Xuất bản thông tin

null Một số vấn đề cần lưu ý khi kiểm sát việc giải quyết vấn đề dân sự trong giai đoạn điều tra

CHUYỂN ĐỔI SỐ VKS_HOATDONGNGANH

Một số vấn đề cần lưu ý khi kiểm sát việc giải quyết vấn đề dân sự trong giai đoạn điều tra

Thực tiễn khi giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự giai đoạn điều tra, còn trường hợp để xảy ra sai sót trong việc xác định đầy đủ và đúng tư cách của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan

= = = =

ảnh minh hoạ

Thực tiễn khi giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự giai đoạn điều tra, còn trường hợp để xảy ra sai sót trong việc xác định đầy đủ và đúng tư cách của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan cũng như chủ thể có trách nhiệm bồi thường trong các vụ án mà người phạm tội dưới 18 tuổi… dẫn đến việc trả hồ sơ để điều tra bổ sung hoặc bản án bị hủy, sửa.

Giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự là một trong những nguyên tắc cơ bản được quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2015. Nguyên tắc này mang tính bắt buộc đối với các cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án hình sự. Trong đó, trách nhiệm thực hiện là của Điều tra viên trong giai đoạn điều tra để làm cơ sở cho việc ra phán quyết của Tòa án. Tuy nhiên, trong thực tiễn khi giải quyết vấn đề này đôi lúc còn để xảy ra sai sót dẫn đến việc trả hồ sơ để điều tra bổ sung hoặc bản án bị hủy, sửa. Do đó việc nghiên cứu, nâng cao trách nhiệm của Viện kiểm sát khi kiểm sát giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự trong giai đoạn điều tra là cần thiết.

Căn cứ pháp lý của việc giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự

Giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự được quy định tại Điều 30 BLTTHS năm 2015, cụ thể: “Việc giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự được tiến hành cùng với việc giải quyết vụ án hình sự. Trường hợp vụ án hình sự phải giải quyết vấn đề bồi thường thiệt hại, bồi hoàn mà chưa có điều kiện chứng minh và không ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án hình sự thì vấn đề dân sự có thể tách ra để giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự”.

Nguyên tắc này có ý nghĩa góp phần làm cho việc giải quyết vụ án triệt để, toàn diện, tiết kiệm chi phí, thời gian, tiền bạc của Nhà nước, của người tham gia tố tụng. Tuy BLTTHS năm 2015 chỉ có một điều quy định về giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự nhưng để giải quyết vấn đề này cần căn cứ vào các quy định khác của BLTTHS, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Dân sự năm 2015 và các văn bản hướng dẫn thi hành…

Vấn đề dân sự trong vụ án hình sự bao gồm đòi trả lại tài sản bị chiếm đoạt, đòi bồi thường giá trị tài sản bị chiếm đoạt nhưng bị mất hoặc bị hủy hoại, bị làm hư hỏng, buộc phải sửa chữa tài sản bị hư hỏng, đòi bồi thường thiệt hại về lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản…; chi phí hợp lý để ngăn chặn, khắc phục thiệt hại do tài sản bị chiếm đoạt; đòi bồi thường thiệt hại về vật chất và tinh thần do tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm…

Một số vấn đề cần lưu ý khi kiểm sát việc giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự giai đoạn điều tra

Thứ nhất, cần nắm quy định chỉ được tách vấn đề dân sự trong vụ án hình sự để giải quyết bằng vụ án dân sự khi đáp ứng điều kiện “giải quyết vấn đề bồi thường thiệt hại, bồi hoàn mà chưa có điều kiện chứng minh và không ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án hình sự”. Tuy nhiên, như thế nào là “chưa có điều kiện chứng minh” và “không ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án hình sự” còn nhiều cách hiểu khác nhau nên cần sớm có văn bản hướng dẫn để tránh trường hợp tách một cách tùy tiện, ảnh hưởng đến quyền lợi của bị hại, nguyên đơn dân sự. Mặt khác, quy định này cũng phần nào ảnh hưởng đến quyền tự định đoạt của chủ thể bị thiệt hại, bởi họ đã có quyền yêu cầu hoặc không yêu cầu bồi thường thì cũng nên trao cho họ quyền được yêu cầu giải quyết bằng một vụ án dân sự.

