Xuất bản thông tin

null Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại kỳ họp thứ 5, HĐND tỉnh khoá X

Trang chủ Bài phát biểu lãnh đạo

Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại kỳ họp thứ 5, HĐND tỉnh khoá X

Tại kỳ họp thứ 5, Hội đồng nhân dân tỉnh khoá X, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Phạm Thiện Nghĩa đánh giá cao sự nỗ lực vượt bậc của cộng đồng doanh nghiệp; sự chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị để đạt được nhiều kết quả quan trọng trong năm 2022.

Kỳ họp thứ 5 của Hội đồng nhân dân tỉnh diễn ra trong bối cảnh toàn hệ thống chính trị đã trải qua một năm triển khai quyết liệt nhiệm vụ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch Covid-19. Những mất mát, tổn thất, những chịu đựng trong đại dịch, cũng như những khó khăn, áp lực trong công cuộc khôi phục các hoạt động đời sống xã hội sau dịch, đã không làm cho chúng ta chùng bước, mà củng cố, nhận định đúng tình hình và phục hồi từ rất sớm. Đưa ra những quyết định đúng đắn về mở cửa kinh tế, tạo điều kiện cho hoạt động thương mại, dịch vụ, du lịch khôi phục khá ngoạn mục.

Với sự nỗ lực vượt bậc của cộng đồng doanh nghiệp; sự chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, tỉnh Đồng Tháp đã đạt được thành tựu to lớn trong phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội năm 2022. Tiếp tục tạo dựng hình ảnh một địa phương năng động, tiên phong, vực dậy sau đại dịch bằng “sự thích ứng nhanh” để tiếp tục hành trình “vượt sóng vươn xa” của người dân Đất Sen hồng.

Kỳ họp này còn có ý nghĩa rất quan trọng, sẽ thông qua những phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp quan trọng nhằm củng cố nền tảng tăng trưởng kinh tế, tăng cường năng lực chống chịu và phát huy tối đa nội lực, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội bền vững trong năm 2023. Uỷ ban nhân dân tỉnh đã trình tại kỳ họp 20 dự thảo nghị quyết và 03 báo cáo đánh giá về tình hình kinh tế - xã hội, chuyên đề năm 2022, nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm năm 2023, để phục vụ công tác giám sát của Hội đồng nhân dân tỉnh. Đặc biệt, trình tại kỳ họp các chủ trương, chính sách quan trọng như: kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; phương án phân bổ kế hoạch đầu tư công năm 2023; phân bổ ngân sách nhà nước cấp tỉnh năm 2023; điều chỉnh Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2021 – 2030 phù hợp với tình hình mới v.v.

Đây là những chủ trương, chính sách quan trọng, tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 và những năm tiếp theo.

Qua các ý kiến, kiến nghị của Quý cử tri, đại biểu, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và thẩm định của các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh, thay mặt lãnh đạo Uỷ ban nhân dân tỉnh, tôi xin chân thành cảm ơn và ghi nhận những ý kiến đóng góp quý báu, đầy tâm huyết, thiết thực của Quý cử tri và Quý vị đại biểu. Tại kỳ họp này, ngoài các báo cáo, tờ trình và giải trình của Uỷ ban nhân dân tỉnh, tôi xin được chia sẻ thêm một số nội dung, định hướng trọng tâm của tỉnh trong năm 2023 và những nội dung mà Hội nghị, Quý vị đại biểu quan tâm.

Đầu tiên, tôi xin nhấn mạnh một số kết quả nổi bật trong phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, sẽ tạo tiền đề quan trọng cho phát triển trong năm 2023

