Xuất bản thông tin

null Các dự án giao thông chiến lược – sức bật mới phát triển kinh tế

Các dự án giao thông chiến lược – sức bật mới phát triển kinh tế

Xác định giao thông phải đi trước mở đường, những năm qua tỉnh Đồng Tháp chú trọng phát triển hạ tầng giao thông, nhất là các tuyến kết nối với các vùng kinh tế trọng điểm, nhằm tạo thuận lợi trong thu hút đầu tư. Phóng viên Cổng Thông tin điện tử Đồng Tháp có cuộc phỏng vấn ông Huỳnh Minh Tuấn – Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về thực trạng giao thông Đồng Tháp, giải pháp tháo gỡ “điểm nghẽn” giao thông.

Ông Huỳnh Minh Tuấn – Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh

Phóng viên: Xin ông cho biết, thực trạng giao thông của Đồng Tháp hiện nay như thế nào?

Ông Huỳnh Minh Tuấn: Hiện nay hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông của tỉnh đã có bước phát triển mạnh mẽ. Chất lượng vận tải ngày càng được nâng cao, cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Nhiều công trình giao thông quan trọng, thiết yếu hoàn thành được đưa vào sử dụng như: Cầu Cao Lãnh, cầu Vàm Cống, nâng cấp Quốc lộ 30 đoạn Cao Lãnh – Hồng Ngự v.v., tạo diện mạo mới cho hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông trong tỉnh.

Tuy nhiên, kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh vẫn còn thiếu tính kết nối giữa các vùng trong tỉnh và với các tỉnh lân cận. Hạ tầng giao thông cầu đường chưa đồng bộ về bề rộng và tải trọng đúng theo quy hoạch. Hệ thống bến, bãi giao thông đường thuỷ có quy mô nhỏ, chưa phát huy thế mạnh vận chuyển hàng hoá lớn nhằm giảm áp lực cho đường bộ. Những hạn chế này đã trở thành “điểm nghẽn” lớn trong thu hút nhà đầu tư, cũng như phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trong thời gian qua.

Phóng viên: Vậy giải pháp của Đồng Tháp như thế nào trong giải quyết “điểm nghẽn” này thưa ông?

Ông Huỳnh Minh Tuấn: Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XI đã ban hành Kết luận số 203-KL/TU ngày 27/9/2021, về định hướng xây dựng các công trình giao thông trọng điểm trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp, giai đoạn 2021 – 2025, để tập trung nguồn lực đầu tư cho giao thông. Trong đó, đẩy mạnh kêu gọi đầu tư, tranh thủ nguồn vốn khác để đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, cảng, bến thủy bằng nhiều hình thức. Ưu tiên tập trung cho các tuyến giao thông có ý nghĩa chiến lược để thu hút nhà đầu tư lớn, thúc đẩy phát triển nông nghiệp, du lịch, công nghiệp, dịch vụ như: Hệ thống giao thông kết nối hạ tầng du lịch và nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp; đường Sở Tư pháp kết nối đường Tân Việt Hòa; đường ĐT.846 đoạn từ Tân Nghĩa đến Quốc lộ 30; Mở rộng đường và hệ thống cầu ĐT.849 đoạn từ ĐT.848 đến Quốc lộ 80; Nâng cấp, mở rộng đường ĐT.841 và xây dựng mới cầu Sở Thượng 2; đường ĐT 845 đoạn Trường Xuân - Tân Phước; Nâng cấp hệ cầu trên đường ĐT 844 (đoạn Tràm Chim - Trường Xuân) v.v..

Trong các dự án giao thông trọng điểm, tỉnh dành nhiều nguồn lực để tập trung cho các tuyến cao tốc, tuyến Quốc lộ qua địa bàn, vì đây là những dự án quy mô lớn, tạo sức bật cho hệ thống giao thông không chỉ riêng Đồng Tháp mà cả vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Cụ thể như, tuyến cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ, giai đoạn 1 đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng và tỉnh đang cung cấp cát cho dự án này. Tuyến cao tốc Cao Lãnh – An Hữu, giai đoạn 1 (dài 27,43 km), đã được Thủ tướng Chính phủ phân cấp thực hiện dự án thành phần cho tỉnh Đồng Tháp, dự án đang thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư, các đơn vị và các địa phương đang phối hợp triển khai thực hiện công tác giải phóng mặt bằng.

