Xuất bản thông tin

null Những lão nông góp phần làm nên thương hiệu cho Xoài Đồng Tháp

Những lão nông góp phần làm nên thương hiệu cho Xoài Đồng Tháp

Xoài là cây trồng chủ lực của tỉnh Đồng Tháp, mang lại giá trị kinh tế cao. Đến nay, toàn tỉnh đã có 14.000 ha, sản lượng hằng năm đạt khoảng 200.000 tấn, phục vụ thị trường nội địa và xuất khẩu nhiều nước trên thế giới. Đạt được thành tích này, có sự đóng góp không nhỏ của những lão nông trồng xoài trên địa bàn huyện Cao Lãnh và thành phố Cao Lãnh – hai địa phương có diện tích xoài nhiều nhất tỉnh Đồng Tháp.

Ông Đoàn Thanh Hiền đang chăm chút sản phẩm dự Hội thi “Trái xoài ngon”.
Ảnh: Thành Sơn

Ông Đoàn Thanh Hiền (63 tuổi) ở xã Mỹ Xương, là một trong những nhà vườn trồng xoài lâu năm tại huyện Cao Lãnh. Ông cho biết, ban đầu ông chỉ trồng 4000m2 xoài cát Hòa Lộc, sau đó thấy ăn nên làm ra nên ông mạnh dạn đầu tư thêm 13.000m2 nữa và chuyên canh toàn bộ vườn nhà với 02 giống xoài chủ lực: Xoài Cao Lãnh và xoài Cát Chu Cao Lãnh. Tổng số cây cho trái hiện nay là 450 cây, từ 12 đến 21 năm tuổi, đều được ông trồng bằng phương pháp cấy ghép, không trồng bằng hạt như phương pháp truyền thống, cá biệt có cây đã 55 năm tuổi.

Cạnh đó, ông đã gia cố bờ bao khu vườn hoàn thiện, đắp mô từng gốc xoài và lắp đặt hệ thống phun tưới tự động vừa nhanh, gọn, tiết kiệm nhiều thời gian và nhẹ công lao động. Ông triệt để áp dụng cách trồng xoài theo tiêu chuẩn GlobalGap, VietGap nên trái đạt chất lượng cao.

Chưa dừng lại ở đó, năm 2016, ông Đoàn Thanh Hiền đã biến vườn xoài của mình thành điểm du lịch sinh thái với diện tích rộng 1,7ha. Ông Hiền cho biết: “Hướng đến Lễ hội Xoài Đồng Tháp năm 2023, gia đình tôi sẽ mở cửa đón khách tham quan các ngày trong tuần. Đến với điểm tham quan, du khách sẽ được gia đình giới thiệu về quy trình sản xuất xoài; được thưởng thức những món ngon chế biến từ xoài. Ngoài ra, ông cũng đã chuẩn bị sản phẩm dự Hội thi “Trái xoài ngon” và hội thi tạo hình, trình bày mâm quả đẹp từ xoài.

Ông Huỳnh Thanh Bá chăm sóc vườn xoài

Đến với “vương quốc xoài” Mỹ Xương (huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp),
hỏi tên
ông Huỳnh Thanh Bá thì hầu như ai cũng biết.

Dù không phải là một trong những người trồng xoài đầu tiên tại vùng đất này, tuy nhiên người nông dân này lại luôn là người tiên phong tìm tòi áp dụng những cái mới cho cây xoài một cách không ngừng nghỉ.

Dù vườn xoài của ông Bá đã được hơn 22 năm tuổi, nhưng điều đáng ngạc nhiên là mỗi cây xoài chỉ cao khoảng 5m. Từ những năm 2000, người nông dân này đã ý thức được việc trồng xoài không nên để cho cây quá cao, mà cần cắt cành, tạo tán hợp lý để cây sinh trưởng tốt, lại nhẹ công chăm sóc.

Ông Huỳnh Thanh Bá – Xã Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp cho hay: “Trồng đến nay 22 năm nhưng mà mình gồng đọt lại hết, cắt đọt không cho cao, chiều cao tầm 4 đến 5m. Mình chăm sóc dễ tưới, bao trái dễ bao, mình làm gì cũng dễ.”

