Xuất bản thông tin

null Sự cần thiết thay đổi quy định của bộ luật hình sự về tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản

CHUYỂN ĐỔI SỐ VKS_HOATDONGNGANH

Sự cần thiết thay đổi quy định của bộ luật hình sự về tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản

Từ thực tế trên cho thấy, việc quy định thành hai tội danh hủy hoại và cố ý làm hư hỏng tài sản không cho thấy sự khác nhau trong việc phân hóa tội phạm hay phục vụ gì khác cho công tác đấu tranh phòng chống tội phạm...

= = =

 

          Quyền sở hữu tài sản là quyền cơ bản của công dân được Hiến pháp và pháp luật Việt Nam thừa nhận và bảo vệ. Mọi hành vi xâm phạm quyền sở hữu tài sản của cá nhân, cơ quan, tổ chức tùy mức độ vi phạm sẽ phải chịu sự chế tài của pháp luật. Đối với lĩnh vực hình sự, tại Chương XVI của Bộ luật Hình sự có  13 điều luật điều chỉnh các tội phạm xâm phạm sở hữu. Đây là công cụ pháp lý quan trọng góp phần bảo vệ quyền sở hữu tài sản, cũng như đấu tranh trấn áp, phòng ngừa các hành vi vi phạm.

          Trong Chương các tội phạm xâm phạm sở hữu, tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản xảy ra khá nhiều với sự đa dạng trong phương thức và thủ đoạn thực hiện nhưng phổ biến nhất là đốt cháy, đập phá, chặt phá... Điều 178 Bộ luật Hình sự gồm hai tội danh được ghép chung trong một điều luật. Việc xác định hành vi phạm tội hủy hoại tài sản hay cố ý làm hư hỏng tài sản tùy thuộc vào mức độ thiệt hại của tài sản; nếu tài sản bị thiệt hại hoàn toàn, mất hẳn giá trị sử dụng thì xác định là tội hủy hoại tài sản và nếu tài sản chỉ bị hư hỏng một bộ phận thành phần trong tổng thể, có thể khắc khục, sửa chữa để tiếp tục sử dụng thì xác định là tội cố ý làm hư hỏng tài sản. Cả hai tội danh phải đảm bảo định lượng giá trị tài sản bị thiệt hại từ 2.000.000 đồng trở lên hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng phải đảm bảo các điều kiện về tiền án, tiền sự.

Ảnh: sưu tầm.

          Thực tiễn công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát giải quyết nguồn tin về tội phạm, kiểm sát điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự đối với hai tội danh này cho thấy: về định lượng tối thiểu giá trị tài sản bị thiệt hại để truy cứu trách nhiệm hình sự, về loại hình phạt áp dụng, mức hình phạt, các tình tiết định khung cơ bản, định khung tăng nặng đã phù hợp với thực tiễn, đảm bảo cho công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm. Bên cạnh đó, đối với hai tội danh này, trong quá trình xử lý cũng phát sinh rất nhiều bất cập, vướng mắc, khó khăn. Cụ thể như sau:

          Thứ nhất: Việc quy định thành hai tội danh Hủy hoại tài sản, Cố ý làm hư hỏng tài sản và ghép chung vào cùng một Điều 178 Bộ luật Hình sự gây khó khăn trong việc xác định tội danh.

          Khó khăn xuất phát từ việc đánh giá thế nào là thiệt hại hoàn toàn, không còn khả năng khôi phục, sửa chữa hoặc mất hẳn giá trị sử dụng của tài sản và thế nào là hư hỏng có thể khôi phục, sửa chữa. Điển hình trong các vụ việc liên quan đến hành vi chặt phá cây trồng. Đối tượng thực hiện hành vi chặt phá nhiều cây trồng, trong đó có cây thì bị chặt tận gốc, có cây bị chặt ngang thân, có cây thì chỉ bị chặt cành, chặt trái non. Đối với cây trồng là loại tài sản được hình thành từ việc gieo trồng, chăm sóc của chủ sở hữu trong một quá trình dài hạn. Việc bị chặt phá nêu trên không làm thiệt hại hoàn toàn tài sản vì phần gốc của cây vẫn sẽ tiếp tục sinh trưởng, phát triển nếu được chăm sóc tốt, nhưng phần thiệt hại đối với những phần cây bị chặt phá là không thể khắc phục, sửa chữa. Đối với trường hợp này rất khó khăn trong quá trình xác định tội danh là Hủy hoại tài sản hay Cố ý làm hư hỏng tài sản.

