Xuất bản thông tin

null Không gì hạnh phúc hơn khi thấy học trò thành tài

Không gì hạnh phúc hơn khi thấy học trò thành tài

Đó là tâm sự của cô Nguyễn Thị Thanh Nhi – giáo viên Trường Trung học Cơ sở Phong Hòa (huyện Lai Vung) khi tổng kết lại hành trình hơn 35 năm gắn bó với nghề giáo.

“Không có gì hạnh phúc hơn khi thấy học trò thành tài. Niềm tự hào, hãnh diện khi thấy học trò thành công không thể đong đếm, so sánh với bất kỳ điều gì” – cô Nhi đúc kết.

“Mẹ Nhi” giúp trò nghèo, làm chuyên gia tâm lý

Xuất thân từ hoàn cảnh nghèo khó, từ nhỏ cô Nguyễn Thị Thanh Nhi đã hun đúc trong mình ý chí ham học. Ước mơ đứng trên bục giảng luôn thôi thúc, tạo động lực cho cô phấn đu suốt những năm cắp sách đến trường.

“Thời đó, cô học Cao đẳng Sư phạm Đồng Tháp, mỗi lần đi học cực nhọc dữ lắm chứ đường sá đâu có bằng phẳng như giờ. Nhưng cũng chính hoàn cảnh gian nan, cơ cực đã giúp cô rèn ý chí và nghị lực, theo đuổi nghề đến tận hôm nay” – cô Nhi bộc bạch.

Cũng chính vì xuất thân nghèo khó nên hễ thấy học trò nghèo là cô Nhi lại chạy đôn chạy đáo tìm cách giúp đỡ. Từ những bộ áo dài trắng đến sách vở, tiền đóng học phí v.v. hễ thấy học trò nào thiếu thốn là cô lại tự bỏ tiền túi hoặc nhờ các mạnh thường quân giúp đỡ. Đến nay, hàng trăm học sinh đã được cô tiếp sức trên con đường học vấn.

“Của cho không bằng cách cho”, mỗi lần giúp đỡ học trò cô Nhi đều gọi riêng các em vào phòng, hoặc đến tận nhà để tránh tâm lý e ngại. “Mình cho phải tế nhị, các em đều đã lớn nên có tâm lý mặc cảm, xấu hổ rất lớn” - cô Nhi cho biết.

Cô Nguyễn Thị Thanh Nhi – giáo viên Trường Trung học cơ sở Phong Hòa

vẫn hăng say với nghề giáo sau 35 năm giảng dạy

Không những giúp đỡ học sinh nghèo khó, ở trường cô Nhi còn là một chuyên gia tâm lý học đường khi được các em gọi là “Mẹ”. Với những học sinh cá biệt, cô luôn dùng lời lẽ mềm mỏng khuyên nhủ, cùng với Hội cha mẹ học sinh tìm giải pháp giúp các em tránh sa vào con đường xấu. “Nếu mình chịu tìm hiểu sẽ biết, đa phần các em học sinh quậy phá, cá biệt đều trưởng thành trong hoàn cảnh không được như ý muốn như mất cha mẹ, bạn bè xúi giục. Một học trò dù xấu đến đâu cũng sẽ có điểm tốt đáng để khen ngợi. Mình lấy điểm tốt đó tuyên dương trước lớp sẽ giúp các em tự tin và phấn khởi, từ đó hòa nhập hơn với lớp và thầy cô” - cô Nhi chia sẻ.

Những năm qua, cô Nhi đạt nhiều danh hiệu như giáo viên dạy giỏi, Viên phấn vàng cấp tỉnh, Trung ương, được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú. Dưới sự dìu dắt của cô, có 25 học sinh giỏi cấp tỉnh về thí nghiệm thực hành, 17 học sinh giỏi cấp tỉnh các môn văn hóa, 02 học sinh dự thi Khoa học kỹ thuật đạt giải nhất cấp tỉnh.

“Dám ước mơ - Dám thực hiện”, cô gieo một niềm tin mãnh liệt cho những cô cậu học trò kém may mắn của mình. Có em bị liệt hai chân, nhờ sự động viên của cô đã vượt qua mọi khó khăn vươn lên trong học tập, hiện đang làm kiểm định cho một xưởng may hay trường hợp một nữ sinh bị mất nửa khuôn mặt do bẩm sinh đã “vượt lên chính mình” xóa bỏ mặc cảm hiện đang học Cao đẳng Dược.

