Xuất bản thông tin

null Bài dự thi giải Búa Liềm Vàng - Mối nhân duyên với Ngành Kiểm sát nhân dân

Chi tiết bài viết VKS_HOATDONGNGANH

Bài dự thi giải Búa Liềm Vàng - Mối nhân duyên với Ngành Kiểm sát nhân dân

Nhân kỷ niệm truyền thống 60 năm ngày thành lập Ngành kiểm sát nhân dân (26/07/1960 – 26/07/2020), tác giả xin giới thiệu đôi nét về Viện kiểm sát nhân dân thành phố Cao Lãnh, qua đó chia sẽ một kỷ niệm khó quên đối với ngành kiểm sát nói chung, với đơn vị Viện kiểm sát nhân dân thành phố Cao Lãnh nói riêng

Mối nhân duyên với Ngành Kiểm sát nhân dân

Viện kiểm sát nhân dân (KSND) thành phố Cao Lãnh là một trong 2 Viện KSND thành phố trực thuộc tỉnh của Ngành KSND Đồng Tháp, trụ sở đơn vị đóng tại số 230 đường Nguyễn Thái Học, phường 4, TP Cao Lãnh. Thành phố Cao Lãnh nằm cạnh sông Tiền dọc theo quốc lộ 30, cách thành phố Hồ Chí Minh 154 km, thành phố Cần Thơ 80 km. Phía bắc và phía đông giáp huyện Cao Lãnh, phía nam giáp huyện Lấp Vò đều cùng trong tỉnh, phía tây giáp huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang.

Đơn vị Viện KSND Thị xã Cao Lãnh (nay là TP.Cao Lãnh) được thành lập ngày 13/6/1983. Biên chế khi mới thành lập có 06 đồng chí, nơi làm việc còn tạm bợ và ghép chung với các cơ quan bạn. Đến năm 1996 đơn vị được xây dựng mới, và biên chế được tăng lên dần, đến nay có 20 đồng chí trong đó có 01 bảo vệ và 02 tạp vụ, trình độ chuyên môn: 02 thạc sỹ Luật, 14 Cử nhân luật, 01 Cử nhân kinh tế. Trình độ chính trị: 02 Cao cấp lý luận, 09 Trung cấp. Hiện đơn vị có 01 Viện trưởng, 02 Phó Viện trưởng, 09 Kiểm sát viên, 03 Chuyên viên, 01 Kế toán, 01 Văn thư; Chi bộ có 17 đảng viên (03 dự bị), nhiều năm liền đạt chi bộ trong sạch, vững mạnh.

Trong quá trình hoạt động có sự thay đổi thường xuyên về nhân sự và thiếu cán bộ, Kiểm sát viên trực tiếp làm nhiệm vụ do phải đưa đi đào tạo (có thời điểm 09 đồng chí đi học). Từ năm 2013 đến 2015 luân chuyển công tác 01 Viện trưởng, 01 Phó Viện trưởng; 02 Kiểm sát viên, đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên thay đổi gần như hoàn toàn mới nhưng tập thể đơn vị vẫn giữ được sự đoàn kết thống nhất, vượt qua khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ chung.

Tập thể đơn vị Viện KSND Tp Cao Lãnh

          Cùng với việc thực hiện hiệu quả chức năng, nhiệm vụ; Ngành Kiểm sát nhân dân nói chung, Viện KSND thành phố Cao Lãnh luôn luôn chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ từng bước đáp ứng yêu cầu “Vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông pháp luật; công tâm và bản lĩnh, kỷ cương và trách nhiệm”, xứng đáng với lời dạy của Bác Hồ “Cán bộ kiểm sát phải: Công minh, Chính trực, Khách quan, Thận trọng và Khiêm tốn”.

          Với phương châm: “Đổi mới trong cách nghĩ, mới mẽ trong cách làm, nhịp nhàng trong quan hệ”, đơn vị đã thực hiện sự đổi mới, triển khai nhiều biện pháp cụ thể nhằm tăng cường kỷ cương, kỷ luật như: xây dựng Bộ quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức trong đơn vị; Quy chế làm việc của đơn vị, của chi ủy; Quy chế dân chủ ở cở sở v.v… Do đó, qua 37 năm xây dựng, phát triển và trưởng thành, đến nay lực lượng cán bộ, Kiểm sát viên đã lớn mạnh hơn rất nhiều cả về số lượng lẫn chất lượng đủ sức thực hiện tốt nhiệm vụ của ngành và đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ chính trị của địa phương. Chính vì thế, đơn vị nhiều năm liền được công nhận là đơn vị xuất sắc, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đặc biệt trong năm 2019, đơn vị vinh dự được Viện KSND tối cao tặng cờ thi đua dẫn đầu khối. Đây là những kết quả quan trọng tạo tiền đề để đơn vị có bước phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn kế tiếp.

