Xuất bản thông tin

null Khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn Thi hành án Dân sự liên quan đến quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất

CHUYỂN ĐỔI SỐ VKS_HOATDONGNGANH

Khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn Thi hành án Dân sự liên quan đến quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất

Trong thực tiễn thi hành bản án dân sự nói chung, một số quy định của pháp luật về thi hành án dân sự nói riêng vẫn còn gặp nhiều bất cập cần sớm được khắc phục

= = =

 

Có thể nói, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự (THADS) năm 2014, đặc biệt là Nghị định 62/2015/NĐ-CP quy định chi tiết hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự ra đời đã tạo cơ sở pháp lý  để phát huy hiệu lực, hiệu quả trong công tác thi hành án dân sự, theo đó bản án, quyết định của Toà án nhân dân có hiệu lực pháp luật phải được cơ quan, tổ chức, cá nhân tôn trọng; cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan phải nghiêm chỉnh chấp hành. Từ đó, đảm bảo hoạt động tổ chức thi hành án ngày càng  đi vào nề nếp, ổn định. Tuy vậy, trong thực tiễn thi hành bản án dân sự nói chung, một số quy định của pháp luật về thi hành án dân sự nói riêng vẫn còn gặp nhiều bất cập cần sớm được khắc phục. Đặc biệt là quá trình giải quyết các vụ việc liên quan đến quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, vẫn còn phát sinh nhiều khó khăn, vướng mắc khi thi hành, chủ yếu như:

Thứ nhất, khó khăn lớn nhất vẫn là hiệu quả thi hành án phụ thuộc vào điều kiện, khả năng thi hành của người phải thi hành án, nhưng đa số người phải thi hành án đều mất cân đối, khó khăn về tài chính, kinh doanh không hiệu quả, không có tài sản, thu nhập không ổn định; Nhiều vụ việc người phải thi hành án là cá nhân, nhưng tài sản đảm bảo thi hành án là của hộ gia đình hoặc số tiền phải thi hành án nhỏ nhưng giá trị tài sản để thi hành án rất lớn lại là khối tài sản chung.

Điển hình như vụ: Theo nội dung bản án tuên thì ông Nguyễn Thanh T phải thi hành nộp án phí 5.297.875 đồng. Qua kết quả xác minh thể hiện: Ông T không nghề nghiệp, sống phụ thuộc vào nguồn thu nhập làm thuê của con trai. Về tài sản: ngoài căn nhà cấp 4 xây dựng trên phần đất 123,6m2  cả gia đình đang ở thì ông T không còn tài sản nào khác có giá trị nên việc tổ chức thi hành cũng gặp nhiều khó khăn, phải vận động, thuyết phục người phải thi hành án nhiều lần để đương sự tự nguyện thi hành án, tránh việc cưỡng chế phát sinh nhiều chi phí.

Thứ hai, thông tin về tài sản phải thi hành án được mô tả trong các hồ sơ, tài liệu và bản án không đúng với thực tế: Vì tài sản là bất động sản khi thế chấp tại Ngân hàng để đảm bảo cho quan hệ tín dụng, các thông tin về tài sản được ghi trong hồ sơ tài sản thế chấp (hợp đồng thế chấp, biên bản định giá tài sản…), khi xét xử có nhiều trường hợp Tòa án không tiến hành xác minh thực tế chỉ căn cứ hồ sơ thế chấp để quyết định. Khi cơ quan thi hành án dân sự  tiến hành xác minh mới phát hiện có nhiều thông tin ghi trong hồ sơ tài sản, trong bản án không đúng với thực tế, đặc biệt là các vụ Tòa công nhận thỏa thuận của các đương sự (diện tích đất chênh lệch, chồng lấn, phát sinh tài sản hoặc công trình trên đất, thông tin về tài sản không rõ ràng…) gây nhiều khó khăn cho cơ quan Thi hành án dân sự trong quá trình tổ chức thi hành.

