Xuất bản thông tin

null Đồng Tháp: Đi “từng ngõ, gõ từng nhà” hỗ trợ dân từ gói 62.000 tỷ đồng

Trang chủ Báo chí với Đồng Tháp

Đồng Tháp: Đi “từng ngõ, gõ từng nhà” hỗ trợ dân từ gói 62.000 tỷ đồng

Trong việc hỗ trợ người dân gặp khó khăn do Covid-19, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Văn Dương đã chỉ đạo ngành chức năng đi “từng ngõ, gõ từng nhà”, xác định đúng và đủ, tránh sai sót, trục lợi.

Liên quan đến công tác triển khai gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng của Chính phủ đến các nhóm người dân bị ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp, Phóng viên Dân trí có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp.

Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Văn Dương

Thưa ông, tới thời điểm này, UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 42/NQ-CP nhằm hỗ trợ người dân trên địa bàn bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 ra sao?

- Nhằm hỗ trợ tốt nhất cho những đối tượng khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành, địa phương cố gắng hết sức để gói hỗ trợ đến tận tay người dân một cách nhanh nhất, đảm bảo thực hiện rõ ràng, minh bạch, công khai, không tiêu cực, trục lợi.

Trên tinh thần đó, ngày 16/4, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 90 về thực hiện Nghị quyết số 42/NQ-CP. Theo đó, tỉnh đã tiến hành tổng hợp danh sách đối tượng được hỗ trợ; lập dự toán kinh phí hỗ trợ để đảm bảo Sở Tài chính thẩm định, đề xuất nguồn, trình UBND tỉnh bố trí kinh phí thực hiện.

Ngay khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 15/QĐ-TTg quy định các biện pháp thực hiện các chính hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, hôm 27/4, UBND tỉnh đã tổ chức hội nghị triển khai, hướng dẫn cụ thể cho các địa phương thống nhất thực hiện ngay trong cuối tháng 4 và đầu tháng 5.

Trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết 42/NQ-CP, UBND tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo, do Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng Ban. Chúng tôi cũng đặc biệt lưu ý các ngành, địa phương phải thật sự sâu sát trong khâu rà soát theo phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để đảm bảo hỗ trợ đúng đối tượng và không bỏ sót.

Việc hỗ trợ phải thực hiện trên nguyên tắc công khai, minh bạch, không để xảy ra lợi dụng, trục lợi chính sách, tham nhũng, tiêu cực.

Người lao động tìm việc tai Đồng Tháp (Ảnh: DVVL Đồng Tháp)

Để tránh những trường hợp sai sót, nhất là đối tượng gia đình chính sách, bảo trợ xã hội, hộ nghèo, UBND tỉnh đã có chỉ đạo gì, thưa ông?

- UBND tỉnh ưu tiên hỗ trợ cho 3 nhóm đối tượng gồm: Người có công với cách mạng, đối tượng bảo trợ xã hội, hộ nghèo và hộ cận nghèo. Chúng tôi đã yêu cầu UBND các huyện, thị xã và thành phố khẩn trương xác định và phê duyệt danh sách các đối tượng được hưởng hỗ trợ theo 3 nhóm đối tượng nêu trên bảo đảm kịp thời và chính xác.

Cụ thể, đối tượng người có công với cách mạng là 8.467 người; Nhóm đối tượng bảo trợ xã hội là 65.787 người; Đối tượng thuộc hộ nghèo 12.536 hộ, gồm 42.348 nhân khẩu, hộ cận nghèo 25.222 hộ, gồm 96.032 nhân khẩu. (tính đến ngày 31 tháng 12 năm 2019).

Tổng kinh phí dự kiến chi hỗ trợ cho 3 nhóm đối tượng nêu trên là 220 tỷ đồng, kính phí này lấy từ ngân sách Trung ương và địa phương, theo tỷ lệ 50/50.

Khi xác định xong được đối tượng nào thì sẽ chi trả ngay theo phương thức “cuốn chiếu”. Sau đó sẽ tiếp tục rà soát để hỗ trợ cho các nhóm đối tượng còn lại theo Nghị quyết 42/NQ-CP. 

Ngoài ra, tỉnh cũng đang rà soát và thống kê để sớm có kế hoạch hỗ trợ các nhóm đối tượng khác chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Thưa ông, lao động tự do là nhóm bị ảnh hưởng và giảm thu nhập sâu nhất vì dịch Covid-19, vậy công tác hỗ trợ sẽ được thực hiện ra sao?

- Lao động tự do là nhóm đối tượng khó xác định nhất, do đó UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương phải tiến hành rà soát kỹ lưỡng tránh bỏ sót.

Đặc biệt, chúng tôi cũng lưu ý chính quyền, đoàn thể các cấp phải quan tâm đến các đối tượng lao động có tính đặc thù tại địa phương đang gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 trên địa bàn để có hỗ trợ kịp thời, đảm bảo không để xảy ra trường hợp người dân nào bị thiếu đói.

Tỉnh Đồng Tháp sẽ ưu tiên triển khai hỗ trợ 3 đối tượng người có công, hộ nghèo và cận nghèo, bảo trợ xã hội.

Tỉnh Đồng Tháp có số lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài lớn nhất ĐBSCL, người lao động Đồng Tháp đang làm việc ở nước ngoài có bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 hay không?

- Qua theo dõi sát sao tình hình lao động Đồng Tháp đang làm việc tại nước ngoài, hơn 5.000 lao động có hợp đồng làm việc tại Nhật đang làm thủ tục để được nhận trợ cấp của Chính phủ Nhật Bản. Các Nghiệp toàn cũng quan tâm đến công tác bảo vệ sức khoẻ và quyền lợi của người lao động.

Còn số lao động tại Hàn Quốc, hiện nay vẫn đang làm việc với thời gian khoảng 5 tiếng/ngày. Hầu hết người lao động rất an tâm, thực hiện tốt công tác phòng chống dịch theo hướng dẫn của chủ sử dụng lao động và cơ quan y tế nước sở tại. Chúng tôi vẫn thường xuyên giữ liên lạc với các em để có sự hỗ trợ khi cần thiết.

"Nhìn chung với sự nỗ lực tạo việc làm để giữ chân công nhân của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, số công nhân bị ảnh hưởng dịch bệnh phải nghỉ việc không nhiều..." - ông Nguyễn Văn Dương cho biết.

Xin cảm ơn ông!

Nguyễn Hành thực hiện

Ý kiến của bạn

Ý kiến bạn đọc (0)

Follow

Tin xem nhiều

Danh mục chính Menu

Chính quyền với báo chí

Mục này cập nhật liên tục thông tin nổi bật của báo chí trong và ngoài tỉnh về vùng đất Sen Hồng

Thông cáo báo chí
Người phát ngôn
Báo chí với Đồng Tháp

Danh mục chính Menu

Banner Bản tin chỉ đạo điều hành

Banner Video

Banner Megastory

Banner Tin đồ họa

Tin nổi bật

// ]]>