Xuất bản thông tin

null Đề xuất giải pháp chuyển đổi số và liên kết chuỗi trong nông nghiệp

Đề xuất giải pháp chuyển đổi số và liên kết chuỗi trong nông nghiệp

Tiếp tục chương trình Diễn đàn Mekong Connect 2020, chiều 21/12, các tỉnh, thành phố ABCD – Mekong đã tiến hành tọa đàm, với 04 phiên thảo luận. Trong đó, “Chuyển đổi số và liên kết chuỗi trong nông nghiệp” là chuyên đề được đơn vị đăng cai Đồng Tháp lựa chọn.

Ông Phạm Thiện Nghĩa - Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh phát biểu tại tọa đàm

Ông Phạm Thiện Nghĩa – Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh cho biết, thời gian qua tỉnh đã phát triển các mô hình kinh doanh qua mạng như mô hình “cây xoài nhà tôi” “cây cam nhà tôi”, có sức lan toả mạnh mẽ, nhiều sản phẩm của tỉnh tham gia sàn giao dịch điện tử. Đồng Tháp hiện là một trong những địa phương có môi trường và số lượng doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đầu tư vào nông nghiệp thuộc nhóm tốt. Trong đó có các dự án lớn và hiện đại như: Nhà máy thức ăn chăn nuôi ứng dụng công nghệ 4.0; Trung tâm nghiên cứu và phát triển giống công nghệ cao; Mô hình “Sản xuất lúa sử dụng phân bón thông minh”.

Với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, Đồng Tháp đang nỗ lực xây dựng chiến lược về chuyển đổi số với 03 trụ cột chính là chính quyền số, kinh tế số, xã hội số theo lộ trình cụ thể và tạo cơ chế thông thoáng, ưu đãi thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này. Đồng Tháp xác định đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa đột phá trong thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phạm Thiện Nghĩa, tuy đã định hướng ưu tiên thực hiện chuyển đổi số trong nông nghiệp nhưng đây vẫn là khái niệm rất mới với nhiều người, do đó tỉnh rất cần các chuyên gia, nhà hoạch định chiến lược và doanh nghiệp, nông dân ngồi lại, cùng trao đổi về định hướng thực hiện trong thời gian tới.

04 diễn giả tham gia tọa đàm (từ trái sang): Tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ,
bà Nguyễn Thị Thành Thực, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Toản, ông Phạm Anh Đức

Là người sáng lập và đồng hành cùng nhà nông tỉnh Đồng Tháp trong mô hình Cánh đồng thông minh tại xã Mỹ Đông, huyện Tháp Mười, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ - Chủ tịch Tập đoàn Rynan Holdings JSC đã chia sẻ kết quả của mô hình.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ, cánh đồng thông minh có lắp đặt rất nhiều hệ thống thông minh như: quan trắc mực nước, điều khiển nước vào ruộng, quản lý sâu rầy, giúp cho người nông dân chỉ cần sử dụng điện thoại thông minh để quản lý đồng ruộng. Ông cũng mong muốn, với dữ liệu tự động đó, người nông dân có thể tận dụng để tham gia vào chuyển đổi số sắp tới và việc mở rộng cánh đồng thông minh không có gì là khó khăn.

Người nông dân chính là đối tượng đầu tiên và là đối tượng gốc để chuyển đổi số trong nông nghiệp - bà Nguyễn Thị Thành Thực - Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam nhấn mạnh; đồng thời cho rằng, cần số hóa dữ liệu ngành nông nghiệp để kết nối các nền tảng dịch vụ điện tử tiến tới chuyển đổi số toàn diện.

Bà Nguyễn Thị Thành Thực cho rằng, với công nghệ IoT hiện nay và với một chiếc smartphone, thì một người nông vẫn có thể trở thành một thương nhân kinh doanh nông sản. Bà mong muốn mỗi nông dân là một thương nhân, bởi có như thế thì nông dân mới có thể hiểu nhiều hơn, chia sẻ nhiều hơn về những rủi ro với doanh nghiệp.