Điển hình:

Theo bản án phúc thẩm số: 345/2018/DS-PT ngày 22/11/2018 của Tòa án nhân dân tỉnh X: “Buộc hộ ông Nguyễn Nhựt H, bà Võ Thị Mộng T trả lại phần lấn chiếm ranh giới quyền sử dụng đất (QSDĐ) cho hộ ông Trần Hoàng E kích thước phía trước là 48mm, kích thước phía sau là 79mm, chiều dài 15,40m. Ranh giới QSDĐ giữa 02 hộ là hai trụ đá đã được xác định theo đường thẳng từ mốc 1 kéo đến mốc 5. Ranh giới QSDĐ được xác định theo chiều thẳng đứng từ mặt đất, không gian cho đến lòng đất”. Qua xem xét hiện trạng thực tế cho thấy, 02 nhà trên gần như liền vách nên việc thi hành cắt bỏ phần lấn chiếm để trả lại cho hộ ông E là rất khó thực hiện, nhân công không thể vào cắt thi hành theo nội dung bản án được. Hơn nữa, nhà ông H đã xây dựng kiên cố bằng bê tông cốt thép nên việc thi hành theo nội dung bản án là cắt bỏ phần kích thước phía trước là 48mm, kích thước phía sau là 79mm, chiều dài 15,40m sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ kết cấu ngôi nhà, có thể gây thiệt hại lớn. Để có cơ sở thi hành tiếp, Chi cục Thi hành án dân sự thành phố C có Công văn kiến nghị Tòa án nhân dân Cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh xem xét lại Bản án trên theo thủ tục giám đốc thẩm dẫn đến vụ việc còn kéo dài đến nay chưa thi hành xong.

Thứ ba, Bản án tuyên không đầy đủ hoặc tuyên không rõ ràng về phần tài sản phải thi hành: Trong thực tế có trường hợp bản án tuyên không đầy đủ hoặc tuyên không rõ ràng về phần tài sản phải thi hành án như  bỏ sót người có quyền lợi liên quan đến tài sản hoặc tuyên thiếu một bộ phận tài sản, tuyên không rõ về phạm vi, giới hạn quyền của người được thi hành đối với tài sản hoặc tuyên thiếu nghĩa vụ của người được thi hành án khi được nhận tài sản thi hành án… dẫn đến nhiều khó khăn trong tổ chức thi hành của cơ quan Thi hành án dân sự.

Điển hình:

Theo bản án phúc thẩm số: 133/2021/DS-PT ngày 19/04/2021 của Tòa án nhân dân tỉnh Y: Lê Thị Ng, Đặng Thanh Th và Mã Thành T có nghĩa vụ di dời tài sản giao trả cho Nguyễn Minh D đất diện tích 401,4m2 và 01 căn nhà cấp 3 gắn liền trên đất trong phạm vi từ các mốc 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8 đến mốc 1, thuộc thửa số 339, tờ bản đồ số 24, tọa lạc tại số 91, Phạm Hữu Lầu, phường 4, thành phố C, tỉnh Y (Kèm theo biên bản xem xét thẩm định tại chỗ ngày 22/02/2017 của Tòa án nhân dân thành phố C và bản đồ đo đạc ngày 20/4/2017 của Chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai thành phố C). Tiếp tục duy trì Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời số 01/2018/QĐ-BPKCTT ngày 28/01/2018 của Tòa án nhân dân thành phố C đến khi thi hành án xong…”.

Quá trình tổ chức thi hành án, tiến hành khảo sát thực địa toàn bộ diện tích đất và tài sản gắn liền với đất mà bà Lê Thị N, Đặng Thanh Th và Mã Thành T có nghĩa vụ di dời tài sản giao trả cho Nguyễn Minh D thì trên diện tích đất có các phòng cho thuê ở trọ gồm: 02 dãy phòng trọ, mỗi dãy có 03 phòng trọ, mỗi phòng có diện tích khoảng 16m2. Đồng thời, trên đất còn 01 căn nhà kho có diện tích khoảng 12m2, khung gỗ tạp, mái lợp tole đã cũ; 03 ngôi mộ,… mà phần nội dung Quyết định của bản án không đề cập đến dẫn đến Chi cục Thi hành án dân sự thành phố C không thể tổ chức thi hành được. Để có cơ sở thi hành tiếp, Chi cục Thi hành án dân sự thành phố C làm báo cáo đề xuất đưa ra họp Ban chỉ đạo thi hành án xin ý kiến, đồng thời có Công văn kiến nghị Tòa án nhân dân Cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh xem xét lại Bản án trên theo thủ tục giám đốc thẩm.

Thứ ba, sự phối hợp, hỗ trợ từ các cơ quan, ban ngành, tổ chức liên quan và chính quyền địa phương trong trường hợp người phải thi hành án không tự nguyện thi hành buộc cơ quan Thi hành án dân sự phải ra quyết định cưỡng chế thi hành. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau công tác phối hợp tại địa phương trong một số vụ việc còn chưa kịp thời dẫn đến việc thi hành án thường phải kéo dài, phát sinh nhiều chi phí. Đặc biệt là đối với các vụ việc cưỡng chế tài sản đang thế chấp tại Ngân hàng để thực hiện nghĩa vụ với bên thứ ba càng phức tạp hơn, trong những trường hợp này, kết quả tổ chức cưỡng chế thi hành án phụ thuộc phần lớn vào sự phối hợp, thiện chí của Ngân hàng đang nắm giữ tài sản.