Thời điểm nông dân còn chưa biết bao trái cho xoài là gì, ông Bá cũng là người đầu tiên bao trái cho xoài tại đất Mỹ Xương. Thấy được hiệu quả kinh tế, từ đó đến nay, bà con trồng xoài không thể bỏ qua quy trình này.

Nắm được đặc tính cây Xoài Cát Chu khó ra bông hơn vào mùa mưa, mới đây, ông Bá lại tìm tòi thử nghiệm bọc gốc xoài bằng nilong, giống như những vườn cây đặc sản giá trị cao. Theo ông Bá, chi phí cho mỗi liếp xoài 500m2 chỉ tầm 02 triệu đồng, lại có thể sử dụng nhiều lần.

Ông Nguyễn Văn Mách giới thiệu mô hình “Cây xoài nhà tôi”. Ảnh: Mỹ Nhân

Thời gian qua, dù có thời điểm giá xoài giảm sâu khiến nhiều hộ dân rơi vào khó khăn nhưng gia đình ông Nguyễn Văn Mách ở xã Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh vẫn “sống khỏe” nhờ thực hiện mô hình “Cây xoài nhà tôi” trồng theo hướng hữu cơ.

Theo ông Mách, gia đình ông bắt đầu trồng xoài từ năm 1995 và chủ yếu bán cho thương lái. Tuy nhiên, giá cả bấp bênh khiến lợi nhuận mang lại không cao. Năm 2016, Hợp tác xã xoài Mỹ Xương triển khai mô hình “Cây xoài nhà tôi” có hỗ trợ kỹ thuật canh tác. Nhận thấy tiềm năng của mô hình nên ông mạnh dạn đăng ký tham gia.

Thực hiện theo mô hình với diện tích vườn 12.000m2, gia đình ông luôn để cỏ mọc tự nhiên và tuyệt đối không sử dụng thuốc hóa học. Để cây đủ dinh dưỡng, sinh trưởng tốt, gia đình ông sử dụng phân bón hữu cơ, tưới bằng nguồn nước sạch. Nhờ đó, từ năm 2016 đến nay, vườn xoài của ông Mách luôn đạt chứng nhận sản phẩm an toàn và được khách hàng chọn mua nhờ được đảm bảo chất lượng, có truy xuất nguồn gốc.

Ông Mách chia sẻ: “Mặc dù canh tác theo hướng hữu cơ, năng suất không cao bằng cách truyền thống nhưng đổi lại, cây xoài trong vườn luôn xanh tốt, kháng bệnh cao. Đặc biệt là giá sản phẩm xoài hữu cơ cũng cao hơn giá xoài thông thường khoảng 30%. Từ những cây xoài đầu tiên, đến nay, tôi bán được 75 “Cây xoài nhà tôi” (giá 7 triệu đồng/cây). Với mô hình này, trừ các khoản chi phí, tôi thu lãi trên 300 triệu đồng/năm”.

Ông Trần Quang Thâu với sản phẩm xoài Cát Chu sấy dẻo. Ảnh: Mỹ Lý

Còn đây là lão nông Trần Quang Thâu (72 tuổi) ngụ ấp Tân Chủ, xã Tân Thuận Tây, thành phố Cao Lãnh.

Năm 2022, thành phố Cao Lãnh có 10 sản phẩm được bình chọn đạt OCOP 3 và 4 sao cấp tỉnh. Trong đó, có sản phẩm Xoài Cát Chu sấy dẻo của lão nông Trần Quang Thâu.

Gia đình ông Trần Quang Thâu canh tác khoảng 0,56 ha xoài Cát Chu Cao Lãnh và xoài Đài Loan, là nguồn kinh tế chính của gia đình. Tuy nhiên, khoảng năm 2019, khi vụ xoài chính vụ bước vào mùa thu hoạch rộ, giá xoài trên thị trường bắt đầu lao dốc không phanh, có thời điểm, thương lái thu mua xoài nguyên liệu tại vườn chỉ 5.000 đồng – 6.000 đồng/kg, trong khi giá thành sản xuất lên đến 10.000 đồng – 12.000 đồng/kg. Thời điểm đó, ông Thâu suy nghĩ phải tìm giải pháp để chế biến xoài, vì chỉ có chế biến mới có thể nâng cao giá trị cho trái xoài.