Thứ hai, cần chú ý xác định đúng tư cách, đầy đủ người có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại (bị hại, nguyên đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan). Đây là một trong những thiếu sót dễ dẫn đến trả hồ sơ điều tra bổ sung, hủy, sửa án. Ví dụ như sai sót trong xác định người bị hại trong các vụ án trộm cắp tài sản là chủ sở hữu tài sản hay người quản lý, người sử dụng tài sản vào thời điểm bị chiếm đoạt. Không làm rõ những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị hại trong các vụ án tai nạn giao thông dẫn đến chết người để làm rõ yêu cầu của họ…

Thứ ba, cần chú ý xác định chủ thể có trách nhiệm bồi thường hoặc trách nhiệm liên đới bồi thường, năng lực trách nhiệm dân sự, độ tuổi khi thực hiện hành vi phạm tội, nhất là trong các vụ án thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ, do người phạm tội là người dưới 18 tuổi, người làm công, người học nghề… gây ra.

Thứ tư, cần xác định thời hạn hưởng bồi thường thiệt hại do tính mạng, sức khỏe bị xâm phạm hoặc trách nhiệm cấp dưỡng cho cha mẹ, con chưa thành niên của bị hại. Đây là những thiếu sót thường xảy ra trong quá trình điều tra vụ án, dẫn đến việc xác định sai thời hạn hưởng bồi thường, hoặc không làm rõ trách nhiệm cấp dưỡng cho cha mẹ, con chưa thành niên…

Thứ năm, mặc dù không quy định cụ thể trong BLTTHS nhưng trong quá trình điều tra, Điều tra viên thường chủ động cho bị hại và bị can thỏa thuận bồi thường phần trách nhiệm dân sự, việc thỏa thuận bồi thường được lập thành biên bản. Trường hợp các bên thỏa thuận được về mức bồi thường và tiến hành việc giao nhận tiền bồi thường trong quá trình điều tra thì khi chuyển sang giai đoạn xét xử thường không phát sinh vấn đề. Tuy nhiên, trường hợp các bên thỏa thuận được về mức bồi thường nhưng chưa tiến hành việc giao nhận tiền bồi thường do bị can chưa có khả năng và đề nghị Điều tra viên lập biên bản ghi nhận về việc thỏa thuận mức bồi thường thì khi chuyển sang giai đoạn xét xử tại phiên tòa thường phát sinh việc một trong các bên không đồng ý với mức bồi thường trước đây mặc dù không cung cấp được chứng cứ nào mới dẫn đến việc thay đổi mức bồi thường. Do đó, theo tác giả, cần có quy định buộc các bên phải thực hiện việc bồi thường theo biên bản đã tự nguyện thỏa thuận trong giai đoạn điều tra nếu không có chứng cứ nào mới dẫn đến việc thay đổi mức bồi thường. Đây cũng là căn cứ để Tòa án tuyên ghi nhận sự tự nguyện thỏa thuận và không tính án phí theo Nghị quyết số 326/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Thứ sáu, để bảo đảm giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự giai đoạn điều tra đạt hiệu quả, Kiểm sát viên cần chủ động nâng cao trách nhiệm thực hành quyền công tố, gắn công tố với hoạt động điều tra. Đối với các vụ án trộm cắp tài sản, hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản… cần chú ý kiểm sát việc thông báo kết quả định giá theo khoản 2 Điều 222 BLTTHS năm 2015 để họ biết và thực hiện quyền trình bày ý kiến và đề nghị định giá lại. Bởi đây là căn cứ để xem xét mức bồi thường trong trường hợp các bên không tự thỏa thuận được với nhau. Đối với các vụ án tai nạn giao thông cần làm rõ độ tuổi bị cáo, chủ sở hữu của nguồn nguy hiểm cao độ, những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của bị hại, những người bị hại có trách nhiệm nuôi dưỡng…

Trong quá trình điều tra, phải bảo đảm đã giải thích cho bị can về việc bồi thường trách nhiệm dân sự là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, không phải chịu án phí dân sự để bị can, người có trách nhiệm bồi thường cân nhắc quyết định.

Kiểm sát viên cũng cần thực hiện nghiêm Điều 63 Quy chế về công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra và truy tố được ban hành kèm theo Quyết định số 111/QĐ-VKSTC ngày 17/4/2020 về kiểm sát kết thúc điều tra; cần chú ý đánh giá việc giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự đã chính xác, đầy đủ cơ sở để Tòa án ra phán quyết chưa. Trong trường hợp còn ý kiến khác với ý kiến của Điều tra viên thì Kiểm sát viên cần thông báo với lãnh đạo 02 ngành xem xét chỉ đạo, tránh trường hợp trả hồ sơ điều tra bổ sung./.

Trần Xuân Hải -

Bài viết được đăng trên trang Kiemsat.vn và Tạp chí kiểm sát