Xuất bản thông tin

null Lấy con người làm trung tâm trong bảo tồn và phát triển rừng

Lấy con người làm trung tâm trong bảo tồn và phát triển rừng

Ngày 21/3 là Ngày quốc tế về rừng. Chủ đề của Ngày quốc tế về rừng năm 2023 là “Rừng và Sức khỏe”.

Nhân dịp này, Cổng Thông tin điện tử Đồng Tháp trân trọng giới thiệu toàn văn phát biểu của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan tại Hội nghị cấp cao về “Định hướng và giải pháp tài chính bền vững cho các vườn quốc gia và khu bảo tồn”. Hội nghị diễn ra tại Vườn quốc gia Cát Tiên.

“Từ hàng thiên niên kỷ trước, chúng ta đã biết việc hòa mình với thiên nhiên đem lại cảm giác dễ chịu đến nhường nào. Âm thanh của rừng, mùi thơm của cây, không khí mát lành, ánh nắng lấp ló qua tán lá – tất cả đều mang lại cảm giác khoan khoái, giúp chúng ta giải tỏa lo âu căng thẳng, thư giãn và suy nghĩ thông thái hơn. Khi hòa mình với thiên nhiên, chúng ta có thể điều hòa tâm trạng, hồi phục năng lượng, trở nên tỉnh táo và dồi dào sinh lực”. Đó là lời mở đầu trong cuốn sách “Shinrin Yoku – Nghệ thuật tắm rừng của người Nhật” - như một lối nhỏ mát lành đầy thảo hương cùng thanh âm của muôn loài, đưa chúng ta về với Rừng, về với Hội nghị ngày hôm nay.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan phấn khởi khi các loài động, thực vật
tại Vườn quốc gia Cát Tiên luôn được bảo tồn, phát triển

Trước hết, xin được cảm ơn đoàn WWF và toàn thể các quý vị đại biểu đã dành thời gian, tâm sức, không quản ngại đường xá xa xôi để tham dự sự kiện trong một dịp rất đặc biệt nhân chuyến thăm của bà Kirsten, tân Tổng Giám độc WWF toàn cầu, tại một nơi đặc biệt – Vườn quốc Cát Tiên - là khu dự trữ sinh quyển thế giới, ngôi nhà của các loài động thực vật quý hiếm bậc nhất ở Việt Nam. Sự tham gia đông đủ, nhiệt tình của các đồng chí chứng tỏ mối quan tâm sâu sắc và nhu cầu về bảo tồn là rất cấp thiết.

Khi nhắc tới Việt Nam, chúng ta thường được nghe Việt Nam có “Rừng vàng, Biển bạc”. Vậy “Rừng vàng” trong bối cảnh hiện nay, nên hiểu như thế nào trong sức ép của gia tăng dân số, biến đổi khí hậu và ít nhiều xung đột lợi ích trong quá trình phát triển cấp độ địa phương và quốc gia. Để xây dựng định hướng và giải pháp tài chính bền vững cho các khu bảo tồn rừng, trước hết chúng ta cần hiểu rõ các giá trị của rừng: Rừng không chỉ là nguồn cung cấp gỗ và các loại lâm sản khác, mà còn có giá trị sinh thái, giá trị văn hóa, giá trị du lịch, giá trị thẩm mỹ và nhiều giá trị kinh tế khác. Do đó, định hướng và giải pháp tài chính bền vững cho các khu bảo tồn rừng cần phải đảm bảo bảo vệ những giá trị này.

Chúng tôi được biết WWF đã và đang nỗ lực hoạt động trong lĩnh vực bảo tồn đa dạng sinh học và quản lý bền vững tài nguyên thiên nhiên, trong đó có đóng góp rất nhiều cho công tác bảo tồn tại Việt Nam. Bà Kirsten cùng quý vị đại biểu vừa được cung cấp một bức tranh toàn cảnh về thực trạng bảo tồn tại Việt Nam, kinh nghiệm quản lý và giải pháp huy động tài chính từ các góc độ của các cơ quan quản lý, thể chế quốc tế, các tổ chức dân sự xã hội phi lợi nhuận. Theo nội dung báo cáo của UNDP và phần thảo luận, chúng ta đã thấy rõ nhu cầu tài chính cho lĩnh vực bảo tồn là rất lớn, hiện nay với chỉ dưới 1% tổng chi ngân sách nhà nước được đầu tư cho bảo tồn, có thể thấy nguồn lực cho bảo tồn là chưa tương xứng, chưa đáp ứng được nhu cầu. Việc tăng cường các giải pháp tài chính, khuyến khích áp dụng thử các cơ chế tài chính mới, tăng cường huy động ODA, huy động nguồn lực từ quốc tế, từ cộng đồng, từ các dịch vụ lâm nghiệp, môi trường, hoặc du lịch sinh thái là cấp thiết và cần được khuyến khích.