Rồi “trong cái khó chợt ló cái khôn”, ông Thâu nhớ lại nhiều năm về trước khi xoài vào vụ mùa, xoài chín cũng rụng đầy vườn, gia đình ông cắt gọt phơi khô và biếu tặng bạn bè, người thân. Ăn xong, ai cũng khen ngon và nghiện món xoài chín phơi khô nhà ông Thâu. Điều đó đã giúp ông Thâu nung nấu suy nghĩ, mua máy sấy về sản xuất thử nghiệm xoài sấy dẻo. Tuy nhiên, từ ý tưởng đến thực tiễn thành công không phải là chuyện một ngày một bữa.

Ông Trần Quang Thâu tâm sự: “Sau khi tìm hiểu về một số máy móc, công nghệ sấy xoài hiện nay, tôi nhận thấy việc áp dụng công nghệ và kỹ thuật sấy lạnh như nhiều doanh nghiệp lớn đang áp dụng thì sẽ không phù hợp với tiêu chí sấy mộc của tôi. Vì áp dụng kỹ thuật sấy lạnh thì không thể giữ được trọn vẹn hương vị ngọt thanh, đậm đà đặc trưng của trái xoài Cát Chu. Do đó, sau nhiều lần đắn đo, tôi mạnh dạn mua chiếc máy sấy nhiệt công suất khoảng 2kg thành phẩm/ngày để sản xuất thử nghiệm. Trải qua nhiều tháng sản xuất và đổ bỏ hàng chục mẻ xoài sấy bị hỏng, khoảng cuối năm 2019, mẻ xoài cát chu sấy dẻo đầu tiên đã thành công ngoài mong đợi. Sản phẩm có độ mềm, dẻo tự nhiên, đặc biệt nhờ sấy theo phương thức truyền thống nên miếng xoài thành phẩm giữ được hương vị thơm ngon đậm đà, đặc trưng của xoài Cát Chu Cao Lãnh”.

Ông Nguyễn Phú Hiệp bên cạnh vườn xoài hữu cơ. Ảnh: Ngọc Tài

08 năm kiên trì canh tác hữu cơ, ông Nguyễn Phú Hiệp (73 tuổi), xã Mỹ Hội, huyện Cao Lãnh, thu được trái ngọt, bán giá cao, thị trường ưa chuộng.

Ông Hiệp bén duyên với cây xoài lúc 28 tuổi, mới lập gia đình, ra riêng được ba má cho mảnh vườn hơn năm công (5.000 m2). Nhiều năm kinh nghiệm cùng với tư vấn của chuyên gia, năm 2014, ông chuyển sang trồng xoài hữu cơ. Bên cạnh bón phân hữu cơ như phân gà, cá, trùn quế, ông dùng kèm phân vi sinh, không dùng chất cấm.

"Tuyệt đối không xịt thuốc cỏ 2,4D, carphosate. Thuốc trừ bệnh gốc carbendazim không xài vì lưu tồn 6 tháng, xoài mới ra đọt, xịt lên đó, lúc thu hoạch kiểm tra là dính dư lượng thuốc trừ sâu liền", ông Hiệp nói.

Vườn xoài 74 gốc, 20 năm tuổi, được ông Hiệp đánh số thứ tự. Mỗi cây ông xây dựng "lý lịch" riêng để dễ chăm sóc. Mỗi vụ ông tốn 300 kg phân hữu cơ, 15 lít phân vi sinh, chi phí phân bón hơn hai triệu đồng. Chủ vườn cũng chọn cách khắc gốc (chặt nhẹ lên thân cây, ngăn dinh dưỡng từ lá xuống nuôi rễ), kích thích ra hoa tự nhiên thay vì dùng chất paclobutazol không tốt cho môi trường.

