Xuất bản thông tin

null Bài học về dĩ công vi thượng

Chi tiết bài viết VKS_HOATDONGNGANH

Bài học về dĩ công vi thượng

Hướng đến kỷ niệm 110 năm ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Người chiến sĩ cách mạng kiên trung, người học trò xuất sắc và gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh (25/8/1911 - 25/8/2021)

= = = = =

Diễn ra trong bối cảnh toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; tiến hành thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. Đây là đợt sinh hoạt chính trị có ý nghĩa chính trị - xã hội sâu sắc để tôn vinh và tri ân những cống hiến to lớn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, dân tộc, Quân đội ta và phong trào cách mạng thế giới; đồng thời, góp phần giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng, lòng yêu nước, tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ Việt Nam.

Hình ảnh giữa Đại tướng, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp với Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đường đi Chiến dịch Biên giới (1950)

Học tập theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, noi gương Đại tướng Võ Nguyên Giáp, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta tiếp tục đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ; kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi có hiệu quả tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ gắn với việc tiếp tục đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Khi đọc lại các bài viết, tác phẩm hồi ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, chúng ta thường bắt gặp câu chữ Hán quen thuộc “Dĩ công vi thượng”. Đây là câu nói như tâm sự của Bác Hồ với Đại tướng ngay lúc hai người gặp nhau lần thứ hai và nằm chung giường trong hang Pắc Bó vào những ngày đầu Xuân năm 1941. Đại tướng kể lại: Nhớ lại, cách đây hơn 60 năm, một buổi tối mùa đông lạnh lẽo, trong hang Pác Bó (Cao Bằng), Bác Hồ trao cho tôi nhiệm vụ tổ chức “Ðội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân”. Hang nhỏ nằm sâu trong khe núi. Ngoài cửa hang, nơi Bác Hồ đã khắc vào đá dòng chữ 8-2-1941 là ngày Bác tới ở hang này. Trong hang tối, không khí ẩm và lạnh. Tôi nhặt những cành củi khô nhóm một ngọn lửa sưởi ấm cho Bác. Không dám đốt lửa to, sợ ánh sáng lọt ra ngoài, lộ bí mật. Khói bốc cay xè, củi nổ tí tách. Tôi ở lại nghỉ một đêm với Bác. Nằm bên Bác trên một chiếc giường lát bằng cành cây, tôi lắng nghe tiếng Người nói nhỏ nhẹ đều đều, giọng xứ Nghệ ấm áp. Bác và tôi chuyện trò đến quá nửa đêm, bàn về vấn đề chuẩn bị phát động võ trang khởi nghĩa. Bỗng nhiên Bác dừng lại nói một câu: “Chú Văn ạ, làm cách mạng là phải dĩ công vi thượng”. Bác dừng lại “dĩ công vi thượng”, tất cả vì nước vì dân không mảy may suy nghĩ một cái gì khác đó chính là đạo đức cao cả nhất của người cán bộ, người cách mạng, người Đảng viên. Tôi nhớ mãi câu nói đó và suốt đời cho tới ngày nay tôi làm đúng lời của Bác.

(Đoạn văn trên được rút ra từ bài tham luận của Đại tướng khi dự “Hội thảo kỷ niệm 115 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh” do Học viên Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức).

Đại tướng giải thích, “Dĩ công vi thượng” là cán bộ, đảng viên phải đặt lợi ích chung lên trên hết, tất cả vì nước vì dân, đặt lợi ích của dân, của nước, của Đảng lên trên hết, đem lòng chí công vô tư mà đối xử với người, với việc, không mảy may có chút chủ nghĩa cá nhân. “Dĩ công vi thượng” là một trong những nội dung cơ bản của tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh. Bản thân Người là một tấm gương mẫu mực về “Dĩ công vi thượng”. Đại tướng còn nhấn mạnh: “Dĩ công vi thượng” là cốt cách người cách mạng. Nếu ai không làm được điều này thì không thể trở thành người cách mạng, người cán bộ, đảng viên, đoàn viên chân chính. Chính vì vậy, trong quá trình hoạt động cách mạng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp rất coi trọng tổng kết thực tiễn và chính từ đó càng hiểu sâu sắc hơn tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn ghi nhớ, noi gương và thực hành lời căn dặn của Bác: Làm cách mạng là phải “Dĩ công vi thượng”, “Dĩ bất biến ứng vạn biến”, … coi đó làm phương châm sống và phấn đấu trong suốt cuộc đời. Trước tài năng và nhân cách cao đẹp của Đại tướng, đã góp phần tạo nên những trang lịch sử chói lọi của dân tộc Việt Nam, cuộc đời của Đại tướng là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ noi theo, lấy đó làm kim chỉ nam cho suy nghĩ và hành động của mình, đóng góp một phần nhỏ trách nhiệm của mỗi cá nhân vào tương lai xây dựng và phát triển của đất nước.