- Trong năm 2022, dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát tốt, tạo điều kiện cho nhiều sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội quan trọng của đất nước, của tỉnh được tổ chức thành công, tạo nên khí thế mới, động lực mới. Uỷ ban nhân dân tỉnh đã triển khai nhiều chương trình, mục tiêu, lấy khôi phục kinh tế nhanh làm động lực cho ổn định và phát triển văn hóa - xã hội. Theo đó, tập trung triển khai 13 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm với 166 nhiệm vụ, cụ thể hóa và triển khai 13 Nghị quyết, Kết luận chuyên đề của Tỉnh ủy và mạnh dạn tổ chức nhiều sự kiện: Lễ hội Sen, Lễ hội cá tra, Diễn đàn kết nối sản phẩm OCOP cấp vùng, Diễn đàn kết nối du lịch giữa TP. HCM với 13 tỉnh ĐBSCL, khai trương Đường sách đầu tiên của vùng ĐBSCL, Marathon Đất Sen hồng, lễ đón nhận thành phố Cao Lãnh được UNESSCO công nhận là thành viên của mạng lưới học tập toàn cầu; ký kết hợp tác với nhiều viện, trường và địa phương, đặc biệt là ký kết hợp tác toàn diện với tỉnh An Giang và ngày 20 tới đây tỉnh tổ chức Diễn đàn Mekong Starup đầu tiên có lãnh đạo Chính phủ đến dự và chỉ đạo v.v.. Do đó, có thể nói, tỉnh Đồng Tháp không những định vị rõ nét về hình ảnh mà còn đẩy mạnh sự khôi phục mạnh mẽ sau đại dịch, và tạo thêm nhiều dấu ấn mới (địa phương tiên phong, năng động; địa phương học tập và địa phương khởi nghiệp v.v.). Một năm của sự đột phá bằng những nội lực và giá trị đích thực của con người và vùng đất này; từ đó, tạo niềm tin cho các ngành, lĩnh vực lấy lại khí thế phát triển, doanh nghiệp, người dân hăng hái tham gia lao động, sản xuất, kinh doanh, vượt qua khó khăn để vươn lên trong cuộc sống, góp phần vào phát triển kinh tế xã hội địa phương.

- Uỷ ban nhân dân tỉnh và các thành viên Uỷ ban nhân dân tỉnh cùng với Uỷ ban nhân dân huyện, thành phố đã triển khai các hoạt động hỗ trợ, sâu sát trong chỉ đạo, điều hành, đổi mới cách làm để chủ động nắm bắt, chia sẻ, đồng hành, giải đáp thắc mắc, tháo gỡ khó khăn thường ngày của tuyến cơ sở, bà con nông dân, các hộ sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp. Hằng tuần, hằng tháng, các chỉ số phục hồi sản xuất kinh doanh chuyển biến khởi sắc, gần 100% doanh nghiệp phục hồi sản xuất ngay từ đầu năm, các doanh nghiệp chủ lực củng cố từ rất sớm và kết nối lại chuỗi cung ứng, cùng với sự quyết liệt trong triển khai các dự án đầu tư công đã kích thích hàng loạt các hoạt động xã hội, văn hóa, kinh tế phục hồi theo. Đặc biệt trong năm 2022, Uỷ ban nhân dân tỉnh đã tăng cường phân cấp, phân quyền, tin tưởng giao cho các ngành, địa phương, chủ đầu tư chủ động thực hiện nhiệm vụ theo Chương trình, kế hoạch của Uỷ ban nhân dân tỉnh.

- Đáng chú ý nhất là sự bứt phá trong sản xuất chế biến, thương mại, dịch vụ, du lịch, xuất khẩu đã thúc đẩy kinh tế tăng trưởng bứt phá. Tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP) tăng trưởng 9,11%, cao nhất trong 10 năm trở lại đây (2012 - 2022), quy mô kinh tế lần đầu tiên đạt mốc 100.172 tỷ đồng, GRDP bình quân đầu người đạt 62,6 triệu đồng (tương đương 2.675 USD), xuất khẩu đạt gần 1 tỷ 500 triệu USD, tăng 34% so với năm 2021 và tăng 25% so với năm 2019, vượt 25% so với kế hoạch. Theo đánh giá, ước tính của Tổng cục Thống kê, tăng trưởng kinh tế của tỉnh Đồng Tháp trong năm 2022 xếp thứ 5 trong nhóm các tỉnh có tăng trưởng cao của vùng ĐBSCL. Khu vực thương mại - dịch vụ, công nghiệp đều tăng trưởng trên 2 con số (lần lượt là 13,9% và 12,6%), đóng góp rất lớn vào mức tăng trưởng chung.