Mặc dù Chính phủ đã và đang rất quan tâm tới lĩnh vực lâm nghiệp nói chung và bảo tồn nói riêng, nhưng với bối cảnh nguồn lực tài chính công cũng cần phân bổ cho các lĩnh vực và ngành ưu tiên quan trọng khác, thì việc huy động, tìm kiếm các giải pháp tài chính bền vững cho bảo tồn là cần thiết.

Quyết định số 149/QĐ-TTg ngày 28/01/2022 về việc Phê duyệt Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã cụ thể hóa các giải pháp bảo đảm nguồn lực tài chính cho bảo tồn đa dạng sinh học. Theo đó, vốn ngân sách nhà nước được cân đối, bố trí “để thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp, đề án, dự án ưu tiên của Chiến lược theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước, đầu tư công; ưu tiên vận động các nguồn ODA thực hiện Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học; nâng cao hiệu quả nguồn vốn đầu tư cho bảo tồn đa dạng sinh học”.

Thực tế, nguồn tài chính ổn định nhất, bền vững nhất hiện nay cho Việt Nam vẫn là nguồn vốn đầu tư công, nhưng cũng chỉ đủ chi trả cho đội ngũ nhân sự quản lý tại các khu bảo tồn, với một mức sống khiêm tốn, còn nhiều khó khăn và thiệt thòi. Do đó, về phía Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tôi ghi nhận những kiến nghị từ các đồng chí hôm nay để trân trọng hơn những công việc của lực lượng kiểm lâm, những người bảo vệ rừng, lực lượng làm công tác bảo tồn, từ đó sẽ có những biện pháp hỗ trợ, ưu tiên hơn cho công tác bảo tồn.

Bộ trưởng gặp gỡ các lãnh đạo của 16 vườn quốc gia, khu bảo tồn
 trên cả nước và khơi dậy niềm tự hào khi làm công tác bảo tồn rừng

Rất nhiều giải pháp được kiến nghị trong sáng nay, trong đó có giải pháp huy động các nguồn lực từ các thể chế, quỹ tài chính quốc tế và các đối tác quốc tế như WWF. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẵn sàng chủ động, phối hợp với các đối tác quốc tế cùng xây dựng những phương án, lộ trình, xây dựng đề xuất dự án vận động tài chính nhằm giảm bớt gánh nặng phân bổ nguồn lực công và đảm bảo tính bền vững, quy mô của tài chính cho bảo tồn. Nhân dịp này, tôi kêu gọi sự chung tay và tập trung hỗ trợ từ phía các đối tác quốc tế, đặc biệt là từ các tổ chức quốc tế có kinh nghiệm sâu về lĩnh vực này như WB, UNDP, GIZ v.v..

Và chúng ta không thể không nhấn mạnh tới vai trò bảo tồn của khối tư nhân, của cộng đồng và người dân trong việc tạo nguồn tài chính thông qua các mô hình cộng đồng đồng quản lý, mô hình đối tác công - tư, phí chi trả môi trường rừng, phí bảo vệ nguồn lợi tài nguyên thiên nhiên.

Phát biểu đến đây, tôi nhớ lại lời chia sẻ của ông Văn Ngọc Thịnh, Giám đốc WWF Việt Nam, người đồng chủ trì sáng nay. Đó là “Cần phải lấy con người làm trung tâm trong chiến lược bảo tồn và phát triển hệ sinh thái rừng, các Vườn Quốc gia, các khu bảo tồn thiên nhiên”. Lời chia sẽ đó là sự trăn trở, thậm chí đã ám ảnh tôi trong thời gian qua, cho đến chiều hôm qua tiếp xúc bà con dân tộc S’Tiêng và Châu Mạ thôn Tà Lài trong cộng đồng tham gia bảo vệ rừng, và sáng nay gặp lực lượng kiểm lâm của Vườn Quốc gia Cát Tiên. Như đề xuất của Vườn Cát Tiên, nguồn tài chính hỗ trợ tốt cho bảo tồn chính là nguồn thu từ du lịch sinh thái.

Theo báo cáo của WWF và BCA công bố năm 2021, Việt Nam là một trong 16 quốc gia sở hữu đa dạng sinh học cao nhất. Chúng ta hãy cùng nhau giữ gìn và tạo ra môi trường, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, lành mạnh, có giá trị và mang bản sắc tâm hồn, văn hoá Việt Nam. Việc này phụ thuộc rất nhiều vào vai trò cộng đồng, người dân và đặc biệt là lực lượng kiểm lâm, bảo vệ rừng, những cán bộ có năng lực, trình độ và đạo đức nghề nghiệp, bởi “con người chính là môt phần của giải pháp”.

Chúng ta nhận thức rõ rằng, cùng với sự gia tăng dân số, diện tích rừng tự nhiên ngày càng thu hẹp lại. Vấn đề đó đặt ra câu hỏi, phải chăng đã đến lúc chúng ta cần có tầm nhìn mới và cách tiếp cận mới để phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng thông qua sự tích hợp giữa khoa học kinh tế, khoa học công nghệ và khoa học xã hội. Trong cùng không gian rừng, ngoài giá trị từ gỗ, còn có những dược liệu quý hiếm, những loài thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao, hay có thể phát triển chăn nuôi, thuỷ sản dưới tán rừng. Ngoài ra, giá trị kinh tế mới của rừng còn đến từ dịch vụ cho thuê môi trường rừng để phát triển du lịch sinh thái, nguồn thu từ tín chỉ các - bon rừng.

