Tăng trưởng GRDP năm 2022 đạt 9,11% - cao nhất trong những năm gần đây
Với nhiều nỗ lực thực hiện mục tiêu kép “vừa phòng, chống dịch Covid-19 vừa phát triển kinh tế - xã hội”, năm 2022, tỉnh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, đáng chú ý phải kể đến tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP) năm 2022 đạt 9,11%, được cho là kết quả khởi sắc nhất trong những năm gần đây.
Không chỉ vậy, quy mô kinh tế tiếp tục mở rộng, đạt trên 100.000 tỷ đồng (theo giá thực tế); GRDP bình quân đầu người ước đạt 62,6 triệu đồng (tương đương 2.675 USD). Kết quả thực hiện năm 2022 đạt và vượt 19/22 chỉ tiêu kế hoạch đã đề ra. Điều này cho thấy sự vào cuộc mạnh mẽ của toàn hệ thống chính trị trong việc kiểm soát dịch bệnh và thực hiện đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Tình hình sản xuất nông - lâm - thủy sản tiếp tục phát triển ổn định, tiêu thụ được bảo đảm, lưu thông thuận lợi; giá trị sản xuất khu vực nông, lâm, thủy sản ước đạt 46.459 tỷ đồng, tăng 2,22% so với năm 2021. Sản xuất công nghiệp tiếp tục được khôi phục ở hầu hết ngành, mang lại giá trị sản xuất trên 77.000 tỷ đồng, tăng 13,32% so với năm 2021. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng đạt 108.653 tỷ đồng, tăng gần 20% so với năm trước. Hoạt động xuất khẩu cũng hết sức ấn tượng với sự tăng trưởng gần 34% (đạt 1.475 triệu USD) v.v..
Trong bối cảnh dịch Covid-19 được kiểm soát, các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh đã đón 3,4 triệu lượt khách đến tham quan, tăng 128% so với năm 2021; tổng doanh thu du lịch ước đạt 1.500 tỷ đồng, tăng 165% so với năm 2021.
Đáng chú ý là nhiều sự kiện, lễ hội được tổ chức, tạo ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách, thúc đẩy hoạt động du lịch phục hồi sau đại dịch, quảng bá hình ảnh địa phương như: Diễn đàn sản phẩm OCOP Đồng Tháp và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, Lễ hội Sen, Lễ hội Xoài v.v..
Ước tính năm 2022, toàn tỉnh có 690 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 40,82% so với năm 2021 với tổng vốn đăng ký khoảng 4.940 tỷ đồng và 170 doanh nghiệp tái hoạt động. Công tác xúc tiến và kêu gọi đầu tư được tăng tốc thực hiện, xem đây là một trong những động lực cho phục hồi kinh tế, qua đó đã thu hút được nhiều nhà đầu tư đến tìm hiểu và đăng ký đầu tư trên địa bàn tỉnh như: Công ty cổ phần NovaGroup, Công ty cổ phần Tập đoàn T&T, Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Khu công nghiệp Phát Đạt, Tập đoàn Masterise, Tập đoàn Everland.
Xác định chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm, đột phá, trong năm 2022, Đồng Tháp đã thành lập Trung tâm Chuyển đổi số để thực hiện nhiệm vụ phát triển, vận hành các nền tảng chuyển đổi số, đô thị thông minh của tỉnh; đồng thời triển khai Đề án chuyển đổi số tỉnh Đồng Tháp, trọng tâm là các Đề án Chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp, giáo dục, y tế.
Bên cạnh “dồn sức” để phục hồi và phát triển kinh tế, các vấn đề xã hội cũng được quan tâm đúng mức. Nổi bật trong năm qua là tỉnh có thêm 01 thành phố được UNESCO công nhận là thành viên mạng lưới các thành phố học tập toàn cầu; đưa 1.878 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (vượt 25% kế hoạch); tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,22% v.v..
Trên cơ sở những kết quả đáng phấn khởi vừa đạt được trong năm 2022, kế hoạch năm 2023 được xây dựng với 22 chỉ tiêu chủ yếu, trong đó đề ra phương án tăng trưởng GRDP 7,5%.
Như Ý
Ý kiến bạn đọc (0)