- Môi trường đầu tư tiếp tục được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá “có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc nhất”; về Năng lực cạnh tranh Sở, ngành và địa phương (DDCI) cũng được cộng đồng doanh nghiệp tham gia, hỗ trợ, đánh giá bước đầu đã có những kết quả hết sức tích cực. Hành trình 14 năm liên tiếp xếp trong nhóm 5 tỉnh/ thành phố dẫn đầu PCI cả nước là kết quả đáng khích lệ to lớn cho cả bộ máy chính quyền tỉnh Đồng Tháp về sự kiên trì vượt qua những rào cản, tiếp tục có những thay đổi trong lề lối làm việc, cải cách thủ tục hành chính, thay đổi nhận thức về vai trò quan trọng của doanh nghiệp đối với sự tăng trưởng của địa phương. Chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh liên tục nhiều năm đứng trong nhóm các địa phương dẫn đầu đã tạo ra một hiệu ứng tốt, một hình ảnh Đồng Tháp tích cực cho các doanh nghiệp đang tìm kiếm cơ hội đầu tư. Đồng thời qua đó, gián tiếp thực hiện “lời cam kết” luôn “đồng hành cùng doanh nghiệp” mà lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp đã theo đuổi và cam kết trong suốt chặng đường phát triển vừa qua.

- Tình hình phát triển doanh nghiệp và thúc đẩy khởi nghiệp trong năm 2022 đạt kết quả tích cực, vượt chỉ tiêu kế hoạch với 690 doanh nghiệp thành lập mới và 185 doanh nghiệp tái hoạt động. Với sự nỗ lực của các cấp, các ngành trong quá trình hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, tỷ lệ doanh nghiệp còn tồn tại và phát triển sau khi gia nhập thị trường là 40%, cao hơn mức 28% của năm 2021 và cao hơn mức 34% của trung bình giai đoạn 2016 – 2020, nâng số doanh nghiệp thực tế đang hoạt động lên trên 4.900 doanh nghiệp (tăng trên 200 doanh nghiệp so năm 2021). Bên cạnh đó, du lịch khôi phục mạnh, đặc biệt là tỉnh đã thu hút được nhiều đầu tư lớn đến tìm hiểu, đề xuất hợp tác đầu tư với hơn 74 hồ sơ được tiếp nhận và có 22 dự án đầu tư được chấp thuận với hơn 3.744 tỷ đồng.

- Mặc dù kinh tế - xã hội được khôi phục và phát triển khá toàn diện; tuy nhiên vẫn còn một số lĩnh vực chưa đạt kỳ vọng, có 03 chỉ tiêu chưa đạt kế hoạch năm 2022, Uỷ ban nhân dân tỉnh thẳng thắn nhìn nhận hạn chế và đã phân tích cụ thể các nhân tố tác động và nguyên nhân trong Báo cáo. Đối với 02 chỉ tiêu “Huy động vốn đầu tư phát triển toàn xã hội”, “Mức giảm tỷ lệ hộ nghèo” mặc dù không đạt theo Nghị quyết Hội đồng nhân dân tỉnh đã đề ra, nhưng kết quả đạt được tiệm cận mục tiêu. Huy động vốn đầu tư toàn xã hội đều tăng trưởng qua các năm, năm 2022 đạt hơn 21.000 tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2021 và tăng 20% so với năm 2019; giảm tỷ lệ hộ nghèo vượt chỉ tiêu Trung ương giao (0,91%/ chỉ tiêu 0,4%). Riêng chỉ tiêu huyện đạt chuẩn nông thôn mới, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có thay đổi và nâng cao các tiêu chí mới so với các tiêu chí trước.

Nhìn tổng thể, để có được những thành quả về mặt kinh tế, xã hội, văn hóa, điều đó dựa trên cơ sở giữ vững được thành quả chống dịch. Thành quả này là của toàn thể nhân dân tỉnh Đồng Tháp đã phát huy trí tuệ, sức mạnh đoàn kết, phát huy nội lực để khẳng định vị thế và con người Đất Sen hồng “Năng động - Nghĩa tình - Sáng tạo”.

Với vai trò là người đứng đầu Uỷ ban nhân dân tỉnh, tôi thật sự cảm kích và xin được tri ân tất cả cử tri, đại biểu, doanh nghiệp đã nỗ lực vượt khó, cùng chung tay, góp sức, đặc biệt đã tin tưởng, đồng lòng vì sự phục hồi và phát triển của quê hương sau đại dịch Covid-19.