Hay việc bảo tồn, không chỉ bảo tồn đa dạng sinh học với những nguồn gen “động thực vật quý hiếm; mà tri thức và văn hoá cộng đồng, không gian tinh thần, tín ngưỡng và tâm linh của đời sống con người cũng cần được bảo tồn và phát triển trong một bảo tàng sống” là không gian rừng. Tư duy về giá trị rừng đa dụng giúp hài hoà mối quan hệ giữa tài nguyên thiên nhiên và tài nguyên con người, giữa tài nguyên hữu hình và tài nguyên vô hình, hướng đến sự phát triển bền vững.

Như nhiều lần lãnh đạo Việt Nam đưa ra thông điệp rõ ràng, nhất quán: Chúng tôi là quốc gia có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế. Nhân sự kiện đặc biệt hôm nay, trước các tổ chức quốc tê hiện diện tại đây và với cộng đồng các nhà tài trợ rằng, một lần nữa chúng tôi cam kết sẽ thực thi sứ mạng bảo tồn đa dạng sinh học các hệ sinh thái rừng. Ngược lại, chúng tôi cũng momg mỏi cộng đồng quốc tế thực thi những cam kết hỗ trợ đối với Việt Nam. Trong thời gian sớm nhất, chúng tôi sẽ gửi đến quý vị những đề xuất sáng kiến mới mang tính chiến lược để đảm bảo mục tiêu bảo tồn bền vững các Vườn quốc gia, các khu bảo tồn, các khu sinh quyển. Các sáng kiến mới tập trung về tiếp cận khoa học công nghệ, nâng cao năng lực cho các ban quản lý, lực lượng kiểm lâm, cộng đồng đồng quản lý rừng, cách thức huy động ngân sách, các nguồn quỹ dành cho bảo tồn và phát triển.

Sau đây, tôi lại xin trích dẫn một khái niệm trong cuốn sách đã giới thiệu ở trên, cũng thay cho một lời mời tới toàn thể quý vị tại đây - chúng ta cùng nhau “tắm rừng- shinrin yoku”. Trong tiếng Nhật, shinrin có nghĩa là “rừng”, còn yoku là “tắm”. Vậy shinrin-yoku có nghĩa là tắm trong môi trường rừng, hay đắm mình vào không gian rừng bằng mọi giác quan. Đây không phải là bài tập thể dục đi bộ hay chạy bộ đường dài. Chỉ đơn giản là đón nhận và kết nối với thiên nhiên bằng thị giác, thính giác, vị giác, khứu giác và xúc giác. Ở trong nhà, chúng ta thường chỉ sử dụng hai giác quan, mắt và tai. Ngoài trời là nơi chúng ta có thể hít ngửi mùi hoa, thưởng thức không khí trong lành, ngắm nhìn cây lá thay màu, lắng nghe tiếng chim hót và cảm nhận cái se lạnh mơn trớn trên làn da. Và khi các giác quan được mở ra, chúng ta bắt đầu kết nối với thế giới tự nhiên.”

Vườn quốc gia Cát Tiên là nơi tuyệt vời để chúng ta tắm rừng và tôi tin rằng từ hôm qua đến sáng nay, các bạn và tôi đã thực sự “tắm” trong Cát Tiên rồi. Lời cuối cùng, tôi là người làm quản lý, làm nông nghiệp chứ không phải là nhà thơ. Nhưng giữa không gian này, tôi không kìm nén được cảm xúc nên mượn lời của nhà thơ Xuân Miễn trong tác phẩm “Nhớ miền Đông” (Đông ở bài thơ này chính là miền Đông Nam Bộ) để bày tỏ tấm lòng hiếu khách của con người Việt Nam tới bà và tòan thể quý hôm nay:

“Chưa chi mà đã nhớ Miền Đông

Cứ muốn ôm ghì lấy núi sông

Ôi tiếng chim hoàng kêu buổi sáng

Nỉ non trong lá vượn ru con

Ta sắp xa rồi, ta sắp xa

Những chiều rừng thắm gió bao la

Bập bùng ngọn lửa trong lều nhỏ

Vang tiếng bầy voi giữa rú già...”.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Lê Minh Hoan

Ý kiến của bạn

Ý kiến bạn đọc (0)

Follow

Tin xem nhiều

Danh mục chính Menu

Chính quyền với báo chí

Mục này cập nhật liên tục thông tin nổi bật của báo chí trong và ngoài tỉnh về vùng đất Sen Hồng

Thông cáo báo chí
Người phát ngôn
Báo chí với Đồng Tháp

Danh mục chính Menu

Banner Bản tin chỉ đạo điều hành

Banner Video

Banner Megastory

Banner Tin đồ họa

Tin nổi bật

// ]]>