Mối nhân duyên với Ngành

Năm 2006, tôi tốt nghiệp trung học phổ thông, như các bạn đồng trang lứa tôi thi tuyển vào trường sư phạm với chuyên ngành sư phạm Ngữ Văn, hình như thời điểm này nhà nhà, người người mọi địa phương đều theo học ngành sư phạm bởi vì theo họ (trong đó có tôi) nghĩ không nghề nào cao quý bằng nghề “Thầy giáo”, ít ai dám nghĩ đến các ngành khác: nghề Luật chẳng hạn. Với tuổi sinh viên ai cũng có những nôn nao, hào hứng khi sắp ra trường và sẽ làm ngành gì. Đối với các ngành nghề, ngành nào cũng có những đặc thù riêng của nó, đối với xã hội hiện đại phát triển chúng ta có thể mang đến bao cống hiến cho đất nước dù lĩnh vực ngành nghề nào. Ngành kiểm sát đến với tôi như cái duyên, sau khi tốt nghiệp Đại học Sư phạm, tôi tình cờ biết được Ngành đang tuyển dụng nên nộp đơn xin ứng tuyển vào Ngành. Và ngày nhận được thông báo tuyển dụng vào Ngành, niềm vui, niềm hạnh phúc dâng trào đan xen khó tả, đây được xem là niềm vinh dự lớn nhất đối với bản thân, cũng là cái duyên với Ngành, một công việc mang đến niềm vui khi bản thân có thể cống hiến cho đất nước với mọi nhiệt huyết trên con đường bảo vệ công lý của mình.

Như bao người khác, những ngày đầu khi đến với Ngành kiểm sát đối với tôi thật nhiều bỡ ngỡ, tuy nhiên, với sự giúp đỡ, dìu dắt tận tình của các đồng nghiệp đi trước giúp tôi có nhiều niềm tin khi bước đi trên con đường bảo vệ công lý của mình. Bởi nơi đó, tôi được thử thách, được thể hiện và được trải nghiệm những kiến thức về pháp luật, tâm lý và xã hội đã học được trong các trường đại học, để làm một công việc rất cao quý là đưa các quy định của pháp luật vào  xã hội, thông qua công tác thực hành quyền công tố tại phiên tòa.

Tính đến nay, tôi đã gắn bó với Ngành cũng gần 10 năm, khoảng thời gian ấy bản thân đã được kinh qua một số bộ phận: văn phòng, phụ giúp Kiểm sát viên kiểm sát án hình sự, dân sự, kiểm sát thi hành án dân sự, tiếp công dân,... Mặc dù thời gian công tác mỗi bộ phận không nhiều và chưa sâu nhưng nhiêu đó thời gian cũng đủ để tôi nắm bắt, đúc kết được những kinh nghiệm quý báo từ thực tiễn của các đồng nghiệp đi trước làm tiền đề cho công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp sau này.

Kỷ niệm khó quên

Trong quá trình công tác đã để lại cho tôi biết bao nhiêu kỷ niệm đáng nhớ: buồn có, vui có. Trong đó, kỷ niệm đáng nhớ nhất chính là khoảng thời gian công tác chung với đồng chí Huỳnh Hồng Việt (nay là Phó Viện trưởng Viện KSND tỉnh), một người lãnh đạo, người chú đáng kính, tôi ấn tượng với chú với tác phong lúc nào cũng chỉnh chu và một thái độ làm việc với sự kỷ luật, trách nhiệm tuyệt đối, luôn thực hiện nghiêm túc lời Bác hồ dạy. Từ khi vào ngành đến giờ tôi vẫn luôn xem chú là tấm gương để học tập, từ nghiệp vụ, đến đạo đức nghề nghiệp, trách nhiệm của công việc. Khoảng thời gian đó (tôi là chuyên viên giúp việc Kiểm sát viên), có một kỷ niệm làm tôi không thể nào quên mỗi khi nghe các anh chị đồng nghiệp nhắc lại (trêu chọc): Trong một lần, tôi được đồng chí phân công giúp việc Kiểm sát viên kiểm sát một vụ án hình sự về tội: Hành nghề mê tín, dị đoan do đối tượng Võ Văn Phụng thực hiện.