Về phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2023

Trong năm 2023, theo nhận định là năm khó nhận diện và gặp nhiều khó khăn, thách thức hơn. Uỷ ban nhân dân tỉnh đã đề ra 22 chỉ tiêu thực hiện, với mục tiêu phấn đấu tăng trưởng kinh tế đạt 7,5%. Đây là mức tăng trưởng thể hiện sự phấn đấu cao và có khả năng đạt được nếu chúng ta tận dụng được các cơ hội từ bên ngoài, đặc biệt phải phát huy hiệu quả nội lực bên trong, tự lực để tạo ra động lực tăng trưởng. Theo đó, Uỷ ban nhân dân tỉnh tập trung chỉ đạo, điều hành 11 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. Sau đây, tôi muốn nhấn mạnh một số nội dung để Quý đại biểu cùng đồng thuận, chia sẻ và tham gia giám sát đạt hiệu quả cao hơn như sau:

(1) Tiếp tục tập trung cho công tác phòng, chống dịch.

Những bài học và kinh nghiệm trong phòng chống dịch Covid-19 phải tiếp tục được phát huy, trên tinh thần quyết tâm kiểm soát tốt dịch bệnh không để tái diễn như năm 2021. Uỷ ban nhân dân tỉnh tiếp tục chỉ đạo phát huy công tác phòng, chống dịch thích ứng với tình hình mới, củng cố tuyến cơ sở, tăng cường công tác tuyên truyền và bảo đảm thực hiện tốt tiêm chủng vắc xin. Giữ vững môi trường an toàn, niềm tin trong nhân dân và doanh nghiệp, nhà đầu tư để bứt phá trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ. Tập trung triển khai nhanh các công trình, dự án Trung ương hỗ trợ đầu tư trên địa bàn tỉnh.

(2) Đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các Nghị quyết, kết luận của Tỉnh uỷ, Hội đồng nhân dân tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến 2030.

Một là triển khai Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM và Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững.

Là một tỉnh thuần nông, tăng trưởng khu vực nông - lâm - thủy sản trong những năm gần đây đang có xu hướng chậm lại và không đạt mục tiêu tăng trưởng bình quân 3,7%/năm. Đây là điều trăn trở của nhiều đại biểu làm sao để bứt phá trong lĩnh vực nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho người nông dân, nhất là người dân trồng lúa, thúc đẩy giảm nghèo một cách thực chất và bền vững. Tôi rất đồng tình, chia sẻ đối với vấn đề này. Trong năm 2023, Uỷ ban nhân dân tỉnh xác định tiếp tục phát huy tối đa vai trò làm “nền tảng” và “trụ đỡ” của khu vực nông - lâm - thủy sản để hai khu vực kinh tế còn lại bứt phá tăng trưởng, tập trung tái cơ cấu nội ngành nông nghiệp đi vào chiều sâu gắn với xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo; tập trung khai thác và thúc đẩy phát triển các ngành hàng chủ lực (lúa, xoài, sen, hoa kiểng cá tra, vịt), tạo đột phá trong chuyển đổi số lĩnh vực nông nghiệp và chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi cho giá trị cao trên cùng diện tích canh tác; phấn đấu tăng trưởng khu vực nông - lâm - thủy sản năm 2023 đạt 3,7%; có ít nhất 50 sản phẩm được đánh giá, xét công nhận sản phẩm OCOP đạt từ 3 đến 4 sao.

Tiếp tục phát huy tính chăm chỉ, tự lực và hợp tác của người dân, huy động nguồn lực xã hội tham gia xây dựng nông thôn mới. Duy trì, nâng chất các xã đạt chuẩn theo tiêu chí nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Phấn đấu đến cuối năm 2023 có thêm 06 xã đạt chuẩn nông thôn mới và 03 huyện cao bản đạt chuẩn nông thôn mới, 15 xã đạt tiêu chí nông thôn mới nâng cao, 02 xã đạt tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu.

