Xuất bản thông tin

null Câu chuyện Quân - Dân

Câu chuyện Quân - Dân

Lâu lắm rồi, mới lại được nghe Bài hát đi cùng năm tháng: "Bộ đội về làng". Những ca từ thật sự lay động lòng người! "Các anh về mái ấm, nhà vui. A! Tiếng hát, câu cười rộn ràng trong xóm nhỏ..."! Tình Quân với Dân là vậy! Nghĩa Dân với Quân là vậy! Các cuộc kháng chiến thần thánh chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta có được thắng lợi chính là từ sự gắn kết keo sơn giữa Quân và Dân, từ tình nghĩa ấm áp giữa Dân và Quân như thế!

Trong thời gian qua, những người lính Cụ Hồ thân thương có sáng kiến  "về làng" thông qua các chương trình "Tết Quân - Dân" trải khắp làng quê ngõ xóm. Bộ đội "về làng" rồi ra đi, để lại những cây cầu, những con đường kiên cố, khang trang. Bộ đội "về làng" rồi lại ra đi, để lại những ngôi nhà nghĩa tình, những suất quà tặng gia đình chính sách, những người còn nghèo khó, những học sinh vượt khó. Nhớ lại câu ca dao xưa: “Ví dầu cầu ván đóng đinh. Cầu tre lắt lẻo gập ghềnh khó đi” mới cảm nhận được những cây cầu, con đường mà những người lính cùng với cả hệ thống chính trị tạo dựng thật sự có ý nghĩa, đầy tính nhân văn. Quê mình mỗi ngày có "hai con nước lớn, ròng". "Nước lớn" cũng khổ mà "nước ròng" cũng khó trong việc đi lại của bà con, em cháu mình. Chở một thúng xoài bằng xe, bằng xuồng ghe rồi khiêng lên khiêng xuống, vừa tốn thời gian, vừa thêm chi phí. "Qua sông thì phải luỵ đò"! Ngày xưa là vậy!

Vậy mà, hôm nay đã có những cây cầu vững chãi, những đoạn đường thông thoáng, không còn cảnh "nắng bụi, mưa bùn". Các cháu học sinh tới trường đỡ vất vả, không còn sợ trễ buổi học. Những cô, dì đến phiên chợ sớm thuận tiện kịp giờ về chuẩn bị bữa cơm trưa cho gia đình. Giao thương nông sản, hàng hoá kịp thời hơn. Vậy là, làng quê "xôn xao" lên rồi, rộn ràng hơn rồi. Vậy là, "bộ đội về làng" mang đến ánh sáng văn minh cho làng quê rồi! Vậy là, "bộ đội về làng" đã "sưởi ấm" cho bao người sinh ra từ làng, đang sống ở làng, đang làm ra hạt gạo, mớ rau, con cá cho mọi người. Từ đây, người đến với người thường xuyên hơn, tình người thắt chặt hơn. Ngày nay là vậy!

Những ngôi nhà, những suất quà bộ đội mang về làng giúp cho những người già cả neo đơn, gia đình chính sách, những người bệnh tật như là một cách tri ân đối với những người mình thường gọi nhau bằng hai tiếng "bà con" thân thương, hai tiếng "đồng bào" ngọt ngào! Những buổi hàn huyên giữa người lính với người dân đã "làm ấm" lên những nếp nhà. Những buổi giao lưu văn nghệ, thể thao, màu áo xanh của người lính hoà với màu nâu của bà con làm đẹp thêm bức tranh làng quê vốn yên ả. "Cá" đã về với "nước", đâu có ai có thể chia rẽ tình nghĩa Dân với Quân!!!

Làm gì cũng vậy, khi hiểu rõ những giá trị ẩn đằng sau thì công việc sẽ trôi chảy, mỗi người tham gia sẽ thấy mình thật hạnh phúc khi mang lại niềm hạnh phúc cho người khác. Nếu chỉ nhìn những cây cầu, những con đường, những suất quà như những vật hữu hình thì chưa thấy hết ý nghĩa sâu xa của "Tết Quân - Dân". Quê mình đang xây dựng nông thôn mới với triết lý là tạo dựng "tinh thần nhân dân". Và, "Tết Quân - Dân" là để góp phần hiện thực hoá triết lý đó. Một khi không còn thấy mình "bị bỏ lại phía sau”, người dân sẽ tự tin hơn trong cuộc sống. Một khi không còn "lủi thủi", người dân thấy mình cần hoà nhập vào cộng đồng để đi xa hơn. Một khi thấy hình bóng người lính hiện diện trong trong ngôi nhà của mình, người dân như được tiếp thêm sức mạnh để sống, sản xuất tốt hơn, sẽ không cam chịu sống mãi trong nghèo khó. Đó là những giá trị vô hình của "Tết Quân - Dân"!

Suy cho cùng, mỗi chúng ta cũng sinh ra từ làng, ông bà, cha mẹ cũng là nông dân một thời "tay lấm, chân bùn". Vậy thì, dù đi bất cứ ở nơi đâu, làm bất cứ việc gì cũng nên trở về làng. "Về" để thấy làng quê mình đẹp lắm. "Về" để chứng kiến làng quê thay đổi từng ngày. Và "về" để thấu cảm với những người dân quê vẫn còn khó khăn vất vả. Thấu cảm để thấy mình hành động sao cho có bổn phận với xã hội hơn. Thấu cảm để mỗi người luôn đau đáu trong lòng làm sao cho xứ sở mình ngày càng trù phú hơn, bà con mình giàu có hơn. Những người lính Bộ đội cụ Hồ sẽ thấy mình cần rèn luyện trong quân ngũ tốt hơn, luôn nắm chắc tay súng để giữ vững bờ cõi, trong đó, có làng quê của mình, bà con của mình. Và những người mang trên mình bộ đồng phục màu xanh của lúa, của vườn tược đâu cần đến “Tết Quân - Dân” mới về làng. Đã xem người dân là "bà con" rồi thì về lúc nào mà chẳng được!?! Không có những cây cầu, những con đường, những ngôi nhà thì chai sữa, hộp bánh, gói trà, một câu hỏi han chân tình, một lời động viên đúng lúc cũng đủ người làng quê ấm áp lắm rồi!

"Đi dân nhớ, ở dân thương" là phẩm cách anh Bộ đội cụ Hồ! Bà con đang mong ngóng được đón người cháu, người anh, người em về thăm từng giờ, từng ngày. "Các anh đi ngày ấy đã lâu rồi, xóm làng tôi nhớ mãi. Ước mong sao đến khi nào trở lại". Rồi các anh sẽ quay về, tiếp tục cùng bà con phát triển làng quê mình ngày một tươi đẹp hơn, nghĩa tình thắt chặt hơn. Chắc chắn là như vậy!

Đồng Tháp quê mình đang tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp với mục tiêu tạo ra “giá trị xanh từ những tiềm năng xanh”. Vậy thì những người lính với quân phục xanh cũng chính là tiềm năng xanh, hổng biết có phải vậy không?

Xích Lô  

Ý kiến của bạn

Ý kiến bạn đọc (0)

Follow

Tin xem nhiều

Danh mục chính Menu

Chính quyền với báo chí

Mục này cập nhật liên tục thông tin nổi bật của báo chí trong và ngoài tỉnh về vùng đất Sen Hồng

Thông cáo báo chí
Người phát ngôn
Báo chí với Đồng Tháp

Danh mục chính Menu

Banner Bản tin chỉ đạo điều hành

Banner Video

Banner Megastory

Banner Tin đồ họa

Tin nổi bật

// ]]>