 

 

Chân dung “thầy lang” Võ Văn Phụng trước vành móng ngựa

Nội dung vụ án như sau: Vào khoảng 9 giờ 30 phút ngày 11/8/2015, Nguyễn Văn Le, sinh năm: 1948, ngụ tổ 16, khóm 2, phường 11, thành phố Cao Lãnh, điều khiển xe mô tô chở Nguyễn Thái Bình, sinh năm: 1981 (là con của ông Le, có bệnh lý trước đây bệnh tâm thần) đến nhà Võ Văn phụng nhờ điều trị bệnh cho Bình (trước đó 01 tuần đã có đến điều trị 01 lần).

Khi đưa Bình đến gặp Võ Văn Phụng, Phụng phán đoán Bình đã bị hồn ma lạ nhập vào người nên Phụng cho Bình nằm ngữa trên giường, dùng bàn tay phải nhúng vào tô nước lạnh cho ướt bàn tay rồi tiến hành vuốt trán, cổ và mặt anh Bình. Thấy Bình vùng vẫy nên ông Le lên giường ngồi đè giữ tay Bình và bả Võ Hoàng Anh, sinh năm: 1996 là em ruột Phụng đè giữ hai chân Bình. Phụng dùng hai ngón tay cái ấn mạnh vào hai bên vùng cổ Bình vuốt từ trên xuống, khi nào Bình la đau thì Phụng buông tay ra mục đích đề hồn ma xuất ra ngoài, Phụng làm đi làm lại khoảng 04 lần khoảng 15 phút thì Bình nói “Tôi ra rồi” và ngất xỉu. Lúc này, bà Lưỡng đi vào nhà nhìn thấy Bình nằm bất động và thở dốc, bà Lưỡng hỏi Phụng “nó sao rồi con?” sao mẹ thấy nó mệt quá vậy, đưa nó đi cấp cứu đi, Phụng trả lời chút nó tỉnh dậy. Bà Lưỡng bảo đưa Bình đi cấp cứu đi, nhưng do người Bình mập quá không chở đi bằng xe mô tô được, ông Điệt biết Trần Hữu Mến là tài xế xe Taxi cách nhà khoảng 500 mét, ông Le chở ông Điệt đi gọi Taxi khoảng 10 phút thì xe Taxi đến đưa Bình đến Bệnh viện Đa Khoa Đồng Tháp để cấp cứu nhưng Bình đã tử vong trước khi đến Bệnh viện. Kết luận giám định pháp y số 432/Kl-KTHS ngày 29/9/2015 của Phòng Kỹ thật hình sự Công an tỉnh Đồng Tháp kết luận: Nguyễn Thái Bình, bị tác động ngoại lực đè ấn, chèn ép mạnh vào vùng trước cổ gây nhiều tổn thương tại chổ và bít tắt đường hô hấp trên với thời gian đủ lâu làm nạn nhân ngạt cơ học dẫn đến tử vong. Tại Cơ quan điều tra Công an thành phố Cao Lãnh, Phụng chỉ khai nhận thực hiện hành vi điều trị bệnh đuổi tà ma cho Nguyễn Thái Bình, việc Bình dẫn đến tử vong là sự vô ý, sơ suất khi thực hiện.

Để có cơ sở vững chắc truy tố đối tượng ra trước Tòa, bản thân đã tham mưu đề xuất cho Kiểm sát viên đề ra yêu cầu điều tra. Quá trình đấu tranh, tiến hành cho đối chất, phúc cung nhiều lần thì đối tượng đã thừ nhận thực hiện hành vi phạm tội với lỗi cố ý gián tiếp. Do lợi dụng sự thiếu hiểu biết, sự lạc hậu của Nguyễn Văn Le nhằm mục đích hành nghề mê tín dị đoan dưới các hình thức: bói toán, lên đồng hoặc các hình thức mê tín dị đoan khác như: yểm bùa, cúng ma, bắt tà trừ ma, ... đã thực hiện hành vi điều trị bệnh đuổi tà ma cho Nguyễn Thái Bình gây ảnh hưởng đến tính mạng của Bình, dẫn đến Bình tử vong. Võ Văn Phụng là người đã trưởng thành, đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, tuy không mong muốn nhưng có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra, thực hiện hành vi phạm tội với lỗi cố ý gián tiếp. Lúc này, đối tượng có vẻ hối hận với hành vi mình đã làm và xin được giảm nhẹ hình phạt để về với gia đình, sẽ vận động gia đình sớm bồi thường, khắc phục hậu quả cho bị hại.