          Thứ hai: Trường hợp trong cùng một lần thực hiện hành vi, đối tượng vừa hủy hoại tài sản vừa cố ý làm hư hỏng tài sản trong khi chỉ có một trong hai hành vi đó có giá trị tài sản bị thiệt hại trên 2.000.000 đồng (Trường hợp đối tượng thực hiện không có tiền án, tiền sự theo quy định) thì phần giá trị bị thiệt hại dưới 2.000.000 đồng có được cộng chung với phần giá trị tài sản trên 2.000.000 đồng để tính tổng định lượng xử lý hay không. Thực tế công tác xử lý đối với loại tội phạm này, các cơ quan tiến hành tố tụng sẽ cộng phần giá trị tài sản thiệt hại dưới 2.000.000 đồng vào để tính tổng giá trị truy cứu trách nhiệm hình sự.

          Thứ ba: Trường hợp trong cùng một lần thực hiện hành vi, đối tượng vừa hủy hoại tài sản, vừa cố ý làm hư hỏng tài sản, giá trị tài sản bị thiệt hại của mỗi hành vi là dưới 2.000.000 đồng, nhưng tổng giá trị tài sản bị thiệt hại của hai hành vi thì lại trên 2.000.000 đồng (Trường hợp đối tượng thực hiện không có tiền án, tiền sự theo quy định), vậy có lấy tổng giá trị tài sản bị thiệt hại này để truy cứu trách nhiệm hình sự hay không, và nếu truy cứu thì sẽ truy cứu về tội gì. Thực tế công tác xử lý đối với loại tội phạm này, các cơ quan tiến hành tố tụng sẽ cộng tổng giá trị tài sản bị thiệt hại để truy cứu trách nhiệm hình sự và về tội danh hủy hoại cố ý làm hư hỏng tài sản.

          Từ thực tế trên cho thấy, việc quy định thành hai tội danh hủy hoại và cố ý làm hư hỏng tài sản không cho thấy sự khác nhau trong việc phân hóa tội phạm hay phục vụ gì khác cho công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, nhưng lại mang đến nhiều khó khăn trong quá trình đánh giá, xác định tội danh của các cơ quan tiến hành tố tụng. Một số vụ án bị cấp phúc thẩm hủy Bản án vì lý do xác định không đúng tội danh.

          Từ đó, xét thấy cần thiết phải có sự điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung quy định tại Điều 178 Bộ luật Hình sự cho phù hợp với thực tế. Theo quan điểm cá nhân của tác giả, đề xuất sửa đổi theo hướng như sau:

          Thứ nhất: không quy định thành hai tội danh và ghép chung vào một điều luật như hiện tại. Thứ hai: chỉ quy định một tội danh để điều chỉnh về cả hai hành vi hủy hoại tài sản và cố ý làm hư hỏng tài sản. Thứ ba: sửa tên tội danh quy định tại Điều 178 Bộ luật Hình sự thành “Tội cố ý gây thiệt hại tài sản của người khác”.

          Việc quy định như trên sẽ góp phần giải quyết những khó khăn, vướng mắc hiện tại mà vẫn đảm bảo đấu tranh đối với loại tội phạm này. Bên cạnh đó, việc đánh giá mức độ thiệt hại của tài sản (thiệt hại hoàn toàn hay chỉ hư hỏng) lúc này sẽ là căn cứ để các cơ quan tiến hành tố tụng đánh giá tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của người thực hiện hành vi, đảm bảo việc phân hóa người phạm tội./.

Phạm Tuấn Kiệt – Kiểm sát viên sơ cấp Viện KSND huyện Tháp Mười.