Ngoài ra, xoài được bao trái khi to bằng đầu ngón tay, giảm hẳn việc phun xịt thuốc bảo vệ thực vật. Mấy vụ đầu ông chuyển sang canh tác hữu cơ, năng suất khoảng một tấn mỗi công (1.000 m2) giảm 10-20%, song tổng thu của nhà vườn vẫn như trước, do tiết kiệm chi phí sản xuất.

Trên vườn, ông Hiệp còn dùng thiết bị thông minh tự động tưới vườn, điều khiển bằng điện thoại thông minh. Nhìn cách lão nông xài dùng mạng để tra cứu thông tin, đọc báo, bán xoài, nhiều người cùng thời phải thán phục.

Xoài kiểng trong vườn nhà ông Lê Phước Tánh. Ảnh: Lục Tùng

Người khởi xướng đưa xoài vào chậu kiểng là ông Lê Phước Tánh (68 tuổi), xã Tân Thuận Tây, thành phố Cao Lãnh. Sinh ra và lớn lên giữa thủ phủ xoài của Đồng Tháp, ông Tánh có kỹ năng trồng xoài giỏi, cộng thêm năng khiếu và đam mê chơi cây kiểng mấy năm trước ông Tánh sáng kiến và bắt đầu thử nghiệm đưa cây xoài vào chậu kiểng.

Cũng giống như lĩnh vực hoa kiểng, ông Tánh bắt tay vào xoài kiểng theo 02 dạng: Xoài kiểng cành nhánh dáng trực và xoài kiểng thế. Với xoài kiểng thế, ông chọn những cây xoài có bộ rễ đẹp, hoặc tiềm ẩn dáng đẹp rồi ra tay cắt tỉa để thành cây xoài kiểng có dáng bay, dáng hồi v.v..

Theo ông Tánh, với loại này, cần nhiều thời gian và công chăm sóc nên giá bán cao, từ 5 - 7 triệu đồng/cây với ít nhất 03 chùm trái. Vì vậy, ông nghiên cứu thêm việc đưa xoài cành nhánh vào chậu để bán với giá rẻ hơn.

Đầu tiên, ông mua xoài ghép từ các cơ sở cây giống về trồng. 02 năm sau, đưa vào chậu uốn cành, tỉa nhánh rồi dưỡng lấy trái. Giá bán dao động 2,5 - 3 triệu đồng/chậu.

Mỗi cây xoài kiểng được ông Tánh ghép ít nhất 03 giống xoài (thường là xoài Cát Chu, cát Hòa Lộc và xoài Đài Loan). Tất cả đều được dùng bao giấy bao trái vừa hạn chế côn trùng gây hại, vừa tạo cho da quả xoài có màu vàng đẹp mắt, phù hợp với ngày Tết nên rất được nhiều người ưa thích.

Và còn rất nhiều lão nông khác có những mô hình mới, cách làm hay trong sản xuất xoài. Có thể kể đến nông dân Trần Văn Hổ (xã Tịnh Thới, thành phố Cao Lãnh) thực hiện Trang trại mẫu, chuyên trồng xoài Cát Chu, diện tích 7.000m2, thuộc dự án Nâng cao chuỗi giá trị xoài Đồng bằng sông Cửu Long; nông dân Đặng Văn Những (Tâm Quê hội quán) tạo chế phẩm sinh học từ gừng, tỏi, ớt để phòng trừ sâu bệnh cho xoài; nông dân Lê Minh Hiện (Phường 6, thành phố Cao Lãnh) kinh doanh trực tuyến “Cây xoài nhà tôi” v.v..

Nguyệt Ánh (tổng hợp)

Ý kiến của bạn

Ý kiến bạn đọc (0)

Follow

Tin xem nhiều

Danh mục chính Menu

Chính quyền với báo chí

Mục này cập nhật liên tục thông tin nổi bật của báo chí trong và ngoài tỉnh về vùng đất Sen Hồng

Thông cáo báo chí
Người phát ngôn
Báo chí với Đồng Tháp

Danh mục chính Menu

Banner Bản tin chỉ đạo điều hành

Banner Video

Banner Megastory

Banner Tin đồ họa

Tin nổi bật

// ]]>