Xuất bản thông tin

null Trao đổi về phạm vi hiệu lực của di chúc

CHUYỂN ĐỔI SỐ VKS_HOATDONGNGANH

Trao đổi về phạm vi hiệu lực của di chúc

Thừa kế đã trở thành một nhu cầu không thể thiếu được đối với đời sống của mỗi cá nhân, gia đình, cộng đồng xã hội. Trong mỗi nhà nước, mỗi giai cấp, mỗi giai tầng chính trị mặc dù có những xu thế chính trị khác nhau...

= = =

Trong bất kỳ chế độ xã hội có giai cấp nào thì vấn đề thừa kế cũng có vị trí đặc biệt quan trọng trong các chế định pháp luật, đây là một hình thức pháp lý quan trọng để bảo vệ các quyền công dân nói chung, vừa bảo đảm quyền sở hữu tài sản được thông suốt, vừa bảo đám tính nhân văn của pháp luật. Chính vì vậy, thừa kế đã trở thành một nhu cầu không thể thiếu được đối với đời sống của mỗi cá nhân, gia đình, cộng đồng xã hội. Trong mỗi nhà nước, mỗi giai cấp, mỗi giai tầng chính trị mặc dù có những xu thế chính trị khác nhau, nhưng đều coi vấn đề thừa kế là một trong những quyền cơ bản của công dân, điều đó đều được quy định rất cụ thể trong Hiến pháp (đạo luật cao nhất) của quốc gia mình.

Hiến pháp năm 2013 quy định “Quyền sở hữu tư nhân và quyền thừa kế được pháp luật bảo hộ", thể chế hóa tinh thần của Hiến pháp năm 2013, Bộ luật Dân sự năm 2015 đã có các quy định về quyền thừa kế nhằm bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của công dân: “Cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình; để lại tài sản của mình cho người thừa kế theo pháp luật; hưởng di sản thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật; Người thừa kế không là cá nhân có quyền hưởng di sản theo di chúc”

Nhìn chung Bộ luật dân sự năm 2015 và các văn bản hướng dẫn đã quy định khá đầy đủ và chi tiết về quyền thừa kế, thừa kế theo di chúc và thừa kế theo pháp luật. Tuy nhiên thực tiễn áp dụng pháp luật luôn phát sinh những tình huống mà pháp luật chưa quy định, quy định chưa rõ ràng hoặc có sự nhận thức khác nhau giữa các chủ thể nghiên cứu. Tình huống liên quan đến chế định thừa kế mà tác giả trao đổi dưới đây là một ví dụ.

Nội dung vụ án: Cụ A và cụ B là vợ chồng, có tạo lập được khối tài sản chung trong đó có quyền sử dụng 27.000m2 đất tranh chấp. Vợ chồng cụ A có 6 người con, trong đó có ông X và ông Y. Năm 2016 cụ A lập di chúc bằng văn bản (di chúc hợp pháp) phân chia tài sản cho các con, đối với 27.000m2 cụ A để lại cho ông X canh tác và lo việc thờ cúng. Năm 2017 cụ B mất, năm 2019 cụ A mất. Nay ông Y khởi kiện yêu cầu chia 27.000m2 theo pháp luật, cho rằng di chúc do cụ A lập định đoạt luôn cả phần tài sản của cụ B nên di chúc này vô hiệu.

bàn về hiệu lực Di chúc

 

Trong quá trình giải quyết vụ án, các đồng thừa kế khác (ngoài X và Y) đều trình bày ý kiến là họ đã được phân chia di sản, không có tranh chấp hay yêu cầu gì đối với vụ án này và từ bỏ quyền hưởng thừa kế di sản nếu như họ được hưởng trong vụ án này.

Qua nghiên cứu, giải quyết vụ án phát sinh ba quan điểm:

Quan điểm thứ nhất cho rằng di chúc của cụ A vô hiệu một phần đối với 13.500m2 đất tranh chấp (là di sản của cụ B), phần còn lại vẫn có hiệu lực. Đối với phần 13.500m2 di sản của cụ B, do cụ B chết không để lại di chúc nên phần di sản này sẽ được chia theo pháp luật. Tại thời điểm cụ B chết, hàng thừa kế thứ nhất của cụ B bao gồm cụ A, ông X, ông Y (các đồng thừa kế khác đã từ chối nhận di sản). Mỗi người sẽ nhận được 13.500m2/3=4.500m2. Do đó di sản của cụ A sẽ là 13.500m2 + 4.500m2= 18.000m2. Từ đó ông X sẽ được hưởng 18.000m2 + 4.500m2 = 22.500m2, ông Y được hưởng 4.500m2.

Quan điểm thứ hai thống nhất về việc di chúc của cụ A vô hiệu một phần, về việc di sản của cụ B là 13.500m2 và việc cụ A, ông X, ông Y mỗi người nhận được 4.500m2 di sản của cụ B. Tuy nhiên cho rằng phần 4.500m2 của cụ A thừa kế từ cụ B sẽ được chia theo pháp luật cho ông X và ông Y. Từ đó ông X sẽ được hưởng 13.500m2 + 4.500m2 + 4.500m2/2 = 20.250m2, ông Y được hưởng 4.500m2 + 4.500m2/2= 6.750m2.

Quan điểm thứ ba cũng thống nhất về việc di chúc của cụ A vô hiệu một phần, nhưng cho rằng đương sự khởi kiện yêu cầu chia thừa kế khi cụ A và cụ B đều đã mất nên di sản của các cụ sẽ được chia cho các con (theo di chúc và theo pháp luật), không có việc cụ A sẽ được hưởng một phần di sản từ cụ B. Theo đó ông X sẽ được hưởng 13.500m2 + 13.500m2/2 = 20.250m2, ông Y sẽ được hưởng 13.500m2/2 = 6.750m2.

Tác giả thống nhất với quan điểm thứ hai. Bởi vì cụ A lập di chúc định đoạt di sản của mình trong đó có 27.000m2 đất. Tại thời điểm lập di chúc, thực tế theo pháp luật cụ A chỉ có quyền định đoạt đối với 13.500m2 đất, phần còn lại là tài sản của cụ B. Khi cụ B chết không để lại di chúc thì cụ A sẽ được hưởng thêm 4.500m2 đất thừa kế theo pháp luật từ cụ B. Do nội dung di chúc không đề cập đến tài sản hình thành sau khi lập di chúc và từ lúc lập di chúc cho đến khi chết cụ A không sửa đổi, bổ sung di chúc của mình nên khi cụ A mất, phần 4.500m2 đất này sẽ được xem như di sản nằm ngoài phạm vi di chúc của cụ A và sẽ được chia theo pháp luật. Rất mong nhận được các ý kiến trao đổi, góp ý.

Quang Trí – VKSND huyện Cao Lãnh