Mặt khác, cũng chính các ứng dụng trên smartphone mà phía đơn vị của bà đang thực hiện có thể cung cấp “nhật ký điện tử” mà nông dân không thể chỉnh sửa, làm cho việc theo dõi quá trình sản xuất và truy xuất nguồn gốc được dễ dàng và đảm bảo nghiêm ngặt.

Tiến sĩ Nguyễn Quốc Toản - Cục trưởng cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản đồng tình với định hướng phải ứng dụng chuyển đổi số trong chế biến ở lĩnh vực nông nghiệp, vì trình độ chế biến, công nghệ ở nước ta được đánh giá ở mức trung bình tiên tiến.

Ông Toản cho rằng, để chuyển đổi số trong nông nghiệp thành công thì cần phải có sự tham gia của nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, do đó nên xây dựng hiệp hội ngành hàng ngay tại địa phương; phải xây dựng cơ sở dữ liệu Big data cho ngành nông nghiệp; các doanh nghiệp công nghệ cần phải phát triển các sản phẩm công nghệ gần gũi với thực tế, phù hợp với điều kiện của từng địa phương.

Trong tháng 11 vừa qua thì Đồng Tháp và Tập đoàn Viettel đã ký kết hợp tác. Trong đó, có nội dung về thực hiện chuyển đổi số trên cả 03 lĩnh vực: Chính quyền số, xã hội số, Kinh tế số. Với nội dung ký kết này sẽ góp cho phần chuyển đổi số trong nông nghiệp tại Đồng Tháp.

Tại buổi tọa đàm, giải pháp ngắn hạn được ông Phạm Anh Đức -  Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty giải pháp doanh nghiệp, Viettel đề xuất đó là tạo nên một nền tảng nhằm liên kết giữa người dân và chính quyền và kết nối giữa người nông dân với các kênh bán hàng; kết nối giữa nông dân với người mua; kết nối người dân với các doanh nghiệp cung ứng với vật tư đầu vào.

Cũng theo ông Đức, muốn chuyển đổi số thành công thì nguồn nhân lực vô cùng quan trong, trong đó, ý chí của người đứng đầu là vô cùng quan trọng. Kế đến, người dân cần phải thay đổi tư duy và có mong muốn chuyển đổi số. Truyền thông, khách hàng và chiến lược là những yếu tố quan trọng tiếp theo trong chuyển đổi số. Công nghệ là yếu tố quan trọng cuối cùng, vì công nghệ là cần thiết nhưng không phải là yếu tố quan trọng nhất.

Đề xuất giải pháp chuyển đổi số trong nông nghiệp cho Đồng Tháp, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ cho rằng, cần có thiết bị tự động thu thập dữ liệu (hiện nay đã có), phải có công ty công nghệ đem thiết bị thông minh đến tay người nông dân. Khó khăn lớn nhất là “tư duy làm lén” của người nông dân, họ không thích làm lớn, không thích làm minh bạch nên khó ứng dụng công nghệ.

Muốn đi thẳng vào chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu thì đầu tiên mọi thứ phải minh bạch. Tức là phải bỏ tư duy làm lén đi, mà hãy làm lớn – Tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ đề nghị. Bên cạnh đó, các quy định mang tính hàng rào pháp lý để vận dụng chuyển đổi số phải được thực thi nghiêm túc và quyết liệt.

Không chỉ có thông tin về chuyển đổi số, trong phiên toạ đàm của Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp còn lồng ghép tọa đàm bằng hình thức trực tuyến với chuyên gia Xuất nhập khẩu từ Liên đoàn Đô thị Canada (FCM) để phân tích thị trường Canada về nhập khẩu nông sản, trong đó tập trung nhiều về sản phẩm xoài của địa phương.