Được sự thống nhất từ lãnh đạo cũng như Kiểm sát viên hướng dẫn, bản thân được trải nghiệm viết dự thảo Cáo trạng và lập danh sách triệu tập những người tham gia phiên Tòa trình lãnh đạo duyệt. Quá trình duyệt Cáo trạng và danh sách triệp tập thì tôi nhận được thông báo từ bộ phận văn phòng yêu cầu lên gặp đồng chí Viện trưởng gấp. Lúc này, cảm giác lo lắng, sợ chợt xuất hiện, trong đầu tôi suy nghĩ không biết mình có làm gì sai không? Quảng đường từ tầng một lên phòng đồng chí (tầng 2) chỉ vài bước chân, nhưng đối với tôi ngày hôm đó, dường như nó dài thêm vài trăm mét. Đến nơi, tôi gõ cửa bước vào phòng, liền ngay đồng chí lãnh đạo mời tôi ngồi rồi đưa danh sách những người yêu cầu triệu tập đến phiên Tòa cho tôi xem và hỏi: đồng chí xem lại danh sách triệu tập đã đầy đủ chưa, có sai sót gì không? Tôi cầm danh sách nghiên cứu nhiều lần, xem xét, đối chiếu với nội dung vụ việc thấy đã đầy đủ, chắc chắn không bỏ sót người nào nên mới trả lời: “Dạ, danh sách triệu tập đã đầy đủ, không có sai sót gì”. Tức thì đồng chí hỏi lại: “Đồng chí triệu tập luôn bị hại Nguyễn Thanh Bình (đã chết) đến phiên Tòa được thì tôi thấy đồng chí giỏi rồi”, lúc này, tôi mới ngẩn người ra và nói lấp bấp, lí nhí: “Dạ, con quên, con tưởng danh sách triệu tập phải thể hiện đầy đủ những người tham gia”, đồng chí chỉ nhìn tôi và “cười”, bởi vì, đồng chí cũng hiểu đây là vụ án đầu tiên để tôi làm quen khi bước vào Ngành. Có lẽ đây là kỷ niệm đáng nhớ nhất trong quá trình công tác, gắn bó với ngành và cũng là bài học sương máu, tôi luyện để thấm nhuần các đức tính tốt đẹp mà Bác Hồ đã dạy cán bộ Kiểm sát là một bài học sâu sắc trong quá trình thực hiện chức năng nhiệm vụ và đấu tranh phòng, chống tội phạm: “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”.

Qua sự việc trên, bản thân nhận thấy đức tính “Thận trọng” có ý nghĩa quyết định, rất quan trọng. Do đó, cán bộ Kiểm sát phải đề cao tính thận trọng, nhất là trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, bởi lẽ, công tác này liên quan trực tiếp đến sinh mệnh chính trị của mỗi con người. Vì vậy, trong công tác, cán bộ Kiểm sát phải luôn nắm chắc nội dung vụ án, trực tiếp nghiên cứu hồ sơ và thực hiện đầy đủ, chặt chẽ các trình tự tố tụng,  trực tiếp hỏi cung bị can trước khi đề xuất việc phê chuẩn, phải nắm chắc sự việc và xem xét đánh giá thận trọng, để tránh oan, sai hoặc bỏ lọt tội phạm.

Vụ án được khép lại với mức án đối với Võ Văn Phụng là 05 năm tù và phải bồi thường 141.200.000 đồng cho gia đình người bị hại trong sự thở phào nhẹ nhõm của gia đình bị can, sự thông cảm, sẽ chia của gia đình bị hại và sự đồng thuận cao của người dân tham dự phiên tòa. Cuối cùng là niềm vui của bản thân khi đã hoàn thành nhiệm vụ được phân công và đây sẽ là một kỷ niệm khó quên, sẽ còn đọng mãi trong tôi./.

Nguyễn Minh Tâm - Viện KSND TP Cao Lãnh