặt ra những yêu cầu cụ thể đối với cán bộ kiểm sát như "Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn", “Giàu sang không thể quyến rũ, nghèo khó không thể chuyển lay, uy lực không thể khuất phục".

Những tư tưởng và lời dạy vẫn còn nguyên giá trị của Người luôn là nguồn động viên, giúp mỗi cán bộ, công chức, kiểm sát viên chúng ta nâng cao bản lĩnh, ý chí đấu tranh với sai phạm và tội phạm; bảo vệ pháp luật, bảo đảm pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh, thống nhất; bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; xây dựng ngành Kiểm sát thực sự là “thanh bảo kiếm” sắc bén của chế độ ta.[3]

Trương Ngọc Oanh - Viện KSND thị xã Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp


[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.2, tr.289

[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t52, tr.620

[3] Trích bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong Lễ kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Viện kiểm sát nhân dân và Đại hội thi đua yêu nước lần thứ VI ngành Kiểm sát nhân dân.