Một câu chuyện nhỏ nhưng mang giá trị giáo dục sâu sắc về sự nhận thức, trách nhiệm của mỗi cá nhân trong công việc và đối với đất nước, biết sống, học tập, làm việc theo gương Bác, để mỗi chúng ta thật sự xứng đáng với các thế hệ đi trước. Từ một câu nói, một lời dạy của Bác nhưng hàm chứa sự giáo dục sâu sắc, gắn bó với việc học tập suốt đời, đã được khắc họa rõ nét bằng phong cách sống, học tập và làm việc trọn vẹn của Đại tướng như chính lời nói của Bác đối với người học trò vào một đêm trong hang lạnh Pắc Bó. Chính có lần Bác đã gọi “Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người anh Cả của quân đội nhân dân”. Do đó, qua dòng lịch sử cách mạng Việt Nam, đối với quân đội nhân dân Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người Cha, còn Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người anh Cả. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn lấy “Dĩ công vi thượng” làm phương châm để hành động, lấy tình thương yêu đồng đội, đồng chí để làm lẽ sống, lấy chữ nhân, chữ nhẫn, chữ trí để làm phương châm ứng xử. Tư tưởng và con người của “Anh Văn” đã góp phần hình thành, xây dựng, củng cố sức mạnh của lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là một mẫu mực về tinh thần làm việc trách nhiệm, hết lòng, hết sức cống hiến, hy sinh vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, chính là tấm gương để thế hệ trẻ học tập về tinh thần “Dĩ công vi thượng”. Trong công việc, Bác luôn đặt lợi ích của đất nước, của nhân dân, của Đảng lên trên hết, gương mẫu trong mọi việc. Phương châm xử lý, giải quyết công việc của Người là “Chí công vô tư”, “Dĩ công vi thượng”, không để cảm xúc, tình cảm cá nhân xen vào công việc. Học tập theo tấm gương đạo đức của Người, trong xử lý và giải quyết công việc cần đặt lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân, của Đảng lên trên hết, mỗi cá nhân phải kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, các biểu hiện quan liêu, tư tưởng cục bộ, phải xuất phát từ lợi ích chung để giải quyết công việc, nêu cao tinh thần trách nhiệm, kiên quyết đấu tranh với những biểu hiện lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm, muốn giữ vững được đạo đức cách mạng, chống lại được mọi thế lực thù địch thì trước hết, phải chiến đấu và chiến thắng kẻ thù bên trong của mỗi con người là chủ nghĩa cá nhân. Người cán bộ, đảng viên trước bất cứ công việc gì, dù ở cương vị, hoàn cảnh nào cũng phải luôn đặt lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân, của Đảng lên trước, thực hiện linh hoạt lời dạy của Bác với phương châm “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Tấm gương, tinh thần làm việc trách nhiệm của Bác còn thể hiện ở việc thống nhất giữa lời nói và việc làm. Đó là nói gắn liền với làm, không nói nhiều làm ít, nói mà không làm, làm không như nói. Trong Di chúc, Người viết: “Suốt đời tôi hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Nay dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc là tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”. Đây là một đặc điểm nổi bật trong phẩm chất con người Hồ Chí Minh, khắc họa rõ nét tinh thần “Dĩ công vi thượng”.

Do đó, việc học tập theo tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh, phong cách sống, làm việc của Bác, cùng với hình ảnh người học trò của Người, với tinh thần “Dĩ công vi thượng”, chính là tấm gương tiêu biểu nhất để thế hệ thanh niên trẻ Việt Nam, trong đó có thế hệ cán bộ, đảng viên trẻ ngành Kiểm sát phải nhận thức được giá trị sâu sắc và ý nghĩa nhân văn của lời dạy của Người, biết đặt lợi ích chung của quốc gia, dân tộc lên trên lợi ích của cá nhân, đặt trách nhiệm trong công việc và nhiệm vụ được giao lên trước lợi ích của bản thân, lợi ích nhóm theo phương châm “Việc nước trước việc nhà”. Trong công việc, nhất là cán bộ, đảng viên trẻ ngành Kiểm sát, mỗi người đều giữ một vị trí, vai trò nhất định trong một cơ quan, tổ chức, dù ở cương vị nào thì vị trí, vai trò của mỗi người đều có những ý nghĩa nhất định, góp phần làm cho cơ quan, tổ chức đó được vận hành một cách đồng bộ và hiệu quả.