- Hai là, triển khai Đề án Tái cơ cấu ngành Công nghiệp gắn với nhiệm vụ tạo lập môi trường thuận lợi cho đầu tư, kinh doanh, hỗ trợ và đồng hành doanh nghiệp, khởi nghiệp, tạo động lực phát triển

Uỷ ban nhân dân tỉnh tiếp tục triển khai các giải pháp thúc đẩy gia tăng năng lực sản xuất của ngành chế biến (chế biến gạo, thủy sản đông lạnh, thức ăn chăn nuôi, may mặc, chế biến sau gạo) và khai thác các nhân tố tăng trưởng mới từ khởi nghiệp, dự án đầu tư mới, trên cơ sở thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Công nghiệp, phấn đấu tăng trưởng công nghiệp năm 2023 đạt mức 9,4%. Đồng thời, khuyến khích phát triển các loại hình bán lẻ hiện đại, phát triển thương mại điện tử, phấn đấu tăng trưởng Khu vực Thương mại - dịch vụ đạt 9,49%. Phấn đấu kim ngạch xuất khẩu đạt 1 tỷ 535 triệu USD (tăng 4% so với ước thực hiện năm 2022). Về du lịch, năm 2023, phấn đấu thu hút 3,6 triệu lượt khách, doanh thu đạt 1.600 tỷ đồng.

Cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao điểm số các chỉ số quan trọng, đảm bảo duy trì vị trí thuộc nhóm “rất tốt” trên bảng xếp hạng cả nước về các Chỉ số như PCI, PAR INDEX, PAPI. Năm 2023, tiếp tục hỗ trợ thúc đẩy “lực lượng” tiềm năng để phát triển hệ thống doanh nghiệp (các dự án đầu tư trong nước và FDI; hộ kinh doanh chuyển đổi; các dự án khởi nghiệp; các thanh niên tham gia chương trình “đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng”. Phấn đấu có ít nhất 630 doanh nghiệp thành lập mới, nâng tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh là 5.135 doanh nghiệp. Nhân đây, tôi đề nghị các cấp, các ngành tiếp tục nỗ lực, cố gắng trong quá trình hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp để kéo giảm tỷ lệ giải thể và rời bỏ thị trường.

- Ba là, triển khai Đề án chuyển đổi số tỉnh Đồng Tháp, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng ngành, lĩnh vực kinh tế; Hoàn thiện Quy hoạch tỉnh Đồng Tháp thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và quy hoạch các địa phương.

Thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 31/12/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khoá XI về chuyển đổi số tỉnh Đồng Tháp, tập trung triển khai Đề án chuyển đổi số tỉnh Đồng Tháp đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Phát triển nền tảng địa chỉ số quốc gia gắn với bản đồ số trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp. Phát triển số lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ hoạt động kinh doanh trên các sàn giao dịch thương mại điện tử. Đồng thời, hỗ trợ nông dân biết ứng dụng công nghệ Internet vạn vật (IoT) vào quy trình sản xuất, khai thác thông tin cung - cầu thông qua mạng Internet, mua bán trực tuyến trên các sàn giao dịch thương mại điện tử. Thúc đẩy các cơ sở giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các cơ sở giáo dục khác triển khai hoạt động quản lý, giảng dạy và học tập trên môi trường số và nâng cao tỷ lệ dân số có hồ sơ sức khỏe điện tử.

(4) Tập trung nâng cao chất lượng giáo dục, công tác chăm sóc sức khoẻ; chăm lo đời sống tinh thần nhân dân.

Uỷ ban nhân dân tỉnh thúc đẩy công tác xây dựng các khu, trung tâm hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại 03 thành phố: Cao Lãnh, Sa Đéc, Hồng Ngự. Tuyển sinh, đào tạo nghề cho 15.000 học viên ở các cấp trình độ, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 75,4%, trong đó, qua đào tạo nghề đạt 54,2%, chuyển dịch lao động trong nông nghiệp giảm dưới 44,5%.

Đặc biệt, chú trọng phát triển văn hóa, xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, gắn kết hài hòa với phát triển kinh tế. Củng cố đội ngũ ngành y tế đảm bảo về số lượng và chất lượng, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, vận hành thông suốt Bệnh viện đa khoa 700 giường, nâng tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đến cuối năm 2023 đạt 93%. Thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững và toàn diện, cải thiện mức sống của người dân, nhất là đối với vùng nông thôn, biên giới. Phấn đấu giảm 0,4% tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giai đoạn 2022 - 2025.

