Xuất bản thông tin

null Vì sao chọn ngày 09/11 là Ngày Pháp luật Việt Nam?

Chi tiết bài viết VKS_HOATDONGNGANH

Vì sao chọn ngày 09/11 là Ngày Pháp luật Việt Nam?

Ngày 09 tháng 11 năm 1946 là ngày bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa được ra đời, đánh dấu mốc son chói lọi trong lịch sử pháp lý của dân tộc

= = = = =

 

Những tư tưởng lập hiến, những giá trị dân chủ, quyền con người, quyền công dân, tư tưởng và mô hình tổ chức nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân được ghi nhận trong Hiến pháp năm 1946 luôn là sợi chỉ đỏ xuyên suốt tất cả các bản hiến pháp và toàn bộ hệ thống pháp luật của nước ta.

Nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người trong xã hội, ngày 09 tháng 11 hằng năm được chọn là ngày Pháp luật và đã chính thức được thể chế hóa trong Luật phổ biến giáo dục pháp luật năm 2013, Điều 8 Luật phổ biến, giáo dục pháp luật quy định: “Ngày 09/11 hằng năm là Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Đây là ngày diễn ra nhiều hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật nhằm nâng cao ý thức của người dân về việc tuân thủ, chấp hành pháp luật. Với mục tiêu xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, cùng với việc phổ biến, giáo dục pháp luật, đưa pháp luật vào cuộc sống.

 

Thực hiện Quyết định số 1211/QĐ-BTP ngày 30/7/2021 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Kế hoạch hưởng ứng Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2021 của Bộ Tư pháp. Bộ Tư pháp đã phối hợp với Đài Tiếng nói Việt Nam xây dựng clip âm thanh quảng bá, cổ động hưởng ứng Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam với nội dung: “Hưởng ứng Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam - 09/11, toàn dân nâng cao ý thức tôn trọng, tuân theo Hiến pháp và pháp luật. Mỗi cơ quan, tổ chức, cá nhân bằng những hành động, việc làm cụ thể, tích cực, tự giác học tập, tìm hiểu pháp luật với phương châm “hiểu pháp luật để sống đúng, sống hạnh phúc”, góp phần thiết thực vào công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân”.

Thông qua Ngày Pháp luật giúp cho mọi tổ chức, cá nhân, công dân có ý thức tuân thủ pháp luật tốt hơn, cũng là dịp để đánh giá lại những kết quả đã đạt được và những hạn chế trong hoạt động xây dựng, thực thi pháp luật. Qua đó, những người thi hành pháp luật cũng sẽ nhận được những thông tin phản hồi, những quan điểm đánh giá về tất cả các quy định pháp luật cũng như cách thức thực hiện, hiệu quả của hệ thống pháp luật đối với đời sống xã hội. Từ đó hoàn thiện hơn hệ thống pháp luật, cũng như cải thiện, nâng cao hoạt động của hệ thống tư pháp. Ngày Pháp luật có ý nghĩa giáo dục sâu sắc trong việc đề cao giá trị của pháp luật trong nhà nước pháp quyền, hướng mọi tổ chức, cá nhân tính tích cực tham gia với hành vi, thái độ xử sự pháp luật đúng đắn. Đề cao quyền cũng như trách nhiệm, nghĩa vụ của mỗi công dân nói chung và cán bộ, công chức, viên chức nói riêng trong học tập, tìm hiểu pháp luật và tự giác chấp hành pháp luật. Góp phần nâng cao ý thức niềm tin pháp luật, từng bước xây dựng nâng cao văn hóa pháp lý trong đời sống xã hội. Đồng thời đây là mô hình để vận động, khuyến khích kêu gọi toàn thể nhân dân chung sức, đồng lòng vì sự nghiệp xây dựng và hoàn thiện đất nước. Trên cơ sở đó, nhắc nhở giáo dục cán bộ, công chức, viên chức phải gương mẫu, tự giác tuân thủ, chấp hành, bảo vệ Hiến pháp và pháp luật./.

Tuyết Minh_VKSND huyện Tháp Mười