Chính vì vậy, mỗi cán bộ, đảng viên nếu ý thức được vị trí, vai trò của mình thì mới có sự nhận thức về vị trí, vai trò đối với công việc, với nhiệm vụ mà cơ quan, tổ chức phân công, biết phát triển tư tưởng thành lý tưởng, từ đó mới có sự nhận thức lớn hơn về trách nhiệm đối với đất nước, với dân tộc. Có thể nói, trách nhiệm chính là phần việc được giao, là điều phải làm hoặc phải thực hiện của mình theo từng cương vị, chức trách. Bên cạnh trách nhiệm với bản thân, với cơ quan, tổ chức, mỗi người chúng ta đều là công dân của một quốc gia, dân tộc. Do đó, còn phải có trách nhiệm, nghĩa vụ đóng góp, xây dựng, phát triển quê hương, đất nước, đối với người cán bộ, đảng viên, nhất là thế hệ trẻ thì yêu cầu về tinh thần trách nhiệm, nghĩa vụ còn đặt lên trên hết với việc nêu gương. Cùng với trách nhiệm, nghĩa vụ với tư cách là công dân, người cán bộ, đảng viên còn phải tiên phong, gương mẫu đi đầu về tinh thần, thái độ, trách nhiệm với công việc, trong rèn luyện và thực hành đạo đức, lối sống, nêu gương, cũng như tuân thủ nghiêm Điều lệ Đảng, quy định về những điều đảng viên không được làm, kiên quyết đấu tranh chống lại các biểu hiện “Tự diễn biến, tự chuyển hóa”,… Vì vậy, để thực hiện tốt lời dạy của Bác, mỗi cán bộ, đảng viên ngành Kiểm sát cần không ngừng rèn luyện, nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, bản lĩnh chính trị, đáp ứng được yêu cầu của công việc trong tình hình mới, khi đất nước đang trong quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng thì mỗi người cán bộ cần có tinh thần cầu thị, nâng cao công tác tự phê bình và phê bình, không ngừng cố gắng, nỗ lực học tập, rèn luyện để tự hoàn thiện bản thân.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp thì điều này có ý nghĩa hết sức sâu sắc, có giá trị thiết thực khi thực hiện lời dạy của Bác về tinh thần “Dĩ công vi thượng”, đòi hỏi mỗi cá nhân trong cộng đồng phải thể hiện ý thức trách nhiệm của mình. Theo lời kêu gọi của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ngày 29-7-2021 gửi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài về công tác phòng, chống đại dịch Covid-19. Tổng bí thư đã kêu gọi toàn Đảng, toàn dân và toàn quân đoàn kết, quyết tâm cao hơn nữa, tìm mọi cách để ngăn chặn, đẩy lùi bằng được, không để dịch lan rộng, bùng phát trong cộng đồng. Theo Tổng bí thư, hiện nay, tình hình đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến rất phức tạp, tốc độ lây lan rất nhanh, gây tổn hại lớn về sức khỏe và tính mạng của người dân, ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế - xã hội và mọi mặt của đời sống. Với tinh thần “Chống dịch như chống giặc”, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân là trên hết, trước hết, thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Tổng bí thư kêu gọi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và đồng bào ta ở nước ngoài: Chúng ta đã cố gắng càng cố gắng hơn nữa; đã đoàn kết càng đoàn kết hơn nữa; đã quyết tâm càng quyết tâm cao hơn nữa; toàn dân tộc muôn người như một, đồng lòng cùng Đảng, Chính phủ, các cấp, các ngành tìm mọi cách quyết ngăn chặn, đẩy lùi bằng được, không để dịch lan rộng, bùng phát trong cộng đồng. 

