Xuất bản thông tin

null Đồng Tháp thu “quả ngọt” từ nỗ lực khôi phục phát triển kinh tế

Đồng Tháp thu “quả ngọt” từ nỗ lực khôi phục phát triển kinh tế

Ngay từ đầu năm 2022, Đồng Tháp xác định phải thích ứng với bối cảnh mới, vừa giải quyết những tồn tại, yếu kém, điểm nghẽn về phát triển kinh tế do tác động bởi dịch Covid-19, vừa đòi hỏi phải nhanh chóng phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt phải nỗ lực gấp nhiều lần để bù đắp lại những tổn thất trong suốt 02 năm liên tục 2020, 2021.

Để kiểm soát được dịch bệnh Covid-19 như hôm nay, tỉnh đã có nhiều giải pháp quyết liệt chưa từng có tiền lệ. Trong suốt 10 tháng qua, mặc dù đã kiểm soát tốt được dịch bệnh – nguyên nhân làm suy giảm nền kinh tế, nhưng những thách thức mới không ngừng phát sinh, nhất là giá cả xăng dầu, chi phí sản xuất, sinh hoạt, vận tải đều tăng cao đã gây nhiều khó khăn trong quá trình phục hồi.

Tuy nhiên, với quyết tâm và sự nỗ lực không ngừng nghỉ của các cấp chính quyền, sự vươn lên của cộng đồng doanh nghiệp và người dân trên địa bàn tỉnh đã mang đến “quả ngọt” cho vùng Đất Sen hồng. Đặc biệt là sự phục hồi kinh tế của tỉnh ở mức tăng trưởng cao hơn so với kỳ vọng, ước cả năm 2022 đạt 9,11% so với kế hoạch 7,0%, quy mô kinh tế đạt 100.171 tỷ đồng, GRDP bình quân đầu người đạt hơn 62 triệu đồng (tương đương 2.675 USD).

Không khó để tìm thấy hình ảnh lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh trực tiếp xuống đồng
gặp gỡ nông dân để khích lệ sản xuất. Ông Phạm Thiện Nghĩa – Chủ tịch
 Ủy ban nhân dân tỉnh (bìa trái) tại ruộng lúa của nông dân Trịnh Văn Hiển, xã Mỹ Hòa,
huyện Tháp Mười. Ảnh: Việt Tiến

Về lĩnh vực nông nghiệp, trong 9 tháng qua, tỉnh đã nhân rộng thêm 19 mô hình sản xuất tiên tiến, triển khai tập trung đối với nông sản chủ lực, sản phẩm đặc thù của tỉnh, của địa phương. Hỗ trợ người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có lợi ích kinh tế cao, đổi mới tổ chức sản xuất, áp dụng truy xuất nguồn gốc. Số xã đạt chuẩn nông thôn mới toàn tỉnh hiện có 103/115 xã và 10 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh 2010) ước đạt 53.429 tỷ đồng. Hoạt động xuất khẩu của tỉnh tiếp tục tăng trưởng ổn định với tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu 9 tháng đầu năm ước đạt hơn 1,9 tỷ USD.

Điểm nổi bật của tỉnh đó là số lượng doanh nghiệp thành lập mới không ngừng tăng lên, với 570 doanh nghiệp thành lập mới trong 9 tháng, nâng tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh khoảng 4.700 doanh nghiệp.

Tập đoàn Đầu tư Sokimex (Campuchia) và Tập đoàn NovaGroup ký kết đầu tư
các dự án phát triển khu vực biên giới của tỉnh. Ảnh: Văn Khương

Cùng với đó, tỉnh thu hút được nhiều nhà đầu tư đến tìm hiểu và đăng ký đầu tư trên địa bàn tỉnh như: NovaGroup, T&T, Phát Đạt, Masterise, Everland v.v. các dự án đang trong giai đoạn lập quy hoạch, đề xuất chủ trương đầu tư. Kết quả đến nay, đã tiếp nhận mới 68 hồ sơ đăng ký dự án đầu tư; trong đó có 16 dự án được chấp thuận đầu tư. Đối với các dự án đăng ký đầu tư giai đoạn 2020 - 2022, đã có 16 dự án đã hoàn thành thủ tục đầu tư và đi vào hoạt động; 16 dự án đang xây dựng.