Tuyến cao tốc Cao Lãnh – An Hữu

Tuyến cao tốc Mỹ An – Cao Lãnh, giai đoạn 1 (dài 26,16 km), Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chủ trương đầu tư, Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận đang triển khai các bước tiếp theo. Dự án nâng cấp tuyến Cao Lãnh – Lộ Tẻ để tổ chức lại giao thông, Bộ Giao thông vận tải đã phê duyệt chủ trương đầu tư, Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận đang triển khai các bước tiếp theo. Dự án tuyến tránh Quốc lộ 30 – thành phố Cao Lãnh, đang triển khai thi công dự kiến hoàn thành đưa vào khai thác trong quý I năm 2024.

Tỉnh Đồng Tháp đã lập đề xuất dự án sử dụng vốn vay của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) cho dự án Hạ tầng giao thông đường bộ khu vực Nam sông Tiền, trình Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư 03 tuyến đường được đầu tư xây dựng mới để tăng cường kết nối giao thông khu vực phía nam sông Tiền của tỉnh Đồng Tháp với chiều dài khoảng 44,59 km, tổng mức đầu tư khoảng 4.266 tỷ đồng. Đồng thời, lập đề xuất dự án sử dụng vốn vay Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) cho dự án Phát triển mạng lưới giao thông vùng đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu; trong đó xây dựng cầu Sa Đéc vượt sông Tiền và tuyến đường kết nối vào cao tốc An Hữu – Cao Lãnh, góp phần hoàn thiện tuyến đường kết nối liên vùng Giồng Riềng (Kiên Giang) – Ô Môn (Cần Thơ) – Sa Đéc (Đồng Tháp), với chiều dài toàn tuyến 13,5 km, trong đó phần cầu Sa Đéc dài khoảng 2,5 km; đường dẫn hai đầu cầu dài khoảng 11 km, tổng mức đầu tư khoảng 8.566 tỷ đồng.

Tỉnh Đồng Tháp tiếp tục kiến nghị Bộ Giao thông vận tải tái khởi động dự án nâng cấp, mở rộng tuyến Quốc lộ 30 đoạn Hồng Ngự - Dinh Bà (dài 25,3 km) và nâng cấp đồng bộ các cầu trên tuyến Quốc lộ 30 đoạn Cao Lãnh - Hồng Ngự; tiếp tục kiến nghị Trung ương xem xét đầu tư tuyến N1 qua địa bàn tỉnh Đồng Tháp, trong giai đoạn 2021 – 2025, với chiều dài khoảng 39 km.

Để triển khai dự án cao tốc đảm bảo tiến độ đề ra, tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo triển khai thực hiện dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Cao Lãnh – An Hữu, do Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng ban, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh làm Phó Trưởng ban. Thành viên Ban Chỉ đạo là Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các Sở, Bí thư Huyện ủy và Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện có dự án đi qua (huyện Cao Lãnh và Tháp Mười). Cùng với đó là thành lập các Tổ công tác thuộc Ban Chỉ đạo để thực hiện các nhiệm vụ từ tuyên truyền, vận động đến giải phóng mặt bằng, thi công; định kỳ hằng tháng, Ban Chỉ đạo họp về tiến độ thực hiện dự án.

Có thể nói, Đồng Tháp rất quyết tâm trong thực hiện các dự án giao thông quan trọng, bởi đây chính là cơ hội để xóa đi hình ảnh một địa phương “khuất nẻo”. Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Cao Lãnh - An Hữu, giai đoạn 1 (Dự án thành phần 1) đã trình Bộ Giao thông vận tải, đồng thời thực hiện song song các bước tiếp theo.

Cùng với các tuyến Quốc lộ, tuyến cao tốc, thì hệ thống đường tỉnh, giao thông khu vực đô thị, nông thôn cũng được tỉnh quan tâm, huy động nhiều nguồn lực đầu tư. Uỷ ban nhân dân tỉnh hỗ trợ có mục tiêu cho các địa phương để phát triển hạ tầng đô thị giai đoạn 2021 – 2025 là 1.700 tỷ đồng; hỗ trợ huyện giai đoạn 2021 – 2025, với danh mục 37 dự án, tổng số nguồn vốn 1.426 tỷ đồng.