Cùng với phiên tọa đàm của tỉnh Đồng Tháp, các tỉnh, thành phố ABCD – Mekong đã tiến hành tọa đàm theo chủ đề riêng của mỗi tỉnh, thành. Cụ thể, tỉnh An Giang: “Công nghiệp hoá sản xuất kinh doanh nông nghiệp - góc nhìn từ OCOP”; tỉnh Bến Tre: “Xây dựng và phát triển địa phương gắn với khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo”; thành phố Cần Thơ: Quy hoạch và phát triển nguồn lực mới ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long”.

Kết thúc các phiên tọa đàm, Ban tổ chức Diễn đàn Mekong Connect 2020 đã tiến hành tổng kết và ghi nhận những giải pháp, kiến nghị của địa phương, các chuyên gia theo từng chủ đề.

Bà Vũ Kim Hạnh - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao (BSA) nhấn mạnh, đây là lần đầu tiên Diễn đàn Mekong Connect tiếp cận với báo cáo tổng quan về Đồng bằng sông Cửu Long và tại phiên thảo luận chiều 21/12, các địa phương đã đưa ra được thế mạnh của từng tỉnh, những vấn đề mỗi tỉnh quan tâm đã tìm được giải pháp cho chính mình. Giải pháp chung nhất đó là tiếp tục kết nối sức mạnh của 04 tỉnh, thành ABCD.

Bà Vũ Kim Hạnh tổng kết các hoạt động Diễn đàn Mekong Connect 2020

Các kiến nghị của các tỉnh sẽ được tổng hợp và ban hành kết luận cuối, chủ yếu là giải pháp, hành động và những công việc cho năm 2021 – bà Vũ Kim Hạnh cho hay. Đồng thời, cho biết, Diễn đàn Mekong Connect thực sự thành công, khi có rất đông các đại biểu tham dự. Không chỉ ở nội dung chính của diễn đàn, mà các hoạt động song song khác cũng thu hút nhiều đại biểu như: Tư vấn trực tiếp với các nhà sản xuất, kinh doanh; kết nối trực tiếp với buyer các thị trường quốc tế; chương trình tư vấn khởi nghiệp v.v..

Ông Phạm Thiện Nghĩa – Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp cảm ơn các chuyên gia, cảm ơn đội ngũ BSA đã kết nối, hỗ trợ các tỉnh ABCD tổ chức thành công Diễn đàn Mekong Connect 2020. Kết thúc diễn đàn, 04 tỉnh sẽ có trách nhiệm tổng hợp và thực thi các hoạt động đề ra trong năm 2021. Đây là thông tin quan trọng để 04 tỉnh đề xuất với Trung ương về xây dựng chính sách, định hướng để hỗ trợ Đồng bằng sông Cửu Long phát triển.

Dịp này, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp đã ký kết hợp tác với Học viện Nông nghiệp Việt Nam, giai đoạn 2021 – 2025, trong xây dựng “Chiến lược Phát triển nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp đến năm 2030, tầm nhìn 2050” và “Đề án Phát triển nền nông nghiệp xanh, giá trị gia tăng cao và thích ứng với biến đổi khí hậu tỉnh Đồng Tháp”.

Ông Phạm Thiện Nghĩa - Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp
và ông Trần Đức Viên - Chủ tịch Hội đồng Học viện Nông nghiệp Việt Nam
ký kết hợp tác.

Nguyệt Ánh
nguyetcttdongthap@gmail.com
thumbnail

Ý kiến của bạn

Ý kiến bạn đọc (0)

Follow

Tin xem nhiều

Danh mục chính Menu

Chính quyền với báo chí

Mục này cập nhật liên tục thông tin nổi bật của báo chí trong và ngoài tỉnh về vùng đất Sen Hồng

Thông cáo báo chí
Người phát ngôn
Báo chí với Đồng Tháp

Danh mục chính Menu

Banner Bản tin chỉ đạo điều hành

Banner Video

Banner Megastory

Banner Tin đồ họa

Tin nổi bật

// ]]>