Xuất bản thông tin

null Phụ nữ cần bản lĩnh, tuổi trẻ cần năng động, sáng tạo

Trang chủ Gương khởi nghiệp

Phụ nữ cần bản lĩnh, tuổi trẻ cần năng động, sáng tạo

Đó là quan niệm về cuộc sống của hai chị em Huỳnh Thị Thanh Nhàn và Huỳnh Thị Thì Nhớ. Điều thú vị ở đây là hai cô gái trẻ của Đất Sen hồng đều tốt nghiệp Đại học tại Thành phố Hồ Chí Minh và quay trở về quê nhà để thực hiện ước mơ khởi nghiệp từ trồng nấm.

Hai chị em Nhàn (áo xanh) và Nhớ với sản phẩm nấm chân dài

Cơ sở nấm Huỳnh Gia – Gieo mầm khởi nghiệp của hai cô chủ nhỏ

Cả hai chị em Nhàn và Nhớ được cha mẹ chăm lo chu toàn việc học. Nhàn năm nay 28 tuổi, tốt nghiệp Đại học Nông lâm, chuyên ngành Công nghệ sinh học. Còn Nhớ nhỏ hơn chị 02 tuổi và tốt nghiệp chuyên ngành Công nghệ hóa học của Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh. Cả hai chị em đều có thời gian làm việc tại Trung tâm Ươm tạo doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao (huyện Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh).

Nhàn cho biết, với kiến thức có được từ giảng đường và kinh nghiệm thực tiễn 05 năm tại nơi làm việc, đồng thời nhận thấy thị trường của cây nấm rất tiềm năng và nhiều cơ hội để phát triển tại Đồng Tháp. Vì vậy, Nhàn đã đề nghị em gái mình tham gia lớp tập huấn về trồng nấm tại Trung tâm Ươm tạo doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao, sau đó về quê mở cơ sở trồng nấm tại quê nhà ở xã Hòa An, thành phố Cao Lãnh.

Hiện thực hóa ý tưởng của chị, năm 2020, Nhớ trở về quê và thành lập Cơ sở trồng nấm Huỳnh Gia. Từ số tiền tích lũy và số vốn hỗ trợ từ gia đình, hai chị em đầu tư trang thiết bị, tự thiết kế nhà trồng. Một năm sau, Nhàn chính thức về quê và cùng em gái “làm chủ” cơ sở nấm.

Ban đầu phôi nấm được mua từ nơi khác về nên chất lượng nấm ra không đều, chi phí sản xuất cao, do đó khi ổn định mọi thứ, Nhàn bắt tay vào làm giống, phôi nấm để chủ động hơn trong sản xuất và giảm được giá thành.

Thanh Nhàn thực hiện kỹ thuật nhân giống nấm

Chia sẻ về phân công trong công việc, Nhớ cho biết, “Chị Nhàn học Công nghệ sinh học nên các khâu về kỹ thuật trồng, nhân giống, làm phôi đều do chị thực hiện. Còn em phụ trách tìm đầu ra, quản lý thu – chi của cơ sở, cũng như lên kế hoạch phát triển”.

Mặc dù diện tích nhà trồng nấm còn khá khiêm tốn, với khoảng 500m2 nhưng có thể thấy Cơ sở trồng nấm Huỳnh Gia là mô hình sản xuất khép kín, trồng đa dạng các loại nấm, đặc biệt là các giống mới như: Hoàng đế, Chân dài, Hoàng kim v.v.. Bình quân mỗi ngày, cơ sở cung cấp từ 05 đến 20 kg nấm các loại. Thị trường tiêu thụ chủ yếu tại Thành phố Hồ Chí Minh. Với quy trình canh tác an toàn, cơ sở được cấp chứng nhận VietGAP vào tháng 8/2022.

Sự hỗ trợ của gia đình và đồng hành của địa phương

Để giảm chi phí sản xuất, các công đoạn làm nấm đều được hai chị em tự thực hiện

“Hôm nào đóng phôi nhiều, tụi em phải làm đến 11 giờ đêm mới xong. Trồng nấm khá vất vả nhưng đổi lại được làm điều mình đam mê thì cảm thấy rất hạnh phúc. Sự hỗ trợ, động viên của gia đình là động lực để tụi em phấn đấu” – Thanh Nhàn bộc bạch.

Không chỉ có sự hỗ trợ của gia đình, hành trình khởi nghiệp của hai chị em Nhàn – Nhớ còn có sự đồng hành, khích lệ của lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh, các sở, ngành và chính quyền, đoàn thể ở địa phương. Trước đó khoảng 01 tháng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phạm Thiện Nghĩa và lãnh đạo các sở, ngành tỉnh đã trực tiếp đến thăm cơ sở và ghi nhận mong muốn được kết nối, hỗ trợ các trang thiết bị, vốn để mở rộng quy mô sản xuất nấm khoảng 2.000 m2.

Ông Phạm Thiện Nghĩa đánh giá cao tinh thần khởi nghiệp của “hai cô chủ nhỏ”

Theo Thì Nhớ, từ nguồn vốn vay giải quyết việc làm của Ngân hàng Chính sách xã hội, trước đây Cơ sở trồng nấm Huỳnh Gia được vay vốn 80 triệu đồng để phát triển sản xuất. Qua khảo sát gần đây, ngân hàng cho biết cơ sở có đủ điều kiện để tăng thêm vốn vay.

Ngoài ra, Trung tâm Ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao tỉnh đề nghị cơ sở phối hợp thực hiện dự án về chuyển giao công nghệ làm meo, giống, phôi nấm để làm mô hình, hướng đến nhân rộng sản xuất cho người dân.

Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có kết nối với cơ sở về hướng dẫn đăng ký logo, nhãn hiệu, tư vấn và tìm nguồn hỗ trợ các loại máy móc phục vụ sản xuất như: Máy đóng phôi, máy đảo mùn, máy sàn v.v..

Nói về tinh thần vươn lên khởi nghiệp, làm chủ kinh tế của phụ nữ, hai chị em Nhàn - Nhớ đều có chung quan điểm: Phụ nữ hiện đại phải có tri thức về chuyên môn cũng như kiến thức xã hội, độc lập về tài chính. Hơn thế nữa, phụ nữ còn có ưu thế về sự tỉ mỉ nên có thể làm tốt hơn nam giới ở nhiều công việc.

Nguyệt Ánh

Ý kiến của bạn

Ý kiến bạn đọc (0)

Follow

Tin xem nhiều

Danh mục chính Menu

Chính quyền với báo chí

Mục này cập nhật liên tục thông tin nổi bật của báo chí trong và ngoài tỉnh về vùng đất Sen Hồng

Thông cáo báo chí
Người phát ngôn
Báo chí với Đồng Tháp

Danh mục chính Menu

Banner Bản tin chỉ đạo điều hành

Banner Video

Banner Megastory

Banner Tin đồ họa

Tin nổi bật

// ]]>