Có thể nói, đây chính là thời điểm để mỗi chúng ta, những đảng viên trẻ thể hiện ý thức trách nhiệm với bản thân, cũng như trách nhiệm với cộng đồng. Điều này, đã được khắc họa rõ nét qua hình ảnh các chiến sĩ, các thế hệ thanh niên, đảng viên trẻ đã thực hiện theo lời dạy của Bác về tinh thần“Dĩ công vi thượng”, khi biết đặt lợi ích chung lên trên hết, họ đã đặt lợi ích, sức khỏe chung của cộng đồng trước lợi ích, sức khỏe của bản thân, thông qua hình ảnh những chiến sĩ, những tình nguyện viên đã hăng hái lên đường thực hiện một nhiệm vụ hết sức khó khăn, gian khổ, nhưng với một tinh thần lạc quan sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, với phương châm “Chống dịch như chống giặc”. Có thể thấy, không ít hình ảnh những tình nguyện viên, những “Chiến sĩ áo trắng”, “Chiến sĩ áo xanh” trong cuộc chiến trên mặt trận phòng, chống dịch Covid-19, khi đất nước đang phải đối mặt với dịch Covid-19, một trong những lực lượng chủ chốt ở tuyến đầu phòng, chống dịch là đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế, chiến sĩ công an, quân đội. Trước những khó khăn, gian khổ, họ vẫn luôn nêu cao trách nhiệm, tinh thần xung kích, hình ảnh những tình nguyện viên dù làm việc ở bất cứ vị trí nào đều tỏ rõ bản lĩnh, phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ. Dù có gian nan, thậm chí nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng của bản thân nhưng họ vẫn lên đường, cùng với những thông điệp khiến chúng ta phải suy nghĩ và nhận thức được về vai trò, ý thức cộng đồng và tinh thần trách nhiệm của công dân khi Tổ quốc cần: “Chúng tôi đi làm vì bạn, bạn hãy ở nhà vì chúng tôi”.

Cùng với tinh thần tương thân, tương ái, vì sức khỏe cộng đồng, các cơ sở Đoàn trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đã triển khai thực hiện mô hình “Shipper áo xanh” tình nguyện đi chợ miễn phí giúp người dân mua lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm, thuốc men, y tế,… Mô hình đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của các bạn đoàn viên, thanh niên trên địa bàn đăng ký tham gia, trong đó có những người cán bộ, đảng viên trẻ ngành Kiểm sát, với hình ảnh các tình nguyện viên, những “Shipper áo xanh”, dù là những hoạt động nhỏ nhưng thiết thực, với tinh thần “Mình vì mọi người, mọi người vì mình”, san sẻ, yêu thương và hỗ trợ khi xã hội cần, phát huy tinh thần theo lời dạy của Bác: “Đâu cần thanh niên có - Đâu khó có thanh niên”đã đóng góp một phần sức mình trên mặt trận chống dịch của cộng đồng, với một niềm tin sâu sắc đối với Đảng, Nhà nước, cùng cả nước góp sức, toàn Đảng, toàn dân đồng lòng, thống nhất ý chí và hành động, cùng với sự giúp đỡ chí tình của đồng bào ta ở nước ngoài và bạn bè quốc tế, nhất định chúng ta sẽ chiến thắng đại dịch Covid-19 và phải chiến thắng cho bằng được, góp phần xứng đáng vào sự nỗ lực chung của toàn nhân loại vì một thế giới an toàn, lành mạnh, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và thịnh vượng, xứng đáng với truyền thống anh hùng vẻ vang của Đất nước ta, dân tộc ta, như chính lời kêu gọi của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Mặt khác, bên cạnh những hiệu quả thiết thực thì ở một nơi nào đó trên đất nước Việt Nam, cũng đã có những người con đất Việt đã ngã xuống trên mặt trận chống dịch, nhưng vẫn kiên trì một lòng, với một ý chí quyết tâm, tinh thần “Chống dịch như chống giặc”, đã để lại trong lòng mỗi chúng ta sự tri ân về hình ảnh cao đẹp của họ, khi đất nước đã không còn tiếng súng nhưng vẫn thấy đâu đó hình ảnh những con người đã ngã xuống trong thời bình, vì lợi ích quốc gia, dân tộc. Có thể nói, đây chính là hình ảnh khắc họa chân thực nhất, rõ nét nhất về lời dạy của Bác và tấm gương của Đại tướng, người học trò đã thực hiện lời dạy của Bác bằng chính phong cách sống, học tập và làm việc của mình. Một câu nói, một lời dạy của Bác tưởng chừng đơn giản, nhưng nội hàm lại ẩn chứa giá trị cao cả mà thế hệ thanh niên, đảng viên trẻ ngày nay phải học tập và thực hiện suốt đời, như những câu thơ của Trung tướng Hồng Cư, nguyên Cục trưởng Cục Văn hóa Quân đội:         

Trí, dũng, nhân, tín, kiên, trung - Anh toàn vẹn

Dĩ công vi thượng một tầm cao

Danh tướng thời đại Hồ Chí Minh nên gương sáng

Danh tướng của muôn đời hạnh phúc sao”

                                          Thị Anh Kiều, Viện KSND huyện Tân Hồng