Không chỉ tận tâm với học trò của mình mà cô còn tích cực tham gia công tác xã hội, giúp đỡ những người xung quanh mình. Trong thời gian dịch Covid-19 bùng phát, cô đã tặng cho bộ đội biên phòng, bà con, các trường học, tổ từ thiện và các cơ quan 40 thùng khẩu trang; ủng hộ thuốc, cơm cho người dân địa phương nhiễm Covid-19; tặng 20 thẻ bảo hiểm y tế cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, 03 chiếc điện thoại thông minh để các em học trực tuyến trong mùa dịch.

Nghề giáo là hành trình học hỏi suốt đời

Cô Hứa Thị Lan Hương - giáo viên Trường Trung học cơ sở Tân Phú (huyện Châu Thành) không chọn ngành sư phạm từ đầu nhưng hiện tại cô dành hết tâm huyết và sự cần mẫn cho nghiệp “gõ đầu trẻ”. “Nguyện vọng ban đầu của cô không phải là ngành sư phạm nhưng chính khoảng thời gian đi dạy thêm thời sinh viên đã hun đúc cho cô tình yêu với nghề giáo. Đến hiện tại, càng gắn bó cô càng cảm thấy thêm yêu trường lớp và nghề nghiệp bản thân đang theo đuổi” - cô Hương bộc bạch.

Công tác trong ngành giáo dục từ năm 2009 tại huyện Hồng Ngự và sau này chuyển về huyện Châu Thành, cô Hương luôn phấn đấu, cố gắng tìm kiếm sự mới mẻ trong cách truyền tải kiến thức. Bằng lối dạy trực quan sinh động, không khí lớp học lúc nào cũng sôi nổi với nét mặt hứng khởi của học sinh. “Nghề giáo phải luôn học hỏi, không ngừng làm mới mình để cập nhật kiến thức đến học sinh. Cô luôn cố gắng trau dồi qua sách vở, đồng nghiệp, internet để làm giàu vốn kiến thức, từ đó hỗ trợ tốt nhất trong việc truyền tải đến học trò của mình” - cô Hương hào hứng cho biết.

Cô Hứa Thị Lan Hương, giáo viên Trường Trung học cơ sở Tân Phú

luôn tìm tòi cách dạy sáng tạo, trực quan sinh động truyền tải đến học trò

Ngoài công tác dạy học trên ghế nhà trường, thời gian qua cô Hương cũng hướng dẫn học sinh tham gia cuộc thi “Sáng tạo Thanh thiếu niên, nhi đồng”, cuộc thi “Khoa học kỹ thuật”, “Ý tưởng khởi nghiệp” đạt giải cấp huyện, cấp tỉnh.

Ngoài ra, cô Hương luôn nhiệt tình, tiên phong tham gia các phong trào của đơn vị, địa phương và ngành giáo dục phát động như thể dục thể thao, công tác xã hội, văn hóa văn nghệ…

Thầy Lê Văn Thanh – Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Tân Phú cho biết, cô Hương luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, hàng năm đều dìu dắt học sinh đạt giải cấp huyện, tỉnh. “ Chủ tịch Công đoàn, cô Hương luôn nêu gương trong mọi hoạt động, phong trào do Sở Giáo dục và Đào tạo hay do Trường phát động”.

Hiện tỉnh đang trình Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba cho cô Nguyễn Thị Thanh Nhi, đồng thời trình Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen cho cô Hứa Thị Lan Hương. Đây là sự ghi nhận những cống hiến, sự tận tâm với nghề của cô Nhi và cô Hương trong sự nghiệp “trồng người”.

Thành Nhơn – Việt Tiến

Ý kiến của bạn

Ý kiến bạn đọc (0)

Follow

Tin xem nhiều

Danh mục chính Menu

Chính quyền với báo chí

Mục này cập nhật liên tục thông tin nổi bật của báo chí trong và ngoài tỉnh về vùng đất Sen Hồng

Thông cáo báo chí
Người phát ngôn
Báo chí với Đồng Tháp

Danh mục chính Menu

Banner Bản tin chỉ đạo điều hành

Banner Video

Banner Megastory

Banner Tin đồ họa

Tin nổi bật

// ]]>