Xuất bản thông tin

null Nguyễn Văn Linh

NGUYỄN VĂN  LINH

(Thống Linh)

( 1815 – 1865 )

Ông Nguyễn Văn Linh quê ở thôn Mỹ Ngãi, huyện Kiến Đăng, tỉnh Định Tường (nay thuộc phường I, thị xã Cao Lãnh), sanh ra trong một gia đình nông dân, lễ giáo.

Ngay từ nhỏ, ông đã tỏ ra khí phách anh hùng. Trong những cuộc giao du, đàm luận với bạn bè, ông thường biểu lộ tính kiên cường, chánh trực, hay binh vực kẻ yếu, thế cô. Ông thường nói với bạn hữu: “Thà chết vinh hơn sống nhục.” Năm 22 tuổi ông lập gia đình, cuộc sống ấm êm không làm ông xao lãng việc trau dồi văn chương, võ nghệ, chờ có cơ hội giúp dân, giúp nước.

Sau khi triều đình ký hòa ước Nhâm Tuất (1862), nhường ba tỉnh Biên Hòa, Gia Định, Định Tường cho thực dân Pháp, chúng kéo quân đến vùng Cao Lãnh tiến hành công việc bình định chiếm đóng. Lập tức, ông đứng ra qui tụ thanh niên trai tráng trong vùng luyện tập võ nghệ, trang bị võ khí tự tạo…hình thành đội nghĩa dõng bí mật, ngày đêm rình rập theo dõi hành tung của giặc, hễ có cơ hội là diệt chúng, làm cho giặc hoang mang ngay từ buổi đầu mới chiếm đóng. Nhưng với lực lượng nhỏ, võ khí lại thô sơ, kết quả mang lại không như ông mong muốn.

Giữa năm 1863, Thiên hộ Võ Duy Dương từ Ba Giồng(Cai Lậy) mang nghĩa quân vô Đồng Tháp Mười xây dựng đồn lũy lập căn cứ, truyền hịch chiêu mộ nghĩa sĩ, ông liền đem lực lượng của mình đặt dưới quyền chỉ huy của Thiên hộ và hiến nhiều kế sách cho việc xây dựng, phát triển lực lượng nghĩa quân. Trong giai đoạn  xây dựng căn cứ, ông và Đốc Binh Kiều là hai bộ tướng phụ tá đắc lực của Thiên hộ Dương trong việc chiêu mộ nghĩa quân và vận động nhân dân ủng hộ kháng chiến. Vùng hoạt động của nghĩa quân Đồng Tháp Mười ngày một mở rộng, nghĩa quân chủ động tiến công giặc nhiều nơi. Nguyễn Văn Linh được giao thống lãnh một đạo nghĩa quân phụ trách hoạt động vùng Cao Lãnh, nên trong quân cũng như ngoài dân thường gọi ông là Thống Linh. Hoạt động của ông làm cho giặc Pháp trong vùng mất ăn mất ngủ, nhưng chúng không sao đàn áp nổi. Để đối phó, chúng phải sử dụng hai tên tay sai khét tiếng: cai Lộc (tức Trần Bá Lộc, sau thăng lên tổng đốc) và nhứt là quản Khanh (tức Phạm Văn Khanh), vốn là người làng Mỹ Trà có quen biết với Thống Linh trước đây và có thời gian y tham gia lực lượng nghĩa quân. Bọn nầy thường xuyên rình rập theo dõi hoạt động của ông.

Một hôm trên đường lo việc quân cơ, tiện đường ghé qua thăm gia đình, bị chúng theo dõi, phục kích bắt ông và hai người bạn chiến đấu là Thống Bình và Thống Chiếu tại thôn Phong Mỹ, đem về chợ ông Chánh (tức chợ Mỹ Ngãi sau nầy) giam giữ với thâm ý dùng tình cảm gia đình để lung lạc lòng yêu nước của ông. Suốt ngày đêm, bọn Lộc- Khanh hết dụ dỗ đến hăm doạ nhưng không lay chuyển được ý chí sắt đá của người anh hùng. Cuối cùng, chúng ra tay hành quyết ông cùng với Thống Bình, Thống Chiếu tại chợ Mỹ Ngãi. Trước khi đầu lìa khỏi cổ, ông vẫn bình tỉnh ngâm hai câu thơ:

                      “Rất tiếc thù chung chưa trả đặng,

                      Sụt sùi chín suối dễ nào nguôi”

 

Hiển thị Tới trang của 135 < >

Follow

Tin xem nhiều

Danh mục chính Menu

Danh mục chính Menu

Banner Bản tin chỉ đạo điều hành

Banner Video

Banner Megastory

Banner Tin đồ họa

Tin nổi bật