Điển hình:

Theo quyết định sơ thẩm số: 96/2020/QĐDS-ST ngày 09/12/2020 của Tòa án nhân dân Tp C, tỉnh X: “Đỗ Thành N phải trả cho Lê Tấn M số tiền vốn 600.000.000 đồng và lãi chậm thi hành án”. Qua kết quả xác minh thể hiện: Anh N không có đăng ký thường trú, tạm trú tại địa phương. Về tài sản, anh N hiện đang đứng tên QSDĐ thuộc thửa 866, thửa 121 cùng tờ BĐ số 07, tọa lạc tại xã M, hiện 02 thửa đất đang thế chấp tại Ngân hàng Á Châu - CN tỉnh X. Từ đó, Chấp hành viên ra quyết định tạm dừng chuyển dịch tài sản đối với 02 thửa đất trên và ban hành văn bản đề nghị Ngân hàng Á Châu cung cấp thông tin các tài sản mà ông N thế chấp và phối hợp tổ chức thi hành án. Sau đó, Ngân hàng Á Châu có văn bản phúc đáp với Cơ quan thi hành án: Ông Đỗ Thành N và bà Phan Thị Bích L có vay và còn nợ Ngân hàng ACB tổng số tiền 1.221.937.118 đồng (vốn gốc: 1.213.530.000 đồng; lãi trong hạn: 6.985.000 đồng; lã quá hạn: 1.420.000 đồng), tài sản thế chấp là QSDĐ thuộc thửa 121 và 866, cùng tờ BĐ số 07; Ông N và bà L đang thực hiện đúng theo hợp đồng đã ký, Ngân hàng ACB không đồng ý để Cơ quan THADS kê biên, xử lý các tài sản thế chấp trên.

Hoặc trường hợp xử lý tài sản chung hộ nhưng đang thế chấp tại các tổ chức tín dụng:

Điển hình như vụ:  Theo nội dung bản án tuyên thì ông Lê Minh T phải thi hành nộp án phí số tiền 1.250.000 đồng và trả cho bà Nguyễn Thị Thanh Th số tiền 50.000.000 đồng. Qua kết quả xác minh thể hiện: Ông T hiện đang ở nhà phụ giúp gia đình làm ruộng, chăn nuôi nhỏ lẻ (nuôi vịt). Về tài sản: nhà và đất (ONT + LN), diện tích 712m2  tại thửa 195 và đất (LUC), diện tích 1.343m2, cùng tờ bản đồ số 32, tọa lạc xã M do hộ ông Lê Văn C ( là cha ruột ông T và cùng hộ khẩu thường trú với ông T) đứng tên QSDĐ. Hiện tài sản đang thế chấp cho NHNN và PTNN - Chi nhánh TP C để vay số tiền 150.000.000 đồng.

Từ những khó khăn, vướng mắc trên cho thấy việc thi hành các bản án dân sự liên quan đến QSDĐ tài sản gắn liền với đất đang là một trở ngại rất lớn đối với công tác Thi hành án dân sự nói chung, công tác kiểm sát thi hành án dân sự nói riêng. Để các bản án đã có hiệu lực của Tòa án được thi hành nhanh chóng, dứt điểm, đúng pháp luật, bảo đảm quyền lợi của người được thi hành án, thiết nghĩ trong thời gian tới các cơ quan tư pháp cần làm tốt một số nội dung sau:

Một là, trong quá trình xét xử các vụ án, Tòa án hết sức cẩn trọng, tỉ mỉ hơn trong việc xác minh hiện trạng tài sản, xác minh những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan để đảm bảo bản án được tuyên một cách rõ ràng, đầy đủ nhất, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác thi hành án.

Hai là, tăng cường phối hợp giữa với các ngành, các cơ quan liên quan trong công tác thi hành án dân sự để giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong việc tổ chức thi hành án. Đồng thời cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan như Công an, Tòa án, VKS, THADS trong việc ngăn chặn người phải thi hành án tẩu tán tài sản, đảm bảo các bản án của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật được thi hành nghiêm minh, kịp thời.

Ba là, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến người dân, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân nói chung, người phải thi hành án nói riêng.

Trên đây là  kết quả tổng hợp một số khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực tiễn tại địa phương thời gian qua, rất mong nhận được sự quan tâm trao đổi ý kiến của đồng nghiệp và bạn đọc./.

Nguyễn Minh Tâm - Viện KSND TP Cao Lãnh