(5) Tập trung xây dựng chính quyền các cấp thực sự là chính quyền thân thiện, phục vụ của dân và vì dân.

Tiếp tục cải cách hành chính theo hướng công khai, minh bạch, chuyên nghiệp, chú trọng các giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin. Phấn đấu nâng cao chỉ số PCI xếp trong top 5, PAPI xếp trong nhóm cao điểm nhất, PAR Index xếp trong Nhóm B (tốt), SIPAS đạt trên 89 điểm.

Nhân đây, tôi cũng đề nghị tất cả bà con cử tri, quý đại biểu, quý doanh nhân, doanh nghiệp, thẳng thắn góp ý những vấn đề chưa thật sự hài lòng, tiêu cực và tham gia hiến kế, đóng góp vào những quyết sách quan trọng cho sự phát triển của tỉnh nhà.

(6) Quyết tâm khắc phục những nội dung cử tri và Quý đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh đã phản ảnh và kiến nghị qua Hội nghị

Tại kỳ họp lần này, Uỷ ban nhân dân tỉnh đánh giá cao những ý kiến, kiến nghị của cử tri và đại biểu rất sâu sắc, tâm huyết. Uỷ ban nhân dân tỉnh xin nghiêm túc tiếp thu những ý kiến và kiến nghị của cử tri và Quý đại biểu. Phần lớn những ý kiến, kiến nghị của cử tri cũng là những trăn trở các vấn đề phát sinh trong phát triển kinh tế - xã hội (về sửa chữa, nâng cấp, đầu tư, xây dựng cầu, đường bộ, hệ thống xử lý nước thải; tăng cường quản lý trật tự an toàn giao thông, an toàn xã hội; kiểm soát giá vật tư nông nghiệp; hỗ trợ người lao động; thực hiện chỉ tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo đúng thực chất và mang tính bền vững; hỗ trợ nâng cao chất lượng hoạt động HTX; đảm bảo chất lượng xử lý nước mặt…).

Uỷ ban nhân dân tỉnh xin ghi nhận và tập trung chỉ đạo cơ quan chuyên môn, ngành chức năng khẩn trương giải quyết thấu đáo, cũng như nghiên cứu các giải pháp hữu hiệu hơn để tăng cường hiệu quả trong công tác quản lý; báo cáo Quý cử tri, đại biểu trong kỳ họp lần sau.

Trước mắt, dù vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng tôi có niềm tin vững chắc rằng, với những kinh nghiệm từ cuộc chiến với đại dịch Covid-19 và nỗ lực phục hồi kinh tế - xã hội năm 2022, Đồng Tháp sẽ vững vàng cùng cả nước thích ứng, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, hoàn thành mục tiêu kép, thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh đã đề ra.

Uỷ ban nhân dân tỉnh rất mong tiếp tục nhận được sự giám sát, hỗ trợ, chia sẻ và cùng thống nhất hành động của các vị đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh, sự chung sức, chung lòng của cử tri tỉnh nhà, cùng quyết tâm thực hiện tốt nhiệm vụ năm 2023.

Cuối cùng, xin chúc các vị đại biểu, khách dự và cử tri tỉnh nhà luôn mạnh khoẻ, hạnh phúc và thành công.

Xin trân trọng cảm ơn!

Phạm Thiện Nghĩa
Phó Bí thư Tỉnh uỷ/Chủ tịch UBND tỉnh

Ý kiến của bạn

Ý kiến bạn đọc (0)

Follow

Tin xem nhiều

Danh mục chính Menu

Chính quyền với báo chí

Mục này cập nhật liên tục thông tin nổi bật của báo chí trong và ngoài tỉnh về vùng đất Sen Hồng

Thông cáo báo chí
Người phát ngôn
Báo chí với Đồng Tháp

Danh mục chính Menu

Banner Bản tin chỉ đạo điều hành

Banner Video

Banner Megastory

Banner Tin đồ họa

Tin nổi bật

// ]]>