Bên cạnh khôi phục kinh tế, các chính sách an sinh xã hội, chăm lo người có công và các đối tượng chính sách trên địa bàn tỉnh được quan tâm thực hiện, đời sống vật chất và tinh thần của người dân từng bước khôi phục và nâng lên.

Chất lượng giáo dục các cấp học cơ bản được đảm bảo. Các chỉ tiêu văn hóa, xã hội, môi trường được chú trọng thực hiện, đạt kết quả nhất định, đặc biệt đã tổ chức thành công nhiều sự kiện quan trọng của tỉnh: Lễ hội Sen, lễ hội Xoài, Diễn đàn sản phẩm OCOP v.v.. Qua đó, giúp hoạt động du lịch khôi phục nhanh, công tác quảng bá hình ảnh, con người Đồng Tháp tiếp tục có nhiều bước tiến mới.

Lễ hội Sen Đồng Tháp lần thứ nhất thu hút hơn 100.000 lượt khách đến tham quan,
khẳng định thương hiệu Đồng Tháp – Đất Sen hồng. Ảnh: Như Ý

Theo ông Phạm Thiện Nghĩa – Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, năm 2021 tình hình dịch bệnh phức tạp, nhiều chuỗi cung ứng hàng hóa bị đứt gãy, dẫn đến tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt thấp. Năm 2022 này tình hình ổn định hơn nên sự tăng trưởng cao hơn năm 2021 là đương nhiên.

Cà phê doanh nghiệp không chỉ có tại trụ sở Ủy ban nhân dân tỉnh mà đã nhân rộng
ra các huyện, thành phố. Ông Phạm Thiện Nghĩa gặp gỡ doanh nghiệp
tại Khu công nghiệp sông Hậu để lắng nghe doanh nghiệp phản ánh, kiến nghị

Mặc dù vậy, tỉnh cũng phải có sự chủ động ngay từ đầu bằng việc xây dựng kế hoạch phục hồi phát triển kinh tế và vào cuộc một cách mạnh mẽ, quyết liệt. Định kỳ hằng tuần họp giao ban để thông tin tiến độ, trực tiếp gặp gỡ người dân, doanh nghiệp để giải quyết kịp thời khó khăn. Đồng thời, địa phương thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Trung ương ban hành để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân.

Để làm tiền đề cho năm 2023 phát triển bền vững hơn, Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư, cùng các sở, ngành liên quan phân tích kết quả tăng trưởng của 9 tháng đầu năm, cũng như cả năm 2022.

Vì sự phát triển của quê hương Đất Sen hồng luôn là trọng trách lớn lao của lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh cũng như các cấp chính quyền. Đồng Tháp không tự bằng lòng với kết quả đạt được mà luôn phấn đấu để thực hiện mục tiêu xây dựng nơi đây trở thành nơi đáng sống, môi trường an lành, lấy người dân làm trung tâm phát triển và thực sự trở thành điểm đến tin cậy cho nhà đầu tư.

Nguyệt Ánh

Ý kiến của bạn

Ý kiến bạn đọc (0)

Follow

Tin xem nhiều

Danh mục chính Menu

Chính quyền với báo chí

Mục này cập nhật liên tục thông tin nổi bật của báo chí trong và ngoài tỉnh về vùng đất Sen Hồng

Thông cáo báo chí
Người phát ngôn
Báo chí với Đồng Tháp

Danh mục chính Menu

Banner Bản tin chỉ đạo điều hành

Banner Video

Banner Megastory

Banner Tin đồ họa

Tin nổi bật

// ]]>