Xuất bản thông tin

null Những điểm mới của luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015

Chi tiết bài viết VKS_HOATDONGNGANH

Những điểm mới của luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015

Nội dung cơ bản của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự tập trung vào các nội dung để đáp ứng yêu cầu của Hiệp định CPTPP,

= = =

          Tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, chiều 12/11, sau khi nghe giải trình, tiếp thu, chỉnh lý, Quốc hội đã tiến hành biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 có 02 Điều (gồm Điều 1 và Điều 2), trong đó, Điều 1 sửa đổi 06 điều của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, Điều 2 sửa đổi 01 điều của Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự năm 2015 và quy định về hiệu lực thi hành. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/12/2021.

          Nội dung cơ bản của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự tập trung vào các nội dung để đáp ứng yêu cầu của Hiệp định CPTPP, để khắc phục những khó khăn, vướng mắc do tác động của tình hình dịch bệnh Covid – 19 và quy định trách nhiệm kiểm tra, xác minh sơ bộ tố giác, tin báo về tội phạm cho Công an xã. Theo đó, đã sửa đổi, bổ sung các nội dung sau:

          Thứ nhất: sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 146 Bộ luật Tố tụng hình sự như sau:

          “3. Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, lập biên bản tiếp nhận, tiến hành kiểm tra, xác minh sơ bộ và chuyển ngay tố giác, tin báo về tội phạm kèm theo tài liệu, đồ vật có liên quan cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền.

          Việc sửa đổi này nhằm tăng cường trách nhiệm của Công an xã, phát huy hết được nguồn lực của Công an xã trong bối cảnh lực lượng này đã từng bước được tổ chức chính quy, kịp thời giảm tải khối lượng công việc hiện đang rất lớn cho Cơ quan điều tra Công an cấp huyện.

          Thứ hai: sửa đổi khoản 1 Điều 155 và khoản 8 Điều 157 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.

          “Sửa đổi, bổ dung khoản 1 Điều 155 như sau:

          1. Chỉ được khởi tố vụ án hình sự về tội quy định tại khoản 1 các Điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155 và 156 của Bộ luật Hình sự khi có yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện của bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc đã chết”

          “Sửa đổi, bổ sung khoản 8 Điều 157 như sau:

          8. Tội quy định tại khoản 1 các Điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155 và Điều 156 của Bộ luật hình sự mà bị hại hoặc người đại diện của bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc đã chết không có yêu cầu khởi tố”.

          Theo đó đã bỏ nội dung dẫn chiếu đến Điều 226 Bộ luật Hình sự (Tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp). Việc sửa đổi này nhằm tương thích với điểm g khoản 6 Điều 18.77 Hiệp định CPTPP đối với nội dung cho phép cơ quan có thẩm quyền có thể khởi tố vụ án hình sự về hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu mà không cần yêu cầu của người bị hại. Điều 226 Bộ luật Hình sự quy định về xử lý hình sự đối với các hành vi xâm phạm quyền sử hữu công nghiệp đối với cả nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ tại Việt Nam. Hiệp định CPTPP chỉ đặt ra yêu cầu phải bỏ quy định dẫn chiếu đến hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu theo khoản 1 Điều 226 Bộ luật Hình sự. Tuy nhiên, Quốc hội quyết định thực hiện cơ chế này đối với cả chỉ dẫn địa lý để tương tự với cơ chế bảo vệ bằng thủ tục tố tụng hình sự đối với nhãn hiệu, qua đó, tăng cường bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp đối với chỉ dẫn địa lý.

          Thứ ba: Bổ sung điểm c vào sau điểm b khoản 1 Điều 148, bổ sung điểm d vào sau điểm c khoản 1 Điều 229 và bổ sung điểm d vào sau điểm c khoản 1 Điều 247 Bộ luât Tố tụng hình sự như sau:

          “Bổ sung điểm c vào sau điểm b khoản 1 Điều 148 như sau:

          c) Vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh mà không thể kết thúc việc kiểm tra, xác minh để quyết định khởi tố hoặc không khởi tố vụ án.

          Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao chủ trì, phối hợp với Bộ Trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ khác có liên quan quy định việc phối hợp thực hiện điểm này”

          “Bổ sung điểm d vào sau điểm c khoản 1 Điều 229 như sau:

          d) Khi không thể kết thúc điều tra vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh nhưng đã hết thời hạn điều tra.

          Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và Bộ trưởng, Thủ trưởng Cơ quan ngang bộ khác có liên quan quy định việc phối hợp thực hiện điểm này.”

          “Bổ sung điểm d vào sau điểm c khoản 1 Điều 247 như sau:

          d) Khi không thể tiến hành các hoạt động tố tụng để quyết định  việc truy tố vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh nhưng đã hết thời hạn quyết định việc truy tố.

          Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và Bộ trưởng, Thủ trưởng Cơ quan ngang bộ khác có liên quan quy định việc phối hợp thực hiện điểm này”

          Việc sửa đổi, bổ sung như trên nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc rất cấp bách trong quá trình giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự, thích ứng tốt hơn với thực tế tình hình thiên tai, lũ lụt nghiêm trọng xảy ra ở một số địa phương thời gian qua và diễn biến phức tạp của đại dịch Covid – 19 hiện nay, nhất là trong bối cảnh thực hiện việc giãn cách, cách ly.

          Với việc Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự và chính thức có hiệu lực từ ngày 01/12/2021 đã kịp thời tạo khung pháp ly vững chắc để các cơ quan tiến hành tố tụng thống nhất thực hiện, khắc phục được nhiều khó khăn, vướng mắc trong hoạt động tố tụng phát sinh thời gian qua, cũng như đáp ứng tốt cho quá trình hội nhập quốc tế, nhất là Hiệp định CPTPP./.

Phạm Tuấn Kiệt