Về đường thủy, tỉnh tiếp tục kiến nghị Trung ương đưa vào danh mục để sớm triển khai thực hiện cải tạo, nâng cấp đạt tiêu chuẩn cấp III đường thủy nội địa kênh Mương Khai – Đốc Phủ Hiền. Duy trì hoạt động các cảng hiện có và kiến nghị với Trung ương xây dựng mới và nâng cấp các cảng ở Sông Tiền và Sông Hậu đạt chuẩn cho tàu 5.000-10.000 DWT. Kêu gọi đầu tư xây dựng cảng Thường Phước - Hồng Ngự, cảng Lấp Vò đạt chuẩn cho tàu 5.000 DWT.

Mạng lưới giao thông vùng Đồng bằng sông Cửu Long theo Quyết định 1454/QĐ-TTg

Phóng viên: Với những dự án và những giải pháp quyết liệt đó, trong 03 năm tới, “bức tranh” giao thông Đồng Tháp sẽ như thế nào?

Ông Huỳnh Minh Tuấn: Đầu tư các dự án giao thông trọng điểm như đã nói trên, tỉnh kỳ vọng trong 03 năm tới (2025) trên địa bàn tỉnh sẽ có khoảng 90 km đường cao tốc, thêm 14 km đường Quốc lộ.

Đối với dự án cao tốc Cao Lãnh – An Hữu, tỉnh đặt mục tiêu sẽ khởi công vào dịp lễ 30/4/2023, khi hoàn thành sẽ hình thành trục ngang và từng bước hình thành mạng lưới đường cao tốc vùng đồng bằng sông Cửu Long, kết nối các trục dọc cao tốc. Cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh cũng sẽ phát huy hiệu quả dự án kết nối khu vực đồng bằng sông Cửu Long; hoàn thiện, kết nối tuyến N2, đường Hồ Chí Minh và tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Tây.

Năm 2023, Đồng Tháp tiếp tục phối hợp với Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận để thực hiện các thủ tục đầu tư dự án cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh; dự án tuyến N2B Cao Lãnh - Lộ Tẻ trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp và thành phố Cần Thơ.

Phát triển giao thông trong nội tỉnh theo các hướng Bắc - Nam, Đông - Tây, tạo thành mạng lưới giao thông liên hoàn giữa các vùng, khu vực trong tỉnh, kết nối với hệ thống đường Quốc lộ, trong đó có các dự án Quốc lộ 30 giai đoạn 3, đường ĐT.857; phê duyệt Đồ án Quy hoạch chung xây dựng dọc tuyến Nam Sông Tiền, Đề án bảo trì hạ tầng giao thông đường bộ giai đoạn 2021-2025 v.v..

Từ việc phát triển hạ tầng giao thông liên vùng, giao thông nội tỉnh sẽ tạo diện mạo mới cho giao thông Đồng Tháp, việc lưu thông giữa tỉnh với các địa phương trong khu vực, cũng như kết nối trung tâm kinh tế lớn là Thành phố Hồ Chí Minh sẽ rất thuận tiện và rút ngắn được khoảng cách, thời gian di chuyển. Đây chính là điểm cộng cho thu hút các doanh nghiệp đến đầu tư trên địa bàn tỉnh, “nút thắt” về giao thông được tháo gỡ, góp phần hiện thực hóa khát vọng đưa Đồng Tháp trở thành địa phương top đầu phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Nguyệt Ánh thực hiện

Ý kiến của bạn

Ý kiến bạn đọc (0)

Follow

Tin xem nhiều

Danh mục chính Menu

Chính quyền với báo chí

Mục này cập nhật liên tục thông tin nổi bật của báo chí trong và ngoài tỉnh về vùng đất Sen Hồng

Thông cáo báo chí
Người phát ngôn
Báo chí với Đồng Tháp

Danh mục chính Menu

Banner Bản tin chỉ đạo điều hành

Banner Video

Banner Megastory

Banner Tin đồ họa

Tin nổi bật

// ]]>